Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10559/THCN&DN | Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2001 |
Kính gửi: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Mấy năm gần đây, sau khi quyền quản lý nhà nước đối với dạy nghề được chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do thiếu sự tham mưu đầy đủ, nên một số tỉnh đã chuyển trường Trung học chuyên nghiệp (THCN) địa phương đã đào tạo nhiều năm có kinh nghiệm và nền nếp thành trường dạy nghề (DN), do đó trường không đủ tư cách pháp nhân cấp bằng THCN cho những khoá đã đào tạo trước khi đổi tên, gây nhiều khó khăn cho người học và phiền phức trong quá trình phối hợp xử lý giữa Bộ và địa phương: có trường sau một năm đổi tên thành trường dạy ngghề đã phải xin phép Bộ trở lại tên trường THCN.
Để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm cho các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung, trường THCN nói riêng hiện có được ổn định và phát triển, Bộ GD&ĐT có ý kiến như sau:
1. Luật Giáo dục điểm 3 Điều 6 đã ghi: "Giáo dục nghề nghiệp có trung học chuyên nghiệp và dạy nghề". Tại Điều 33 của Luật quy định hiệu trưởng trường THCN được phép cấp bằng tốt nghiệp THCN, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, chứng chỉ nghề, có nghĩa là trường THCN được phép đào tạo THCN và đào tạo nghề. Như vậy Luật Giáo dục đã xác lập quyền của các trường có bậc đào tạo cao hơn được phép dào tạo loại hình nhân lực thuộc cấp đào tạo thấp hơn nhằm phát huy tối đa tiềm năng về con người, về cơ sở vật chất sẵn có của các trường. Cũng tại khoản 2 Điều 33 của Luật quy định: "hiệu trưởng trường dạy nghề cấp bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, chứng chỉ nghề ...." có nghĩa là trường dạy nghề được đào tạo nghề dài hạn và các loại đối tượng có trình độ thấp hơn là dạy nghề ngắn hạn, đương nhiên trường dạy nghề không được đào tạo THCN.
2. Với sự quy định nói trên của Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị:
a. Củng cố và tăng cường hệ thống các trường THCN của địa phương để các trường này đủ sức vừa đào tạo THCN, vừa đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật, nghiệp vụ có trình độ khác nhau của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở địa phương mà không chuyển các trường THCN thành trường dạy nghề, vì như vậy sẽ thu hẹp phạm vi đào tạo của trường, không khai thác tiềm lực vốn có của nó để nâng cao hiệu quả đào tạo.
b. Những địa phương mà hệ thống trường THCN và dậy nghề đã có không thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề, bên cạnh đó lại tranh thủ được nguồn đầu tư khác thì nên xây dựng thêm trường dậy nghề mới để đào tạo các nghề cho nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
3. Riêng đối với các trường THCN, sau khi có Luật Giáo dục, Bộ đã ban hành các quy định riêng như Điều lệ trường THCN, Qui chế tổ chức và hoạt động các trường ngoài công lập, trong các văn bản này quy định rõ thủ tục thành lập, giải thể, chia tách trường THCN. Vì vậy địa phương nào có nhu cầu thay đổi đối với trường THCN cần có sự thoả thuận bằng văn bản của Bộ GT&ĐT trước khi ra quyết định, nhằm thực hiện đúng quy định của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các trường, bảo đảm tính thống nhất và sự phát triển hệ thống giáo dục THCN trong cả nước.
| Nguyễn Văn Vọng (Đã ký) |