Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1944/BQLCTQGXTVL

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 1994

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1944/BQLCTQG XTVL NGÀY 27 THÁNG 5 NĂM 1994 VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ CỦNG CỐ CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA THƯƠNG BỆNH BINH VÀ NGƯỜI TÀN TẬT

Kính gửi

- Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố
- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

 

Về việc hướng dẫn thành lập và củng cố các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật theo Quyết định số 15/TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước số 09/TT-LB ngày 17-5-1993.

Thi hành Quyết định số 15/TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 09/TT-LB ngày 17-5-1993 về chính sách đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật. Trong quá trình thực hiện các quyết định và Thông tư nói trên nhiều cơ sở, địa phương chưa xác định được loại hình doanh nghiệp thích hợp, làm cho việc thành lập mới hoặc thành lập lại cho đúng loại hình doanh nghiệp thích hợp, làm cho việc thành lập mới hoặc thành lập lại cho đúng loại hình, xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, củng cố tổ chức, sắp xếp lại lao động để đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo Quyết định 15/TTg gặp trở ngại.

Để giúp các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật tiến hành xây dựng tổ chức đúng với quy định của Nhà nước và có đủ điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thành lập và củng cố các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, và người tàn tật như sau:

I- THÀNH LẬP, XÉT CÔNG NHẬN CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA THƯƠNG BỆNH BINH VÀ NGƯỜI TÀN TẬT

1. Thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật

a. Cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật là doanh nghiệp, được thành lập và hoạt động theo đúng các quy định của Pháp luật hiện hành, và phải có đủ các điều kiện đã ghi tại mục I của Thông tư Liên Bộ số 09/TT-LB ngày 17-5-1993.

b. Việc thành lập cơ sở mới hoặc thành lập lại cơ sở đang có được áp dụng theo một trong các loại hình doanh nghiệp sau:

- Thành lập doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 338/HĐBT ngày 20-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ.

- Thành lập Công ty (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) theo Luật công ty và Nghị định số 222/HĐBT ngày 23-7-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

- Thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác theo Nghị định số 28/HĐBT ngày 9-3-1988, Nghị định số 146/HĐBT ngày 24-9-1988 và Quyết định số 49/HĐBT ngày 22-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

- Thành lập doanh nghiệp đoàn thể theo công văn số 283/CN ngày 16/1/1993 của Văn phòng Chính phủ.

2. Xét công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật

a. Các cơ sở (doanh nghiệp) nói ở điểm 1 trên đây muốn được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật phải lập hồ sơ gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra thẩm định.

Hồ sơ gồm có:

- Quyết định thành lập doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Đơn xin được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật.

- Danh sách thành viên (ghi rõ họ tên thương bệnh binh và người tàn tật) có xác nhận của phòng Tổ chức - lao động - xã hội hoặc phòng lao động xã hội quận, huyện, thị xã.

- Danh sách ban quản lý điều hành.

- Điều lệ hay Quy chế của cơ sở, trong đó có những điều khoản ghi nhận việc đảm bảo lợi ích của thành viên là thương bệnh binh và người tàn tật.

b. Xét công nhận:

Căn cứ vào hồ sơ nói tại điểm a ở trên và nội dung quy định tại mục I, điểm 1, 2, 3, 5 của Thông tư Liên bộ số 09/TT-LB ngày 17-5-1993. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra thẩm định hồ sơ do các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật gửi lên.

Sau khi kiểm tra, thẩm định, những cơ sở (doanh nghiệp) đủ điều kiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật và được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước ghi trong Quyết định số 15/TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật được sao thành 7 bản để gửi:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Trọng tài kinh tế Tỉnh - Thành phố

- Sở Tài chính

- Cục Thuế

- Uỷ ban Kế hoạch

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Lưu cơ sở.

(Mẫu Quyết định công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định thống nhất trong cả nước).

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật

a. Phải chịu sự kiểm tra, quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về các chính sách, chế độ áp dụng trong các cơ sở này.

b. Phải thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước và những quy định của pháp luật.

c. Quan tâm đến đời sống, việc làm của thương bệnh binh và người tàn tật và những đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi.

d. Báo cáo định kỳ về Sở các mặt công tác và kết quả sản xuất kinh doanh theo quy định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Thương bệnh binh, người tàn tật chỉ được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước ở tại một cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật ghi trong Quyết định 15/TTg.

3. Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật hiện có ở địa phương bao gồm: Các tổ hợp tác, hợp tác xã, xưởng, xí nghiệp, công ty... Căn cứ vào mục I của Thông tư Liên Bộ số 09/TT-LB để củng cố sắp xếp lại theo nội dung sau:

a. Những cơ sở đã được đăng ký kinh doanh theo một trong số các loại hình doanh nghiệp mới tại mục I điểm 1 phần b phải kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại lao động, bổ sung điều lệ, lập hồ sơ, làm đơn xin được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật.

b. Những cơ sở chưa được đăng ký kinh doanh theo một trong các loại hình nói tại mục I, điểm 1 phần b phải đánh giá đúng thực trạng về sản xuất kinh doanh (lao động, kỹ thuật, năng lực quản lý, hạch toán, nhà xưởng, thiết bị, tiền vốn, nguồn vốn; việc làm, thu nhập của thành viên...) trên cơ sở đó lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và lập hồ sơ xin thành lập lại theo quy định hiện hành, sau đó xin được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật.

c. Cơ sở chưa đủ điều kiện để thành lập lại và để được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh, bệnh binh và người tàn tật do nhiều nguyên nhân như: Cơ sở vật chất yếu kém, địa điểm không thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; mặt hàng không phù hợp, thiếu vốn, không đủ tỷ lệ là thương bệnh binh và người tàn tật thì cơ sở chủ động đề xuất biện pháp củng cố để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét trình Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố xin chủ trương giải quyết. Đồng thời báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi.

4. Phòng tổ chức lao động xã hội hoặc phòng lao động - xã hội có trách nhiệm xác nhận các thành viên là thương binh, bệnh binh, người tàn tật làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật có trụ sở đóng trên địa bàn của quận, huyện hoặc thị xã.

- Các thương bệnh binh phải có giấy chứng nhận là thương bệnh binh.

- Người tàn tật phải có giấy chứng nhận do cơ quan y tế quận huyện cấp trên cơ sở hướng dẫn tại Thông tư số 34/TT-LB ngày 29-12-1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm

- Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật hoạt động đúng mục đích, có hiệu quả, theo dõi việc thực hiện các chế độ, chính sách được áp dụng trong các cơ sở đó; theo dõi kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn; vốn hỗ trợ của Nhà nước (gồm: vốn cấp, vốn vay, tiền thuế cấp lại), vốn từ nguồn giúp đỡ từ thiện, vốn tự có của cơ sở do quá trình sản xuất kinh doanh hình thành.

- Chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Tỉnh (Thành phố), các ngành chức năng có liên quan, các cấp chính quyền địa phương tạo thuận lợi, giúp đỡ việc củng cố sắp xếp lại cơ sở hiện có, lập cơ sở mới đúng quy định của pháp luật.

- Tổ chức kiểm tra định kỳ vào quý 3 hàng năm về việc thực hiện những tiêu chuẩn, chế độ chính sách và những quy định có liên quan được áp dụng trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật. Ký xác nhận khi các điều kiện của cơ sở ghi trong Quyết định có sự thay đổi.

Tổng hợp tình hình báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30-9 hàng năm (theo mẫu).

Tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần có tổ chức thích hợp giúp lãnh đạo Sở quản lý theo dõi các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật của địa phương.

Trong quá trình thực hiện có những vấn đề vướng mắc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu xử lý.

 

 

Lê Văn Tô

(Đã ký)

 

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

MẪU SỐ 1

 

QUYẾT ĐỊNH

Công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật
Số:..........

Chủ tịch UBND Tỉnh (Thành phố)
Căn cứ đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN

Doanh nghiệp:.....................................

Trụ sở tại:........................................

Là cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật

Cơ sở được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước ghi trong Quyết định số 15/TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngày... tháng..... năm 199...
Chủ tịch UBND
(Ký tên, đóng dấu)

 

ĐIỀU KIỆN CỦA CƠ SỞ KHI ĐƯỢC CÔNG NHẬN

- Có giấy phép........ Số...............

Do UBND (tỉnh, thành phố, quận, huyện)........ Cấp ngày........

- Ban quản lý Điều hành có.... người, trong đó có.... người là thương binh, bệnh binh, người tàn tật.

- Tổng số lao động có.... người, trong đó TBB, người TT có... người, chiếm tỷ lệ... %.

Điều lệ của cơ sở đã được đại hội thành viên nhất trí thông qua ngày... ghi nhận việc đảm bảo lợi ích của thành viên là TBB, người tàn tật làm việc tại cơ sở.

 

Ngày... tháng... năm 199...
Xác nhận của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
(Ký tên - đóng dấu)

 

ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ THAY ĐỔI (LẦN THỨ NHẤT)

- Giấy phép.......... Số................

Do UBND (tỉnh, thành phố, quận, huyện).... Cấp ngày...

- Ban quản lý điều hành có..... người, trong đó có người là thương binh, bệnh binh, người tàn tật.

- Tổng số lao động..... người, trong đó TBB, người TT có... người, chiếm tỷ lệ.... %

Điều lệ của cơ sở đã sửa đổi bổ sung, được đại hội thành viên nhất trí thông qua ngày...

 

Ngày... tháng... năm 199...
Xác nhận của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
(Ký tên - đóng dấu)

 

KIỆN CỦA CƠ SỞ THAY ĐỔI (LẦN THỨ HAI)

 

Ngày... tháng... năm 199...
Xác nhận của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
(Ký tên - đóng dấu)

 

KIỆN CỦA CƠ SỞ THAY ĐỔI (LẦN THỨ BA)

 

Ngày... tháng... năm 199...
Xác nhận của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
(Ký tên - đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc thành lập và củng cố cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật

  • Số hiệu: 1944/BQLCTQGXTVL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/05/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Văn Tô
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản