Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 997/BXD-HTĐT | Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2004 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Xây dựng đã nhận được văn bản số 3451BKH/TĐ&GSĐT ngày 7/6/2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn thành phố Hải Phòng giai đoạn I. Sau khi xem xét, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Thành phố Hải Phòng là đô thị loại I, lớn thứ 3 trong cả nước có địa hình thấp, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuỷ triều, hệ thống thoát nước mưa và thu gom xử lý nước thải yếu kém do đó thường bị ngập úng và môi trường ô nhiễm nặng nề.
Việc tiến hành công tác nghiên cứu lập dự án để đầu tư cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn cho thành phố nhằm cải tạo môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, nâng cao mức sống của nhân dân là rất cần thiết.
Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nhằm cải tạo hệ thống thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn cho nội thành thành phố Hải Phòng và thị xã Đồ Sơn.
1. Mục tiêu đầu tư:
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tờ trình số 11/TTr-UB ngày 1/6/2004, Uỷ ban ban Nhân dân thành phố Hải phòng đã xác định các mục tiêu cơ bản của dự án. Những mục tiêu này nhằm xoá bỏ tình trạng ngập úng của thành phố, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường tỷ lệ dịch vụ đô thị... là phù hợp với Định hướng phát triển thoát nước đô thị việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Phạm vi dự án:
+ Thoát nước mưa: Nội thành thành phố Hải Phòng gồm 4 quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An với diện tích 5.240ha
+ Thoát nước thải: Khu vực trung tâm thành phố gồm các quận: Lê Chân, Ngô Quyền và một phần quận Hải An.
+ Thu gom và xử lý chất thải rắn: Gồm 5 quận nội thành, thị xã Đồ Sơn và các khu vực lân cận sẽ được đô thị hoá.
3. Quy mô đầu tư:
+ Cải tạo kênh và kè bờ kênh An Kim Hải dài 3.880 m
+ Cải tạo các tuyến kênh, hồ điều hoà, cống trong khu vực, xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải.
+ Cải tạo và xây dựng mới các tuyến cống cấp 2, cấp 3 trong lưu vực thoát nước
+ Xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho khu vực nội thành.
+ Hệ thống thu gom và vận chuyển rác thải.
+ Xây dựng Bãi chôn lấp Tràng Cát giai đoạn 3 với diện tích 18,8 ha,
+ Hệ thống quản lý rác thải y tế.
Công tác cải tạo kênh An Kim Hải, kênh Ba Tổng, xây dựng một số tuyến cống hộp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận nước mưa và nước thải từ mạng ống cấp 2 với chu kỳ ngập lụt là 5 năm, độ dốc kênh đảm bảo yêu cầu thoát nước với mực nước lũ tính toán tại cửa sông Cấm là 4,52m. Các chỉ tiêu về lưu lượng nước thải, rác thải, tỷ lệ hộ dân được đấu nối vào hệ thống thoát nước, xây dựng trạm xử lý nước thải, các trạm bơm nước mưa và nước thải đáp ứng yêu cầu của Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/01/2001.
4. Một số lưu ý:
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thoát nước mưa, nước thải, quản lý chất thải rắn thành phố Hải Phòng giai đoạn I nhằm phục vụ cho nhân dân khu vực nội thành và thị xã Đồ Sơn. Dự án được thực hiện tại khu vực có diện tích rất lớn, địa hình thấp lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước triều, quy hoạch xây dựng đang có biến động và chưa ổn định, đặc biệt tại khu vực nghiên cứu. Để dự án có tính khả thi, đề nghị Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở ngành của thành phố thực hiện những công việc sau:
- Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn tuy đã được Nhóm nghiên cứu JICA lập từ năm 2001 nhưng chưa được phê duyệt, cần bổ sung điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển đô thị và tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.
- Cần tính toán tổng thể hệ thống thoát nước mưa, nước thải, rác thải trong lưu vực, xác định các thông số kỹ thuật phù hợp nhu cầu thực tế. Đặc biệt lưu ý đến dự kiến phát triển dân cư đô thị, các vùng sẽ đô thị hoá, các khu vực sẽ được đầu tư xây dựng khu công nghiệp tập trung.
- Hiện nay trong khu vực dự án, quận An Hải là quận mới chưa có hệ thống thoát nước, cần nghiên cứu, xác định quy mô, tổ chức hệ thống thoát nước phù hợp đặc điểm xây dựng của từng khu vực đô thị ( Hệ thống thoát nước chung, riêng...)
- Trong khu vực dự án có nhiều con sông như sông Cấm, Lạch Tray, Đá Bạc, Thượng Lý chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuỷ triều, kênh An Kim Hải chạy dọc theo thành phố từ Tây sang Đông, nối sông Đào với sông Cấm, đây là tuyến thoát nước mưa chính của thành phố, vì vậy cần xác định rõ đặc tính thuỷ văn, khả năng tiếp nhận nước mưa nước thải của từng con sông để xây dựng được hệ thống thoát nước, các trạm bơm nước mưa, nước thải phù hợp thực tế và giảm giá thành đầu tư.
- Phân rõ ranh giới các lưu vực thoát nước để lựa chọn xây dựng các tuyến thoát nước chính, các hồ điều hoà, xác định khả năng tiếp nhận và sự liên kết giữa các kênh và hồ để xây dựng hệ thống thoát tối ưu.
- Vị trí, công suất nhà máy xử lý nước thải được nêu trong Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi cần đáp ứng yêu cầu về môi trường và dự kiến phát triển đô thị trong tương lai, hệ số pha loãng nước mưa nên lấy bằng 2 để giảm đầu tư cho tuyến cống bao, các trạm bơm dâng và khu xử lý.
- Dây chuyền công nghệ xử lý nước thải là phù hợp, tuy nhiên cần nghiên cứu lại dây chuyền xử lý bùn cặn đã nêu trong báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và khả năng tài chính của địa phương.
- Trong quá trình nạo vét kênh An Kim Hải, các kênh hồ khác trong khu vực và các kênh cấp 2 sẽ có một lượng bùn thải rất lớn, trong đó có chứa nhiều chất độc hại, cần lựa chọn các biện pháp chuyên chở phù hợp để không gây ô nhiễm môi trường.
- Hiện nay bãi rác Tràng Cát là bãi rác duy nhất của thành phố đang bị ô nhiễm nặng nề, việc chôn lấp rác không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, mặt khác vị trí bãi chôn lấp gần thành phố, trong khu vực sinh thái và có ảnh hưởng đến khu du lịch Đồ Sơn do vậy cần xây dựng hệ thống đê bao, trạm xử lý nước rác, thực hiện quy trình chôn lấp hợp vệ sinh để đáp ứng các yêu cầu về môi trường đô thị. Cần có quy hoạch và kế hoạch xây dựng bãi rác mới phục vụ chung cho thành phố Hải Phòng, quận Kiến An và các đô thị mới, tính đến khả năng đóng cửa bãi rác Tràng Cát vào năm 2010, đặc biệt lưu ý đến việc thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, xử lý rác thải công nghiệp và rác thải y tế nguy hại.
- Cần tính toán hệ thống thu gom rác thải, xác định vị trí, công suất các trạm trung chuyển phù hợp với quy hoạch đô thị, khả năng giải phóng mặt bằng, yêu cầu về môi trường cũng như thuận tiện trong quá trình vận hành.
- Cần có kế hoạch thực hiện tốt chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư cho các hộ sẽ bị di dời cũng như có chính sách tạo việc làm cho nhân dân trong diện di dời.
- Thời gian thực hiện dự án theo dự kiến là rất dài, có nhiều hạng mục công trình phức tạp vì vậy cần sớm có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo lực lượng cán bộ quản lý, giám sát và vận hành dự án.
- Hiện nay, thành phố Hải Phòng có nhiều dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, như dự án 1B, dự án nâng cấp đô thị của Ngân hàng Thế giới, dự án xây dựng các trạm bơm nước mưa vay vốn Phần Lan, dự án xây dựng trạm xử lý rác thải vay vốn Hàn Quốc... thành phố cần có cơ quan điều phối chung để đảm bảo sự thống nhất các dự án. Cần đề xuất cơ chế chính sách và mô hình tổ chức thực hiện thích hợp.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
Nơi nhận: | K/T BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |
Công văn số 997/BXD-HTĐT về việc báo cáo Tiền khả thi Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn thành phố Hải Phòng giai đoạn I do Bộ Xây dựng ban hành
- Số hiệu: 997/BXD-HTĐT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 02/07/2004
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Nguyễn Tấn Vạn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra