Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2424/LĐTBXH-QLLĐNN
Về việc hướng dẫn công tác kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động đưa laođộng việt nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2000

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 2424/LĐTBXH-QLLĐNN NGÀY 27 THÁNG 7 NĂM 2000 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐƯA LAOĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI

Kính gửi

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương các Đoàn thể;
- UBDN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp; Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính phủ quy định việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đưa lao động, chuyên gia Việt Nam (sau đây gọi là người lao động) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Đánh giá thực trạng tình hình thực hiện các quy định của Nhà nước về xuất khẩu lao động; Phát hiện các nhân tố mới, kinh nghiệm và mô hình tốt trong hoạt động xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp, các tổ chức liên quan;

- Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

- Giúp cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, xử lý, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo phát sinh từ hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật;

- Đề xuất kiến nghị để góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, chế độ, chính sách xuất khẩu lao động;

- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân;

- Tăng cường pháp chế trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và chuyên gia.

2. Yêu cầu:

- Tuân thủ theo quy định của pháp luật về hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và các quy định của pháp luật có liên quan;

- Đảm bảo tính khách quan, trung thực, kịp thời, công khai;

- Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ ghi trong Quyết định kiểm tra, thanh tra và các quy định của pháp luật.

II. ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA, THANH TRA:

1. Các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động chuyên doanh đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

2. Các doanh nghiệp, tổ chức không có giấy phép hoạt động chuyên doanh nhưng có hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các hợp đồng thầu khoán xây dựng công trình, hợp đồng liên doanh, hợp tác đầu tư, ....

3. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như:

- Đơn vị cung cấp lao động để doanh nghiệp tuyển chọn đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

- Tổ chức, cá nhân thực hiện việc đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

- Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo các tranh chấp phát sinh;

- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tuyển lao động dưới danh nghĩa đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

4. Cơ quan tiếp nhận đăng ký hợp đồng cá nhân của người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

III. HÌNH THỨC KIỂM TRA, THANH TRA:

1. Kiểm tra, thanh tra định kỳ: Thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Kiểm tra, thanh tra bất thường: Phục vụ giải quyết khiếu nại tố cáo hoặc khi có biểu hiện vi phạm.

IV. NỘI DUNG KIỂM TRA, THANH TRA:

1. Tư cách pháp nhân của doanh nghiệp (tổ chức) và khả năng, điều kiện của doanh nghiệp (tổ chức) đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Quyết định thành lập, tình hình tài chính, tổ chức bộ máy và cán bộ thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giấy phép hoạt động chuyên doanh (nếu có).

2. Các hợp đồng có liên quan đến việc thực hiện đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

3. Công tác tuyển chọn lao động:

- Phương thức tuyển chọn lao động;

- Địa bàn, số lượng lao động dự tuyển, số đã tuyển chọn; trong đó, số thuộc diện chính sách;

- Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn;

- Các văn bản thoả thuận, hợp tác trong việc cung cấp lao động (nếu có);

- Hồ sơ tuyển chọn lao động đi theo từng thị trường lao động.

4. Công tác đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài:

- Chương trình, nội dung, giáo trình, tài liệu giảng dạy, thời gian đào tạo, giáo dục định hướng;

- Kết quả, chất lượng đào tạo, giáo dục định hướng;

- Cấp phát và quản lý chứng chỉ đào tạo, giáo dục định hướng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

5. Thực hiện chế độ tài chính đối với doanh nghiệp và người lao động:

- Công khai các khoản đóng và thanh toán lại của người lao động; thời điểm đóng theo quy định;

- Chấp hành nguyên tắc quản lý và chi tiêu tài chính doanh nghiệp theo quy định;

- Kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ thu chi tài chính về hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia.

6. Công tác quản lý lao động:

- Các hợp động lao động đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động (Cục Quản lý lao động với nước ngoài);

- Làm sổ lao động và sổ BHXH cho người lao động;

- Tổ chức đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài;

- Tổ chức quản lý lao động ở nước ngoài;

- Số lao động đã đưa đi; Số đang làm thủ tục, chờ ngày đi; Số lao động đã hết hạn hợp đồng (đã về nước, còn ở lại; Số đã về trước thời hạn (lý do); Số lao động bỏ ra ngoài hợp đồng; Số bị chết (nguyên nhân); Số bị tai nạn lao động (kết quả giải quyết chế độ); Số lao động đang quản lý được ở từng thị trường lao động; Số được gia hạn hợp đồng; Các vụ việc và tranh chấp phát sinh (biện pháp và kết quả giải quyết);

- Tổ chức đưa lao động về nước và thanh lý hợp đồng với người lao động (số lao động đã thanh lý hợp đồng; số lao động chưa thanh lý hợp đồng, lý do; hồ sơ thanh lý hợp đồng với người lao động; thanh lý các hợp đồng, thoả thuận khác với cơ sở cung cấp lao động, đào tạo, giáo dục định hướng, bồi dưỡng, kiểm tra tay nghề...);

- Thực hiện chế độ báo cáo (hàng quý, năm, đột xuất) theo quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động và chuyên gia.

V. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TIẾN HÀNH KIỂM TRA, THANH TRA:

1. Ra quyết định kiểm tra, thanh tra:

Ra quyết định kiểm tra, thanh tra; nội dung kiểm tra, thanh tra phải đúng quy định tại các Điều 13, 14, 15, 23, 24, 25 Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ.

2. Đoàn kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm thông báo với doanh nghiệp (tổ chức, cơ sở...) về quyết định thanh tra ĩt nhất 07 ngày và quyết định kiểm tra ĩt nhất 03 ngày (kèm theo đề cương nội dung thanh tra, kiểm tra) trước khi tiến hành kiểm tra, thanh tra.

3. Sau khi kết thúc kiểm tra, thanh tra theo thời hạn quy định tại các Điều 21, 27 Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ, đoàn kiểm tra, thanh tra phải có văn bản kết luận về nội dung kiểm tra, thanh tra công bố tại doanh nghiệp (tổ chức) được kiểm tra, thanh tra; báo cáo Thủ trưởng cơ quan đã ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra và gửi đến cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, thanh tra về xuất khẩu lao động và chuyên gia hàng năm.

2. Sỏ Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước tại địa phương, tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời phối hợp và tạo điều kiện cho các đoàn kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Trung ương trong thời gian tiến hành kiểm tra, thanh tra tại địa phương. Tránh hiện tượng nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra một đơn vị trong cùng một thời điểm, hoặc kiểm tra nhiều lần trong một thời gian, làm khó khăn và mất thời gian của doanh nghiệp.

3. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nội dung, yêu cầu về kiểm tra, thanh tra và thực hiện các kiến nghị đưa ra của đoàn kiểm tra, thanh tra.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, phối hợp xử lý.

 

Nguyễn Lương Trào

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc hướng dẫn công tác kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

  • Số hiệu: 2424/LĐTBXH-QLLĐNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/07/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Lương Trào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản