- 1Law No. 28/2004/QH11 of December 3rd , 2004, on Electricity.
- 2Law. No 24/2012/QH13 of November 20, 2012, amending and supplementing a number of articles of the Electricity Law
- 3Decree No. 95/2012/ND-CP of November 12, 2012, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Industry and Trade
- 4Decision No. 879/QD-TTg dated June 9, 2014, approving the strategy on Vietnam’s industrial development through 2025, with a vision toward 2035
- 5Decision No.880/QD-TTg dated June 09, 2014, on approving the general planning of industrial development in Vietnam by 2020 with a vision towards 2030
- 6Decision No. 2146/QD-TTg dated December 1, 2014, approving the plan on restructuring the industry and trade sector to serve the cause of national industrialization, modernization and sustainable development through 2020, with a vision toward 2030
- 7Decision No. 11476/QD-BCT dated December 18th, 2014, on promulgation of the action plan for the sector of industry and trade to implement the project for restructuring the sector of Industry and Trade for the cause of industrialization, modernization and sustainable development toward 2020, with a vision toward 2030
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14318/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2015 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH ĐIỆN LỰC VIỆT NAM PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 9 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Bộ Công Thương trình tại Tờ trình số 9457/TTr-BCT ngày 25 tháng 9 năm 2014);
Căn cứ Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Điện lực Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án) với các nội dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU
1. Quan điểm, định hướng
a) Tái cơ cấu ngành Điện lực là một hợp phần của tái cơ cấu ngành Năng lượng trong tổng thể tái cơ cấu ngành Công Thương phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
b) Tái cơ cấu ngành Điện lực phải phù hợp và đồng bộ với quan điểm định hướng Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó:
- Đảm bảo cung cấp điện ổn định, đầy đủ với giá điện hợp lý và phát triển ngành điện bền vững.
- Phát huy tối đa nội lực, kết hợp với mở rộng hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế; thu hút sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để huy động tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển ngành Điện.
- Xây dựng cơ cấu tổ chức ngành điện trên cơ sở nâng cao tính cạnh tranh, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch trong vận hành thị trường điện.
c) Tái cơ cấu ngành Điện lực là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần phải được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng chương trình hành động để thực hiện và hệ thống giám sát, đánh giá tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
- Tái cơ cấu ngành Điện lực nhằm phát triển ngành Điện lực Việt Nam với hiệu quả cao, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; mở rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
- Thực hiện tái cơ cấu phải đảm bảo không gây xáo trộn trong cung ứng điện cho nền kinh tế quốc dân, không ảnh hưởng xấu đến khách hàng và đối tác, không tăng thêm chi phí và giảm thiểu phát sinh các đầu mối quản lý trung gian.
- Tái cơ cấu ngành Điện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường tính chủ động trong quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nâng cao năng lực Quản lý nhà nước, tổ chức cơ cấu bộ máy hợp lý thông qua các cơ chế, chính sách, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, các biện pháp can thiệp hành chính, tạo động lực khuyến khích, chuyển dịch, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường nhằm thúc đẩy phát triển ngành Điện lực.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đảm bảo cung cấp điện ổn định, đầy đủ với giá điện hợp lý, phát triển ngành Điện lực bền vững với mục tiêu sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 khoảng 265 - 279 tỷ kWh với công suất đỉnh đạt khoảng 41.000 - 44.000 MW; năm 2030 khoảng 572 - 632 tỷ kWh với công suất đỉnh đạt khoảng 82.000 - 100.000 MW.
- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển thị trường điện theo lộ trình của Chính phủ quy định; Nâng cao tính cạnh tranh, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch trong các hoạt động giao dịch mua bán điện và trong công tác vận hành thị trường điện.
- Phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2016 và tiếp tục xây dựng khung pháp lý để hình thành thị trường bán lẻ cạnh tranh từ năm 2021 theo Lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
- Nâng cao hiệu quả đầu tư và chính sách về giá điện để đảm bảo minh bạch, giá điện phản ánh đúng chi phí và lợi nhuận hợp lý trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện.
- Thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu tư của Nhà nước cho ngành Điện lực.
- Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng; khuyến khích phát triển năng lượng sạch và ưu tiên phát triển năng lượng mới và tái tạo. Phấn đấu tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất, sử dụng đạt khoảng 37 triệu TOE vào năm 2020 và khoảng 62 triệu TOE vào năm 2030.
- Xây dựng các doanh nghiệp ngành Điện lực có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng của đất nước.
- Rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các khó khăn, rào cản cho phát triển của doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành Điện lực.
- Nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành Điện lực thông qua việc xác định lại nhiệm vụ chính, sắp xếp lại tổ chức hoạt động, cơ cấu lại vốn chủ sở hữu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, cơ chế quản lý, quản trị nguồn nhân lực, gắn cơ cấu tập đoàn, tổng công ty với tái cơ cấu ngành Điện lực và tái cấu trúc nền kinh tế.
- Hiện đại hóa nguồn và lưới điện nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm điện năng tự dùng trong khâu phát điện đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ trong quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trong các khâu truyền tải và phân phối điện.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm cường độ năng lượng hàng năm xấp xỉ 2,5%/năm, tỷ lệ tiết kiệm đến năm 2020 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2020 đạt khoảng 4% tổng sản lượng điện thương phẩm hàng năm.
- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, tổ chức quản lý ngành Điện lực.
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ nhằm đổi mới, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa trong chế tạo các hệ thống thiết bị đồng bộ.
- Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn môi trường hoặc tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển ngành Điện lực. Không chấp thuận các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, sử dụng tài nguyên và năng lượng không hiệu quả, ô nhiễm môi trường.
- Rà soát, kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và chương trình đã được phê duyệt; chỉ thực hiện đầu tư khi dự án đã được lựa chọn theo đúng quy trình và thứ tự ưu tiên, đã xác định nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí đủ vốn hoàn thành dự án đầu tư.
- Tăng cường thẩm quyền và năng lực của hệ thống giám sát đầu tư, chấp hành pháp luật, cơ chế chính sách, nâng cao trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát trong đầu tư.
1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước
- Tăng cường vai trò công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực. Phân định rõ giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành Điện lực.
- Thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu cường độ năng lượng tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực. Tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% trên tổng năng lượng tiêu thụ.
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho ngành điện và các hoạt động của ngành phù hợp với bản chất doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch theo cơ chế thị trường.
- Xây dựng cơ chế định giá thị trường hiệu quả giúp đạt được mục tiêu tối thiểu hóa chi phí mua điện trên thị trường, đồng thời đưa ra tín hiệu giá đúng, khuyến khích các đơn vị phát điện chào giá hiệu quả, thực hiện tối ưu chi phí; và đưa ra tín hiệu giá hiệu quả cho khách hàng tham gia thị trường.
- Xây dựng Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, áp dụng phương thức quản trị hiện đại trong quản lý và điều hành.
- Xây dựng Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và rà soát, cập nhật Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để làm cơ sở cho việc đầu tư hiệu quả trong ngành Điện lực.
- Xây dựng cơ chế giá điện áp dụng cho các dạng năng lượng tái tạo nối lưới, phù hợp với các điều kiện của các khu vực khác nhau và đặc điểm của công nghệ phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo bảo đảm nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ lưới điện thông minh trong truyền tải và phân phối điện để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng trên lưới điện; làm chủ công nghệ nhiệt điện, ứng dụng công nghệ đốt than sạch, hiệu suất cao nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
- Xây dựng chỉ tiêu năng suất lao động, định mức chi phí - đơn giá cho phù hợp với thực tế nhằm quản lý các yếu tố chi phí sản xuất trong các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện; phấn đấu đến năm 2020 năng suất lao động trong các khâu của ngành Điện lực Việt Nam có thể tương đương với một số nước tiên tiến trong khu vực.
2. Đối với doanh nghiệp ngành Điện lực
a) Các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục nắm giữ các nhà máy thủy điện đa mục tiêu hạch toán phụ thuộc sẽ đảm bảo có đủ khả năng về tài chính thực hiện các dự án đầu tư được giao đúng tiến độ.
- Đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu trực tiếp tham gia Thị trường bán buôn điện và bán lẻ điện.
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng và nắm giữ các nhà máy điện hạt nhân, các nhà máy này hạch toán phụ thuộc sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
b) Các Tổng công ty phát điện (Genco) thuộc EVN
- Trước năm 2020: Theo lộ trình, các Genco sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2015-2017, từng bước giảm dần cổ phần nắm giữ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tiến tới tách ra hoạt động độc lập.
- Trong giai đoạn 2021 - 2030: tiếp tục cổ phần hóa các Genco, định hướng phần vốn nhà nước chỉ giữ lại khoảng 30%.
- Đối với các nhà máy điện không phải các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và điện hạt nhân do EVN đang thực hiện đầu tư sẽ chuyển giao cho các Genco hiện có hoặc xem xét thành lập Genco mới, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các quy định của thị trường điện.
c) Tổng công ty Điện lực Than - Khoáng sản (TKV Power)
- Mô hình quản lý hoạt động của Tổng công ty hiện tại đã thực hiện cổ phần hóa và đang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
- Trong giai đoạn đến năm 2020, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa TKV Power để giảm dần cổ phần nắm giữ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
d) Tổng công ty điện lực Dầu khí (PV Power)
- Mô hình quản lý hoạt động của Tổng công ty hiện tại đang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con và thực hiện cổ phần hóa sau 2015.
- Trong giai đoạn đến năm 2020, thực hiện cổ phần hóa PV Power. Tổng công ty thực hiện thoái vốn tại các đơn vị liên doanh, liên kết và chỉ giữ vốn chi phối tại các dự án lớn, quan trọng.
e) Khối các Nhà máy điện BOT
- Ngoài các nhà máy điện đã có kế hoạch giao các Nhà đầu tư thực hiện đầu tư BOT, cần nghiên cứu tính toán tỷ trọng hợp lý của các nhà máy điện BOT trong hệ thống điện đến 2030 để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả đầu tư của nguồn điện trong thị trường bán lẻ điện.
- Khuyến khích các nhà máy điện BOT trực tiếp tham gia Thị trường bán buôn điện (chào bán phần sản lượng trên sản lượng bao tiêu trên thị trường giao ngay hoặc chuyển đổi, ký kết hợp đồng CfD thay cho hợp đồng PPA truyền thống để tham gia thị trường điện và được tham gia thiết lập giá thị trường như những đơn vị phát điện khác).
- Các dự án BOT mới, cần xem xét giảm sản lượng điện năng bao tiêu trong hợp đồng (từ 80-90% khả năng cung cấp) để tăng tỷ lệ điện năng tham gia trên thị trường bán buôn điện.
f) Khối các Nhà máy điện độc lập IPP
Cho phép các nhà máy điện IPP độc lập tham gia thị trường điện cạnh tranh hoặc tự nguyện liên kết thành lập các Genco mới để tham gia thị trường điện.
g) Truyền tải điện
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là đơn vị hạch toán độc lập do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mô hình này đã đáp ứng được các cấp độ phát triển của thị trường điện và thực hiện các chức năng quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.
Giá truyền tải điện cần tính toán để EVNNPT có tỷ lệ lợi nhuận hợp lý, đảm bảo năng lực đầu tư phát triển lưới điện truyền tải theo quy hoạch được duyệt trên cơ sở nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.
h) Khối phân phối điện
- Các Tổng công ty điện lực sẽ đóng vai trò là các đơn vị mua buôn điện, tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh với các nhiệm vụ như sau:
+ Tham gia cạnh tranh mua điện năng trên thị trường giao ngay.
+ Ký kết hợp đồng song phương, hợp đồng sai khác điều chỉnh (vesting) với các đơn vị phát điện để quản lý rủi ro trên thị trường giao ngay.
+ Thực hiện thanh toán các khoản thanh toán trên thị trường giao ngay theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh và các khoản thanh toán hợp đồng theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết.
+ Thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ phân phối điện.
- Để đảm bảo có cạnh tranh công bằng, minh bạch, đặc biệt là khi chuyển đổi sang Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, các Tổng công ty điện lực cần phải tách bạch về tổ chức bộ máy và hạch toán giữa các bộ phận phân phối và bán lẻ điện. Trong giai đoạn đến năm 2020, cần tách bạch chức năng bán lẻ về tổ chức, hạch toán tài chính trong các Tổng công ty điện lực, đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Phân tách độc lập chi phí cho từng chức năng phân phối điện, bán lẻ điện và các chức năng khác;
+ Phân tách về chức năng, đội ngũ nhân sự và tổ chức giữa các khâu phân phối và bán lẻ;
- Nghiên cứu phương án thống nhất mô hình tổ chức quản lý vận hành lưới điện 110 kV tại các Tổng công ty điện lực để thuận lợi cho việc tính phí phân phối; chuyên môn hóa, thống nhất trong công tác quản lý điều hành, chỉ huy, vận hành, sửa chữa và đầu tư phát triển lưới điện 110kV của từng Tổng công ty.
- Giai đoạn từ 2021 - 2030, thực hiện cổ phần hóa các Công ty điện lực và xem xét tách các Tổng công ty điện lực độc lập khỏi EVN.
i) Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0):
- Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đóng vai trò là Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (MSO), thực hiện hai chức năng chính:
+ Tiếp nhận các bản chào giá, thực hiện tính toán kết quả thị trường điện và thanh toán.
+ Cung cấp số liệu hệ thống phục vụ tính toán vận hành thị trường điện, tiếp nhận kết quả thị trường điện, kiểm tra an ninh, vận hành hệ thống theo kết quả thị trường điện, trực tiếp mua và sử dụng dịch vụ phụ trợ để đảm bảo cân bằng hệ thống thời gian thực.
- Trong giai đoạn đến năm 2018, cùng với sự hình thành và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh, MSO tiếp tục giữ mô hình hạch toán phụ thuộc EVN. Sau năm 2018, cần chuyển đổi sang mô hình hạch toán độc lập.
- Trong giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nghiên cứu tách MSO độc lập khỏi EVN.
j) Mua-Bán điện (EPTC)
- Trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Công ty Mua bán điện (EPTC) tiếp tục mua điện từ các nhà máy điện không tham gia thị trường, bao gồm: các nguồn điện nhập khẩu, các nhà máy điện BOT, các nhà máy điện thuộc khu công nghiệp, các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời bán phần sản lượng điện năng mua này cho các Tổng công ty điện lực.
- Khi chuyển sang giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh, mô hình tổ chức của EPTC giữ nguyên như hiện nay, tiếp tục là đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN.
- Khi chuyển sang giai đoạn thị trường bán lẻ điện, cần rà soát chức năng, nhiệm vụ để sát nhập, chuyển đổi hoặc giải thể EPTC.
k) Các đơn vị trực thuộc khác
Các Tập đoàn cần xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó xem xét phương án tái cơ cấu các đơn vị trực thuộc với định hướng giảm tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước và thu gọn đầu mối để đảm bảo hiệu quả hoạt động, cụ thể:
- Các Công ty tư vấn xây dựng điện: Các Tập đoàn xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu khối tư vấn xây dựng điện, định hướng phần vốn nhà nước chỉ giữ lại khoảng 30%.
- Các Ban Quản lý dự án: Các Tập đoàn cần sắp xếp, tái cơ cấu các Ban QLDA nguồn điện theo hướng chuyên nghiệp hóa để quản lý trong quá trình thực hiện đầu tư và bàn giao sau khi hoàn thành các dự án nguồn điện.
- Các Công ty cơ khí điện lực: EVN sẽ bán bớt cổ phần và chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần tại 04 Công ty cổ phần Cơ khí điện lực.
- Các Trường đào tạo: EVN cần xây dựng phương án sắp xếp, tái cơ cấu các trường đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu đối với các trường Cao đẳng nghề điện, Cao đẳng Điện lực miền Trung và Cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh.
- Các công ty liên kết và đầu tư ngoài ngành: Các Tập đoàn cần tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác công tác thoái vốn theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2016.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành Điện lực còn thực hiện tái cơ cấu để đảm bảo yêu cầu minh bạch về chi phí, tăng tính cạnh tranh trong thị trường điện. Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
1. Đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách khung pháp lý về thị trường điện và chính sách giá điện, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành:
- Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho phát triển ngành Điện lực.
- Hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng thị trường điện để đảm bảo môi trường cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực Điện lực.
- Hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển các dạng năng lượng tái tạo nối lưới trong đó có chính sách về giá điện, phù hợp với đặc điểm của công nghệ phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo bảo đảm nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý.
- Hoàn thiện chính sách về giá điện đảm bảo minh bạch, phản ánh đúng chi phí từ các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối. Đưa ra được tín hiệu về giá, phản ánh đúng nhu cầu hệ thống cho nhà đầu tư nguồn điện đồng thời có hiệu quả cho khách hàng sử dụng điện thực hiện chương trình tiết kiệm điện.
2. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực:
- Nâng cao chất lượng trong công tác lập quy hoạch, gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, kế hoạch, quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển điện lực.
- Tiến hành rà soát, hệ thống hóa các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc ngành Năng lượng đã được lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt để có những sửa đổi, bổ sung và lập mới.
- Tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương tình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khung pháp lý quy định định mức sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm, tiêu thụ nhiều năng lượng; xây dựng khung pháp lý cho việc vận hành thị trường Dịch vụ tiết kiệm năng lượng (ESCO).
- Tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực Điện lực và đảm bảo tuân thủ quy hoạch, chiến lược được phê duyệt.
3. Nâng cao tính cạnh tranh trong ngành Điện lực:
- Tiếp tục phát triển thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.
- Đảm bảo tính cạnh tranh trong ngành Điện lực, xây dựng cấu trúc ngành phù hợp, hình thành nhiều đơn vị mua điện và nhiều đơn vị bán điện, các đơn vị cung cấp dịch vụ (Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phân phối điện) cần độc lập với bên mua và bên bán.
- Thị trường điện cần phải đưa ra được tín hiệu về giá, phản ánh đúng nhu cầu hệ thống cho nhà đầu tư; đảm bảo tính minh bạch trong quá trình vận hành hệ thống điện - thị trường điện, lập lịch huy động và tính giá thị trường; có cơ chế hợp đồng ký kết với các nguồn điện mới để quản lý rủi ro thị trường; khuyến khích nâng cao hiệu quả vận hành để khai thác tối ưu các nguồn điện.
4. Đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao:
- Nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ lưới điện thông minh trong truyền tải và phân phối điện để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng trên lưới điện.
- Tăng cường đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất lao động và hiệu suất vận hành hệ thống điện để giảm nhu cầu đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.
- Nghiên cứu làm chủ công nghệ nhiệt điện, nâng cao hiệu quả sử dụng than, khí đốt, tăng độ tin cậy và hệ số sẵn sàng thiết bị; triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ trên siêu tới hạn, công nghệ khí hóa than; cải tạo, nâng cấp và thay thế các thiết bị hiện đại cho các nhà máy nhiệt điện.
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công nghệ năng lượng mới và tái tạo trong khâu sản xuất và thúc đẩy tiết kiệm điện.
5. Nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh:
- Triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn vốn vào các dự án theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 05 năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tiến độ đầu tư theo quy hoạch được duyệt và hiệu quả trong đầu tư.
- Áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm.
- Đổi mới tổ chức quản lý, đổi mới và tăng cường hiệu lực quản lý nội bộ phù hợp với từng tập đoàn, tổng công ty; tập trung đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính.
6. Tái cơ cấu, tổ chức các doanh nghiệp trong ngành Điện lực:
- Thực hiện các giải pháp trong quản trị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện.
- Rà soát, sắp xếp, sát nhập, giải thể một số đơn vị thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện.
- Khuyến khích các thành lập các Công ty dịch vụ năng lượng (ESCo) độc lập hoặc trực thuộc các Tổng công ty điện lực để triển khai các dịch vụ nhằm thúc đẩy thực hiện tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả.
7. Nâng cao hiệu suất lao động trong các doanh nghiệp
- Xây dựng các giải pháp, ứng dụng công nghệ hiện đại, áp dụng mô hình quản trị tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng lao động trong các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối bán lẻ điện.
- Các đơn vị phát điện đẩy nhanh kế hoạch đào tạo chuyên môn hóa trong công tác vận hành và bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa lớn, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải, phân phối điện đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các trạm biến áp không người trực, các trung tâm điều khiển xa cho giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở tích hợp hệ thống tự động điều khiển để không thêm đầu mối quản lý, tiết kiệm chi phí đầu tư.
- Rà soát mô hình tổ chức, xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp vụ, định mức lao động; sắp xếp, đào tạo và tái đào tạo trong các khâu đảm bảo lợi ích người lao động trong giải quyết lao động dôi dư.
8. Cải thiện tình hình tài chính của đơn vị ngành Điện lực
- Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc ngành Điện lực; thực hiện đa dạng hóa sở hữu, kiên quyết thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực, ngành không liên quan tới lĩnh vực kinh doanh chính. Triển khai quyết liệt các đề án tái cấu trúc các Tập đoàn, Tổng công ty đã được phê duyệt.
- Phát triển các doanh nghiệp chuyên ngành, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, đủ mạnh và xóa bỏ sự cạnh tranh nội bộ theo các lĩnh vực hoạt động chính.
- Xây dựng hệ thống quản trị nhân sự chuẩn mực quốc tế; tăng cường quản lý, giám sát thông qua người đại diện phần vốn; xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế cử người đại diện dựa trên loại hình của doanh nghiệp.
9. Phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng chiến lược và tổ chức đào tạo theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực chuyên ngành.
- Tập trung ưu tiên đào tạo chuyên gia thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, theo giai đoạn để đảm bảo chất lượng yêu cầu theo từng thời kỳ.
10. Giải pháp về an toàn, môi trường và phát triển bền vững
- Nghiên cứu phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam, bảo đảm có đủ năng lực tự xử lý các nguồn thải, đặc biệt đối với các dự án nhiệt điện than.
- Lựa chọn và sử dụng công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện môi trường, công nghệ có độ tin cậy và an toàn cao, chú trọng xử lý chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tổng cục Năng lượng, các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong, ngoài Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án, cụ thể như sau:
1. Tổng cục Năng lượng
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Điện lực; đầu mối kiểm tra, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện Đề án.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển ngành Điện lực, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện hiệu quả Đề án.
- Thường xuyên giám sát chuyên ngành việc đáp ứng các điều kiện đầu tư và quản lý nhà nước đối với các dự án thuộc thẩm quyền.
- Hàng năm tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Đề án báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương; chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.
2. Cục Điều tiết điện lực
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung pháp lý để đảm bảo thị trường điện vận hành minh bạch và hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các quy định về giá điện và các loại phí trong thị trường điện để đảm bảo các mục tiêu của Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu năng suất lao động, định mức chi phí - đơn giá cho phù hợp với thực tế nhằm quản lý các yếu tố chi phí sản xuất trong các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
3. Vụ Kế hoạch
- Giám sát đầu tư của các doanh nghiệp ngành Điện lực theo thẩm quyền; xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư làm cơ sở giám sát quá trình thực hiện và đánh giá hiệu quả đầu tư.
4. Vụ Tài chính
- Chủ trì đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút vốn, xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực ưu tiên trong ngành Điện lực.
- Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tài chính phục vụ quá trình thực hiện Đề án.
5. Vụ Tổ chức cán bộ
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát và hướng dẫn công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo các nội dung của Đề án.
- Đầu mối chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp ngành Điện lực thực hiện các đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt.
6. Các Cục, Vụ có liên quan
- Định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Điện lực phù hợp với nội dung Đề án.
- Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật trong ngành Điện lực;
- Phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực Điện lực.
- Rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành Điện lực.
- Tìm kiếm các đối tác thuộc khu vực đơn vị quản lý để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ chuyển giao công nghệ về sản xuất, đầu tư trong lĩnh vực Điện lực.
7. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Căn cứ Đề án, tổ chức rà soát xây dựng quy hoạch phát triển Điện lực trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
- Tạo điều kiện, ưu tiên bố trí quỹ đất cho các nhà đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực điện lực trên địa bàn.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các công trình trong lĩnh vực Điện lực trình cấp có thẩm quyền quyết định.
8. Các tổ chức Hội, Hiệp hội tăng cường vai trò liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với Tổng cục Năng lượng trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng trong ngành điện lực. Các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Năng lượng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
9. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước hoạt động trong ngành Điện lực xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện các nội dung trong đề án, báo cáo tình hình thực hiện gửi Tổng cục Năng lượng, các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương trước ngày 15 tháng 12 hàng năm; Tổng cục Năng lượng tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Đề án trước ngày 15 tháng 01 của năm sau đó.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Decision No. 168/QD-TTg dated February 7, 2017,
- 2Decision No. 428/QD-TTg dated 18 March 2016, the approval of revisions to the national power development plan from 2011 to 2020 with visions extended to 2030
- 3Decision No. 11476/QD-BCT dated December 18th, 2014, on promulgation of the action plan for the sector of industry and trade to implement the project for restructuring the sector of Industry and Trade for the cause of industrialization, modernization and sustainable development toward 2020, with a vision toward 2030
- 4Decision No. 2146/QD-TTg dated December 1, 2014, approving the plan on restructuring the industry and trade sector to serve the cause of national industrialization, modernization and sustainable development through 2020, with a vision toward 2030
- 5Decision No. 879/QD-TTg dated June 9, 2014, approving the strategy on Vietnam’s industrial development through 2025, with a vision toward 2035
- 6Decision No.880/QD-TTg dated June 09, 2014, on approving the general planning of industrial development in Vietnam by 2020 with a vision towards 2030
- 7Law. No 24/2012/QH13 of November 20, 2012, amending and supplementing a number of articles of the Electricity Law
- 8Decree No. 95/2012/ND-CP of November 12, 2012, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Industry and Trade
- 9Law No. 28/2004/QH11 of December 3rd , 2004, on Electricity.
Decision No. 14318/QD-BCT dated 25 December, 2015, on the approval of the project for restructuring Vietnam power sector for the cause of industrialization, modernization and sustainable development towards 2020 and for visions extended to 2030
- Số hiệu: 14318/QD-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/12/2015
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Huy Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/12/2015
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực