Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN
VÀ TRUYỀN THÔNG
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 641/BTTTT-HTQT
V/v tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 37 của Việt Nam

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2007

 

Kính gửi: Sở Bưu chính Viễn thông các tỉnh, thành phố

Liên minh Bưu chính thế giới có công văn số 0910(CPSC)1120 ngày 15/07/2007 gửi Bưu chính các nước, chính thức công bố đề tài cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 37 (2008) dành cho thiếu nhi trên toàn thế giới. Đề tài cuộc thi viết thư năm nay là: “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói tại sao thế giới cần sự khoan dung” (Tiếng Anh: Write a letter to someone to tell them why the world needs tolerance”, Tiếng Pháp: “Ecris une lettre à quelqu’un pour lui expliquer pourquoi le monde a besoin de davantage de tolérance).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định số 196/QĐ-BTTTT ngày 01/10/2007 chính thức thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 37 dành cho thiếu nhi Việt Nam. Cuộc thi này do Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức.

Ban Tổ chức Quốc gia thông báo và đề nghị Sở Bưu chính Viễn thông các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham gia cùng với Bưu điện tỉnh, thành phố để phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở địa phương thành lập Ban chỉ đạo Cuộc thi và có hình thức tổ chức thích hợp để phát động, hưởng ứng Cuộc thi ở địa phương mình. Các tỉnh, thành phố không tổ chức chấm sơ khảo của địa phương và hướng dẫn các em thiếu niên gửi bài dự thi trực tiếp về Ban Tổ chức Quốc gia (nơi nhận: Báo thiếu niên tiền phong, số 5 Hòa Mã, Hà Nội).

Đối với cuộc thi năm nay, Ban Tổ chức Quốc gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 37 có chủ trương cho phép các địa phương nào có điều kiện và tự thu xếp được kinh phí có thể đề nghị và đăng ký với BTC Quốc gia đã tổ chức chấm chọn giải ở địa phương mình (các địa phương này chỉ cần gửi 100 bài xuất sắc nhất và báo cáo BTC quốc gia số lượng bài dự thi của địa phương mình). Ban Giám khảo Quốc gia Cuộc thi sẽ có trách nhiệm gửi barem chấm thi cho các địa phương này.

Kèm theo đây là Thể lệ cuộc thi và Một số ý kiến của Ban Giám khảo về đề tài cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 37.

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, đề nghị các đơn vị liên hệ về Thường trực Ban Tổ chức cuộc thi để có các hướng dẫn cụ thể theo địa chỉ:

- Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, 18 Nguyễn Du, Hà Nội

Tel: (4) 9430204; Fax: (4) 8226590; hoặc

- Ban Bưu chính và PHBC, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, 23 Phan Chu Trinh, Hà Nội

Tel: (4) 9436542; Fax: (4) 9436536

- Báo Thiếu niên Tiền phong, 5 Hòa Mã, Hà Nội

Tel: (4) 9782328; Fax: (4) 8215710

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- LĐ Bộ (để b/c)
- Các đ/c Trưởng, Phó BTC cuộc thi UPU;
- Lưu VT, HTQT

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ
PHÓ TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC CUỘC THI VIẾT UPU 37




Quản Duy Ngân Hà

 

THỂ LỆ CUỘC THI

VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 37 - 2008

Giải thưởng có giá trị lớn

Gửi bài dự thi về báo Thiếu niên Tiền phong

Liên minh Bưu chính thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em hằng năm, nhằm:

- Giúp các em phát triển khả năng viết văn.

- Làm phong phú thêm sự tinh tế trong tư duy và góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc.

- Là dịp để các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.

Đề tài cuộc thi lần thứ 37 (năm 2008) là: “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói tại sao thế giới cần sự khoan dung”.

Tiếng Anh: “Write a letter to someone to tell them why the world needs tolerance”.

Tiếng Pháp: “Ecris une lettre à quelqu’un pour lui expliquer pourquoi le monde a besoin de davantage de tolérance”.

Cuộc thi do Bộ Thông tin - Truyền thông; Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức.

BAN TỔ CHỨC

Trưởng ban: Ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phó trưởng ban: Ông Đỗ Ngọc Bình, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

- Ông Phạm Thành Long, Tổng Biên tập Báo TNTP (Phó Trưởng ban Thường trực).

- Bà Quản Duy Ngân Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Ông Lê Xuân Bình, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Và 13 ủy viên.

BAN GIÁM KHẢO

Trưởng ban: Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Phó trưởng ban: Nhà báo Phạm Thành Long

Các ủy viên:

Nhà văn Vũ Tú Nam

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Nhà thơ Định Hải

Nhà văn Tạ Duy Anh

Nhà văn Lê Phương Liên

Nhà báo Nguyễn Đoàn

Tiến sĩ Lương Thị Kim Nga

GIẢI THƯỞNG

Các em đoạt giải chính thức sẽ được hưởng tiêu chuẩn tương đương Học sinh giỏi văn Quốc gia. Các em đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

Cá nhân:

- 1 giải Nhất: 5.000.000đ

- 3 giải Nhì, mỗi giải: 3.000.000đ

- 5 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000đ

- và 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 500.000đ

Tập thể:

- Tặng trường có học sinh đoạt giải Nhất trị giá: 2.000.000đ

- Tặng trường có học sinh đoạt giải Nhì, Ba, mỗi giải: 1.000.000đ

- Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để dự thi quốc tế.

THỂ LỆ CUỘC THI

Điều kiện dự thi: Tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10) năm học 2007-2008 đều được dự thi.

Quy định về bài thi:

- Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 1.000 từ.

- Các bài viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp phải có bản dịch sang tiếng Việt (BGK chấm bản tiếng Việt).

- Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy, ghi đầy đủ: Họ tên, nam, nữ, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình (viết vào góc bên phải, bên trên bài dự thi). Không nhận bài photocopy và bài viết trên máy vi tính. Dự thi tập thể không cần để bài thi vào trong phong bì.

Chú ý: Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.

Bài thi nếu gửi qua đường bưu điện không phải dán tem. Ngoài phong bì ghi rõ: Dự thi UPU - 2008.

Bài thi đoạt giải bản quyền thuộc về Ban Tổ chức.

Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội.

Thời gian: Từ ngày công bố trên báo TNTP và trên báo Bưu điện Việt Nam, đến ngày 15-02-2008 (theo dấu bưu điện).

Ban Tổ chức cuộc thi trân trọng đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí Giám đốc Bưu điện và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố, quận (huyện) trong cả nước phối hợp tổ chức và tạo điều kiện cho các em địa phương mình tham gia đạt chất lượng cuộc thi ý nghĩa này.

Ban Tổ chức mong nhận được những bức thư hay và sáng tạo của các em học sinh cả nước.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

 

Ý KIẾN CỦA BAN GIÁM KHẢO QUỐC GIA

VỀ ĐỀ THI UPU LẦN THỨ 37 - 2008

Tiếng Anh: “Write a letter to someone to tell them why the world needs tolerance”

Tiếng Pháp: “Ecris une lettre à quelqu’un pour lui expliquer pourquoi le monde a besoin de davantage de tolérance”

Dịch nghĩa:

“Hãy viết thư cho một người nào đó để nói tại sao thế giới cần sự khoan dung”.

VÀI LƯU Ý CẦN THIẾT VỚI CÁC EM

Đối tượng nhận thư là ai?

Đây là bức thư viết “cho một người nào đó”. “Người nào đó” có thể là một người bạn, một người thân biết như: Bố mẹ, anh chị, cô dì chú bác, thầy giáo, cô giáo…, hoặc một người có chức vụ, trách nhiệm nào đó trong nước và quốc tế… Tuy nhiên “một người nào đó” thì vẫn phải có tên, địa chỉ cụ thể. Vì thế, người nhận thư còn có thể là một người nước ngoài và không phân biệt dân tộc, tôn giáo, chính trị…

Hiểu “Thế giới” là gì?

Có hai cách hiểu từ “Thế giới”: “Là toàn bộ bề mặt trái đất, nơi con người sinh sống” và là chỉ “toàn thể loài người đang sống trên trái đất” (định nghĩa của từ điển tiếng Việt). Tuy nhiên, từ “thế giới” mà đề tài cuộc thi UPU năm nay nói đến chính là cách hiểu thứ 2. Đó là việc chỉ mối quan hệ giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Đấy chính là “thế giới”.

“Khoan dung” được hiểu như thế nào?

“Khoan dung” theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt là: “Rộng lượng tha thứ cho người phạm lỗi lầm”. Hiểu một cách rộng hơn thì “khoan dung” là sự thể hiện cao nhất của tình thương yêu của con người; Là không chỉ là sự mở lòng sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của người khác mà còn là sự ân cần giúp đỡ tạo điều kiện cho những người lầm lạc sửa chữa lỗi lầm; Là sự chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người khác để họ cũng có cuộc sống tốt đẹp như mình. Khoan dung còn là sự nhìn nhận, đánh giá con người, đối xử với họ không ác cảm, định kiến mà đầy lòng nhân ái, vị tha… Ngày nay “thế giới cần sự khoan dung” không chỉ là sự khoan dung giữa những con người với con người, mà còn cần sự khoan dung cho những quốc gia với quốc gia, dân tộc với dân tộc và giữa tôn giáo với tôn giáo nữa. “Sự khoan dung” cần thiết cho mọi quan hệ mà loài người trên thế giới này đang và sẽ tiến hành.

Năm nay, Ban Giám khảo cuộc thi UPU Quốc gia quyết định không gợi ý sâu về đề tài. BGK chỉ giải thích về một số từ ngữ quan trọng của đề thi để các em có cách hiểu đúng mà thôi. Để viết một bức thư hay dành cho sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các em. Mong các em có nhiều bức thư dí dỏm, hóm hỉnh đầy nét tươi vui, tinh nghịch của học trò và thể hiện sinh động chủ đề một cách văn học.

Chúc các em thành công!

BAN GIÁM KHẢO QUỐC GIA

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 641/BTTTT-HTQT về việc tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 37 của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 641/BTTTT-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/10/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Quản Duy Ngân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản