Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 94/ĐA-UBND

Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 2009

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ HỘ NGHÈO THÀNH PHỐ HÀ NỘI XÂY DỰNG NHÀ Ở NĂM 2009 - 2010

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, từ năm 1998 đến nay Thành phố Hà Nội đã triển khai một số chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Trong đó hỗ trợ hộ nghèo một phần kinh phí từ nguồn ngân sách và quỹ “Vì người nghèo” để xây dựng, sửa chữa nhà ở dột nát, hư hỏng có ý nghĩa thiết thực đối với việc ổn định đời sống và giúp các hộ sớm thoát nghèo.

Năm 2004, Thành phố Hà Nội là một trong ba địa phương đầu tiên của cả nước được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp Bằng ghi công hoàn thành việc xóa nhà dột nát đối với hộ nghèo.

Tuy nhiên, khi chuẩn nghèo nâng lên, số hộ nghèo được mở rộng, hoặc do tác động của thiên tai hay những rủi ro trong cuộc sống… hàng năm vẫn phát sinh một số hộ dân có nhà ở hư hỏng, xuống cấp, hoàn cảnh gia đình nghèo khó.

Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; Quyết định số 1592/QĐ-UB ngày 07/4/2009 của UBND Thành phố về chuẩn nghèo, cận nghèo Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 – 2013.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở năm 2009 – 2010 với nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG VÀ KẾT QUẢ HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở:

1. Tình hình nhà ở của hộ nghèo:

Theo chuẩn nghèo của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 – 2013 quy định: Đối với khu vực thành thị, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo; đối với khu vực nông thôn, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 330.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Tại thời điểm tháng 3 năm 2009, toàn Thành phố có 117.825 hộ nghèo, chiếm 8,43%.

Trong tổng số hộ nghèo có 4.879 hộ nghèo có nhà ở hư hỏng nặng, gia đình không có khả năng xây dựng, sửa chữa do có người tàn tật, già yếu, ốm đau… trong đó khu vực thành thị: 304 hộ (chiếm 6,2%), khu vực nông thôn: 4.575 hộ (chiếm 93,8%).

Hầu hết nhà ở của số hộ nghèo nêu trên lâu ngày đã xuống cấp nặng, mái nhà bị dột, tường nhà nứt, thấm, nền nhà lún, ẩm thấp …tình trạng nhà hư hỏng nặng, không đảm bảo đời sống sinh hoạt của người nghèo. Đồng thời hoàn cảnh gia đình hộ nghèo rất khó khăn, nhiều hộ có người khuyết tật, người già yếu hoặc bị ốm đau, bệnh tật… không có khả năng lao động để tăng thu nhập, cải thiện nhà ở. Trong số đó có 296 hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 67/NĐ-CP và có 28 hộ dân tộc thiểu số.

2. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của Thành phố:

Từ thực trạng nhà ở của hộ nghèo và đề xuất của các Sở, ngành, quận, huyện trong nhiều năm qua, UBND Thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Thành phố quyết định cơ chế hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở và giao trách nhiệm cho các Sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện, cụ thể:

- Về công tác chỉ đạo: UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch 45/KH-UB năm 1999 về giải quyết nhà dột nát đối với hộ nghèo và hộ cứu trợ xã hội; Quyết định số 3405/QĐ-UB ngày 17/6/2003 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 90 căn hộ chung cư cho người nghèo 9 quận nội Thành; Kế hoạch liên tịch số 79/KH-LT ngày 24/11/2004 của UBND-MTTQ Thành phố về việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà hư hỏng cho hộ nghèo tiến tới kỷ niệm 995 năm Thăng Long –Hà Nội; Kế hoạch 57/KH-UB về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà đại đoàn kết năm 2008 – 2009. Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính và Sở Tài nguyên Môi trường đã thống nhất tiêu chí nhà dột nát, hư hỏng, hướng dẫn rà soát, thống kê danh sách, triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở đối với hộ nghèo, quy chế bán nhà ở cho hộ nghèo nội thành thuộc dự án nhà chung cư…

- Tiêu chí nhà được hỗ trợ:

+ Nhà dột nát (áp dụng thực hiện từ năm 1999-2004): Là loại nhà làm tạm bằng tranh tre, nứa lá… nằm trên đất hợp lệ, lâu ngày đã hư hỏng không đảm bảo an toàn tính mạng cho đối tượng trong sinh hoạt hàng ngày, tình trạng nhà lụp xụp, dột nát, siêu vẹo.

+ Nhà ở hư hỏng nặng (thực hiện từ năm 2005 đến nay): Là nhà cấp 4 (ngoại thành) và các loại nhà 1 tầng (nội thành) nằm trên đất hợp lệ có mái lợp ngói hoặc mái phi prô xi măng, mái bằng vỉa gạch… lâu ngày bị dột, tường nhà nứt, thấm, nền nhà lún, ẩm thấp…tình trạng nhà xuống cấp nặng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người nghèo.

- Quy mô nhà được hỗ trợ:

Nhà xây cấp 4, tường xây gạch bổ trụ, vữa tam hợp, mái lợp ngói và dùng gỗ nhóm 5,6 hoặc tre ngâm, nền gạch hoặc lát xi măng. Diện tích bình quân: 20-24m2/hộ (ngoại thành), và 20m2/hộ (nội thành).

- Phương thức hỗ trợ:

Kinh phí xây dựng nhà ở hộ nghèo ước tính 15 triệu đồng/nhà. Gia đình tự xây dựng, (trường hợp cô đơn, tàn tật được BCĐ xã phường tổ chức xây dựng). Nguồn kinh phí hỗ trợ như sau:

Từ năm 1999 – 2004:

+ Ngân sách Thành phố hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

+ Ngân sách quận, huyện, xã phường và tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ủng hộ: 5 triệu đồng/hộ.

+ Gia đình, dòng họ: 5 triệu đồng.

Từ năm 2004 đến nay:

+ Ngân sách Thành phố, quận, huyện hỗ trợ 30%.

+ Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp (Thành phố, quận, huyện, xã phường) hỗ trợ 40%.

+ Gia đình, dòng họ đảm bảo 30%.

- Triển khai thực hiện:

Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo (BCĐ TGNN) xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở. Tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, vật tư xây dựng, công khai danh sách các hộ được hỗ trợ. Ủy ban MTTQ tổ chức vận động “Quỹ vì người nghèo” để hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

- Kết quả hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở:

Từ năm 1998 đến năm 2008 đã có 7.154 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí trên 75,97 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố cấp 16,8 tỷ đồng, số còn lại là nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và đóng góp của gia đình, dòng họ. Năm 2004, Thành phố Hà Nội là đơn vị thứ ba trong cả nước được Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng ghi công về hoàn thành xóa nhà dột nát đối với hộ nghèo.

Qua kiểm tra đánh giá kết quả xây dựng, sửa chữa nhà ở của hộ nghèo cho thấy các xã phường hỗ trợ đúng đối tượng được quy định của Thành phố và đảm bảo công khai, hầu hết số nhà của các hộ có mức kinh phí xây dựng bình quân trên 15 triệu đồng, một số hộ có mức đầu tư trên 20 triệu/nhà.

II. ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC:

Từ thực tiễn thực hiện chương trình trợ giúp người nghèo trong những năm qua, đặc biệt là công tác hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà của hộ nghèo cho thấy:

- Chương trình TGNN, vận động “Ngày vì người nghèo”, xóa nhà dột nát, hư hỏng là chương trình tổng hợp mang tính xã hội hóa cao. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo là yếu tố quan trọng, quyết định thành công của chương trình,

- Thành phố đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành và đề nghị các hội, đoàn thể cùng phối hợp thực hiện.

- UBND Thành phố và UB MTTQ Thành phố, các quận, huyện đã quyết định hỗ trợ kinh phí kịp thời và chỉ đạo triển khai đảm bảo tính dân chủ công khai trong nhân dân.

- Phần vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ là đòn bẩy thúc đẩy việc xã hội hóa công tác xóa nhà dột nát của hộ nghèo.

- Đa dạng hóa các nguồn lực, đặc biệt nguồn quỹ “Vì người nghèo” các cấp (Thành phố, quận, huyện, xã, phường) cùng sự ủng hộ đóng góp của các ban, ngành đoàn thể, gia đình, dòng họ… để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở và giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

- Việc quản lý, sử dụng, cấp phát, thanh quyết toán nguồn kinh phí Ngân sách, nguồn vận động … được các quận, huyện thực hiện theo đúng quy định của Thành phố.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN HỖ TRỢ XÂY DỰNG NHÀ Ở HỘ NGHÈO NĂM 2009-2010:

1. Mục đích:

- Tập trung nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo hoàn cảnh khó khăn cải thiện nhà ở, ổn định đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và thiết thực chào mừng lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

- Phấn đấu xây dựng xong 4.879 nhà ở cho hộ nghèo trước ngày 10/10/2010, năm 2009 tập trung xây dựng 3.846 nhà.

2. Yêu cầu:

Hỗ trợ đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định, đảm bảo công khai, công bằng và minh bạch.

3. Đối tượng được hỗ trợ:

Là hộ nghèo của Thành phố (chuẩn nghèo theo Quyết định 1592/QĐ-UBND ngày 7/4/2009) có nhà ở hư hỏng nặng, gia đình không có khả năng tự xây dựng (do có người tàn tật, già yếu, ốm đau…), được Ban trợ giúp người nghèo xã, phường xác nhận, đề nghị và UBND quận, huyện phê duyệt. Ưu tiên hộ nghèo diện trợ cấp xã hội và hộ dân tộc thiểu số.

4. Tiêu chí nhà hư hỏng nặng được hỗ trợ xây dựng:

Là nhà cấp 4 (ngoại thành) và các loại nhà 1 tầng (nội thành) nằm trên đất hợp lệ, có mái lợp ngói, phi-prô xi măng hoặc mái vỉa gạch… lâu ngày bị dột, tường nhà nứt, thấm, nền nhà lún, ẩm thấp… tình trạng nhà xuống cấp nặng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người nghèo, cần phải xây dựng lại.

5. Phương thức và nguồn kinh phí hỗ trợ:

* Dự kiến mức chi phí xây dựng tối thiểu: 25 triệu đồng/nhà.

* Nguồn kinh phí xây dựng: Ngân sách nhà nước (Trung ương và Thành phố). Quỹ Vì người nghèo 3 cấp, hộ gia đình đóng góp để xây dựng một ngôi nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24m2 (ngoại thành), 15m2 (nội thành), thời gian sử dụng tối thiểu được 10 năm trở lên.

Tổng số vốn cần có:

4.879 nhà x 25 triệu đ/nhà = 121,97 tỷ đồng

+ Ngân sách (Trung ương và Thành phố) hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để mua nguyên vật liệu chính như gạch, ngói, xi măng … tổng số kinh phí ngân sách = 73,18 tỷ đồng.

+ Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ (trong đó Quỹ Thành phố hỗ trợ 2 triệu, Quỹ quận, huyện và xã, phường: 3 triệu đồng), tổng số 24,39 tỷ đồng.

+ Gia đình, dòng họ đảm nhận phần còn lại 24,39 tỷ đồng.

Chi tiết kinh phí hỗ trợ hộ nghèo quận huyện xây dựng nhà ở theo biểu đính kèm.

* Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách và Quỹ “Vì người nghèo”, hộ nghèo có nhu cầu sẽ được vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở. Mức vay tối đa 8 triệu đồng/hộ, lãi suất 3% năm, thời hạn vay 10 năm (Ngân hàng Chính sách xã hội có hướng dẫn riêng).

* Gia đình tự xây dựng nhà, trường hợp người già cô đơn, tàn tật … không thể tự xây dựng nhà ở thì dòng họ đảm nhận hoặc Ban giảm nghèo xã, phường đứng ra tổ chức xây dựng trên cơ sở đề nghị của hộ gia đình (bằng văn bản).

III. NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:

1. Nội dung:

a. Tổ chức hội nghị bình xét tại thôn, xóm, tổ dân phố để xác nhận danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở (Thành phần, số lượng người tham dự như hội nghị bình xét hộ nghèo năm 2009), nội dung hội nghị:

+ Thông báo công khai đối tượng hộ nghèo, tiêu chí nhà, mức và nguồn kinh phí hỗ trợ, phần đóng góp của gia đình, dòng họ.

+ Bình xét công khai, dân chủ, khách quan và lấy ý kiến biểu quyết (giơ tay hoặc bỏ phiếu kín) để thống nhất danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà với sự đồng ý của trên 50% số người dự họp. Ghi 02 biên bản hội nghị (1 bản lưu tại thôn/tổ dân phố, 1 bản gửi xã/phường/thị trấn).

b. Lập hồ sơ các hộ được bình xét hỗ trợ, bao gồm: chụp ảnh toàn cảnh hiện trạng nhà cũ. Kinh phí chụp ảnh do Ngân sách quận, huyện chi, lập bản cam kết giữa chủ hộ và ban trợ giúp người nghèo xã, phường, thị trấn (theo mẫu).

c. Phân công các thành viên Ban trợ giúp người nghèo hướng dẫn các hộ triển khai xây dựng và đôn đốc, kiểm tra đảm bảo chất lượng, tiến độ.

d. Tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán.

2. Tiến độ:

Năm 2009:

* Tháng 6: tổ chức xét duyệt, hoàn chỉnh hồ sơ các hộ được hỗ trợ.

* Từ tháng 7: hướng dẫn các hộ triển khai xây dựng và nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí trước 31/12/2009.

Năm 2010: Triển khai xây dựng và nghiệm thu, thanh quyết toán trước 30/9/2010.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội – thường trực BCĐ TGNN, có trách nhiệm:

- Hướng dẫn quận, huyện, xã, phường rà soát, lập danh sách hộ nghèo theo đối tượng, tiêu chí quy định tại mục II, tổng hợp, đề xuất kế hoạch hỗ trợ báo cáo UBND Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố.

- Triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tại các quận, huyện.

- Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Hội đoàn thể Thành phố:

- Đề nghị Ủy ban MTTQ Thành phố: chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố chỉ đạo, tổ chức vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn và sử dụng nguồn quỹ để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

- Đề nghị các hội, đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố, Hội Chữ Thập đỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Liên minh các hợp tác xã phối hợp vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân tích cực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, phân công thành viên, hội viên giúp đỡ người nghèo xây dựng nhà ở. Vận động dòng họ, làng xóm… hỗ trợ, giúp đỡ vật liệu, ngày công…

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp đề xuất nguồn lực thực hiện Kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở năm 2009 – 2010.

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - TB&XH phân bổ và hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

4. Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Giao Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo quận, huyện, xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ nhà ở hộ nghèo trên địa bàn, bảo đảm đúng đối tượng, tiến độ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở hộ nghèo được giao, thiết thực chào mừng lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

- Tổ chức vận động các đơn vị, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở.

- Quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, hiệu quả.

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Nhà nước và của Thành phố về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

- Giao Ban trợ giúp người nghèo xã, phường, thị trấn phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận tổ chức hội nghị bình xét xác định danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

- Hướng dẫn các hộ gia đình ký cam kết với Ban TGNN xã phường về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở đúng mục đích, đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng và tiến độ.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ xây dựng nhà ở:

+ Họp với đại diện gia đình để thống nhất phương án triển khai, phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và nghiệm thu công trình.

+ Vận động dòng họ, nhân dân hỗ trợ kinh phí, vật tư, ngày công.

+ Tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ dân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không tự xây dựng được nhà ở (già cô đơn, tàn tật…không thể tự xây dựng nhà ở).

- Quyết toán nguồn kinh phí Ngân sách và Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ với phòng Tài chính quận, huyện.

Kính trình Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt và cấp kinh phí để hỗ trợ hộ nghèo của Thành phố Hà Nội./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng; (để báo cáo)
- Bộ LĐTB&XH; (để báo cáo)
- UBTƯ MTTQ Việt Nam; (để báo cáo)
- TT Thành ủy; TT HĐND Thành phố; (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch, các PCT UBND Thành phố;
- UB MTTQ TP;
- Sở, ngành, đoàn thể liên quan;
- UBND, UBMTTQ quận, huyện, thị xã;
- CVP, PVP (NNSơn);
- Phòng LĐCSXH, XD, KT, TH;
- Lưu VT, LĐCSXH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH  
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Văn Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Đề án số 94/ĐA-UBND về hỗ trợ hộ nghèo thành phố Hà Nội xây dựng nhà ở năm 2009 - 2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 94/ĐA-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/07/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Đào Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản