Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 655/VGCP-CMTD-DV | Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 1993 |
CÔNG VĂN
CỦA BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ SỐ 655/VGCP-CMTD-DV NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 1993 VỀ VIỆC CƯỚC BƯU ĐIỆN TRONG NƯỚC
Kính gửi: Tổng cục Bưu điện
Trong qua trình theo dõi việc triển khai thực hiện các quyết định số 11/VGCP-CMTD-DV của Ban vật giá Chính phủ và Quyết định số 365/BĐ của Tổng cục bưu điện, Ban vật giá Chính phủ nhận thấy một số vấn đề cần được nghiên cứu, xử lý cụ thể như sau:
1- Đối với cước điện thoại thuê bao nội hạt, theo sự phân cấp quản lý giá hiện nay là thuộc quyền quản lý giá của trung ương. Trong quá trình triển khai thực hiện, đối với đối tượng là cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung các địa phương đều chấp hành tương đối tốt. Riêng đối với đối tượng là bộ tư nhân, hầu hết các địa phương đều thực hiện theo mức cước trung ương quy định, nhưng cũng có một số ít địa phương thực hiện còn tuỳ tiện cá biệt có bưu điện địa phương thu thấp hơn, nhưng phổ biến là thu cao hơn từ 5 - 47% so với cước trung ương quy định.
2- Về giá lắp đặt điện thoại, trước đây Tổng cục bưu điện quy định: "tính theo thực chi quyết toán công trình". Theo sự phân cấp quản lý giá hiện nay mức cước này do địa phương quy định. Nhưng trong quá trình thực hiện tình hình diễn ra tương đối phức tạp. Mức giá giữa các địa phương chênh lệch nhau quá xa tới trên dưới 6 lần: từ trên dưới một triệu đồng như Hải Hưng, Hà Tây v.v... đến trên sáu triệu đồng như thành phố Hồ Chí Minh.
Sở dĩ có sự khác nhau quá xa đó là do việc tính toán chi phí hình thành giá lắp đặt chưa hợp lý và không thống nhất: Có nơi tính từ hộp phân điện cuối cùng, nơi tính từ tủ hộp cáp (BV), thậm chí có nơi còn tính từ tổng đài bưu điện (trong mạng lưới xây dựng cơ bản nội hạt). Đặc biệt còn cộng vào giá một khoản mang nội dung điều tiết gấp 2 đến 3 lần chi phí.
3- Về chuyển mang: từ trước đến nay TCBĐ chưa ban hành văn bản quy định và hướng dẫn việc thu cước cho nghiệp vụ này. Song một số địa phương đã tự quy định để thu của khách hàng như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Sóc Trăng v.v.... Ngoài ra một số địa phương còn thu của khách hàng ngoài thuê bao tiền được gọi là ký quỹ tiền sửa chữa; thậm chí còn bắt khách hàng tháo máy mang đến tận cơ sở bưu điện mới sửa chữa thu tiền (Hà Nội).
Để khắc phục tình trạng trên, Ban vật giá Chính phủ đề nghị Tổng cục bưu điện nghiên cứu, xem xét để có biện pháp xử lý theo hướng như sau:
1- Về cước điện thoại thuê bao nội hạt do Nhà nước trung ương quản lý, vì vậy mức cước áp dụng cho đối tượng tư nhân đề nghị áp dụng thống nhất mức cước như các doanh nghiệp Nhà nước để phù hợp chính sách không phân biệt giữa các thành phần kinh tế.
2- Về giá lắp đặt điện thoại, Ban vật giá Chính phủ đề nghị Tổng cục bưu điện hướng dẫn các địa phương xây dựng giá lắp đặt trên nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và có lãi hợp lý.
Để thực hiện được mục tiêu của ngành đề ra (từ 0,2 máy/100 người dân năm 1992 đến 1 máy/100 người dân năm 2000), đồng thời đảm bảo lợi ích và thoả mãn được nhu cầu sử dụng điên thoại của nhân dân; đề nghị Tổng cục bưu điện chỉ đạo theo hướng giảm dần mức giá lắp đặt ở những nơi hiệu quả cao, phấn đấu đi đến thống nhất một giá trong phạm vi toàn quốc.
3- Đối với cước chuyển mạng, thực chất là vốn đầu tư của ngành để hình thành giá trị tài sản cố định và đã được tính khấu hao vào trong giá thành cước điện thoại. Vì vậy, việc các địa phương tự động thu của khách hàng là không hợp lệ. Trường hợp ngành bưu điện gặp khó khăn về vốn để đầu tư phát triển mạng lưới thì có thể dùng biện pháp huy động vốn từ nhiều nguồn trên nguyên tắc vay vốn và phải ấn định thời gian hoàn vốn cho người thuê bao.
Trường hợp các địa phương đã thu của khách hàng, tiền chuyển mạng, tiền ký quỹ trong năm 1992 đề nghị xử lý chuyển số tiền đó thành vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.
4- Để đưa công tác quản lý cước bưu điện nội địa đi dần vào nền nếp, khắc phục những vấn đề phức tạp trong quá trình thực hiện mức cước cụ thể tại các bưu điện tỉnh, huyện, đề nghị Tổng cục bưu điện phối hợp với Ban vật giá Chính phủ sớm triển khai việc xây dựng cơ chế quản lý cước bưu điện trong nước theo nội dung chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 1892/KTTH ngày 29-4-1993 của Văn phòng Chính phủ.
Ban vật giá Chính phủ đề nghị Tổng cục bưu điện nghiên cứu những vấn đề nêu trên để có biện pháp chỉ đạo Tổng công ty và các sở thực hiện.
| Lê Văn Tân (Đã ký) |
Công văn về cước bưu điện trong nước
- Số hiệu: 655/VGCP-CMTD-DV
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 30/07/1993
- Nơi ban hành: Ban Vật giá Chính phủ
- Người ký: Lê Văn Tân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/07/1993
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra