BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83/QLTT-TW | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1991 |
Kính gửi: | - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, |
Ngày 25-7-1991, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương và Bộ Thương nghiệp làm việc với các cơ quan có liên quan ở Trung ương, đại diện Uỷ ban nhân dân Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các xí nghiệp thuốc lá Việt Nam và Giám đốc nhà máy thuốc là Khánh Hoà, Thanh Hoá, bàn việc thi hành Chỉ thị 278-Ct về cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài, đã nhất trí như sau:
I- CHỦ TRƯƠNG CẤM NHẬP KHẨU VÀ LƯU THÔNG THUỐC LÁ ĐIẾU CỦA NƯỚC NGOÀI LÀ MỘT CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG, PHÙ HỢP VỚI NGUYỆN VỌNG CỦA ĐÔNG ĐẢO CÁN BỘ VÀ NHÂN DÂN; NHIỀU NƯỚC CŨNG ĐÃ LÀM. TA LÀM GẦN 1 NĂM NAY ĐÃ THU ĐƯỢC MỘT SỐ KẾT QUẢ: GIẢM BỚT TÌNH TRẠNG NHẬP VÀ BÁN TRÀN LAN THUỐC LÁ NGOẠI, NGƯỜI BUÔN THUỐC LÁ NGOẠI TUY CÒN NHIỀU NHƯNG KHÔNG DÁM NGANG NHIÊN THÁCH THỨC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC NHƯ TRƯỚC; SẢN XUẤT THUỐC LÁ TRONG NƯỚC ĐƯỢC PHỤC HỒI VÀ CÓ BƯỚC PHÁT TRIỂN CẢ VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG, LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ THÊM VIỆC LÀM, TĂNG THÊM THU NHẬP VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CŨNG TĂNG THU.
Nhưng trong những tháng gần đây việc truy quét thuốc lá nhập lậu qua biên giới bị lơi lỏng trong khi thuốc lá ngoại dồn xuống vùng biên giới Tây Nam tăng lên, nên lượng thuốc lá ngoại vào nước ta cũng tăng lên; thị trường nội địa, nhiều nơi đã công khai bán thuốc lá ngoại. Sự thiếu kiên quyết tổ chức thực hiện Chỉ thị 278 trong một số cơ quan và người có trách nhiệm, sự thiếu đồng bộ và ăn khớp giữa các biện pháp, và chưa thực hiện được sự phối hợp giữa chống bên trong với ngăn chặn từ bên ngoài... là những nguyên nhân chủ yếu đã dẫn đến tình hình trên. Nếu các ngành, các cấp có sự nhất trí cao, kiên định và quyết tâm làm và bằng những biện pháp đồng bộ thì nhất định thực hiện được chủ trương cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài, cố nhiên không thể làm xong triệt để chỉ trong một thời gian ngắn.
II- VÌ VẬY, PHẢI DỨT KHOÁT CẤM NHẬP VÀ LƯU THÔNG THUỐC LÁ ĐIẾU CỦA NƯỚC NGOÀI THEO CHỈ THỊ 278 KHÔNG CHẦN CHỪ, DO DỰ:
Ở vùng biên giới, phải kiên quyết ngăn chặn thuốc lá ngoại nhập lậu, nhất là qua biên giới Tây Nam.
Trong nội địa, phải liên tục truy quét các tụ Điểm bán buôn, các ổ chứa chấp, tàng trữ và mọi nơi bày bán công khai thuốc lá ngoại.
Phát hiện thuốc lá ngoại thì chỉ tịch thu. Người phạm pháp phải bị xử lý kịp thời và nghiêm khắc theo đúng pháp luật.
Cùng với các việc đó, phải tổ chức tốt việc sản xuất và lưu thông thuốc lá nội theo sự chỉ đạo cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thương nghiệp.
Tổ chức tuyên truyền, vận động phong trào không hút thuốc lá (có kế hoạch riêng).
III- ĐỐI VỚI THUỐC LÁ NGOẠI TỊCH THU, XỬ LÝ NHƯ SAU:
1. Về tái xuất, thực tế không tái xuất được. Nơi nào tịch thu được thuốc lá ngoại thì giao ngay cho nhà máy tái chế để khỏi hư hỏng. Nơi nào vẫn xin tái xuất, cần phải trình rõ tái xuất đi đâu (dứt khoát không cho tái xuất sang Campuchia - Lào), cho ai, bằng phương tiện gì, giao hàng tại cửa khẩu nào và bằng những biện pháp gì bảo đảm không để lọt ra thị trường trong nước hoặc quay trở lại thị trường trong nước. Bộ Thương nghiệp cấp giấy phép cho đơn vị nào tái xuất thì báo cho Ban công tác đặc nhiệm 2 miền biết. Người xin phép tái xuất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để số thuốc lá này ra thị trường trong nước.
2. Về tái chế:
a) Giao cho Nhà máy thuốc lá Thanh Hoá tất cả số thuốc lá ngoại tịch thu từ Thừa Thiên - Huế trở ra để tái chế ra loại thuốc lá điếu khác.
Giao cho nhà máy thuốc lá Khánh Hoà tất cả số thuốc lá ngoại tịch thu từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào để tái chế ra loại thuốc lá điếu khác.
b) Về phương thức giao nhận và thanh toán:
- Các nơi tịch thu được thuốc lá ngoại thì giao cho nhà máy thuốc lá theo sự phân công địa bàn như trên (giao nguyên kiện, nguyên cây, nguyên bao).
- Nếu nhà máy đến nơi nhận thì nhà máy thanh toán ngay bằng tiền mặt cho bên giao bảy trăm (700) đồng một bao, tính chung cho các loại từ Zet và tương đương trở lên và hai trăm (200) đồng một bao đối với thuốc lá Con Vẹt và tương đương của Trung Quốc.
- Nếu bên giao giao hàng tại nhà máy thuốc lá (riêng Nhà máy thuốc lá Thanh Hoá có thể nhận ở 2 nơi: tại nhà máy và tại số nhà 10 phố Yết Kiêu - Hà Nội) thì nhà máy thanh toán thêm cho bên giao chi phí vận chuyển thực tế hợp lý.
- Khi giao nhận, hai bên lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại và chất lượng từng loại, có sự chứng kiến của người đại diện có thẩm quyền của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường hoặc tiểu ban công tác đặc nhiệm tỉnh, thành phố, đặc khu (nơi giao).
- Khi vận chuyển hàng từ nơi giao về nhà máy, ngoài việc đem theo biên bản như trên cần có giấy cho phép vận chuyển thuốc lá ngoại tịch thu đến nhà máy thuốc lá để tái chế, do Ban chỉ đạo Quản lý thị trường hoặc tiểu ban công tác đặc nhiệm tỉnh, thành phố, đặc khu (nơi giao) cấp.
- Hàng đến nơi nhận, nhà máy làm phiếu nhập kho có sự đối chiếu cụ thể với biên bản đã ký với bên giao.
c) Thuốc lá ngoại tịch thu không phải là thứ hàng để mua bán, cho nên không có sự mặc cả về giá. Số tiền mà nhà máy thuốc lá phải thanh toán với bên giao theo quy định ở trên là để trang trải chi phí trong việc truy quét thuốc lá ngoại và thưởng cho những đơn vị và người có công, bao gồm cả những công dân và chính quyền, đoàn thể xã, phường có công truy quét. Nếu sau khi trừ các Khoản chi phí và thưởng theo đúng chế độ mà vẫn còn thì đưa số tiền còn thừa này vào quỹ chống buôn lậu của địa phương. Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố, đặc khu chỉ đạo việc phân phối và sử dụng số tiền nhận được sau khi giao thuốc lá ngoại tịch thu cho phù hợp với hoàn cảnh từng nơi với yêu cầu là động viên được kịp thời, mạnh mẽ, liên tục phong trào quần chúng từ cơ sở truy quét thuốc lá ngoại nhập lậu. Bộ Tài chính nhất trí là trong số tiền này không phải trích nộp cho ngân sách Trung ương, địa phương.
d) Tại nơi tái chế:
- Khi xé bao, xé điếu, phải có sự giám sát tại chỗ, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, của một hội đồng 3 người gồm đại diện Ban chỉ đạo Quản lý thị trường hoặc Tiểu ban đặc nhiệm chống buôn lậu tỉnh, Cục thuế và Ban giám đốc nhà máy. Kết quả thu hồi nguyên liệu, phụ liệu được ghi cụ thể vào biên bản có chữ ký của các thành viên trong hội đồng.
- Việc tái chế ra thuốc lá điếu loại gì là do nhà máy quyết định. Giá bán loại thuốc này cũng do nhà máy quyết định theo cơ chế thị trường. Khi bán ra, nhà máy có trách nhiệm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo những quy định hiện hành; không phải nộp thuế nhập nguyên liệu (số thuốc lá ngoại xé điếu).
- Hàng tháng (trong tuần lễ đầu tháng) nhà máy gửi cho Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương, riêng Nhà máy thuốc lá Khánh Hoà gửi thêm cho Ban công tác đặc nhiệm phía Nam và Bộ Tài chính báo cáo tình hình nhận thuốc lá ngoại tịch thu ở từng nơi và kết quả việc tái chế.
e) Những nơi tịch thu được thuốc lá ngoại trực tiếp liên hệ với nhà máy thuốc lá bằng phương tiện thông tin nhanh nhất để bàn việc tổ chức giao nhận. Trong khi chưa kịp giao thì tổ chức bảo quản cẩn thận để khỏi hư hỏng (vừa rồi có nơi chỉ giữ từ 1 đến 3 tháng mà cả 3 loại 555, Hero và Ruby đều bị chớm mốc từ 21 đến 41% tổng số bao). Có gì trở ngại thì trực tiếp báo cho Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương hoặc Ban công tác đặc nhiệm chống buôn lậu ở phía Nam.
Những Điều trên đây, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương đã báo cáo và được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn. Xin thông báo để các đồng chí biết và đề nghị các đồng chí chỉ đạo tổ chức thực hiện khẩn trường, chu đáo. Các đồng chí có ý kiến gì khác thì cho chúng tôi biết.
| Vũ Trọng Nam (Đã ký) |
Công văn về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 278-CT
- Số hiệu: 83/QLTT-TW
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 31/07/1991
- Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương
- Người ký: Vũ Trọng Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/07/1991
- Ngày hết hiệu lực: 06/05/2000
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực