Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số 853/BCA(A11) 

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2004  

 

Kính gửi

- Các Bộ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao,
- Toà án Nhân dân Tối cao,
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
- Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Ngày 01/7/2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có công văn số 1705/CV/BNN/TCCB gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất về việc uỷ quyền quyết định cử cán bộ, công nhân viên chức đi nước ngoài; Ngày 14/7/2003, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3442/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì bàn với các ngành liên quan để thống nhất phương án trình Thủ tướng xem xét lại việc áp dụng Khoản 3 Điều 15 - Nghị định 05/2000/NĐ-CP ngày 03/3/2000 của Chính phủ v/v ủy quyền của các bộ, các tỉnh cho các đơn vị trực thuộc trong vấn đề trên.

A/ VỀ VẤN ĐỀ NÀY, BỘ CÔNG AN THẤY:

1- Tại Nghị định 05/2000/NĐ-CP ngày 03/3/2000 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chính phủ quy định chỉ định cho các bộ và cơ quan ngang Bộ được uỷ quyền cho các tổng cục, cục, vụ, viện trực thuộc (cơ quan có chức năng quản lý nhà nước) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được uỷ quyền cho các sở, ban, ngành quyết định và quản lý việc cán bộ, nhân viên ra nước ngoài. Để cấp hộ chiếu, họ phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền quản lý xuất cảnh như nói trên.

2- Trong quá trình triển khai cấp hộ chiếu, Chính phủ đã đồng ý cho phân cấp rộng rãi hơn để phù hợp với hoạt động của một số ngành và thực tiễn phát triển của đất nước, ví dụ như: cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo được uỷ quyền cho các trường trực thuộc; các doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ được tự quyết định việc xuất cảnh đối với cán bộ, nhân viên của mình...

3- Thực tế triển khai cho thấy uỷ quyền như quy định hiện hành không phù hợp, vì hầu hết các bộ, tỉnh có rất nhiều đầu mối trực thuộc, phạm vi hoạt động của các đơn vị trực thuộc lại rất rộng, số lượng cán bộ, công nhân viên rất đông; Một số Tổng công ty có hàng chục công ty nằm rải rác khắp cả nước, nhiều cơ sở đi lại rất khó khăn; Một số Tổng công ty có vài chục ngàn cán bộ, công nhân viên... Do vậy, lãnh đạo các Tổng công ty đó khó có thể quản lý được hết cán bộ của mình xuất cảnh.

4- Nếu cải tiến theo hướng phân cấp rộng rãi hơn nữa việc cấp hộ chiếu phổ thông cho cán bộ, công nhân viên nhà nước thì cũng vẫn mang tính hình thức và khó thực hiện, vì:

- Theo quy định, hộ chiếu có giá trị 5 năm. Trong 5 năm đó, cán bộ, công nhân viên có thể nhiều lần xuất cảnh, nhưng chỉ khi xin cấp hộ chiếu để xuất cảnh lần đầu, họ mới phải có ý kiến của cấp có thẩm quyền (những lần xuất cảnh tiếp theo không phải làm thủ tục gì với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh). Khi xin gia hạn hoặc đổi hộ chiếu, họ cũng không phải có ý kiến của cấp được uỷ quyền.

- Nếu các bộ, các tỉnh uỷ quyền rộng rãi cho các cơ sở thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng không có điều kiện quản lý, vì số đầu mối rất đông (hàng ngàn đầu mối), chưa kể người được uỷ quyền cũng thường luân chuyển công tác...

Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, đời sống của cán bộ, nhân viên nhà nước ngày càng được cải thiện, nhu cầu giao du, học hỏi, nghỉ ngơi, đi lại các nước trên thế giới ngày một phát triển. Những nhu cầu đó là hoàn toàn chính đáng và cần được tạo thuận lợi hơn.

B/ TỪ TÌNH HÌNH TRÊN, BỘ CÔNG AN THẤY CẦN ĐỀ XUẤT CHÍNH PHỦ CHO SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 05/2000/NĐ-CP THEO HƯỚNG NHƯ SAU:

1. Tách việc phân cấp quản lý cán bộ, công nhân viên xuất cảnh với việc cấp hộ chiếu cho họ. Thực hiện theo tinh thần Nghị định 05/2000/NĐ-CP là: hộ chiếu phổ thông cấp cho mọi công dân. Việc cấp hộ chiếu phổ thông sẽ chỉ căn cứ vào các yếu tố: công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú rõ ràng và chi tiết nhân thân chính xác, được cơ quan công an xác nhận không thuộc diện chưa được phép xuất cảnh.

Cùng với quy định nêu trên, các cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác cần có quy định riêng cho phù hợp đặc điểm của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của mình và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an quản lý việc xuất cảnh ra nước ngoài của cán bộ, công nhân viên cơ quan, đơn vị mình.

2. Đối với hộ chiếu công vụ, Bộ Công an nhất trí đề nghị của Bộ Ngoại giao là giữ nguyên như quy định tại Nghị định 05/2000/NĐ-CP của Chính phủ.

Xin trao đổi và đề nghị các cơ quan tham gia ý kiến bằng văn bản, gửi cho Bộ Công an trước ngày 30/6/2004 (theo địa chỉ: Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, 40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Hưởng