Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1979/LĐTBXH-CV

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 1992

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1979/LĐTBXH-CV NGÀY 11-7-1992 (HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ ÁN NHỎ XIN VAY VỐN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TẠI CHỖ)

Kính gửi:

- Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể, tổ chức quần chúng, Hội nghề nghiệp.

 

Để thực hiện Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, căn cứ vào kế hoạch phân bổ ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho sắp xếp lại lao động và giải quyết việc làm; sau khi thống nhất với uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng các dự án nhỏ giải quyết việc làm để các địa phương và các đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp, nghiên cứu, xây dựng dự án đề nghị Liên Bộ xem xét quyết định cho vay vốn.

Vậy đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp trên cơ sở Chương trình phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình tổng thể về việc làm của mình chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng các dự án theo hướng dẫn này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời có kế hoạch làm việc với Liên Bộ để tiến hành xem xét và triển khai các dự án được duyệt.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc gì, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết.

 

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC XÂY DỰNG DỰ ÁN NHỎ XIN VAY VỐN TỪ QUỸ QUỐC GIA VỀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM ĐỂ TẠO VIỆC LÀM TẠI CHỖ

Giải quyết việc làm cho người lao động là vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay của Nhà nước ta. Từ năm 1992, Ngân sách Nhà nước bố trí một khoản vốn để lập quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, trong đó dành một phần cho vay để thực hiện mục tiêu đào tạo chỗ làm việc mới hoặc tạo đủ việc làm tăng thêm thu nhập cho người lao động ở nông thôn và thành thị.

Dự án nhỏ và việc làm được xây dựng theo đúng hướng dẫn của Nhà nước là cơ sở để xem xét việc cho vay vốn từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm. Những hướng dẫn dưới đây về xây dựng dự án nhỏ chủ yếu có tính chất kỹ thuật và chung nhất để giúp các địa phương, các ngành, các đoàn thể, tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp, nghiên cứu và chỉ đạo việc xây dựng dự án cụ thể cho phù hợp với yêu cầu của Chương trình việc làm quốc gia và đảm bảo tính thống nhất trong cả nước. Dưới đây là các nội dung cụ thể của dự án xin vay vốn để tạo việc làm tại chỗ.

I. DỰ ÁN NHỎ, PHÂN LOẠI VÀ HƯỚNG ƯU TIÊN

1. Dự án nhỏ

Dự án nhỏ trong hướng dẫn này là dự án ở quy mô cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ ngoài quốc doanh xin vay vốn từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm nhằm khai thác tiềm năng sẵn có, tạo ra chỗ làm việc mới, thu hút thêm lao động.

Dự án nhỏ có mục tiêu rất cụ thể, thường được xác định trên cơ sở mở ra các vùng lĩnh vực, ngành nghề, các hoạt động mới để thu hút thêm lao động tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

2. Phân loại dự án

Dự án nhỏ phân loại theo chủ thể lập dự án, bao gồm:

- Các dự án của cá nhân, hộ tư nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ ngoài quốc doanh (gọi chung là người kinh doanh) được xây dựng để thu hút thêm lao động chưa có việc làm.

- Các dự án của Uỷ ban nhân dân địa phương xây dựng để thu hút lao động, giải quyết việc làm được quy hoạch và tổ chức thành vùng dự án cụ thể (chủ yếu là để khai thác tiềm năng của địa phương giải quyết việc làm tại chỗ).

- Các dự án của các đoàn thể, tổ chức quần chúng hội nghề nghiệp được xây dựng để giải quyết việc làm tăng thu nhập cho thành viên của mình theo một chương trình tổng thể về việc làm và chống đói nghèo (đối tượng chủ yếu là để khai thác tiềm năng của địa phương giải quyết việc làm tại chỗ).

- Các dự án của các đoàn thể, tổ chức quần chúng hội nghề nghiệp được xây dựng để giải quyết việc làm tăng thu nhập cho thành viên của mình theo chương trình tổng thể về việc làm và chống đói nghèo (đối tượng chủ yếu là hộ gia đình nghèo).

3. Các hướng ưu tiên

- Khu vực thành thị: Phát triển các doanh nghiệp nhỏ sản xuất và mở mang dịch vụ; khôi phục và phát triển nghề cổ truyền; chuyển giao công nghệ sử dụng nhiều lao động; gia công xuất khẩu...

- Khu vực nông thôn: Khuyến khích phát triển việc làm phi nông nghiệp (công nghiệp nhỏ, công nghiệp gia đình và dịch vụ); khôi phục và phát triển nghề cổ truyền; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sinh học nuôi, trồng đặc sản xuất khẩu có giá trị cao; khai thác tiềm năng đất đai đồi, rừng, ven biển và tài nguyên tại địa phương; phát triển chăn nuôi xuất khẩu...

- Các đối tượng ưu tiên được hưởng dự án: Lao động dôi ra trong khu vực Nhà nước, người đi lao động ở nước ngoài về; bộ đội xuất ngũ; học sinh đã tốt nghiệp các trường lớp chuyên nghiệp và dạy nghề thanh niên đến tuổi lao động thôi, bỏ học; người nghèo, người tàn tật, mất sức; các đối tượng tệ nạn xã hội...

- Địa bàn ưu tiên: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, vùng đồng bằng đông dân, biên giới, ven biển và một số vùng, địa phương khác có nhu cầu lớn về việc làm.

II. NỘI DUNG VĂN KIỆN DỰ ÁN

Nội dung văn kiện dự án bao gồm các yếu tố cơ bản nhất của một dự án. Các dự án phải được luận chứng theo một trình tự thống nhất và bắt buộc dưới đây:

1. Dự án của người kinh doanh, bao gồm các nội dung sau đây:

1.1. Khái quát về ngành nghề lĩnh vực hoạt động của người kinh doanh được lựa chọn để phát triển tạo chỗ làm việc mới, thu hút thêm lao động xã hội. ở đây phải nêu rõ khả năng phát triển ngành nghề (tầm quan trọng, khả năng nguồn nguyên liệu, khả năng tiêu thụ sản phẩm...) mà dự án đã lựa chọn.

1.2. Các mục tiêu của chủ dự án về giải quyết việc làm

- Mục tiêu lâu dài (dài hạn)

- Mục tiêu trước mắt (ngắn hạn)

1.3. Địa chỉ của dự án, số liệu tài khoản tại Ngân hàng (nếu có) địa bàn và phạm vi triển khai dự án (nêu rõ xã, huyện hoặc phường, quận, thành phố).

1.4. Trình bày về khả năng hiện có của người kinh doanh, bao gồm: - Vốn cố định (hiện có và khả năng tăng thêm cho dự án việc làm); - Vốn lưu động (hiện có và khả năng tăng thêm dành cho dự án việc làm);

- Nhà xưởng, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh (hiện có và phần dành cho dự án việc làm);

- Số lao động đang làm việc và dự kiến sẽ tuyển mới theo dự án;

- Các kết quả kinh doanh (để chứng minh ngành nghề được lựa chọn tạo việc làm mới là phù hợp, có khả năng phát triển lâu dài).

1.5. Nhu cầu vay vốn từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm:

- Tổng số vốn cần vay (tỷ lệ % so với tổng số vốn cần có phục vụ cho dự án);

- Mục đích sự dụng vốn vay (vật nuôi, cây con giống, vật tư sản xuất, tiền công dịch vụ...);

- Tài sản hợp pháp có thể sử dụng để thế chấp; - Thời biểu, thời hạn vay và hoàn trả vốn vay.

1.6. Dự kiến kết quả đạt được nếu dự án được thực hiện (hiệu quả kinh tế - xã hội):

- Về phát triển ngành nghề;

- Về chỗ làm việc mới (trọng tâm);

- Tỷ suất vốn vay từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm cho một chỗ làm việc mới (đồng/chỗ làm việc mới).

1.7. Các cam kết:

- Về thu hút lao động bằng hợp đồng được đăng ký với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương.

- Về sử dụng vốn đúng mục đích và hoàn trả (vốn vay và lãi) đúng thời hạn;

- Về chấp hành chủ trương, chính sách nhà nước trong hoạt động tạo việc làm...

Dự án sau khi lập xong phải được xác nhận của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Tài chính - vật giá (có sự tham gia của cơ quan kho bạc Nhà nước) tỉnh, thành phố (hoặc quận, huyện nếu được uỷ quyền) về mục tiêu và tính khả thi của dự án.

2. Dự án do địa phương tổ chức đoàn thể quần chúng, các hội nghề nghiệp đứng ra xây dựng, phải bao gồm các nội dung sau:

2.1. Giới thiệu về chủ thể lập dự án, tên dự án; cơ sở tư cách pháp lý của chủ dự án (phải là đơn vị hành chính của Nhà nước, tổ chức đoàn thể quần chúng, các hội nghề nghiệp... được thành lập theo đúng quy định của pháp luật).

2.2. Mô tả vùng, lĩnh vực, ngành nghề được lựa chọn để làm dự án giải quyết việc làm (yêu cầu luận chứng được khả năng thực thi dự án);

2.3. Các mục tiêu của dự án, đặc biệt về tạo việc làm cho người lao động (trước mắt và lâu dài);

2.4. Địa bàn, phạm vi triển khai dự án và số lượng chỗ làm việc mới do dự án tạo ra hoặc số người được tham gia vào dự án;

2.5. Khả năng tự đầu tư của người lao động tham gia dự án (vốn, trang thiết bị...);

2.6. Nhu cầu vay vốn của dự án:

- Tổng số vốn đề nghị;

- Mức vay bình quân cho một đối tượng tham gia dự án. 2.7. Thời biểu, thời hạn vay vốn và hoàn trả vốn vay.

2.8. Các kết quả được (về việc làm và về thu nhập của đối tượng hưởng dự án);

2.9. Các cam kết của chủ dự án:

- Về trách nhiệm trong việc đảm bảo vốn vay (bảo lãnh cho người vay vốn dưới hình thức tín chấp);

- Về vai trò tham gia kiểm tra, kiểm soát, quản lý sử dụng vốn vay.

- Về chấp hành đúng chủ trương, chính sách Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.

3. Chủ dự án

3.1. Chủ dự án là người có đủ trình độ, năng lực và điều kiện để đề xướng và thực hiện dự án phù hợp với mục tiêu trong hướng dẫn này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3.2. Đối với dự án của người kinh doanh, chủ dự án là chính người kinh doanh đứng ra xây dựng được Uỷ ban nhân dân cấp huyện, quận xác nhận trong dự án.

3.3. Đối với dự án của Uỷ ban Nhân dân địa phương và đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp chủ dự án phải được cơ quan chủ quản dự án giao nhiệm vụ.

3.4. Quyền hạn và trách nhiệm của chủ dự án:

a. Quyền hạn

- Chủ trì phối hợp hoặc độc lập xây dựng và hoàn thiện về thủ tục dự án theo hướng dẫn của Nhà nước và sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản (nếu có), đồng thời bảo vệ dự án đó với cấp có thẩm quyền. - Trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện dự án được duyệt.

- Được cơ quan Nhà nước, cơ quan chủ quản (và có quyền yêu cầu) các cơ quan này bảo đảm các điều kiện và vật chất, vốn vay, kinh phí và phương tiện hoạt động khác quy định trong dự án được duyệt và trong các văn bản pháp quy khác có liên quan đến dự án.

- Được thiết lập mối quan hệ công tác với cơ quan, tổ chức có liên quan để phối hợp thực hiện mục tiêu của dự án.

- Quản lý các nguồn vật chất của dự án theo đúng chế độ Nhà nước.

b. Trách nhiệm:

- Chịu trách nhiệm trực tiếp về mục tiêu và hiệu quả của dự án trước Nhà nước và cơ quan chủ quản (nếu có).

- Chịu trách nhiệm hoàn trả vốn vay và trả lãi đúng thời hạn.

- Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện dự án với Nhà nước và cơ quan chủ quản (nếu có) theo quy định trong quy trình quản lý và thực hiện dự án.

3.5. Mẫu trang bìa của dự án:

- Tên của dự án

- Mã số của dự án

- Họ và tên chủ dự án

- Địa điểm thực hiện dự án

- Cơ quan thực hiện dự án

- Cơ quan chuyên môn kỹ thuật

- Thời gian dự kiến bắt đầu

- Đóng góp của phía dự án

+ Bằng tiền

+ Bằng hiện vật (qui ra tiền)

- Yêu cầu tổng vốn vay từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm:

- Địa chỉ liên hệ: Số tài khoản

Telex: Fax:

III. HỒ SƠ VÀ CÁC VĂN BẢN DỰ ÁN

Hồ sơ, và các văn bản dự án gồm có:

- Công văn của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương hoặc lãnh đạo cơ quan Trung ương của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp đề nghị lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính kiểm tra, thẩm định và quyết định cho vay vốn từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm; - Văn kiện dự án theo hướng dẫn này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bao gồm các văn bản dự án sau:

+ Dự án của người kinh doanh và của địa phương phải làm thành 8 bản: 3 bản gửi cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Kế hoạch của Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương để kiểm tra thẩm định; 3 bản gửi về Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính và Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước, kèm theo văn bản thẩm định và bản tổng hợp của địa phương để xét duyệt; 1 bản gửi cho Chi nhánh (hoặc Chi cục) kho bạc nơi chủ dự án sẽ giao dịch, kèm theo kết quả thẩm định để làm cơ sở đối chiếu, kiểm tra khi ký khế ước vay vốn, 1 bản chủ dự án giữ để triển khai thực hiện.

+ Dự án của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp được làm thành 6 bản và phải được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự án dự định triển khai xác định là phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, văn bản dự án được gửi: 1 bản đến cơ quan Trung ương của tổ chức, đoàn thể, hội quần chúng để kiểm tra, thẩm định và lập biểu tổng hợp báo cáo Liên Bộ; 3 bản gửi đến Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước kèm theo văn bản thẩm định của cơ quan Trung ương của tổ chức đoàn thể để xét duyệt; 1 bản gửi cho Chi nhánh (hoặc Chi cục) kho bạc nơi giao dịch vay vốn kèm theo các văn bản thẩm định để làm cơ sở đối chiếu, kiểm tra khi ký khế ước vay vốn đối với các đối tượng hưởng dự án; 1 bản cho tổ chức đoàn thể, hội quần chúng xây dựng lưu lại để chỉ đạo thực hiện.

Các văn bản này không phải là văn bản vay vốn. Vì vậy, sau khi dự án được phê duyệt, có thông báo của cơ quan có thẩm quyền, chủ dự án đến Chi nhánh (hoặc Chi cục) kho bạc làm khế ước vay vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Đối với các dự án nhỏ ở địa phương: Lấy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch và Sở Tài chính - Vật giá địa phương tham mưu giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh hướng dẫn, xây dựng và tổng hợp nhu cầu về các dự án nhỏ của địa phương.

- Đối với các dự án nhỏ do các đoàn thể tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp xây dựng: Lấy đầu mối là cơ quan Trung ương các đoàn thể, tổ chức quần chúng và hội nghề nghiệp đó.

- Trên cơ sở các dự án đã được kiểm tra, thẩm định, tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan Trung ương các đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp sắp xếp thứ tự ưu tiên và tổng hợp các dự án để đăng ký trình với Trung ương (Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính) xem xét, giải quyết...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc hướng dẫn xây dựng dự án nhỏ xin vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ

  • Số hiệu: 1979/LĐTBXH-CV
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/07/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/07/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản