Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 435/CV-NH5

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 435/CV-NH5 NGÀY 7 THÁNG 6 NĂM 1997 VỀ VIỆC: MẪU ĐIỀU LỆ CÔNG TY TÀI CHÍNH TRONG TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Kính trình:

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội,
- Thủ tướng Chính phủ,

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai Nghị định số 39/CP ngày 27/6/1995 của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (xin gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước, viết tắt và NHNN) đã cùng Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới doanh nghiệp (xin gọi là Ban đổi mới doanh nghiệp TW) đã tiến hành xây dựng "Mẫu Điều lệ Công ty tài chính trong Tổng công ty Nhà nước" trên cơ sở Điều 28 "Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Nhà nước" ban hành theo Nghị định 39/CP.

Do nhiều nội dung hoạt động của Công ty tài chính trong Tổng công ty Nhà nước được nêu trong Nghị định nói trên vượt quá phạm vi quy định hoặc chưa có trong quy định của Pháp lệnh Ngân hàng - Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính (xin gọi tắt là Pháp lệnh Ngân hàng) nên khi trình bản dự thảo Mẫu điều lệ Công ty tài chính lần thứ 2, NHNN đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận những điểm nằm ngoài quy định của Pháp lệnh Ngân hàng (Tờ trình số 59/CV-NH5 ngày 20/01/1996).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Phan Văn Khải và Phó thủ tướng Trần Đức Lương (tại Công văn số 1204/ĐMDN ngày 18/03/1996 của Văn phòng Chính phủ), Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu những ý kiến của Ban đổi mới doanh nghiệp TW về nội dung của Mẫu điều lệ và ngày 2/5/1996 Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 104/QĐ-NH5 ban hành "Mẫu Điều lệ Công ty tài chính trong Tổng công ty Nhà nước".

Nội dung và phạm vi hoạt động của Công ty tài chính được quy định trong Mẫu Điều lệ này có nhiều điểm nằm ngoài quy định của Pháp lệnh Ngân hàng, cụ thể như sau:

1. Về huy động vốn:

- Được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Tổng công ty, các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty, các Doanh nghiệp cùng ngành kinh tế kỹ thuật mà Tổng công ty kinh doanh và công nhân viên chức trong Tổng công ty.

[Điều 20 Pháp lệnh Ngân hàng quy định: Công ty tài chính hoạt động bằng nguồn vốn của mình hoặc vay của dân cư bằng phát hành tín phiếu; không được nhận tiền gửi tiết kiệm của dân cư].

- Được phát hành tín phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

[Các nghiệp vụ này đang thí điểm, chưa quy định trong Pháp lệnh Ngân hàng].

2. Về sử dụng vốn:

- Dư nợ cho vay một khách hàng là Tổng công ty hoặc các Doanh nghiệp thành viên không quá 15% vốn tự có của Công ty tài chính.

[Điều 30 Pháp lệnh Ngân hàng quy định: Tổng số tiền của các khoản cho vay này (thành viên HĐQT, Ban điều hành, các cổ đông lớn...) không được quá 5% vốn tự có của Tổ chức tín dụng].

- Mức cho vay đối với một dự án không vượt quá 20% vốn tự có của Công ty tài chính. Riêng dự án có bảo lãnh của Hội đồng quản trị Tổng công ty thì mức cho vay không được vượt quá 30% vốn tự có của Công ty tài chính.

[chưa có trong quy định của Pháp lệnh Ngân hàng].

- Trường hợp vượt quá các tỷ lệ nói trên (10% vốn tự có của Công ty tài chính đối với một khách hàng ngoài Tổng công ty, 15% vốn tự có của Công ty tài chính đối với khách hàng là Tổng công ty hoặc Doanh nghiệp thành viên, 20% vốn tự có của Công ty tài chính đối với một dự án, 30% đối với 1 Dự án có bảo lãnh của HĐQT) thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc NHNN.

[Vượt ngoài Pháp lệnh Ngân hàng, Điều 25 Pháp lệnh Ngân hàng chỉ quy định: Không được cho vay một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có và quỹ dự trữ của Tổ chức tín dụng]

- Bỏ phần quy định tại Điều 25 Pháp lệnh Ngân hàng về tổng số vốn cho 10 khách hàng vay nhiều nhất không được quá 30% tổng số dư nợ cho vay của Tổ chức tín dụng.

- Được sử dụng vốn tự có để hùn vốn, liên doanh hoặc mua cổ phần của các Doanh nghiệp thành viên nhưng tổng số hùn vốn nói trên không quá 30% vốn tự có của Công ty Tài chính.

[Điều 28 Pháp lệnh Ngân hàng quy định tỷ lệ này không vượt quá 10% vốn của Công ty, Xí nghiệp mà Tổ chức tín dụng hùn vốn hoặc mua cổ phần]

3. Về thực hiện các dịch vụ khác:

- Được tiếp nhận vốn uỷ thác đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm cả nguồn vốn Tổng công ty giao để đầu tư vào những công trình. Dự án của Tổng công ty và Doanh nghiệp thành viên.

[Chưa có trong quý định của Pháp lệnh Ngân hàng]

- Đại lý phát hành trái phiếu cho Tổng công ty và các Doanh nghiệp thành viên.

[Chưa có trong quy định của Pháp lệnh Ngân hàng]

Công ty tài chính trong Tổng công ty nhà nước là loại hình Tổ chức tài chính đặc thù được hình thành do yêu cầu của chủ trương sắp xếp lại các Doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức thành các Tổng công ty Nhà nước theo Quyết định 90/TTg và 91/TTg của Chính phủ. Tuy nhiên, những quy định mở rộng tỷ lệ khống chế rủi ro và phạm vi hoạt động của Công ty tài chính nó trên trong khi Luật Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng chưa được ban hành. Pháp lệnh Ngân hàng vẫn còn hiệu lực thì sẽ bị vướng về mặt pháp lý.

Theo Điều 9 và Điều 13 Luật "Ban hành văn bản quy phạm pháp luật" được Quốc hội thông qua ngày 12/10/1996, có hiệu lực từ ngày 01/01/1997) thì những quy định ngoài Pháp lệnh Ngân hàng nói trên cần phải được Uỷ ban thường vụ Quốc hội chấp thuận.

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)

 

 

KIẾN NGHỊ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Từ những lý do trên, một lần nữa, Ngân hàng Nhà nước kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội:

1. Cho phép Công ty tài chính trong Tổng công ty Nhà nước được thực hiện các hoạt động của mình theo các quy định tại nội dung "Mẫu Điều lệ Công ty tài chính trong Tổng công ty Nhà nước" ban hành theo Quyết định số 104/QĐ-NH5 ngày 2/5/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Trong thời gian chờ đợi ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với kiến nghị tại điểm 1 trên đây; đề nghị:

a. Cho phép Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được xem xét phê chuẩn Điều lệ Công ty tài chính trong Tổng công ty Nhà nước (đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nguyên tắc. Uỷ quyền Ngân hàng Nhà nước ký quyết định thành lập) trên cơ sở Mẫu Điều lệ Công ty tài chính nói trên nhằm đảm bảo thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho các Công ty tài chính này đúng tiến độ quy định của Thủ tướng Chính phủ (tại Nghị định 50/CP ngày 28/8/1996 của Chính phủ).

b. Hoạt động của các Công ty tài chính sau khi được cấp Giấy phép sẽ phải thực hiện đúng theo Điều 25 và 28 của Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính.

Kính trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc Mẫu Điều lệ Công ty tài chính trong Tổng công ty Nhà nước

  • Số hiệu: 435/CV-NH5
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/06/1997
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Cao Sĩ Kiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/06/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản