Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/NCPL

Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 1994

 

CÔNG VĂN

CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 20/NCPL NGÀY 18-1-1994 TRẢ LỜI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ 

 

Khoản 2 Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Viện kiểm sát kháng nghị bằng văn bản có nói rõ lý do. Kháng nghị được gửi đến Toà án đã xử sơ thẩm". Như vậy theo quy định này thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ: ngày kháng nghị, kháng nghị về vấn đề gì trong bản án hoặc quyết định sơ thẩm; lý do của việc kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát, cũng theo quy định này thì Viện kiểm sát chỉ có trách nhiệm gửi bản kháng nghị đến Toà án đã xử sơ thẩm mà không có trách nhiệm thông báo việc kháng nghị hay gửi bản sao bản kháng nghị cho những người tham gia tố tụng nói chung và người bị kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị nói riêng.

Theo quy định tại Điều 210 Bộ luật tố tụng hình sự thì toà án đã xử sơ thẩm sau khi nhận được bản kháng nghị, phải có trách nhiệm thông báo cho những người tham gia tố tụng biết, để cho những người này biết diễn biến của quá trình tố tụng và chuẩn bị ý kiến của mình hoặc tài liệu, chứng cứ mới có liên quan đến việc xét xử vụ án để gửi cho Toà án cấp phúc thẩm. Việc thông báo của Toà án cấp sơ thẩm có thể được thực hiện bằng việc gửi bản thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị theo mẫu do Toà án nhân dân tối cao ban hành, trong đó cần ghi rõ nội dung kháng nghị hoặc cũng có thể bằng việc gửi bản sao bản kháng nghị của Viện kiểm sát.

Đối với trường hợp tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo bị kháng nghị khai rằng chưa được nhận bản sao bản kháng nghị của Viện kiểm sát, nhưng đã được thông báo về việc kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền tiếp tục xét xử vụ án. Nếu bị cáo bị kháng nghị chưa được nhận bản sao bản kháng nghị của Viện kiểm sát và cũng chưa được thông báo về việc kháng nghị, thì Toà án cấp phúc thẩm cần hỏi bị cáo đề nghị hoãn phiên toà hay không. Nếu bị cáo có yêu cầu hoãn phiên toà thì Toà án cấp phúc thẩm cần chấp nhận yêu cầu của bị cáo hoãn phiên toà và thông báo luôn cho bị cáo biết việc kháng nghị của Viện kiểm sát.

 

Lê Thanh Đạo

(Đã ký)