Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1070/LĐTBXH-VL
Về việc đẩy nhanh chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho lao động từ tiệp khắc (cũ) trở về

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 1994

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1070/LĐTBXH/VL NGÀY 1 THÁNG 4 NĂM 1994 VỀ VIỆC ĐẨY NHANH CHƯƠNG TRÌNH VAY VỐN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG TỪ TIỆP KHẮC (CŨ) TRỞ VỀ

Kính gửi
Đồng kính gửi

Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
Đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Sau một năm triển khai thực hiện Thông tư Liên bộ số 03/TT-LB ngày 18-3-1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn thực hiện Chương trình Viện trợ nhân đạo của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) để hỗ trợ tạo việc làm và dạy nghề cho lao động Việt Nam trở về trước hạn. Chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho các đối tượng thụ hưởng dự án đang dần dần ổn định và thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn có khá nhiều dự án làm chưa đúng, chưa đủ thủ tục. Việc xem xét dự án ở các khâu trách nhiệm chưa thật rõ và chưa được đề cao. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tăng cường quản lý Chương trình này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý Điều hành hoạt động Chương trình thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo các nội dung sau:

1- Dự án vay vốn giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam từ Tiệp Khắc (cũ) trở về là các dự án được xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư Liên Bộ số 03/TT-LB ngày 18-3-1993 và Công văn số 962/VL ngày 03-04-1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai Thông tư liên Bộ số 03/TT-LB. Việc xét duyệt dự án phải theo đúng thủ tục, đúng Mục tiêu, đúng đối tượng và có hiệu quả theo nguyên tắc công khai, tránh phiền hà cho các chủ dự án.

2- Các dự án trên đều do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, thẩm định và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

3- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Ban Quản lý Chương trình Quốc gia xúc tiến việc làm (BQLCT) tiếp nhận hồ sơ các dự án đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ Ngành đề nghị; tổ chức xem xét trình lãnh đạo Bộ quyết định.

4- Ban quản lý Chương trình tiến hành xem xét dự án, đặc biệt là thủ tục và mức vốn đề nghị vay theo đúng các yêu cầu sau:

a) Hồ sơ:

- Công văn đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ, Ngành gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt dự án vay vốn giải quyết việc làm cho lao động từ Tiệp Khắc trở về kèm theo là dự án đã được làm đúng hướng dẫn tại Thông tư Liên Bộ số 03/TT-LB và Công văn 962/VL. Nếu công văn đề nghị nhiều dự án vay vốn, phải có biểu tổng hợp các dự án.

- Dự án vay vốn (gồm 3 bản): Mọi dự án sau khi lập xong phải được xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã) về nơi cư trú của chủ dự án là ngưòi đã lao động ở Tiệp Khắc (cũ) trở về (đối tượng vay vốn); xác nhận (ký tên, đóng dấu) của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố (hoặc quận, huyện nếu đựơc uỷ quyền) về Mục tiêu tạo ra chỗ làm việc mới hoặc thu hút thêm lao động có đúng như dự án không? và khả năng thực hiện của từng dự án.

- Kèm theo từng dự án vay vốn là:

+ Giấy phép hành nghề, đăng ký kinh doanh của chủ doanh nghiệp.

+ Hồ sơ đi hợp tác lao động từ Tiệp Khắc trở về của chủ dự án (nếu chủ dự án là lao động từ Tiệp Khắc trở về nay là chủ doanh nghiệp ) hoặc danh sách lao động từ Tiệp Khắc trở về được thu hút vào làm việc có xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu chủ dự án là chủ doanh nghiệp thu hút lao động từ Tiệp Khắc trở về).

b) Tính hợp lý của mức vốn đề nghị được vay:

Chuyên viên của Bộ khi xem xét Mục này sẽ phân các dự án thành hai loại:

- Các dự án được chấp thuận theo mức vay do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị.

- Các dự án cần phải giảm bớt mức vay. Đối với các dự án loại này chuyên viên phải ghi rõ lý do cắt giảm và số tiền cắt giảm.

5- Sau mỗi đợt xem xét, các dự án làm đúng và đủ thủ tục và mức vay được chấp thuận như đề nghị, thì làm thủ tục trình Bộ quyết định để đưa dự án v ào thực hiện.

Các dự án làm không đúng hoặc không đủ thủ tục thì thông báo cho tỉnh, thành phố, Bộ, Ngành đề nghị bổ sung hoàn thiện.

Các dự án phải giảm bớt mức vay nếu khi xem xét mà có đại diện của tỉnh, thànhphố, Bộ, Ngành thì trao đổi trực tiếp để thống nhất mức vay. Nếu không có người để trao đổi trực tiếp hoặc đã trao đổi trực tiếp mà không thống nhất thì Ban quản lý Chương trình trình lãnh đạo Bộ về các ý kiến khác nhau. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ, Ban quản lý Chương trình gửi công văn về Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, Ngành nói rõ lý do và mức cắt giảm, yêu cầu bổ sung. Nơi đề nghị vốn vay chấp thuận hay không chấp thuận việc cắt giảm mức vay đều phải gửi công văn về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói rõ ý kiến của mình để Bộ xử lý tiếp.

 

Nguyễn Lương Trào

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc đẩy nhanh chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho lao động từ Tiệp Khắc (cũ) trở về

  • Số hiệu: 1070/LĐTBXH-VL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/04/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Lương Trào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/04/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản