Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2446/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1995

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 2446/TCHQ-GSQL NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 1995 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÔNG TƯ 06/TT-HQ-BĐ

Kính gửi: Cục hải quan các tỉnh, thành phố

 

Ngày 20-06-1995, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện đã ký Thông tư liên Tổng cục số 06/TT-HQ-BĐ về việc kiểm tra hải quan đối vói vật phẩm, hàng hoá xuất, nhập khẩu gửi qua Bưu điện. Để thống nhất về nhận thức và nhất quán khi thực hiện Thông tư này, sau khi thống nhất với Tổng cục Bưu điện tại Hội nghị tập huấn, Tổng cục Hải quan hướng dẫn một số điểm dưới đây:

I- PHẦN QUY ĐỊNH CHUNG

1. Khái niệm bưu điện được dùng trong Thông tư là từ chung, để gọi tắt các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bưu chính thuộc Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam. Các doanh nghiệp khác ngoài Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và ngành Bưu điện, nếu được Chính phủ cho phép hoạt động dịch vụ có liên quan đến Thông tư này thì Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện sẽ có hướng dẫn thực hiện bổ sung.

2. Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu của Nhà nước Việt Nam do Bộ Thương mại công bố hàng năm và danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu của nước nhận do Tổng cục Bưu điện thông báo cho các đơn vị Bưu điện và Hải quan để cùng niêm yết công khai cho nhân dân biết và thực hiện.

3. Hải quan tại Bưu cục Ngoại dịch và Bưu cục Kiểm quan là những đơn vị Hải quan cửa khẩu được thành lập theo quyết định của Tổng cục Hải quan.

4. Khi Bưu điện có nhu cầu mở Bưu cục Ngoại dịch, Bưu cục Kiểm quan và Địa điểm kiểm tra hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ uỷ quyền cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan Bưu điện tổ chức khảo sát. Sau khi khảo sát, nếu đáp ứng đầy đủ được các yêu cầu quản lý của Hải quan về những quy định tại điểm 7.I thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo cụ thể gửi về Tổng cục Hải quan để có quyết định thành lập tổ chức bộ máy theo quy định hiện hành.

5. Địa điểm kiểm tra hải quan sau khi đã được Tổng cục Hải quan có văn bản chấp thuận. Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương đã được quy định để xây dựng quy trình nghiệp vu, tổ chức bộ máy, nội quy, quy chế quản lý nhằm để có điều kiện thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan và của các ngành liên quan.

6. Những nơi đã có quyết định cho hoạt động, nhưng không còn nhu cầu, kém hiệu quả hoặc các điều kiện để đáp tứng yêu cầu quản lý chuyên môn nghiệp vụ của hải quan không đảm bảo, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo cụ thể gửi về Tổng cục Hải quan để cùng với Tổng cục Bưu điện thống nhất chỉ đạo giải quyết. Trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo thống nhất giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện, mọi hoạt động không được thay đổi.

II- PHẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Những túi, kiện, Container... chứa đựng các loại bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu gửi qua đường bưu điện khi vận chuyển từ cửa khẩu đầu tiên đến Bưu cục Ngoại dịch, Địa điểm kiểm tra hải quan hoặc ngược lại, không phải cấp giấy phép xuất, nhập hàng, mà chỉ dùng phiếu AV7 (nếu vận chuyển theo đường hàng không) và phiếu C18 (nếu vận chuyển theo đường biển) để giao nhận khi đã có xác nhận của hải quan nơi chuyển tiếp hàng đi tại cửa khảu đầu tiên. Việc theo dõi phải mở sổ đúng quy định, phải vào sổ theo thứ tự từng chuyến thư, ghi đầy đủ tình hình, kết quả giám sát ... trước khi cho hàng nhập kho chờ làm thủ tục (nếu là hàng nhập) và cho hàng xuất khẩu (nếu là hàng xuất).

2. Việc dùng phiếu AV7, C18 để giao nhận hàng chuyển tiếp giữa các đơn vị hải quan, phải thực hiện đầy đủ các khâu nghiệp vụ niêm phong, kẹp chỉ hoặc áp tải và kiểm tra, xem xét tình trạng bao bì, niêm phong, kẹp chì trên túi, kiện ... trước khi giao nhận.

3. Tại mục II.2.3.1 (b): Đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu có thuế xuất khẩu, lệ phí hải quan, chỉ được chuyển đi khi Bưu cục Ngoại dịch hay Bưu cục Kiểm quan thay mặt chủ hàng đã nộp đầy đủ thuế, lệ phí cho Hải quan. Thời gian nộp thuế cho Hải quan phải đúng thời gian quy định. Biên lai thuế xuất khẩu và biên lai lệ phí hải quan là căn cứ để Bưu cục Ngoại dịch hoặc Bưu cục Kiểm quan thanh toán với chủ hàng.

4. Tại mục II 1.3.2: Kiểm tra hải quan trong trường hợp có mặt người nhận:

a) Tổng cục Hải quan đã thống nhất lại với Tổng cục Bưu điện: Quy trình làm thủ tục bao gồm: Bưu điện làm thủ tục phát Bưu phẩm, bưu kiện cho khách hàng theo đúng quy định của chuyên ngành Bưu điện; khách trực tiếp xuất trình bưu phẩm, bưu kiện cho Hải quan làm thủ tục theo các quy định của ngành Hải quan. Quá trình làm việc, hai bên đều phải có trách nhiệm tạo điều kiện giúp đỡ cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh có liên quan đến trách nhiệm của hai bên, phải cùng nhau bàn bạc để có biện pháp giải quyết, xử lý thống nhất.

b) Kiểm tra hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu trong trường hợp có mặt người nhận được phân thành 2 trường hợp:

+ Khi khách làm thủ tục nhận hàng với Bưu điện, nếu vì lý do nào đó người nhận hàng từ chối việc nhận hàng, thì Bưu điện phải thông báo cho lãnh đạo Hải quan cửa khẩu Bưu điện biết trước khi làm thủ tục hoàn trả nước gốc hoặc xử lý theo quy định của Thể lệ bưu chính quốc tế. Sau khi Hải quan và Bưu điện thống nhất việc hoàn trả nước gốc (nước gửi), Hải quan tiến hành các khâu thủ tục xuất trả nước gốc: lập biên bản vi phạm, xử lý hàng phạm pháp (nếu có); tổ chức lực lượng giám sát và làm các thủ tục cần thiết tiếp theo cho đến khi thực xuất; thanh khoản sổ sách, chứng từ liên quan.

+ Sau khi cơ quan Bưu điện chuyển bưu phẩm, bưu kiện cho Hải quan kiểm tra khách mới từ chối việc nhận hàng tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà Hải quan xem xét cho tái xuất hoặc xử lý vi phạm (nếu có) theo điểm 1 (III). Hải quan xác nhận phần thực nhập (phần để lại) và phần tái xuất (phần trả nước gốc) trên tờ khai hải quan để làm cơ sở cho việc giải quyết các khâu nghiệp vụ tiếp theo. Mọi chi phí phát sinh do tái xuất, khách hàng phải chịu theo các quy định có liên quan của bưu điện.

5. Tại mục III 3.1. Điểm này chỉ đề cập đến "thư tín cá nhân" theo đúng khái niệm của Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU). Tuyệt đối không đóng dấu hoặc ký xác nhận của hải quan lên phong bì "thư tín cá nhân".

Những trường hợp có ghi vấn hoặc xác định trong phong bì thư tín có hàng hoá, tiền tệ, kim khí quý bên trong hoặc vi phạm các quy định về việc gửi thư tín, Bưu điện viết giấy mời người có thư đến nhận và người có thư tự mở thư của mình, có sự chứng kiến của Bưu điện và Hải quan. Sau khi mở thư, nếu có vi phạm thì cùng với Bưu điện lập biên bản và xử lý theo quy định hiện hành. Trường hợp sau khi mở thư không có vi phạm gì cũng phải phối hợp với Bưu điện lập biên bản chứng nhận cụ thể.

6. Tại mục II.3.4.2: Về việc thu thuế đối với hàng hoá, vật phẩm, tài liệu ... trong bưu phẩm, bưu kiện, thực hiện đúng theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành.

Tại điểm "a" của mục II. 3.4.2, sau khi đã xác định thuộc loại không có thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, phải tách riêng và có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm không lẫn với loại hàng có thuế; loại hàng nào có thuế phải để riêng và lập tờ khai kiểm hoá tính thuế từng lô hàng theo đúng hướng dẫn thực hiện quy trình nghiệp vụ hiện hành.

7. Tại mục II.3: Hoạt động dịch vụ chuyển phát nhanh Quốc tế là loại hình giao nhận ngoại thương tiên tiến, hiện đại nằm ngoài hệ thống bưu chính quốc tế (UPU). Trong Thông tư này quy định chung cho các hoạt động dịch vụ bưu chính quốc tế và dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế do các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thực hiện. Để quản lý chặt chẽ loại hình mới này, Tổng cục sẽ có quy chế riêng. Dịch vụ chuyển phát nhanh các loại bưu kiện nặng từ 31,5 kg trở lên là loại hình mới, được làm thủ tục hải quan ngay tại cửa khẩu hoặc địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài khu vực cửa khẩu theo Quyết định số 109/TCHQ-QĐ ngày 09-03-1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn này, Hải quan các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan Bưu điện sở tại (đặc biệt là Bưu cục Ngoại dịch và Bưu cục Kiểm quan), căn cứ vào điều kiện cụ thể của các cửa khẩu ở từng địa phương để thống nhất xây dựng nội quy, quy chế quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi bên, nguyên tắc phối hợp trong từng khâu nghiệp vụ và mối quan hệ giữa Hải quan và Bưu điện, cũng như các ngành liên quan khác. Sau khi thống nhất xây dựng xong, nội quy, quy chế quản lý phải gửi về Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện để báo cáo.

Trong quá trình thực hiện, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổng hợp những phát sinh, vướng mắc báo cáo kịp thời về Tổng cục để hướng dẫn giải quyết.

 

Nguyễn Thanh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 06/TT/HQ-BĐ

  • Số hiệu: 2446/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/10/1995
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/10/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản