Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4232-TC/KBNN

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 4232 TC/KBNN NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 1997 VỀ VIỆC UỶ QUYỀN THU PHẠT HÀNH CHÍNH

Kính gửi: Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63 TC/CSTC ngày 11/09/1997 về việc hướng dẫn bổ sung sửa đổi một số quy định về việc tổ chức thu và quản lý biên lai thu tiền phạt hành chính của Thông tư số 52 TC/CSTC ngày 12/09/1996; để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp tiền phạt và chống thất thu cho Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính quy định việc uỷ quyền thu phạt đối với một số trường hợp đặc biệt như sau:

1. Đối với một số trường hợp vi phạm mà đối tượng bị phạt không thể nộp tiền phạt trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép Kho bạc Nhà nước được uỷ quyền cho cơ quan ra quyết định xử phạt tiến hành thu tiền phạt sau đó nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước; cụ thể là:

1.1. Cơ quan Kiểm lâm nhân dân: Cơ quan Kiểm lâm nhân dân được Kho bạc Nhà nước uỷ quyền thu phạt trực tiếp đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng, tại những vùng sâu, vùng xa mà đối tượng vi phạm không thể đến nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước được.

1.2. Cơ quan giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên sông, trên biển: được Kho bạc Nhà nước uỷ quyền thu phạt trực tiếp đối với những hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên sông, trên biển tại những địa điểm xa các vùng dân cư, phương tiện vận tải trên sông biển lớn, không thể neo đậu chờ đi nộp phạt vào Kho bạc Nhà nước được.

1.3. Cơ quan thú y: Được Kho bạc Nhà nước uỷ quyền thu phạt trực tiếp đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm xảy ra trong đêm, tại những nơi không có điểm thu của Kho bạc Nhà nước.

1.4. Cơ quan Biên phòng, Hải quan, quản lý thị trường: Được Kho bạc Nhà nước uỷ quyền trực tiếp thu tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính xảy ra tại cửa khẩu, tại hải phận quốc tế, nơi biên giới hải đảo, tại những vùng xa xôi hẻo lánh không có điểm thu của Kho bạc Nhà nước.

1.5. Cục Xuất - Nhập cảnh: được Kho bạc Nhà nước uỷ quyền trực tiếp thu phạt vi hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh tại những nơi cách ly dành cho các đối tượng vi phạm thủ tục xuất nhập cảnh, tại sân bay, nơi mà việc yêu cầu đối tượng đến nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước là không thể thực hiện được.

1.6. Cơ quan đường sắt: Được Kho bạc Nhà nước uỷ quyền thu phạt trực tiếp đối với các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên tàu khi tàu đang chạy và không thể yêu cầu đối tượng rời khỏi tàu để tới nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước được.

2. Việc uỷ nhiệm thu phạt đối với các đơn vị nói trên phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Có hợp đồng uỷ nhiệm giữa Kho bạc Nhà nước và đơn vị theo chế độ quy định.

- Đơn vị được phép sử dụng biên lai thu phạt và có trách nhiệm quản lý biên lai chặt chẽ theo chế độ quản lý biên lai.

- Toàn bộ số tiền thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào Kho bạc Nhà nước.

- Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thu tiền phạt và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Kho bạc Nhà nước.

Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố căn cứ vào công văn này và các văn bản hướng dẫn có liên quan tiến hành phối hợp tổ chức thực hiện theo đúng chế độ quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.

 

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc uỷ quyền thu phạt hành chính

  • Số hiệu: 4232-TC/KBNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/11/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Thị Băng Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản