Hệ thống pháp luật

UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 431/UBDTMN-BTK

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI SỐ 431/UBDTMN-BTK NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 1999 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁC XÃ ĐBKK NĂM 1999

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi Chương trình 135.

Thực hiện Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biết khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135). Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, cơ quan thường trực Chương trình 135 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ như sau:

1. Đối tượng: Đào tạo cán bộ xã, bản, làng, phum, sóc ghi tại Mục IV, điểm 5, Quyết định 135/1998/QĐ-TTg bao gồm:

- Cán bộ công tác trong Đảng uỷ, HĐND,UBND, các đoàn thể, các cán bộ quản lý chuyên môn: Kế hoach, tài chính, đất đai, khuyến nông, khuyến lâm, giao thông, thuỷ lợi, văn hoá - xã hội...

- Trưởng thôn, bản, làng, phum, sóc.

- Các cán bộ thuộc diện quy hoach kế cận các chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND...

2. Nội dung đào tạo: là những vấn đề thiết thực giúp cho cán bộ cơ sở nâng cao trình độ về: Quản lý hành chính, quản lý chuyên môn, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình địa phương; tổ chức chỉ đạo và vận động nhân dân trong xã biết cung cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hàng hoá...; quản lý, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện.

Tuỳ theo đối tượng trong kế hoạch hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình 135 Trung ương hướng dẫn đề cương nội dung đào tạo. Tỉnh chuẩn bị nội dung cụ thể cho phù hợp với tình hình địa phương, huyện tổ chức lớp đào tạo phải vận dụng phù hợp với những đặc điểm có tính đặc thù của các xã và phù hợp với trình độ của cán bộ xã.

Đào tạo bồi dưỡng cán bộ xã kết hợp giữa học tập ở lớp với các hình thức: tham quan, nghiên cứu học tập những mô hình phát triển có hiệu quả, những điển hình tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm tại hiện trường, về người thực, việc thực...

3. Phân công thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ:

Trong kế hoạch hàng năm, Nhà nước hỗ trợ kinh phí sự nghiệp cho cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh để đào tạo cán bộ thuộc phạm vi Chương trình 135 như sau:

a. Ở Trung ương: Cơ quan thường trực Chương trình 135 (Uỷ ban Dân tộc và Miền núi) được cấp khoản kinh phí đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ:

- Tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ của tỉnh, huyện trực tiếp quản lý chỉ đạo Chương trình về: Cơ chế, chính sách quản lý tổ chức thực hiện Chương trình, giải pháp vận hành Chương trình.

- Xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo, chuẩn bị tài liệu, giáo trình đào tạo.

- Hướng dẫn về nội dung đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo.

- Xây dựng những mô hình đào tạo điểm đi trước một bước, làm cơ sở cho kế hoạch đào tạo cán bộ các xã thuộc phạm vi Chương trình.

b. Khoản kinh phí đào tạo của Chương trình hàng năm cấp về UBND tỉnh để tổ chức chỉ đạo việc đào tạo các đối tượng như đã ghi tại điểm 1 công văn này.

4. Kế hoạch đào tạo:

a. Xây dựng kế hoạch: Xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn và mục tiêu nhiệm vụ của Chương trình 135 để xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ cùng với quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo trình tự: Uỷ ban Dân tộc và Miền núi thông báo đối tượng, nội dung đào tạo cho năm kế hoạch. UBND xã đề nghị cử học viên đi học, UBND huyện xét duyệt đối tượng được đào tạo, tổng hợp kế hoạch đào tạo có ghi rõ đối tượng, số lượng, kinh phí đào tạo báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh tổng hợp kế hoạch đào tạo của tỉnh, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.

Thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp kế hoạch đào tạo cán bộ thuộc phạm vi Chương trình 135, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí kế hoạch đào tạo, Bộ Tài chính bố trí kinh phí đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b. Giao kế hoạch: Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đào tạo cán bộ:

- Giao Uỷ ban Dân tộc và Miền núi: Kế hoạch đào tạo và mức kinh phí đào tạo do Uỷ ban thực hiện.

- Giao Chủ tịch UBND tỉnh: Kế hoạch đào tạo cán bộ và tổng mức kinh phí đào tạo cho tỉnh.

- Chủ tịch UBND tỉnh: Giao kế hoạch và mức kinh phí đào tạo cho UBND huyện. Huyện là đơn vị tổ chức thực hiện việc đào tạo cán bộ các xã đặc biệt khó khăn.

- Kết thúc mỗi khoá đào tạo và năm thực hiện kế hoạch đào tạo: UBND huyện báo cáo kết quả cho tỉnh, UBND tỉnh tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.

5. Về kinh phí đào tạo:

Hàng năm, căn cứ vào mức kinh phí đào tạo cán bộ các xã đặc biệt khó khăn Trung ương giao cho tỉnh, tỉnh giao cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh phối hợp với các ngành liên quan thực hiện. Mức kinh phí tính toán cho các khoá đào tạo, bồi dưỡng gồm các khoản chi trả thù lao cho giảng viên, các khoản phụ cấp cho học viên, tiền in ấn tài liệu và chi tổ chức quản lý lớp học được xác định trên các chế độ, tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chế độ công tác phí hiện hành.

Việc cấp phát kinh phí đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành.

6. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo ở các xã đặc biệt khó khăn năm 1999:

Năm nay, năm đầu tiên thực hiện Chương trình, các địa phương chưa thực hiện các bước kế hoạch đào tạo như trên, khoản kinh phí đào tạo cán bộ xã đặc biệt khó khăn đã cấp về các tỉnh thuộc phạm vi Chương tình 135 được sử dụng như sau:

a. Đối tượng:

- Mỗi huyện mở lớp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh, huyện được tăng cường xuống công tác có thời hạn tại các xã đặc biệt khó khăn.

- Mỗi xã mở một lớp bồi dưỡng cho các đối tượng đã được ghi tại Điểm 1 của công văn này.

b. Nội dung:

- Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135 ).

- Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn. (số 416/1999-TTLT/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 29/04/1999 của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Tài chính, Xây dựng).

Thông tư số 47/1999/TT-BTC ngày 05/05/1999 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý cấp phát vốn đầu tư cho dự án hạ tầng cơ sở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (theo Quyết định số 153/1998/QĐ-TTg ngày 31/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ ).

- Hướng dẫn thực hiện dân chủ công khai xây dựng cơ sở hạ tâng ở các xã đặc biệt khó khăn (công văn số 429/UBDTMN-BTK ngày 29 tháng 04 năm 1999 của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi)

- Hướng dẫn dự án quy hoạch xây dựng CSHT các xã đặc khó khăn thuộc Chương trình 135 (công văn số 430/UBDTMN-BTK ngày 29 tháng 04 năm 1999 của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi ).

c.Tuỳ theo đối tượng của mỗi lớp học, Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công cho các cơ quan chức năng của tỉnh soạn nội dung, xác định thời gian học tập cho phù hợp và bố trí giảng viên giàu kinh nghiệm đào tạo cán bộ cơ sở để thực hiện nhiệm vụ đào tạo có hiệu quả thiết thực.

Uỷ ban nhân dân huyện trực tiếp tổ chức chỉ đạo các lớp đào tạo trên đây.

Yêu cầu Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi Chương trình 135 thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ các xã đặc biệt khó khăn theo những quy định trên đây.

 

Trần Lưu Hải

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc hướng dẫn đào tạo cán bộ các xã ĐBKK năm 1999

  • Số hiệu: 431/UBDTMN-BTK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/04/1999
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc và Miền núi
  • Người ký: Trần Lưu Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản