Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 7975/BGDĐT-GDTH
V/v: Hướng dẫn dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật Tiểu học.

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2009

 

Kính gửi: Ông (bà) Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về việc đánh giá sâu môn Thủ công, Kĩ thuật ở Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc ; trực tiếp khảo sát cán bộ quản lí, giáo viên, phụ huynh, học sinh 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền và tổ chức Hội thảo đánh giá chất lượng, hiệu quả dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương, kết quả khảo sát trực tiếp và ý kiến của đại biểu tại Hội thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá thực trạng dạy học và hướng dẫn điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật ở tiểu học như sau :

I. THỰC TRẠNG DẠY HỌC MÔN THỦ CÔNG, KĨ THUẬT Ở TIỂU HỌC

1. Mục tiêu

Mục tiêu của môn Thủ công, Kĩ thuật ở tiểu học đúng đắn, phù hợp, góp phần đạt mục tiêu chung của giáo dục tiểu học.

Môn học giúp học sinh biết cách sử dụng một số dụng cụ lao động đơn giản ; biết mục đích, cách tiến hành một số công việc lao động đơn giản trong gia đình ; rèn luyện tính cẩn thận, kiên trì, sự khéo léo của đôi tay. Từ đó, hình thành cho học sinh lòng yêu lao động, quý sản phẩm lao động.

2. Nội dung chương trình dạy học

Chương trình môn Thủ công, Kĩ thuật khá hợp lí. Các mạch kiến thức hệ thống, đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kĩ năng và hình thành thái độ tích cực cho học sinh tiểu học.

Tuy nhiên, nội dung và thứ tự dạy học ở một số bài học chưa phù hợp với mọi đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của các vùng miền.

Ví dụ: Nội dung Thêu chưa phù hợp với học sinh nam. Nội dung Trồng rau, hoa khó thực hiện với học sinh thành phố, thị trấn, nơi không có đất đai, vườn trường. Nội dung Nuôi gà phù hợp với học sinh nông thôn, miền núi nhưng chưa phù hợp với học sinh vùng thành phố, thị xã.

3. Phương pháp dạy học

Giáo viên đó có nhiều cố gắng đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lệ thuộc vào hướng dẫn trong sách giáo viên, chưa linh hoạt, mạnh dạn đổi mới việc tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và hoàn cảnh địa phương.

Một số giáo viên chưa thực sự quan tâm đến đổi mới phương pháp dạy học, ít có sự đầu tư cho bài dạy, chưa nắm vững các thao tác của quy trình làm sản phẩm nên đã hướng dẫn học sinh thực hành phức tạp, khó hiểu dẫn đến học sinh không nắm được quy trình và cách làm ra sản phẩm.

4. Kiểm tra, đánh giá

Tuy đã có nhiều đổi mới trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhận xét, nhưng việc kiểm tra, đánh giá còn nặng nề. Nhiều giáo viên quá chú trọng vào đánh giá sản phẩm mà chưa chú ý đến quá trình học tập của học sinh.

Một số giáo viên không đánh giá sản phẩm thực hành của học sinh tại lớp theo hướng dẫn của Bộ mà đã giao bài tập cho học sinh làm ở nhà đem đến lớp đánh giá.

5. Công tác quản lí, chỉ đạo

Công tác quản lí, chỉ đạo dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Việc bồi dưỡng, kiểm tra, dự giờ, nâng cao năng lực cán bộ quản lí và giáo viên chưa được thực hiện thường xuyên và chưa có hiệu quả thiết thực.

II. HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH NỘI DUNG DẠY HỌC MÔN THỦ CÔNG, KĨ THUẬT Ở TIỂU HỌC.

1. Thời lượng dạy học:

Giữ nguyên 35 tiết/năm học.

2. Nội dung dạy học:

2.1. Nguyên tắc Điều chỉnh :

- Đảm bảo mục tiêu dạy học của môn Thủ công, Kĩ thuật đã được quy định trong Chương trình Giáo dục Phổ thông cấp Tiểu học ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đảm bảo việc dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện thực tế của địa phương và thực sự có hiệu quả.

2. 2. Nội dung điều chỉnh :

Căn cứ vào đối tượng học sinh và điều kiện thực tế, các địa phương chủ động lựa chọn, điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học các vùng miền theo một trong hai phương án sau:

Phương án 1 : Thực hiện Hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học lớp 1,2,3,4,5 theo công văn số 9832/BGDĐT- GDTH ngày 01 tháng 9 năm 2006.

Phương án 2 : Điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học được hướng dẫn trong công văn số 9832/BGDĐT- GDTH ngày 01 tháng 9 năm 2006 theo định hướng:

- Thay đổi thứ tự dạy học các chủ đề, các bài học trong mỗi chủ đề cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ví dụ :

Ở lớp 1, có thể thay đổi thứ tự các chủ đề dạy học như : Gấp hình - Cắt, dán giấy - Xé, dán giấy ; hay : Cắt, dán giấy – Xé, dán giấy – Gấp hình.

Ở lớp 4, có thể dạy học theo thứ tự : Lắp ghép mô hình kĩ thuật – Trồng rau, hoa - Cắt, khâu, thêu. Hoặc có thể dạy học bài Trồng cây rau, hoa vào đúng thời vụ gieo trồng rau, hoa của địa phương mà không theo thứ tự đã sắp xếp trong Hướng dẫn thực hiện chương trình môn học hiện hành.

- Tăng hoặc giảm thời lượng dạy học cần thiết của một số bài học. 

Tùy đối tượng học sinh và điều kiện thực tế, địa phương có thể điều chỉnh thời lượng dạy học ở một số bài trong một lớp cho phù hợp.

Ví dụ :

Giảm thời lượng 1 tiết ở mỗi bài cắt, dán hình (Cắt, dán hình chữ nhật; Cắt, dán hình vuông; Cắt, dán hình tam giác). Tăng thời lượng cho các bài Cắt, dán hàng rào ; Cắt, dán và trang trí ngôi nhà ; Xé, dán hình con gà (lớp 1).

- Lựa chọn nội dung dạy học có trong chương trình, sách giáo khoa (hiện hành) phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của địa phương.

Có thể chọn, hoặc không chọn dạy một số bài trong chương trình, sách giáo khoa (hiện hành). Hoặc có thể chọn hoặc không chọn dạy học một số nội dung trong mỗi bài học nhưng phải đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh đã nêu ở trên.

Ví dụ :

Chủ đề Thêu : Có thể bỏ bài Thêu móc xích (lớp 4), thêu dấu nhân (lớp 5). Với các trường, lớp dạy 2 buổi/ ngày có thể dạy thêu ở buổi thứ 2 hoặc tổ chức như một hoạt động tự chọn ngoài giờ lên lớp.

Chủ đề Trồng rau, hoa: Vùng có đất sẽ dạy học nội dung trồng cây trên luống ; vùng không có đất dạy học nội dung trồng cây trong chậu (bài Trồng cây rau, hoa lớp 4).

Chủ đề Nuôi gà: Vùng thành phố, thị xã có thể chọn một số bài như Lợi ích của việc nuôi gà, Chăm sóc gà…

Trong bài Chăm sóc gà, có thể tập trung dạy học một số kĩ năng chăm sóc gà đơn giản như cho ăn, uống…

3. Phương pháp và tổ chức dạy học

- Tổ chức dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật như một hoạt động giáo dục kĩ năng sống, đạo đức cho học sinh.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập của học sinh để tiết học nhẹ nhàng, hiệu quả.

- Tuỳ điều kiện thực tế của nhà trường, tổ chức dạy học ở trong hoặc ngoài lớp học để học sinh được thực hành và được chơi với sản phẩm đã làm ra.

- Hướng dẫn học sinh nắm được các thao tác của quy trình tạo ra sản phẩm.

- Khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học Thủ công, Kĩ thuật.

- Đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhận xét theo chuẩn kiến thức kĩ năng của môn học. Tuyệt đối không giao bài tập cho học sinh làm ở nhà để đánh giá. Khi đánh giá kết quả của học sinh, giáo viên cần nhận xét cả quá trình học tập và coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh.

4. Công tác quản lí, chỉ đạo

- Tiếp tục bồi dưỡng giáo viên đổi mới phương pháp dạy học.

- Tăng cường tổ chức kiểm tra, dự giờ, trao đổi chuyên môn.

- Tổ chức các chuyên đề tuỳ theo khả năng, nhu cầu của từng trường để nâng cao chất lượng dạy học, góp phần tích cực giáo dục kĩ năng sống và giáo dục đạo đức cho học sinh.

- Nơi có điều kiện, xây dựng vườn trường để dạy học thực hành kĩ thuật. Vườn trường cần bố trí khoa học, thuận tiện, phù hợp với điều kiện của từng trường, đồng thời góp phần làm xanh, sạch, đẹp trường học.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ vào điều kiện thực tế của các tỉnh, thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật từ năm học 2009-2010 ; đồng thời chỉ đạo thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo chương trình đã điều chỉnh. Việc điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học có thể thống nhất theo cấp Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Trên địa bàn huyện, nếu có nhiều vùng miền khác nhau, Phòng Giáo dục và Đào tạo có thể chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tiểu học quyết định điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học phù hợp với từng trường tiểu học.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục NG và CBQLGD (để phối hợp thực hiện);
- Cục CSVCTBTH và ĐCTE (để phối hợp thực hiện);
- Viện KHGDVN (để phối hợp thực hiện);
- Vụ GD Trung học ((để phối hợp thực hiện);
- Lưu VT, GDTH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 7975/BGDĐT-GDTH về hướng dẫn dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 7975/BGDĐT-GDTH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/09/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản