- 1Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
- 2Law No. 23/2004/QH11 of June 15, 2004 on inland waterway navigation
- 3Law No.66/2006/QH11 of June 29, 2006 Vietnam civil aviation
- 4Order No. 13/2005/L-CTN of June 27, 2005, on the promulgation of The Vietnam Maritime Code.
- 5Law No. 17/2003/QH11 of November 26, 2003, on Fisheries.
- 6Decree No. 21/2012/ND-CP of March 21, 2012, on management of seaports and navigable channels
- 7Law No. 18/2012/QH13 of June 21, 2012, on Vietnamese sea
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2014/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2014 |
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN VÀ TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2014 thay thế Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
PHỐI HỢP TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN VÀ TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
Quy chế này quy định về hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển; trách nhiệm chủ trì, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các tổ chức, cá nhân.
Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và trong vùng nước cảng biển.
Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện hoạt động trên biển (sau đây viết tắt là phương tiện) bao gồm tàu thuyền, thủy phi cơ, phương tiện thủy nội địa và các phương tiện di động và không di động trên biển.
2. Chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc quản lý, khai thác sử dụng phương tiện.
3. Tìm kiếm trên biển là việc sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xác định vị trí người, phương tiện bị nạn.
4. Cứu nạn trên biển là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
5. Cứu hộ trên biển là hoạt động cứu tàu thuyền hoặc tài sản trên tàu thuyền thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động cứu trợ (bao gồm cả việc kéo, đẩy) tàu thuyền đang bị nguy hiểm trên biển, được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng cứu hộ giữa tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ với tổ chức, cá nhân đề nghị cứu hộ.
6. Lai dắt tàu thuyền là việc lai, kéo, đẩy (hoặc túc trực bên cạnh) tàu thuyền trên biển và trong vùng nước cảng biển, được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng lai dắt giữa chủ tàu thuyền lai dắt và bên thuê lai dắt.
7. Kênh cấp cứu - khẩn cấp (còn gọi là tần số Cấp cứu - Khẩn cấp) là kênh thông tin Cấp cứu - Khẩn cấp phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn và các hoạt động công ích, nhân đạo khác có liên quan.
8. Tình huống tìm kiếm, cứu nạn trên biển là những sự cố do thiên tai, thảm họa, tai nạn gây ra trên biển có nguy cơ hoặc thực tế đang đe dọa, gây hậu quả tổn thất về người cần thiết phải có các biện pháp ứng phó kịp thời, thích hợp để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
9. Vùng biển Việt Nam là vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
10. Vùng nước cảng biển là vùng nước thuộc quyền quản lý của Cảng vụ hàng hải được cơ quan có thẩm quyền công bố, bao gồm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng xây dựng luồng cảng biển và các công trình phụ trợ khác.
11. Khu vực hạn chế hoạt động trên biển là khu vực được xác lập bởi các tọa độ trên hải đồ, thuộc lãnh hải Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, trục vớt, tìm kiếm, cứu nạn hoặc diễn tập quân sự.
12. Vùng cấm trên biển là vùng được xác định bằng tọa độ trên hải đồ, thuộc lãnh hải Việt Nam để bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngăn ngừa thảm họa môi trường và dịch bệnh.
13. Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn (sau đây gọi tắt là Chỉ huy hiện trường) là người điều phối hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, duy trì liên lạc giữa hiện trường với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn và thực hiện các chỉ dẫn của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để thực hiện hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường.
14. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trên biển là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong một vùng hoặc khu vực biển.
15. Đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách là đơn vị gồm những người được đào tạo và được cung cấp trang thiết bị phù hợp cho việc tiến hành khẩn trương các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
16. Đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển là các cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của cơ quan chủ trì hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải điều động lực lượng, phương tiện thuộc quyền tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 4. Nguyên tắc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
1. Phối, kết hợp mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển; ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.
2. Chủ động, sẵn sàng lực lượng cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực, tính chất vụ việc.
3. Đảm bảo thông tin cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn; ưu tiên tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn; báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi xét thấy tình huống vượt quá khả năng của lực lượng ứng cứu.
4. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, tàu thuyền hoạt động trên biển tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
5. Đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 5. Lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
1. Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thuộc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân.
2. Lực lượng, phương tiện thuộc quyền quản lý, sử dụng của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Ban quản lý cảng cá; lực lượng, phương tiện của Công an, Quân đội, của các tổ chức, cá nhân tại địa phương và của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương.
3. Lực lượng, phương tiện khác hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển.
4. Lực lượng, phương tiện, thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc, cấp cứu y tế và các bảo đảm khác cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
5. Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép.
1. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế do Bộ Quốc phòng công bố.
3. Cảng vụ Hàng hải chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
4. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
5. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp vị trí của người, phương tiện bị nạn không xác định; nằm trong vùng giáp ranh với quốc gia khác và trên vùng biển Việt Nam trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của các cơ quan quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.
Điều 7. Diễn tập phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phối hợp tìm kiếm, cứu nạn cấp quốc gia và với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trên vùng biển Việt Nam.
2. Hàng năm cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức huấn luyện, diễn tập trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Điều 8. Thanh toán chi phí tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
1. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển do ngân sách nhà nước cấp.
2. Nguồn kinh phí thanh toán, hỗ trợ chi phí tìm kiếm, cứu nạn được lấy từ nguồn ngân sách hàng năm cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và các nguồn hợp pháp khác của Bộ, ngành, địa phương.
THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRÊN BIỂN VÀ TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN
Điều 9. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
1. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam bao gồm cả vô tuyến mặt đất và vô tuyến vệ tinh.
2. Hệ thống các đài thông tin trực canh của Bộ đội Biên phòng ven biển, hệ thống Rađa biển.
3. Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản.
4. Các hệ thống thông tin chuyên ngành khác, các loại hình thông tin khác của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển.
5. Hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
Điều 10. Quy định về thông tin liên lạc trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Sử dụng các kênh (tần số) trực canh, thông tin liên lạc và cấp cứu - khẩn cấp trên biển bằng vô tuyến điện thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Nội dung điện cấp cứu - khẩn cấp cần có đủ thông tin giúp cho Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết tình huống tai nạn, sự cố để chuẩn bị phương án hỗ trợ hoặc tìm kiếm, cứu nạn, bao gồm:
a) Tên phương tiện bị nạn, hô hiệu, mã nhận dạng hàng hải (MMSI) hoặc nhận dạng khác;
b) Thời gian và vị trí bị nạn;
c) Tính chất tai nạn;
d) Yêu cầu trợ giúp cứu người gặp nạn hoặc lai dắt, cứu hộ phương tiện và các yêu cầu khác (nếu có);
đ) Tên, địa chỉ và các phương thức liên lạc với chủ phương tiện hoặc với đại diện của chủ phương tiện;
e) Các thông tin hữu ích khác: Số lượng và tình trạng sức khỏe thuyền viên, người trên phương tiện; tình hình thời tiết, cấp sóng, gió tại khu vực bị nạn; tần số, thiết bị thông tin, thiết bị phao cứu sinh.
Điều 11. Trách nhiệm phát và tiếp nhận tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp
1. Người, phương tiện bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
Người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp, trừ trường hợp bất khả kháng phải phát thông tin cấp cứu - khẩn cấp theo quy định sau:
a) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc hệ thống đài trực canh của Bộ đội Biên phòng hoặc Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, hoặc các phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết để yêu cầu trợ giúp;
b) Trong trường hợp đề nghị lai dắt, cứu hộ, ngoài nội dung nêu tại Khoản 2 Điều 10 Quy chế này, cần thông báo thêm các thông số kỹ thuật của phương tiện cần lai dắt, cứu hộ để xác định phương án lai dắt, cứu hộ như: Trọng tải, chiều dài, chiều rộng, mớn nước của phương tiện;
c) Bảo đảm việc duy trì liên lạc với người, cơ quan, tổ chức đã liên lạc để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp (thông qua Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc trực tiếp);
d) Báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn trên biển và của lực lượng, phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn;
đ) Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho người, cơ quan, tổ chức đã thông tin cấp cứu - khẩn cấp để dừng việc cứu nạn.
2. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển
a) Trường hợp phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, phải có trách nhiệm đến cứu giúp người gặp nạn nếu không ảnh hưởng đến an toàn người, phương tiện của mình;
b) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;
c) Trường hợp không thể tham gia cứu người gặp nạn (do mất an toàn về người, phương tiện của mình hoặc đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp khác) phải thông báo cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực biết.
3. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị nạn phải thông báo kịp thời cho các cơ quan, lực lượng có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn biết để xử lý. Người cung cấp thông tin báo nạn phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin báo nạn.
4. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và các hệ thống Đài thông tin tìm kiếm, cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn.
5. Các cơ quan được giao nhiệm vụ về tìm kiếm, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin; chuẩn bị phương án và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 12. Quy định về phát thông tin người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển
1. Thông tin về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển do Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam phát trên tần số và theo phương thức quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Nội dung thông tin cảnh báo hàng hải về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn do cơ quan chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn quyết định.
3. Việc dừng phát thông tin tìm kiếm, cứu nạn do cơ quan chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn quyết định.
Điều 13. Phát tin cảnh báo và thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trên biển
1. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam, Trung tâm thông tin Tổng cục Thủy sản tổ chức phát tin cảnh báo cho người, phương tiện hoạt động trên biển biết để chủ động có biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trong khu vực bị ảnh hưởng trên biển:
a) Phát các bản tin về áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định của pháp luật về báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;
b) Phát thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần trên biển theo quy định của pháp luật về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
c) Phát các thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển theo Quy chế Thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển hiện hành;
d) Phát thông báo khu vực hạn chế hoạt động trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thiết lập khu vực hạn chế hoạt động trên biển;
đ) Phát thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trong khu vực bị ảnh hưởng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn;
e) Việc dừng phát tin cảnh báo hoặc thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa trên biển do cơ quan có thẩm quyền đề nghị phát quyết định.
2. Các phương tiện thông tin đại chúng căn cứ chức năng, nhiệm vụ phát tin cảnh báo về thiên tai, thảm họa trên biển.
Điều 14. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường trên biển
1. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Tham gia cứu người bị nạn trên biển khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, nếu không mất an toàn cho người, phương tiện của mình. Đồng thời thông báo cho Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức, cá nhân liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;
b) Chấp hành lệnh điều động tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi được cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn trên biển huy động;
c) Tham gia hỗ trợ, cứu hộ phương tiện gặp nạn theo quy định.
2. Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Liên lạc với người, phương tiện bị nạn nắm tình hình, thống nhất cách thức, tần số liên lạc, biện pháp duy trì liên lạc với người, phương tiện bị nạn;
b) Trường hợp hai bên đã thống nhất được biện pháp hỗ trợ, lai dắt, cứu hộ hoặc cứu nạn mà không cần sự hỗ trợ thêm phải báo Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn biết để dừng việc hỗ trợ, cứu nạn;
c) Trường hợp cần sự hỗ trợ thêm, phải thông báo cho Cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn những đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết;
d) Thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chỉ huy hiện trường và có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho Chỉ huy hiện trường.
3. Chỉ huy hiện trường
a) Trường hợp có một phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì thuyền trưởng phương tiện là Chỉ huy hiện trường. Khi có hai hoặc nhiều phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì Chỉ huy hiện trường sẽ do Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chỉ định.
b) Chỉ huy hiện trường có trách nhiệm
Phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
Duy trì thông tin liên lạc giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
Thực hiện các chỉ dẫn, yêu cầu về tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;
Báo cáo, đề xuất với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn việc bổ sung, thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với điều kiện thực tế hay việc dừng, chấm dứt hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Việc thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn phải được Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chấp thuận;
Trong trường hợp khẩn cấp và không thể liên lạc được với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn được quyền điều chỉnh kế hoạch hành động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình thực tế, sau đó phải báo cáo với Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất.
4. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Tổ chức nắm bắt tình hình về tai nạn, sự cố để đưa ra phương án tổ chức, điều động hoặc kiến nghị điều động lực lượng, phương tiện đến ứng phó kịp thời và hiệu quả;
b) Yêu cầu hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam phát thông tin tìm kiếm, cứu nạn về người, phương tiện đang gặp nguy hiểm trên biển; dừng phát khi đã kết thúc tình huống cấp cứu - khẩn cặp; duy trì thông tin liên lạc với Chỉ huy hiện trường, chỉ đạo hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
c) Hướng dẫn người, phương tiện bị nạn, thuyền trưởng phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn; Chỉ huy hiện trường tùy theo từng tình huống và diễn biến của vụ việc để nắm, xử lý thông tin, đưa ra chỉ dẫn, biện pháp hỗ trợ, cứu nạn kịp thời;
d) Trực tiếp điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết; kiến nghị các cấp có thẩm quyền trực tiếp về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện đến ứng phó khi vượt khả năng ứng phó của mình;
đ) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác để tiến hành và giải quyết hậu quả vụ tìm kiếm, cứu nạn.
5. Đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm:
a) Chấp hành lệnh điều động lực lượng, phương tiện của cơ quan có thẩm quyền tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;
b) Phối hợp với các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn khác trong việc điều hành phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển dưới sự điều hành của đơn vị chủ trì tìm kiếm, cứu nạn. Kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết những thông tin liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
6. Chủ phương tiện hoạt động trên biển có trách nhiệm:
a) Chấp hành nghiêm lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền trong việc điều động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển;
b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện của mình.
7. Doanh nghiệp bảo hiểm đã bán bảo hiểm cho phương tiện bị nạn trên biển có trách nhiệm:
a) Phối hợp và cung cấp tài liệu, hồ sơ và thông tin liên quan đến người, phương tiện được bảo hiểm theo nội dung yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn khi tiến hành cứu nạn và giải quyết vụ việc;
b) Chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người, thuyền viên trên biển trong trường hợp phối hợp với chủ phương tiện tiến hành lai dắt hay cứu hộ phương tiện.
Điều 15. Phối hợp trong lai dắt, cứu hộ phương tiện bị nạn trên biển
1. Việc lai dắt, cứu hộ phương tiện đang gặp nạn trên biển thoát khỏi nguy hiểm thực hiện theo các quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
2. Trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn cho người khi lai dắt, cứu hộ, thuyền trưởng phương tiện bị nạn và phương tiện cứu hộ phải phát tín hiệu tìm kiếm, cứu nạn quy định tại Điều 10 Quy chế này.
3. Trường hợp tàu biển bị tai nạn hoặc hư hỏng máy móc, thiết bị phải thả trôi trên biển có nguy cơ đâm va, mắc cạn gây hậu quả nghiêm trọng đối với người, phương tiện, hàng hóa hoặc ô nhiễm môi trường mà Chủ tàu chưa có biện pháp xử lý kịp thời, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đưa tàu vào vị trí an toàn. Chủ tàu phải thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh có liên quan kể cả trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình đưa tàu đến vị trí an toàn.
4. Trường hợp cấp thiết cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có quyền yêu cầu người, thuyền viên phải rời khỏi phương tiện bị nạn để bảo đảm an toàn tính mạng.
5. Trong trường hợp khẩn cấp, việc điều động phương tiện chuyên dùng tìm kiếm, cứu nạn, phương tiện quân sự hoặc công vụ tham gia hoạt động cứu hộ do cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 16. Phối hợp sử dụng tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển
1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì điều động tàu bay tìm kiếm, cứu nạn; xác định hoặc chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam xác định khu vực tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu lập kế hoạch bay tìm kiếm và thông báo kế hoạch bay tìm kiếm cho Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia.
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu xây dựng kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
3. Tàu bay tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải thông báo kết quả quan sát, tìm kiếm về cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam.
4. Việc chỉ huy cứu nạn bằng tàu bay tại hiện trường trên biển do Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn trên biển đảm nhiệm.
5. Theo yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu yêu cầu các tàu bay dân dụng đang hoạt động trong khu vực tìm kiếm, cứu nạn tham gia vào việc tìm kiếm, cứu nạn.
6. Tàu bay của Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn ngoài vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam hoặc tàu bay nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam thực hiện theo Thỏa thuận song phương về tìm kiếm, cứu nạn giữa hai quốc gia.
Điều 17. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bay bị nạn trên biển
1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu bay dân dụng bị nạn trên biển.
2. Trường hợp tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn trên biển, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phải:
a) Báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Bộ Giao thông vận tải để xin ý kiến chỉ đạo;
b) Phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam để thống nhất kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn hàng không và hàng hải;
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức tìm kiếm, cứu nạn tàu bay bị nạn trên biển.
1. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không lập các kênh thông tin trực tiếp với Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn tương ứng của các quốc gia cần tổ chức phối hợp tìm kiếm, cứu nạn để:
a) Trao đổi thông tin về tình huống tìm kiếm, cứu nạn: Tình hình, số lượng người, phương tiện gặp nạn; lực lượng, phương tiện của mỗi quốc gia trong tham gia tìm kiếm, cứu nạn;
b) Xác định trách nhiệm, phân công phạm vi tìm kiếm, cứu nạn của mỗi bên; các nội dung phối hợp; tần số và cách thức liên lạc của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn;
c) Tổ chức tìm kiếm, cứu nạn theo phạm vi đã phân công.
2. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phối hợp với Bộ Ngoại giao và thông qua Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có chung ranh giới đưa lực lượng, phương tiện của Việt Nam vào phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại vùng trách nhiệm chung, khu vực ranh giới để cứu người, phương tiện bị nạn.
3. Trường hợp cần đưa lực lượng, phương tiện của Việt Nam thực hiện tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của quốc gia khác, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề nghị quốc gia đó cấp phép để phối hợp thực hiện.
1. Trường hợp có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia khác đưa người, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao là đầu mối tiếp nhận yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đưa lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn vào Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục cấp phép theo quy định tại Nghị định số 95/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam.
2. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam là đầu mối phối hợp trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển, thông báo các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định của Việt Nam và biện pháp, cách thức phối hợp với các lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài khi hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
3. Người, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Việt Nam phải:
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có trách nhiệm thông tin, báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam;
b) Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn theo sự điều phối chung của chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn Việt Nam tại hiện trường và cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam.
Điều 20. Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá trên biển
1. Tàu biển, tàu cá và tàu thuyền khác hoạt động trên biển có trách nhiệm tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá khi bị nạn.
2. Tàu thuyền của tổ chức, cá nhân khi hoạt động trên biển, phát hiện hoặc nhận được thông tin về ngư dân, tàu cá bị nạn phải thông báo ngay cho một trong các cơ quan sau đây để tổ chức phối hợp tìm kiếm, cứu nạn:
a) Cảng vụ hàng hải;
b) Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
c) Đồn, trạm của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển nơi gần nhất;
d) Lực lượng Kiểm ngư;
đ) Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam;
e) Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Tàu cá của các tổ, đội sản xuất hoạt động trên biển phát hiện tàu cá của tổ, đội mình bị nạn, trước tiên phải chủ động tiến hành hoạt động cứu nạn hoặc huy động các tàu cá của các địa phương khác hoạt động gần vị trí tàu bị nạn trợ giúp; đồng thời thông báo cho chủ tàu bị nạn và các cơ quan chức năng của địa phương biết để sẵn sàng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.
4. Trường hợp tình huống vượt quá khả năng của mình, lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.
TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN
1. Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, tàu thuyền và các phương tiện khác hiện có trong khu vực cảng biển thuộc khu vực quản lý của mình để tìm kiếm cứu nạn đối với người và phương tiện bị nạn.
2. Chỉ định Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
3. Tổ chức điều tiết giao thông, thông báo về tai nạn hàng hải; phân luồng hàng hải; tạm thời cấm tàu thuyền hành trình qua khu vực đang tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
4. Chủ trì, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; báo cáo cơ quan cấp trên, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ khi gặp tình huống vượt quá khả năng của các lực lượng trong vùng nước cảng biển.
5. Lập danh bạ điện thoại, các kênh (tần số) và phương thức liên lạc cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Quy chế, phương án phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
Điều 22. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Quyết định huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của các cơ quan, đơn vị tại địa phương và của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương tham gia tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.
2. Quản lý mọi hoạt động tàu cá của địa phương mình thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương và các chủ tàu cá; chủ động điều động tàu cá tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
3. Kiến nghị với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, giải quyết trong trường hợp tình huống vượt quá khả năng của các lực lượng tại địa phương.
Điều 23. Tổ chức, cá nhân quản lý phương tiện thủy đóng tại địa phương
1. Trong trường hợp có thể phải nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.
2. Chỉ đạo các phương tiện tham gia phối hợp triển khai phương án, kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn dưới sự điều hành của Cảng vụ hàng hải.
3. Phối hợp với Cảng vụ hàng hải xây dựng Quy chế, phương án phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển.
Điều 24. Tổ chức, cá nhân có phương tiện bị nạn trong vùng nước cảng biển
Tổ chức, cá nhân có người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp có trách nhiệm:
1. Thông báo cho Cảng vụ hàng hải, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu và Hệ thống đài thông tin duyên hải về thời gian, vị trí, số người bị nạn và tình trạng sức khỏe, tình trạng phương tiện.
2. Bảo đảm việc duy trì liên lạc với Cảng vụ hàng hải để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp.
3. Báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển và của lực lượng, phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn.
4. Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải để dừng việc cứu nạn.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn
1. Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển, xây dựng các phương án phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong các tình huống dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Chủ trì điều động các lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng của lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, Bộ ngành, địa phương.
3. Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển của Việt Nam và tổ chức theo dõi giám sát việc thực hiện.
4. Định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển của các lực lượng thuộc Bộ, ngành, địa phương và báo cáo đột xuất khi có tình huống.
Điều 26. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương
1. Chỉ đạo các biện pháp phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển.
2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trong việc huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có người, phương tiện bị nạn trên biển do bão, áp thấp nhiệt đới trên biển gây ra.
Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xây dựng phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển.
2. Điều động lực lượng, phương tiện Quân đội tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn đối với phương tiện, tàu thuyền thuộc quyền quản lý của Quân đội hoặc theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao trong việc cấp phép cho lực lượng, phương tiện quân sự của nước ngoài thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam; lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải nước ngoài vào tìm kiếm cứu nạn trong khu vực cấm trên biển của Việt Nam, đồng thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
4. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của lực lượng quốc phòng theo quy định.
5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định thời hạn, phạm vi cụ thể đối với khu vực cấm trên biển của Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xây dựng phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các đơn vị Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác của Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công an gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển và chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Điều động lực lượng, phương tiện Công an tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn đối với phương tiện, tàu thuyền thuộc quyền quản lý của Công an hoặc theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn.
3. Thông tin, báo cáo với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của lực lượng Công an theo quy định.
Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các chuyên ngành Hàng hải, Hàng không, Đường thủy nội địa thuộc Bộ kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ của mình với việc sẵn sàng tham gia trực và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ven biển.
2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không tổ chức tốt việc điều phối hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không dân dụng và Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ huy động lực lượng, phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra đối với tàu bay, tàu biển; điều động lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn phương tiện, tàu thuyền của Bộ ngành khác và địa phương theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
4. Cấp phép cho lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn hàng hải của nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam sau khi thống nhất Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, đồng thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
5. Thông báo các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu - khẩn cấp của hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không cho các phương tiện hoạt động trên biển, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong nước và nước ngoài biết để thông tin, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
6. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của các lực lượng, phương tiện thuộc Bộ theo quy định.
7. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 30. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ huy động lực lượng, phương tiện kiểm ngư và chuyên ngành thủy sản tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra đối với phương tiện, tàu thuyền thuộc ngành thủy sản; điều động lực lượng, phương tiện thuộc Bộ tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn phương tiện, tàu thuyền của Bộ ngành khác và địa phương theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
2. Ban hành các quy định về trang thiết bị thông tin liên lạc cho các tàu cá hoạt động xa bờ.
3. Chỉ đạo các Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tổ chức trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn.
4. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá của ngư dân; ban hành Quy chế phối hợp cứu hộ, cứu nạn và cơ chế, chính sách đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá trên biển và trong vùng nước cảng biển, đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho các ngư dân về nội dung của Quy chế.
5. Phối hợp với các Bộ ngành trong việc chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý hoạt động cứu hộ, cứu nạn tàu cá trong vùng nước cảng biển và trên vùng biển Việt Nam.
6. Thông tin, báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Bộ theo quy định.
Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo dõi và phát các tin về áp thấp nhiệt đới, bão, thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần trên biển.
2. Chỉ đạo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia phối hợp với Đài Thông tin duyên hải trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn để phát thông tin cảnh báo cho tổ chức, cá nhân sở hữu và điều hành phương tiện hoạt động trên biển được biết.
3. Chỉ đạo Hệ thống Ra đa giám sát tài nguyên, môi trường biển thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hệ thống viễn thám tại Cục Viễn thám Quốc gia tham gia tìm kiếm, giám sát tai nạn, sự cố trên biển theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Điều 32. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống nhất quy định các tần số trực canh, cấp cứu - khẩn cấp, quy định về thông tin liên lạc vô tuyến; ưu tiên bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp liên quan huy động lực lượng của ngành tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
3. Hướng dẫn đăng ký sử dụng và tần số làm việc để đảm bảo thông tin liên lạc nhanh chóng khi có tình huống cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên biển.
4. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền pháp luật và các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện khi hoạt động trên biển và khi gặp sự cố trên biển.
Điều 33. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan xây dựng phương án, vị trí các cơ sở y tế tổ chức cấp cứu cho nạn nhân bị nạn trên biển theo các tình huống bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
2. Chỉ đạo lực lượng y tế phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam và các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực để chỉ dẫn, hướng dẫn việc sơ, cấp cứu từ xa cho người bị nạn trên biển khi cần trợ giúp y tế.
3. Chỉ đạo lực lượng y tế phối hợp tham gia cấp cứu cho nạn nhân bị nạn trên biển theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của các nước sở tại và các tổ chức quốc tế tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của các tổ chức, cá nhân Việt Nam gặp tai nạn, sự cố trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài, bao gồm cả vùng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải và hàng không.
2. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành chức năng thông qua đường ngoại giao, đề nghị các cơ quan chức năng nước ngoài giúp đỡ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện của Việt Nam bị tai nạn, sự cố hoặc hỗ trợ nơi tránh, trú ẩn đảm bảo an toàn và các trường hợp khẩn cấp khác; đồng thời hỗ trợ cứu người, phương tiện, làm các thủ tục cần thiết và giải quyết các vấn đề phát sinh khác để đưa người, phương tiện về nước.
3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan làm các thủ tục ngoại giao trong trường hợp tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện nước ngoài bị nạn trong vùng biển Việt Nam khi cần thiết.
4. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng trong việc cấp phép cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam.
Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo ngân sách nhà nước cho các Bộ ngành, địa phương trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
2. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo đúng quy định.
Điều 36. Trách nhiệm của các Bộ, ngành khác
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành có lực lượng, phương tiện có khả năng và đủ điều kiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo về Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các cấp có thẩm quyền huy động.
3. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn trong việc xây dựng phương án sử dụng lực lượng, phương tiện của Bộ, ngành mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển
1. Xây dựng các phương án huy động lực lượng, trang thiết bị của địa phương, của các cơ quan Trung ương tại địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, vùng nước cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước cảng và luồng thủy nội địa.
2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của địa phương, của các cơ quan, tổ chức Trung ương tại địa phương tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, vùng nước cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước cảng và luồng thủy nội địa.
3. Thông báo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam để điều động phương tiện đến tham gia trong trường hợp cần huy động thêm phương tiện tìm kiếm, cứu nạn hàng hải.
4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân và tổ chức, cá nhân liên quan về nội dung của Quy chế này.
5. Kiến nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Điều 38. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển
1. Chấp hành lệnh của Cơ quan có thẩm quyền huy động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Phối hợp và thông tin, báo cáo đầy đủ theo nội dung yêu cầu của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để tiến hành và giải quyết vụ tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của mình.
3. Tổ chức, cá nhân có phương tiện và thuyền bộ đủ điều kiện và tình nguyện trực sẵn sàng và tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để nghiên cứu khả năng tham gia trong kế hoạch và huy động trực hoặc tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết.
1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
- 1Law No. 18/2012/QH13 of June 21, 2012, on Vietnamese sea
- 2Decree No. 21/2012/ND-CP of March 21, 2012, on management of seaports and navigable channels
- 3Decree No. 95/2010/ND-CP of September 16, 2010, on licensing of and coordination with foreign search and rescue forces in Vietnam
- 4Law No.66/2006/QH11 of June 29, 2006 Vietnam civil aviation
- 5Law No. 23/2004/QH11 of June 15, 2004 on inland waterway navigation
- 6Law No. 17/2003/QH11 of November 26, 2003, on Fisheries.
- 7Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
Decision No. 06/2014/QD-TTg dated January 20, 2014, cooperation in search and rescue at sea and in port waters
- Số hiệu: 06/2014/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/01/2014
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/03/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực