Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ NHÀ NƯỚC
CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 737/CT-Ng.V
V/v Triển khai thực hiện Thông tư số 97 TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính về thuế doanh thu

TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 03 năm 1996

 

Kính gửi:

- Chi Cục thuế quận huyện
- Các Phòng thu thuộc Cục thuế

 

Căn cứ Luật thuế sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu được Quốc hội khóa IX thông qua ngày 28.10.1995;
Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 27.12.1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế doanh thu và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu;
Căn cứ Thông tư số 97 TC/TCT ngày 30.12.1995 của Bộ Tài chánh hướng dẫn thi hành Nghị định số 96/CP ngày 27.12.1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế doanh thu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu;
Qua trao đổi và xin ý kiến Tổng cục Thuế Nhà nước một số vấn đề. Để việc triển khai thực hiện Luật thuế doanh thu đã được sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 96/CP và Thông tư số 97 TC/TCT của Bộ Tài chánh được thống nhất, chặt chẽ, đúng quy định; Cục thuế yêu cầu các Phòng và Chi Cục thuế thực hiện ngay các việc sau đây:

I. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Phổ biến cho các viên chức thuộc Phòng, Chi Cục thuế nắm vững và thông suốt đầy đủ các nội dung quy định tại Nghị định số 96/CP và Thông tư số 97 TC/TCT để thực hiện đúng quy định, nhất là các vấn đề sửa đổi, bổ sung khác so với các quy định trước đây.

2. Hướng dẫn, giới thiệu Luật thuế, Luật sửa đổi bổ sung, Nghị định số 96/CP, Thông tư số 97 TC/TCT và các văn bản hướng dẫn thi hành về thuế doanh thu đến các cơ sở SXKD, đối tượng nộp thuế để nắm rõ thực hiện đúng Luật.

3. Các chi Cục thuế Quận Huyện cần phối hợp với cơ quan pháp luật trên địa bàn, các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, giới thiệu các Luật thuế ở phạm vi địa phương mình.

II. VỀ NỘI DUNG, NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN:

Nguyên tắc chung là các Phòng, Chi Cục thuế phải nghiên cứu, quán triệt để thực hiện đầy đủ các nội dung đã được quy định và hướng dẫn tại Nghị định số 96/CP, Thông tư số 97 TC/TCT. Cục thuế chỉ lưu ý nhắc lại thêm một số điểm chủ yếu như sau:

1. Về sản xuất, gia công hàng xuất khẩu không thuộc diện chịu thuế doanh thu:

a. Đối tượng được coi là sản xuất, gia công hàng xuất khẩu không phải nộp thuế doanh thu phải thực hiện theo đúng quy định tại điểm 3-II-A Thông tư số 97 TC/TCT cụ thể là:

- Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu, gia công trực tiếp cho nước ngoài theo hợp đồng ký với nước ngoài.

- Hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hay ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng, giấy phép kinh doanh.

- Hàng hóa nhận gia công (gia công sản phẩm hoàn chỉnh) từ cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài.

Lưu ý:

+ Đối với trường hợp nhận gia công lại (không phải ký hợp đồng trực tiếp gia công với nước ngoài) chỉ không thu thuế doanh thu đối với cơ sở ký hợp đồng gia công với cơ sở đã ký hợp đồng gia công trực tiếp với nước ngoài để gia công sản phẩm hoàn chỉnh xuất khẩu:

Cụ thể: Cơ sở A ký hợp đồng gia công trực tiếp với nước ngoài sau đó A ký hợp đồng giao lại cho cơ sở B thực hiện gia công toàn bộ hoặc 1 số sản phẩm (gia công sản phẩm hoàn chỉnh): cơ sở B không phải nộp thuế doanh thu phần doanh thu nhận từ cơ sở A. Cơ sở A phải nộp thuế doanh thu đối với số hàng giao lại cho B gia công với thuế suất 15% tính trên chênh lệch giữa giá gia công đã nhận của nước ngoài với giá giao lại cho cơ sở B.

Nếu cơ sở B không làm mà ký hợp đồng giao tiếp lại cho cơ sở C gia công thì cơ sở C không coi là gia công hàng xuất khẩu vẫn phải nộp thuế doanh thu với thuế suất 6% tiền công. Cơ sở B nộp thuế doanh thu như cơ sở A nêu trên.

Nếu cơ sở B chỉ nhận gia công một công đoạn sản phẩm (không phải sản phẩm hoàn chỉnh) vẫn phải nộp thuế doanh thu 6%/tiền công được hưởng.

+ Cơ sở SXKD đưa nguyên vật liệu cho cơ sở khác gia công thành sản phẩm hàng hóa sau đó xuất khẩu thì cơ sở nhận gia công phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động gia công (6%/tiền công). Cơ sở đưa gia công xuất khẩu nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

b. Các cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được xác định không phải nộp thuế doanh thu theo quy định tại điểm 3-II-A Thông tư số 97 TC/TCT phải có đầy đủ chứng từ hồ sơ chứng minh sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định. Chi Cục thuế các Quận Huyện, các Phòng thu thuộc Cục phải chỉ đạo cho cán bộ kiểm tra và lưu giữ đầy đủ hồ sơ chứng từ chứng minh doanh thu sản xuất hàng hóa xuất khẩu không phải nộp thuế doanh thu.

2. Đối với một số hoạt động tạm thời chưa thu thuế doanh thu cần chú ý:

- Theo quy định tại điểm 2-III-phần A Thông tư số 97 TC/TCT thì tạm thời chưa thu thuế doanh thu đối với hoạt động thăm dò địa chất, đo đạc bản đồ theo chương trình kế hoạch Nhà nước bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp, do đó đối với các hoạt động thăm dò địa chất, đo đạc bản đồ không theo chương trình kế hoạch Nhà nước hoặc không bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp vẫn phải nộp thuế doanh thu.

- Cơ sở kinh doanh trực tiếp giết mổ gia súc đã nộp thuế sát sinh:

+ Trước ngày 01.01.1996: Theo quy định tại điểm 4.c-I Thông tư số 73A TC/TCT thì hoạt động này tạm thời chưa thu thuế doanh thu.

+ Từ ngày 01.01.1996 trở đi: Căn cứ Nghị định số 96/CP, Thông tư số 97 TC/TCT thì hoạt động này vẫn phải kê khai nộp thuế doanh thu.

3. Về doanh thu tính thuế:

a. Đối với hoạt động in: doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu được từ in các sản phẩm cho khách hàng, hoặc in sản phẩm để bán. Chỉ có hoạt động in sách, báo doanh thu tính thuế mới không tính tiền giấy in. Như vậy, in các sản phẩm không phải là sách báo, doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu được (tức là bao gồm cả tiền giấy in).

b. Đối với hoạt động xây dựng: Phải thực hiện theo đúng quy định tại điểm 3-I-B Thông tư số 97 TC/TCT. Cần chú ý:

+ Doanh thu tính thuế là tổng giá trị công trình, hạng mục công trình xây lắp, không kể giá trị máy móc toàn bộ và đồ nội thất gắn với công trình (nếu có), không phụ thuộc vào hình thức Hợp đồng là có bao thầu hay không bao thầu nguyên vật liệu hoặc số tiền cơ sở xây lắp nhận được.

+ Trường hợp các bên thầu xây dựng và chủ công trình không cung cấp các hợp đồng và căn cứ xác định giá trị công trình xây dựng hoặc kê khai giá trị công trình không trung thực, chính xác, đầy đủ để tính thuế, các Chi Cục thuế, Phòng thu thuộc Cục căn cứ vào bảng phân hạng chi tiết và giá chuẩn để tính trị giá nhà ban hành kèm theo quyết định số 3365/QĐ-UB-QLĐT ngày 08.10.1994 của UBND/TP đính kèm để xác định giá trị công trình xây dựng làm cơ sở tính thuế doanh thu.

+ Đối với hoạt động xây dựng cơ bản tự làm vẫn phải nộp thuế doanh thu, doanh thu tính thuế là giá trị công trình hay hạng mục công trình xây dựng cơ bản tự làm.

c. Đối với hoạt động kinh doanh thương nghiệp áp dụng hình thức nộp thuế doanh thu trên chênh lệch giữa giá bán hàng và giá mua hàng:

+ Các cơ sở kinh doanh thương nghiệp xin áp dụng hình thức nộp thuế doanh thu trên chênh lệch giá bán hàng và giá mua hàng phải hội đủ các điều kiện quy định tại điểm 1b phần C Thông tư số 97 TC/TCT. Do đó, kể từ ngày 01.01.1996, tất cả các cơ sở kinh doanh thương nghiệp muốn áp dụng nộp thuế doanh thu trên chênh lệch phải gửi đơn theo mẫu quy định thống nhất tại Thông tư số 97 TC/TCT (kể cả các cơ sở trước đây – trước 01.01.1996 đã được cơ quan thuế cho nộp thuế doanh thu trên chênh lệch) để đăng ký với cơ quan thuế và chỉ được áp dụng nộp thuế doanh thu trên chênh lệch khi cơ quan thuế đã kiểm tra xác nhận đủ điều kiện.

+ Kể từ 01.01.1996, các công văn số 1784 TCT/NV1 ngày 20.9.1995 của Tổng cục Thuế, công văn số 4005 CT/Ng.V ngày 25.10.1995 và các công văn hướng dẫn khác của Cục thuế TP về việc nộp thuế doanh thu trên chênh lệch giữa giá bán và giá mua không còn hiệu lực thi hành.

+ Các cơ sở đã được cơ quan thuế cho nộp thuế doanh thu trên chênh lệch nếu vi phạm các điều kiện quy định thì ngoài việc xử lý phạt vi phạm (tùy theo mức độ vi phạm) các Phòng, Chi Cục thuế phải có thông báo (theo mẫu thống nhất đính kèm) đình chỉ việc áp dụng nộp thuế doanh thu trên chênh lệch kể từ tháng kiểm tra phát hiện cơ sở vi phạm.

+ Không áp dụng hình thức nộp thuế doanh thu trên chênh lệch đối với hàng bán đại lý, ký gởi, ủy thác mua bán.

d. Doanh thu tính thuế đối với các cơ sở có bán hàng thông qua các đại lý, cần chú ý các trường hợp:

+ Trường hợp làm đại lý bán hàng cho các cơ sở ở nước ngoài hoặc vừa làm đại lý, ủy thác mua, đồng thời làm luôn đại lý, ủy thác bán hàng, thì bên nhận đại lý ủy thác ngoài việc nộp thuế doanh thu về hoạt động đại lý, ủy thác còn phải nộp thuế doanh thu thay cho chủ hàng. Doanh thu tính thuế hàng bán đại lý nộp thay là tiền thu về bán hàng trừ (-) tiền hoa hồng.

+ Ngoài trường hợp trên, các trường hợp bán hàng thông qua đại lý khác, doanh thu tính thuế là số lượng hàng bán nhân (x) giá đại lý bán ra, tức là chưa tính trừ khoản hoa hồng trả cho cơ sở nhận bán đại lý.

e. Đối với các cơ sở không thuộc ngành bưu chính viễn thông nhưng có hoạt động bưu điện như điện thoại, fax … khi xác định doanh thu tính thuế cần chú ý:

+ Nếu cơ sở hạch toán tách riêng được phần doanh thu được hưởng thì doanh thu tính thuế là tiền hoa hồng được hưởng hoặc số tiền thu tăng thêm so với giá cước phải trả cho ngành bưu điện. Thuế suất thuế doanh thu là 15%.

+ Nếu cơ sở không hạch toán được phần doanh thu được hưởng riêng thì doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu của khách hàng. Thuế suất thuế doanh thu là 6%.

4. Về thuế suất thuế doanh thu:

a. Nguyên tắc chung: Việc áp dụng thuế suất thuế doanh thu phải căn cứ biểu thuế doanh thu ban hành kèm theo Nghị định số 96/CP ngày 27.12.1995 của Chính phủ và các nội dung hướng dẫn chi tiết tại mục II phần B Thông tư số 97 TC/TCT của Bộ Tài chánh. Các công văn hướng dẫn, trả lời về thuế suất thuế doanh thu trước đây của Tổng cục Thuế, Cục thuế không còn phù hợp với biểu thuế của Nghị định số 96/CP, Thông tư số 97 TC/TCT, kể từ 01.01.1996 đều không còn hiệu lực thi hành.

+ Theo quy định tại điểm 2 điều 4 chương II Nghị định số 96/CP ngày 27.12.1995 của Chính phủ thì cơ sở sản xuất mặt hàng vừa thuộc nhóm thuế suất theo ngành nghề, nhưng có mức thuế suất theo công dụng sản phẩm thì được áp dụng mức thuế theo công dụng sản phẩm.

Ví dụ: Sản xuất đồ chơi trẻ em bằng nhựa, thuế suất theo sản phẩm ngành nhựa là 4%, thuế suất theo công dụng (đồ chơi trẻ em) là 0,5% được áp dụng thuế suất 0,5%.

Sản xuất hàng mỹ nghệ bằng gốm thuế suất theo sản phẩm bằng gốm là 4%, thuế suất theo sản xuất hàng mỹ nghệ là 8%, phải áp dụng thuế suất 8% (hàng mỹ nghệ).

+ Trong cùng một cơ sở sản xuất nếu sản phẩm sản xuất ra phải qua nhiều công đoạn thì thuế suất thuế doanh thu được áp dụng theo công đoạn sản xuất ra sản phẩm cuối cùng.

Ví dụ: Cơ sở sản xuất ra sợi, dùng sợi để dệt vải bán thuế suất thuế doanh thu áp dụng theo ngành vải.

+ Cơ sở kinh doanh thương nghiệp bán các mặt hàng không xác định được là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu dùng trong sản xuất hay hàng hóa thông thường thì áp dụng thuế suất 2%.

+ Đối với kinh doanh buôn chuyến: Thuế suất thuế doanh thu áp dụng theo từng mặt hàng, nhóm hàng kinh doanh; nếu không xác định được nhóm mặt hàng kinh doanh mới áp dụng thuế suất doanh thu 2%.

Thí dụ: Kinh doanh buôn chuyến mặt hàng lương thực (gạo): thuế suất thuế doanh thu 1%.

Kinh doanh buôn chuyến mặt hàng vải (vải nội, vải ngoại): thuế suất thuế doanh thu 2%.

+ Trong quá trình quản lý thu nếu gặp trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng khó phân biệt về thuế suất thuế doanh thu; các Phòng, Chi Cục thuế phải tạm thời áp dụng thuế suất cao, đồng thời có công văn báo cáo đề xuất ý kiến cụ thể gởi về Cục thuế để nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng thống nhất. Khi Cục thuế có văn bản sẽ xử lý chính thức.

b. Một số ngành nghề SXKD chủ yếu, từ 01.01.1996 có thay đổi về thuế suất thuế doanh thu xem bảng phụ lục đính kèm (Lưu ý: Cục thuế chỉ nêu một số ngành SXKD chủ yếu, điển hình, chứ không liệt kê toàn bộ chi tiết cả các ngành nghề SXKD có thay đổi thuế suất).

5. Về kê khai nộp thuế:

a. Cần chú ý đối với trường hợp cơ sở sản xuất có cửa hàng, chi nhánh tiêu thụ sản phẩm hạch toán phụ thuộc:

+ Không phân biệt cơ sở sản xuất, cửa hàng, chi nhánh … có trong cùng một quận huyện hay không.

+ Cơ sở sản xuất khi xuất hàng từ nơi sản xuất cho cửa hàng …: phải lập hóa đơn bán hàng ghi rõ giá xuất, khi tính và quyết toán thuế doanh thu thì phải áp dụng thuế suất thuế doanh thu theo ngành sản xuất trên doanh thu thực tế bán hàng tại cửa hàng, trừ số thuế doanh thu cửa hàng đã nộp theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp tại cửa hàng.

Hàng tháng, nếu chưa có chứng từ xác định doanh thu, thuế đã nộp của số hàng chuyển bán tại cửa hàng thì cơ sở phải tạm kê khai nộp thuế trên toàn bộ số hàng đã xuất cho cửa hàng theo giá bán hàng tại nơi sản xuất.

+ Cửa hàng khi bán hàng nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp, nếu có đầy đủ các điều kiện quy định được nộp thuế doanh thu trên chênh lệch.

b. Căn cứ theo quy định tại điểm 5 phần C Thông tư số 97 TC/TCT của Bộ Tài chính thì đối với các hộ kinh doanh nhỏ được áp dụng chế độ nộp thuế tính trên doanh thu khoán là hộ có mức doanh thu bình quân tháng quy định đối với ngành nghề như sau:

- Ngành sản xuất                       :           dưới 8 triệu

- Ngành xây dựng                      :           dưới 8 triệu

- Ngành vận tải                           :           dưới 6 triệu

- Ngành KD thương nghiệp         :           dưới 8 triệu

- Ngành KD ăn uống                   :           dưới 6 triệu

- Ngành KD dịch vụ                    :           dưới 4 triệu

Cục thuế TP đề nghị các Chi Cục thuế Quận Huyện phải rà soát phân loại lại hộ đúng theo quy định trên để áp dụng phương pháp kê khai – biện pháp quản lý, thu nộp thuế theo đúng quy trình đã hướng dẫn.

Chú ý: trong khi chờ đợi Cục thuế TP điều chỉnh lại bảng tỷ lệ lãi ban hành kèm theo văn bản 1160/CT-Ng.V ngày 20/12/1990, tạm thời vẫn tiếp tục tính thuế lợi tức đối với các hộ cá thể thuộc diện kê khai “bản lề” không giữ sổ sách kế toán, chứng từ - hóa đơn đầy đủ của ngành dịch vụ theo hai mức như Cục thuế đã hướng dẫn tại điểm 4-II công văn số 1099/CT ngày 26.11.1990, với điều kiện tỷ lệ huy động thuế lợi tức/doanh thu của loại hộ này không được thấp hơn % thu thuế lợi tức đối với hộ nhỏ - đồng thời khảo sát, điều tra tỷ lệ lãi các ngành nghề không còn phù hợp báo cáo về Cục để nghiên cứu ban hành bảng tỷ lệ lãi mới.

6. Về hiệu lực thi hành:

Thông tư số 97 TC/TCT ngày 30.12.1995 của Bộ Tài chánh có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.1996 tức là áp dụng đối với doanh thu phát sinh từ ngày 01.01.1996 trở đi. Thông tư này thay thế Thông tư số 73A TC/TCT ngày 30.8.1993, Thông tư số 114 TC/TCT ngày 16.12.1994, Thông tư số 40 TC/TCT ngày 25.5.1995 của Bộ Tài chánh và các văn bản, công văn hướng dẫn về thuế doanh thu của Trung ương, Thành phố không còn phù hợp. Tóm lại, những hướng dẫn về thuế doanh thu tại các văn bản trước đây của Trung ương và Thành phố trái với Thông tư số 97 TC/TCT đều không còn hiệu lực thi hành.

Riêng đối với hoạt động xây dựng: Căn cứ theo điểm 3g-I-A Thông tư số 97 TC/TCT, đối với xây dựng công trình phải thanh toán qua nhiều giai đoạn thì doanh thu tính thuế tính theo giá trị hạng mục công trình hay phần việc đã hoàn thành. Do đó, đối với các công trình xây dựng đã ký hợp đồng và hoàn thành việc xây dựng trước ngày 01.01.1996 nhưng có việc thanh toán phát sinh từ 01.01.1996 trở đi thì phần doanh thu được thanh toán từ 01.01.1996 của các công trình xây dựng cơ bản này (công trình đã hoàn thành XDCB trước 01.01.1996) vẫn tính thuế doanh thu theo quy định tại Thông tư số 40 TC/TCT ngày 25.5.1995 của Bộ Tài chánh. Các công trình xây dựng, các công việc thực hiện từ ngày 01.01.1996 trở đi (không phân biệt thời gian ký hợp đồng) phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế theo quy định tại Thông tư số 97 TC/TCT. Các Phòng, các Chi Cục phải rà soát kiểm tra để xác định đúng doanh thu tính thuế, thuế suất của các công trình trong từng giai đoạn để áp dụng chế độ thu phù hợp.

Trên đây là một số điểm chính Cục thuế lưu ý thêm để các phòng, Chi Cục thuế chú ý khi triển khai thực hiện Thông tư số 97 TC/TCT của Bộ Tài chính. Cục thuế xin nhắc lại Thông tư số 97 TC/TCT của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết có ví dụ cụ thể các nội dung về thuế doanh thu do đó các phòng, Chi Cục thuế phải căn cứ Nghị định 96/CP, Thông tư 97 TC/TCT để thực hiện. Công văn này Cục thuế chỉ lưu ý một số điểm chính để thực hiện được thống nhất.

Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc, các phòng, Chi Cục thuế phải phản ánh kịp thời về Cục thuế để nghiên cứu hướng dẫn tiếp.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tài chính
- Tổng cục Thuế
+ Phòng Chính sách (để báo cáo)
+ Phòng Nghiệp vụ 1 (để báo cáo)
- P. KH-KT-TK, Ấn chỉ, TCCB, TTra
- Lưu

KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ TP
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Đình Tấn

 

TỔNG CỤC THUẾ NHÀ NƯỚC
CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Chi Cục thuế (Phòng ……….)

TP. Hồ Chí Minh, ngày   tháng   năm 199

 

THÔNG BÁO

V/v đình chỉ việc cho áp dụng hình thức nộp thuế doanh thu trên chênh lệch giữa giá bán hàng và giá mua hàng

Kính gửi:

- Cơ sở ……………………………………….
- Địa chỉ kinh doanh ………………………………………..

Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 27.12.1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế doanh thu và Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế doanh thu;

Căn cứ Thông tư số 97 TC/TCT ngày 30.12.1995 của Bộ Tài chánh về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 96/CP của Chính phủ;

Căn cứ biên bản làm việc ngày … tháng … năm 199 … của Phòng ………….. (Chi Cục thuế Quận Huyện) với cơ sở kinh doanh;

Cơ sở đã vi phạm các điều kiện quy định cho áp dụng hình thức nộp thuế doanh thu trên chênh lệch giữa giá bán hàng và giá mua hàng; Cụ thể là:

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Nay cơ quan thuế thông báo:

1) Đình chỉ việc cho áp dụng hình thức nộp thuế doanh thu trên chênh lệch đối với cơ sở kể từ ngày ………………………….

2) Kể từ ngày ………………………….. cơ sở phải nộp thuế doanh thu trên toàn bộ doanh thu đối với hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

Đề nghị cơ sở ………………………………… thực hiện nghiêm chỉnh thông báo này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu

CỤC TRƯỞNG (CHI CỤC TRƯỞNG)

 

PHỤ LỤC

VỀ THUẾ SUẤT THUẾ DOANH THU CỦA MỘT SỐ NGÀNH SXKD CHỦ YẾU TỪ 01.01.1996 CÓ THAY ĐỔI

Số TT của biểu thuế

NGÀNH NGHỀ

Thuế suất TDT áp dụng từ 01.01.96 theo NĐ số 96/CP

Thuế suất TDT cũ áp dụng trước 01.01.96

Ghi chú

I

Ngành sản xuất:

 

 

 

4

Luyện cán kéo vàng bạc

4%

8%

 

6

SX máy vi tính, máy in

4%

8%

 

8

- SX vật liệu xây dựng

4%

5%

 

 

- SX vữa bê tông

3%

 

10

Chế biến lâm sản và SX đồ gỗ

6%

5%

 

11

SX sản phẩm bằng giấy

2%

4%

 

13

SX nước ngọt, nước giải khát

8%

6%

 

14

Chế biến thủy sản

4%

3%

 

15b

Dệt các loại

4%

5%

 

 

Riêng: SP dệt thủ công, bán cơ khí

2%

3%

 

….

 

 

 

II

Ngành xây dựng:

4%

3%, 5%

 

III

Ngành vận tải:

 

 

 

 

- Vận chuyển nội thành, nội thị bằng xe lam, taxi

4%

1%

 

IV

Ngành thương nghiệp:

 

 

 

 

- Nộp trên doanh thu

1% - 2%

1%, 2%, 4%, 6%, 8%, 10%

 

 

- Đại lý, ký gởi, ủy thác

15%

12%

 

 

- Trên chênh lệch

15%

14%

 

 

+ Vàng bạc, đá quý

20%

15%

 

 

+ Ngoại tệ, bất động sản

20%

25%

 

V

Ăn uống bình dân

6%

4%

 

VI

Dịch vụ

 

 

 

4

Bưu điện, bưu chính, viễn thông

6%

4%

 

10

Cho thuê cửa hàng, đồ dùng, xe hơi du lịch từ 24 chỗ ngồi trở xuống, phòng cưới

10%

8%

 

11

Nhà trọ

6%

4%

 

15

Trông giữ xe, vé vào cổng công viên, khu vui chơi

4%

1%

 

16a

Mỹ viện

10%

8%

 

16c

Karaokê

20%

8%

 

 

Tắm hơi, mát xa

20%

10%

 

16g

Đại lý tàu biển

30%

40%

 

16i

Quảng cáo

10%

8%

 

 

BẢNG

PHÂN HẠNG CHI TIẾT VÀ GIÁ CHUẨN ĐỂ TÍNH TRỊ GIÁ NHÀ DÙNG CHO CÔNG TÁC BÁN NHÀ THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
(Phụ lục kèm theo Quy định số: 3365/QĐ-UB-QLĐT ngày 08-10-1994 của UBND Thành phố)

Đơn vị tính: đ/m2 sàn sử dụng

LOẠI NHÀ

PHÂN HẠNG CHI TIẾT THEO KIẾN TRÚC

GIÁ CHUẨN

GHI CHÚ

1

2

3

4

BIỆT THỰ LẦU

A1. Sàn, mái BTCT, tường gạch (hạng 4)

2.000.000

Theo NĐ 61/CP

A2. Sàn BTCT, tường gạch, mái ngói hoặc tolo có trần (hạng 3)

1.600.000

Theo NĐ 61/CP

Một số dạng biệt thự lầu khác thường gặp ở TP:

 

 

A3: Sàn xây cuốn trên sắt hình, tường gạch, mái ngói hoặc tole, có trần

1.400.000

 

A4. Sàn gỗ, tường gạch, mái ngói hoặc tole.

1.300.000

 

BIỆT THỰ TRỆT

B1. Mái bằng BTCT, tường gạch (hạng 2)

1.500.000

Theo NĐ 61/CP

B2. Tường gạch bao che dày 200-300, mái ngói hoặc tole, có trần (hạng 1)

1.200.000

Theo NĐ 61/CP

Dạng nhà vườn riêng biệt

 

 

B3. Tường gạch bao che dày 100, cột gạch chịu lực, mái ngói hoặc tole, có trần

700.000

Theo Thông tư

NHÀ PHỐ LẦU

C1. Sàn, mái BTCT, tường gạch (cấp 1)

1.000.000

Theo NĐ 61/CP

C2. Sàn BTCT, tường gạch, mái ngói hoặc tole có trần (cấp 2)

900.000

Theo NĐ 61/CP

C3. Sàn xây cuốn trên sắt hình, tường gạch, mái ngói hoặc tole, có trần

800.000

 

C4. Tường cột gạch, sàn đúc giả, mái đúc giả hoặc lợp tole, ngói, có trần

600.000

 

C5. Tường gạch, sàn gỗ ván, lợp tole hay ngói có trần

500.000

 

NHÀ PHỐ TRỆT

D1. Tường gạch, mái bằng BTCT

950.000

 

D2. Tường gạch, cột gạch, mái ngói hoặc tole, có trần ván ép hoặc trần trang trí, nền gạch bông hoặc đá mài, cẩm thạch,

550.000

Theo NĐ 61/CP

D3. Tường gạch, cột gỗ mái tole, nền láng xi măng, trần ván hoặc cót ép.

400.000

Theo NĐ 61/CP

D4. Tường gạch + ván hoặc tole, cột gỗ mái tole, nền láng xi măng trần ván hoặc cót ép

350.000

 

D5. Cột gỗ, mái tole, nền láng xi măng, trần ván hoặc cót ép, tường mượn

200.000

 

D6. Vách Tole, gỗ, mái lá hoặc giấy dầu, khung sườn gỗ

150.000

 

- Các loại nhà từ A1 – C3 và nhà D1 đều có nền hoặc sàn lát gạch bông, mosaic, đá mài hoặc đá cẩm thạch, có vệ sinh riêng, hệ thống điện nước trong nhà đầy đủ.

- Nếu trong cùng một ngôi nhà có nhiều loại kết cấu nhà khác nhau (ví dụ vừa có sàn BTCT vừa có sàn gỗ) thì giá trị nhà là tổng giá trị các kết cấu tương ứng trong bảng giá

- Nhà phụ trong khu biệt thực tính như nhà phố.

 

PHẦN HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ĐĂNG KÝ VỀ THUẾ

1. Đăng ký về thuế theo quy định tại khoản 1, Điều 10 Luật thuế doanh thu và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

2. Chi cục thuế hoặc Cục thuế trực tiếp quản lý thu thuế cơ sở kinh doanh.

3. Tên cơ sở kinh doanh: tên xí nghiệp, hợp tác xã …. hoặc tên cửa hiệu, cửa hàng.

4. Họ, tên giám đốc hoặc chủ cơ sở kinh doanh: Giám đốc, chủ nhiệm, tổ trưởng … (nếu là tổ chức kinh doanh) hoặc chủ hộ kinh doanh (nếu là hộ tư nhân, cá thể).

5. Thời gian bắt đầu hoạt động của cơ sở kinh doanh.

6. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất, chế biến, gia công, lắp ráp; khai thác; nuôi trồng; xây dựng; vận tải; bán buôn, bán lẻ, đại lý, ủy thác; cố định hay lưu động; thường xuyên hay thời vụ …

7. Địa điểm kinh doanh: nơi sản xuất, bán hàng, dịch vụ …

8. Vốn kinh doanh kê khai các nguồn vốn tại thời điểm đăng ký.

9. Tổng số lao động: Số lao động thường xuyên thuộc danh sách trả lương của cơ sở.

Thay mặt cơ sở kinh doanh: Giám đốc xí nghiệp, công ty, chủ nhiệm hợp tác xã … ký tên ghi rõ họ tên, chức vụ, đóng dấu. Nếu là hộ kinh doanh, chủ hộ ký tên ghi rõ họ tên.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 737/CT-Ng.V về việc triển khai thực hiện Thông tư số 97 TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính về thuế doanh thu do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 737/CT-Ng.V
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/03/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Đình Tấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/03/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản