Hệ thống pháp luật

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41/2001/KHXX

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2001

 

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 41/2001/KHXX NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG CÁC ĐIỀU 61, 62 BLHS VÀ CÁC ĐIỀU 231 VÀ 232 BLTTHS

Kính gửi: Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Sau khi nghiên cứu Công văn số 01/CV-THA ngày 02 tháng 01 năm 2001 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc xin hướng dẫn áp dụng quy định về việc hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án có mức án từ 8 năm tù trở lên, không phải là phần tử nguy hiểm cho xã hội mà người này bị ốm nặng hoặc là người lao động duy nhất trong gia đình, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại các Điều 61, 62 BLHS năm 1999, các Điều 231, 232 BLTTHS, Điều 17 Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và hướng dẫn tại Mục 2 Thông tư liên ngành số 03 TTLN ngày 30-6-1993 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, thì một trong những lý do để Toà án cho người bị kết án không phải là phần tử nguy hiểm cho xã hội được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là "người bị kết án bị ốm nặng" (bị bệnh nặng). Người bị kết án bị ốm nặng là bị bệnh nặng đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được, việc đi chấp hành hình phạt tù hoặc tiếp tục chấp hành hình phạt tù sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của họ và cần thiết phải cho họ được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh (như bị bệnh ung thư, bị lao nặng, bị bại liệt v.v...). Toà án chỉ xem xét để quyết định việc có cho người bị kết án được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù khi đã có kết luận của giám định y khoa. Vì vậy, tuỳ trường hợp cụ thể mà Giám thị trại giam, cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Toà án tổ chức giám định sức khoẻ của người bị kết án để có kết luận về bệnh trạng của họ (chi phí giám định do người bị kết án chịu).

Đối chiếu với các trường hợp mà quý Toà nêu trong Công văn là người bị kết án bị mắc một trong các bệnh như lao phổi, tràn dịch màng phổi, ung thư cơ, ung thư gan, bại liệt... là những bệnh nguy hiểm, thì Toà án có thể xem xét cho người bị kết án được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho đến khi người đó khỏi bệnh. Riêng đối với trường hợp người bị kết án bị nhiễm vi rút HIV, thì chưa coi là bị bệnh nặng để được xem xét cho hoãn hoặc tạm đình chỉ việc chấp hành hình phạt tù, chỉ đến khi người bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS (theo kết luận của bác sĩ), thì mới coi là bị bệnh nặng để xem xét cho hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

2. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 61 và Điều 62 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì Toà án chỉ được cho người bị kết án là người lao động duy nhất trong gia đình được hoãn hoặc tạm đình chỉ việc chấp hành hình phạt tù đến 1 năm, nếu người đó không bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, đối với trường hợp người bị kết án bị phạt từ 8 năm tù trở lên thì họ đã bị kết án về một trong các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng rồi, nên Toà án không được cho họ hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù với lý do là người lao động duy nhất trong gia đình.

 

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc hướng dẫn áp dụng các điều 61, 62 BLHS và các điều 231 và 232 BLTTHS

  • Số hiệu: 41/2001/KHXX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/04/2001
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Trịnh Hồng Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/04/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản