Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 697/TCT-DNK | Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2006 |
Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Năm 2005, với sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn ngành Thuế kết quả thu đối với hoạt động công thương nghiệp (CTN) và dịch vụ ngoài quốc doanh (NQD) đã hoàn thành vượt mức dự toán phấn đấu và đạt được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2004. Trong đó, có những địa phương đã đạt mức tăng rất cao như: Lai Châu, Ninh Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Sơn La, Thái Bình, Hà Tây…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, mức thất thu thuế ở khu vực kinh tế CTN và dịch vụ NQD tại một số địa bàn và lĩnh vực vẫn còn lớn, đặc biệt là ở các thành phố, thị xã, các ngành ăn uống, kinh doanh xăng dầu, vận tải, kinh doanh ôtô, xe 2 bánh gắn máy…
Trong năm 2006, nhiệm vụ thu thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực kinh tế CTN và dịch vụ NQD, Bộ Tài chính đã giao cho ngành Thuế phải thực hiện rất cao (so với năm 2005, chỉ tiêu pháp lệnh tăng 30%, chỉ tiêu phấn đấu tăng 33%). Để hoàn thành được nhiệm vụ được giao, đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các phòng quản lý NQD, các Chi cục thuế nghiên cứu, quán triệt và triển khai nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đã được Tổng cục Thuế nêu tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2005, biện pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2006 và các biện pháp cụ thể đối với quản lý thuế khu vực kinh tế CTN và dịch vụ NQD của Tổng cục Thuế đã nêu tại Hội nghị chuyên đề (tháng 09/2005). Tổng cục yêu cầu các Cục Thuế tập trung chỉ đạo, có biện pháp tích cực để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sau:
1/ Về quản lý đối tượng nộp thuế:
Cục Thuế, Chi cục thuế phải rà soát lại số hộ kinh doanh và hộ đang quản lý thu thuế: căn cứ vào kết quả lập bộ thuế Môn bài năm 2006, lập bộ thuế GTGT, thuế TNDN quý I/2006; đối chiếu với số hộ Điều tra - thống kê, số hộ đã được cấp MST, xác định những địa bàn có số hộ lập bộ Môn bài, thuế GTGT, thuế TNDN thất thu lớn để tiến hành kiểm tra thực tế, xác định cụ thể mức độ thất thu về đối tượng nộp thuế trên từng địa bàn, nguyên nhân và trách nhiệm của lãnh đạo và đơn vị quản lý thuế trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục ngay.
Ở những địa bàn có mức độ thất thu về hộ kinh doanh từ 10% trở lên phải yêu cầu lãnh đạo và toàn thể cán bộ quản lý ở địa bàn đó kiểm Điểm trách nhiệm và bàn biện pháp cũng như thời hạn khắc phục để chấn chỉnh ngay, đồng thời áp dụng biện pháp Điều chuyển, bố trí lại cán bộ quản lý; đối với những cán bộ có sai phạm phải xem xét xử lý theo mức độ sai phạm.
2/ Quản lý doanh thu, mức thuế:
2.1/ Đối với hộ kinh doanh: Cần rà soát phân loại hộ theo ngành nghề và quy mô kinh doanh, trên cơ sở đó tập trung quản lý hộ kinh doanh lớn và ngành nghề kinh doanh đang còn thất thu lớn.
Biện pháp:
- Yêu cầu từng Chi cục Thuế, Phòng quản lý thu tổ chức rà soát, phân loại và khảo sát từ thực tế kinh doanh, quy mô, mặt bằng, vốn, lao động với số thuế kê khai nộp ngân sách để tự đánh giá mực độ thất thu ở những nhóm đối tượng này. Trên cơ sở đó đặt ra mức và biện pháp thực hiện để Điều chỉnh doanh thu tính thuế.
- Căn cứ vào tình hình và đối chiếu với kết quả kê khai năm 2005 của địa phương, Cục Thuế nghiên cứu xây dựng định mức doanh thu tính thuế tính trên một hay một số tiêu thức như: tính bình quân trên một lao động hoặc trên chi phí tiền lương, tiền công; tính theo quy mô kinh doanh như số phòng, bàn (đối với kinh doanh ăn uống); phòng, giường đối với từng nhà nghỉ, khách sạn; số phương tiện vận tải hoặc số ghế, trọng tải… đối với kinh doanh vận tải… để làm căn cứ đối chiếu với doanh thu của hộ kinh doanh kê khai. Đối với những hộ kê khai thấp hơn doanh thu tối thiểu phải kiểm tra thực tế, nếu có vi phạm chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ hoặc kê khai không trung thực thì phải ấn định doanh thu, mức thuế và thông báo cho hộ kinh doanh nộp theo mức ấn định. Mức thuế mới ấn định ít nhất phải bằng mức thuế tính theo doanh thu định mức hoặc của hộ kinh doanh cùng ngành nghề, cùng quy mô thực hiện kê khai nộp thuế sát thực tế kinh doanh.
- Ít nhất một quý một lần phải kiểm tra việc chấp hành chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ của các hộ kinh doanh đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ để phát hiện và xử lý kịp thời những hộ vi phạm, đồng thời thông báo không chấp nhận cho nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với những hộ vi phạm này; ấn định doanh thu, tính thuế theo phương pháp trực tiếp và thông báo yêu cầu hộ kinh doanh nộp thuế theo thông báo.
Đối với những hộ kinh doanh mới nộp hồ sơ xin nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phải kiểm tra hàng tháng việc chấp hành chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ trong thời gian tối đa 3 tháng, nếu thấy chấp hành đúng thì chấp nhận cho hộ kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Hàng tháng, căn cứ vào doanh thu kê khai tổng hợp đối chiếu với kết quả kê khai nộp thuế tháng trước, kỳ trước; nếu không đảm bảo mức tăng trưởng thì cần phải tìm ngay nguyên nhân và có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo đảm doanh thu, mức thuế hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai tháng sau phải cao hơn tháng trước, cao hơn cùng kỳ.
2.2/ Đối với doanh nghiệp: Nhưng năm qua, khu vực doanh nghiệp NQD phát triển rất mạnh, số thu từ khu vực này đã chiếm Khoảng 60-65% tổng số thu từ khu vực kinh tế CTN và dịch vụ NQD và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Qua kiểm tra của Tổng cục Thuế, thất thu ở khu vực này còn rất lớn, số thuế TNDN qua kiểm tra đều tăng cao gấp trên 2 lần so với số doanh nghiệp kê khai, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kê khai thấp hoặc không thuộc đối tượng miễn giảm nhưng vẫn kê khai miễn giảm, mua bán hóa đơn bất hợp pháp để khai khống thuế GTGT đầu vào nhằm hợp thức hóa chi phí nhưng cơ quan thuế trực tiếp quản lý không kiểm tra phát hiện được. Để khắc phục tình trạng nêu trên, đề nghị Cục thuế tập trung quản lý chống thất thu đối với đối tượng này theo hướng sau:
a/ Về thuế GTGT
- Đôn đốc các doanh nghiệp kê khai và nộp tờ khai đúng quy định. Đối với những doanh nghiệp vi phạm chế độ kê khai phải xử phạt vi phạm hành chính và ấn định thuế để thu ngay.
- Kiểm tra chặt chẽ nội dung kê khai, so sánh đối chiếu với doanh thu kê khai với doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng quy mô để phát hiện ngay những trường hợp có nghi vấn gian lận, kê khai doanh thu thấp để trốn thuế.
+ Đối với những trường hợp kê khai doanh thu thấp, kê khai thuế GTGT đầu vào tăng đột biến hoặc qua kiểm tra tờ khai nếu thấy liên tục nhiều tháng đều phát sinh số thuế GTGT đầu vào gần bằng hoặc lớn hơn đầu ra phải kiểm tra đối chiếu, xác minh hóa đơn và đánh giá cụ thể thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân; nếu xác định nguyên nhân gian lận trốn thuế thì thực hiện thanh tra để có kết luận xử lý kịp thời.
+ Đối với những cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều hóa đơn nhưng xét thấy quy mô về sản xuất kinh doanh, số lao động… không tương xứng, có nghi vấn về việc mua bán hóa đơn cần kiểm tra đối chiếu hóa đơn đã sử dụng với số lượng, giá trị hàng hóa mua, bán, đối chiếu với chứng từ thanh toán, hình thức thanh toán để xác định các nguyên nhân gian lận.
b/ Về thuế TNDN:
- Căn cứ tình hình đặc Điểm kinh doanh tại địa phương, nghiên cứu xây dựng một số tiêu thức để đánh giá chất lượng tờ khai tạm nộp thuế TNDN năm 2006; ví dụ: doanh thu so với vốn, quy mô kinh doanh, tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu kinh doanh, mức tăng doanh thu và thu nhập so với những năm trước.
- Căn cứ các tiêu thức đã được nghiên cứu xây dựng, chỉ đạo khi kiểm tra tờ khai tạm nộp thuế TNDN, nếu doanh nghiệp nào kê thấp hơn so với tiêu chức kiểm tra trên phải xác định ngay nhà nước và yêu cầu doanh nghiệp Điều chỉnh cho sát với thực tế; nếu doanh nghiệp không tự Điều chỉnh thì ấn định thu nhập chịu thuế để tạm tính thuế TNDN và thông báo yêu cầu doanh nghiệp nộp theo số tạm ấn định.
3/ Tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra thuế:
Cục Thuế và các Chi cục Thuế phải tập trung lực lượng làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với khu vực NQD năm 2006, cụ thể:
a/ Kiểm tra chặt chẽ tờ khai quyết toán thuế TNDN; xác định những doanh nghiệp cần phải tiến hành kiểm tra, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện thanh tra theo hướng dẫn tại công văn số 249/TCT-TTr ngày 18/01/2006 của Tổng cục Thuế về việc “thực hiện Quy trình số 1166/QĐ-TCT ngày 31/10/2005 của Tổng cục Thuế”.
Trong tháng 3 và tháng 4/2006 phải chọn, lập danh sách đơn vị, cơ sở kinh doanh phải kiểm tra quyết toán thuế hoặc thanh tra thuế tại cơ sở kinh doanh và bố trí cán bộ thực hiện kiểm tra. Trước khi kiểm tra phải quán triệt nhiệm vụ, yêu cầu và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra.
Cơ sở kiểm tra cần tập trung vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có quy mô lớn. Đối với những tỉnh, thành phố có số thu NQD trên 300 tỷ đồng và có tỷ trọng thu từ khu vực doanh nghiệp NQD lớn thì số doanh nghiệp phải kiểm tra tại cơ sở ít nhất phải trên 30%W số doanh nghiệp quản lý thu, kết quả kiểm tra phải khai thác tăng thu bình quân trên 20% so với số kê khai quyết toán. Đối với những địa phương khác số doanh nghiệp phải kiểm tra tại cơ sở ít nhất phải trên 50% số doanh nghiệp quản lý thu, kết quả kiểm tra phải khai thác tăng thu bình quân trên 10% so với số kê khai quyết toán. Mức tăng thêm cụ thể, Cục Thuế căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương mình để xây dựng cho phù hợp theo hướng tích cực.
Đối với những đơn vị bỏ trốn hoặc phát hiện có hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp phải tổ chức kiểm tra xác minh hóa đơn, trong trường hợp cần thiết phối hợp với các cơ quan chức năng để Điều tra, kết luận cụ thể hành vi và mức độ vi phạm pháp luật của đối tượng này.
b/ Cơ quan thuế cần thường xuyên tổng hợp tình hình và kết quả thanh tra, kiểm tra để xác định những hành vi gian lận thường xẩy ra và những hành vi gian lận mới xuất hiện, qua đó kịp thời chỉ đạo và rút kinh nghiệm trong đơn vị nhằm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả.
Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai ngay những biện pháp nêu trên tới các Chi cục và đơn vị quản lý thu NQD; trong tháng 4/2006, các Cục thuế tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp nêu trên về Tổng cục./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Công văn số 697/TCT-DNK của Tổng Cục Thuế về biện pháp quản lý thu đối với khu vực kinh tế CTN và dịch vụ ngoài quốc doanh năm 2006
- Số hiệu: 697/TCT-DNK
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 23/02/2006
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Phạm Văn Huyến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra