Hệ thống pháp luật

CỤC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 213-PC/QL

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 1995

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG - CỤC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP SỐ 213-PC/QL NGÀY 6 THÁNG 5 NĂM 1995 VỀ VIỆC QUẢN LÝ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU MANG NHÃN HIỆU NƯỚC NGOÀI

Kính gửi
Đồng kính gửi:

- Tổng cục Hải quan
- Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh

Thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), Cục Sở hữu công nghiệp được biết quý Tổng cục đang nỗ lực tìm biện pháp thích hợp để quản lý việc "xuất khẩu các sản phẩm do Việt Nam sản xuất mang nhãn hiệu nước ngoài", trong đó, những biện pháp mà quý Tổng cục định áp dụng được thể hiện trong công văn số 799-TCHQ/GSQL ngày 18-4-1995. Theo báo cáo của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, cũng như các đơn đăng ký nhãn hiệu nước ngoài do các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nộp, Cục Sở hữu công nghiệp cũng được biết: từ ngày 20-4-1995, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu "sản phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài phải đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp", nếu không đăng ký thì hàng hoá có gắn nhãn hiệu nước ngoài sẽ không được phép xuất khẩu.

Với chức năng là cơ quan nhà nước quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp của Việt Nam, Cục Sở hữu công nghiệp hoan nghênh việc ngành hải quan chủ động quản lý nhãn hiệu hàng hoá trong hoạt động xuất khẩu - lĩnh vực cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba ngành: Hải quan, Thương mại và Sở hữu công nghiệp. Chúng tôi xin gửi kèm theo đây một bản tài liệu do Cục Sở hữu công nghiệp chuẩn bị về kế hoạch phối hợp hoạt động giữa ba ngành. Đề nghị quý Tổng cục xem xét, cho ý kiến để ba ngành đưa ra một kế hoạch hành động thống nhất.

Cục Sở hữu công nghiệp đang xúc tiến việc dự thảo Thông tư liên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Thương mại - Hải quan về việc quản lý xuất, nhập khẩu và thương mại để quý Tổng cục và Bộ Thương mại góp ý và ban hành trong năm 1995. Theo chúng tôi, Thông tư dự kiến sẽ ban hành này sẽ là cơ sở pháp lý để bổ sung một cách toàn diện nội dung sở hữu công nghiệp vào thủ tục cấp Giấy phép xuất nhập khẩu hàng hoá và thủ tục hải quan.

Trong khi chưa ban hành được văn bản như trên, rút kinh nghiệm của các trường hợp đã xảy ra (vụ gia công thuốc lá Marlboro, quần áo, giầy dép Adidas...), việc thực hiện một số biện pháp trước mắt trước mắt để quản lý nhãn hiệu hàng hoá trong hoạt động xuất khẩu như Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang làm là cần thiết. Tuy vậy, để có các biện pháp hữu hiệu quản lý vấn đề sở hữu công nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hoá, bảo vệ uy tín của Việt Nam trong quan hệ thương mại quốc tế và không làm phương hại đến quyền lợi của các doanh nghiệp, Cục Sở hữu công nghiệp xin lưu ý một số điểm dưới đây:

1. Theo pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá của Việt Nam và của hầu hết các nước trên thế giới, theo Công ước Pari về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá (Việt Nam là thành viên) thì hàng hoá xuất khẩu mang nhãn hiệu phải là hàng hoá được sản xuất và lưu thông hợp pháp tức là:

- Việc sản xuất hàng hoá không vi phạm pháp luật nhãn hiệu hàng hoá tại nước mà hàng hoá được sản xuất (nước xuất khẩu) - cụ thể là, tại nước xuất khẩu người sản xuất hàng hoá phải là chủ nhãn hiệu hoặc người được chủ nhãn hiệu cấp licence sử dụng nhãn hiệu đó; hoặc tại nước xuất khẩu, nhãn hiệu đó không thuộc quyền sở hữu của phía thứ ba;

- Việc nhập khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu không vi phạm pháp luật nhãn hiệu hàng hoá của nước nhập khẩu, tức là, người nhập khẩu phải là chủ nhãn hiệu hoặc người được cấp licence sử dụng nhãn hiệu đó tại nước nhập khẩu; hoặc tại nước nhập khẩu, nhãn hiệu đó không thuộc quyền sở hữu của phía thứ ba.

2. Vì vậy, đối với hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam, có gắn nhãn hiệu, khi làm thủ tục xuất khẩu ra nước ngoài, Cơ quan hải quan nên yêu cầu chủ hàng đáp ứng các điều kiện sau:

a. Chứng minh được rằng hàng hoá xuất khẩu đã được sản xuất một cách hợp pháp về phương diện sở hữu công nghiệp, việc sản xuất đó không vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam của người khác. Muốn vậy, chủ hãng phải xuất trình một trong các tài liệu sau đây:

(i) Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá do Cục Sở hữu công nghiệp cấp cho người sản xuất ra hàng hoá hoặc chứng nhận rằng người sản xuất là chủ của nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thoả ước Madrid, hoặc:

(ii) Giấy chứng nhận đăng ký Hợp đồng licence do Cục Sở hữu công nghiệp cấp, trong đó người sản xuất được ghi nhận là "Bên Nhận", hoặc:

(iii) Cam đoan của chủ hàng rằng nhãn hiệu được sử dụng cho hàng hoá xuất khẩu không xâm phạm quyền về nhãn hiệu hàng hoá của người khác (có xác nhận của Cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp địa phương hoặc của Cục Sở hữu công nghiệp) và cam đoan rằng mình sẽ chịu mọi trách nhiệm pháp lý nếu việc sản xuất hàng hoá xâm phạm quyền về nhãn hiệu hàng hoá của người khác ở Việt Nam; đồng thời,

b. Chứng minh được rằng việc nhập khẩu hàng hoá có mang nhãn hiệu vào một nước khác không vi phạm luật nhãn hiệu của nước sở tại, muốn vậy, chủ hàng cần phải xuất trình một trong các tài liệu sau đây:

(i) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu ở nước sở tại của bên giao gia công, hoặc:

(ii) Giấy phép sử dụng nhãn hiệu (licence nhãn hiệu) do Chủ nhãn hiệu ở nước sở tại cấp cho bên giao gia công, hoặc (khi chủ hàng không xuất trình được một trong các tài liệu nêu trên).

(iii) Tài liệu bảo đảm rằng khi xảy ra tranh chấp, kiện cáo tại nước mà hàng đến thì không thể quy trách nhiệm vi phạm nhãn hiệu cho phía Việt Nam (doanh nghiệp nhận gia công và Nhà nước Việt Nam) được. Tài liệu đó có thể là Giấy cam kết của bên giao gia công rằng bên giao chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của nhãn hiệu tại nước sở tại, rằng bên Việt Nam chỉ là người làm thuê, hoàn toàn không biết về tình trạng đó, do đó nếu xảy ra vi phạm luật nhãn hiệu tại nước sở tại, mọi hậu quả pháp lý đều do bên nước ngoài (giao gia công) gánh chịu, bên Việt Nam không phải gánh chịu bất cứ hậu quả nào.

Các Cơ quan hải quan nên thông báo rộng rãi các yêu cầu trên để các doanh nghiệp chuẩn bị, thẩm tra ngay từ khi giao dịch, đàm phán và ký kết hợp đồng gia công.

3. Việc bắt buộc các chủ hàng phải làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu nước ngoài mới được phép xuất khẩu là biện pháp không thực sự phù hợp đối với trường hợp hàng xuất khẩu là hàng gia công cho nước ngoài. Các nhãn hiệu nước ngoài thường đã thuộc quyền sở hữu của người nước ngoài. Cho dù người nước ngoài đó chưa đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam không nên và không thể đăng ký nhãn hiệu đó tại Việt Nam nếu không được chủ nhãn ở nước ngoài cho phép. Mặt khác, nếu nhãn hiệu đó đã được người nước ngoài đăng ký tại Việt Nam thì mặc dầu phía Việt Nam không thể đăng ký được nhưng cũng vẫn có thể sản xuất hàng đó nếu như chủ nhãn hiệu cấp licence... Ngoài ra, việc kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về nhãn hiệu ở Việt Nam chưa đủ để bảo đảm rằng sẽ không vi phạm pháp luật ở nước nhập khẩu.

Vì vậy, riêng đối với hàng hoá gia công để xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký trước khi có thông báo của Cơ quan hải quan về vấn đề quyền sở hữu công nghiệp, để không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng biện pháp thích hợp nhất cho các lô hàng đã tới cảng là yêu cầu chủ hàng cam đoan (theo các nội dung nêu ở mục 2.a.(iii) và 2.b.(iii)) nếu việc xuất trình các tài liệu còn lại phải tốn nhiều thì giờ cho các doanh nghiệp.

Xin gửi các đồng chí lời chào kính trọng.

 

Phạm Đình Chướng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc quản lý hàng hoá xuất khẩu mang nhãn hiệu nước ngoài

  • Số hiệu: 213-PC/QL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/05/1995
  • Nơi ban hành: Cục Sở hữu công nghiệp
  • Người ký: Phạm Đình Chướng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/05/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản