Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 632/LSXD-VHTTDL | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02/02/2009 |
Kính gửi: | - Ủy ban nhân dân quận 12, Gò Vấp, Bình Tân; |
Thực hiện Thông báo số 761/TB-VP ngày 30/9/2008 của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố về nội dung kết luận của đồng chí Nguyễn Thành Tài – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tại cuộc họp nghe dự thảo Quy chế đánh số nhà và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Nay, Liên Sở Xây dựng – Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn một số nghiệp vụ nhằm thực hiện thí điểm công tác cấp số nhà gắn với việc đặt đổi tên đường như sau:
I. CÔNG TÁC ĐÁNH SỐ VÀ CẤP SỐ NHÀ:
1. Hệ thống văn bản pháp luật :
a) Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 8/3/2006 của Bộ Xây dựng về quy chế đánh số và gắn biển số nhà.
b) Quyết định số 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT ngày 13/4/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố về cấp số nhà và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn thành phố.
2. Đối tượng được đánh số nhà và cấp số nhà :
a) Nhà ở được cấp riêng lẻ; nhà chung cư (bao gồm căn hộ, tầng nhà, số cầu thang chung cư) và công trình xây dựng.
b) Trừ những trường hợp sau đây:
- Nhà xây dựng trong khu vực cấm xây dựng mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép tồn tại, nhà đã có văn bản hoặc Quyết định giải tỏa, tháo dỡ.
- Nhà xây dựng không phép sau ngày 01/7/2004 và không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố.
- Trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng nhà tự chia tách nhà thành nhiều căn nhỏ, có diện tích đất nhỏ hơn diện tích đất tối thiểu được tách thửa; hoặc tự chia tách căn hộ chung cư thành nhiều phần không đảm bảo căn hộ khép kín.
3. Nguyên tắc đánh số nhà:
a) Nguyên tắc chung:
- Mỗi căn nhà, căn hộ được đánh một số và gắn một biển số nhà theo quy cách thống nhất trên toàn thành phố.
- Số nhà trên một trục đường chính, đường nội bộ, hẻm được đánh liên tục không phân biệt ranh giới hành chính (phường, xã, thị trấn, quận, huyện) và đánh theo dãy số tự nhiên (1, 2, 3….n) theo hướng tăng dần tính từ gốc chuẩn của trục đường chính, đường nội bộ, hẻm. Nhà bên trái đánh số lẻ, nhà bên phải đánh số chẵn.
- Xác định gốc chuẩn và chiều đánh số nhà:
+ Gốc chuẩn: sông Sài gòn và Kênh Đôi, Kênh Tẻ
+ Chiều đánh số nhà: Đông – Tây, Nam – Bắc.
+ Đối với nhà thuộc đường nội bộ thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà đầu đường nội bộ sát với đường chính đến nhà cuối đường nội bộ. Trường hợp đường nội bộ thông ra hai đường chính thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính lớn hơn đến nhà cuối đường nội bộ.
b) Nguyên tắc đánh số nhà mặt tiền đường:
- Đánh số theo chiều tăng của số nhà tính từ gốc chuẩn, bên trái là dãy số lẻ liên tục, bắt đầu từ số 1; bên phải là dãy số chẵn liên tục, bắt đầu từ số 2.
- Trường hợp một nhà có nhiều cửa mở ra các đường khác nhau, thì đánh số và gắn biển theo đường có bề rộng lớn nhất.
- Trường hợp cửa chính mở tại góc đường thì đánh số nhà theo mặt đường của đường lớn nhất.
c) Nguyên tắc đánh số nhà hẻm chính và số nhà trong hẻm phụ :
- Số của hẻm chính được lấy số của nhà mặt tiền đường liền kề đầu hẻm. Hẻm chính có thể có một hoặc nhiều hẻm phụ (nhánh rẽ bên trái hoặc bên phải), số hẻm phụ được đánh tương tự như đánh số hẻm chính.
+ Trường hợp hẻm chính thông ra hai đường chính thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính có bề rộng (lộ giới) lớn hơn.
+ Trường hợp hai đường chính có bề rộng (lộ giới) bằng nhau thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính gần gốc chuẩn hơn.
Trường hợp hẻm chính thông ra một lối đi nội bộ và một đường chính thì chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đường chính.
- Số nhà trong hẻm chính bao gồm số của hẻm chính, gạch nghiêng (/) và số của căn nhà, chiều đánh số nhà bắt đầu từ nhà sát với đầu hẻm chính và đánh liên tục theo nguyên tắc bên trái hẻm là số lẻ, bắt đầu từ số 1, bên phải hẻm là số chẵn, bắt đầu từ số 2.
- Chiều đánh số nhà trong hẻm phụ cũng thực hiện tương tự như cách đánh số nhà trong hẻm chính.
d) Nguyên tắc đánh số căn hộ chung cư:
- Trong một chung cư gồm có số tầng và số căn hộ, giữa số tầng và số căn hộ được phân cách bằng dấu chấm (.).
+ Số tầng được đánh theo chiều từ dưới lên trên theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 0 đối với tầng trệt, số 1 đối với lầu 1 (không tính tầng hầm).
Trường hợp lô chung cư có tầng hầm thì đánh số tầng hầm theo chiều từ trên xuống, bắt đầu từ tầng hầm trên cùng sát với tầng trệt, lấy số từ H1, H2, H3…
+ Số căn hộ gồm hai chữ số được đánh theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 01 đối với căn hộ đầu tiên tính từ cầu thang chính và hành lang chung.
- Chiều đánh số căn hộ: được đánh theo từng dãy căn hộ và theo chiều kim đồng hồ hoặc từ trái sang phải.
+ Trường hợp lô chung cư có hai dãy căn hộ song song, một cầu thang ở giữa, bố trí hành lang ở giữa hoặc hành lang vòng xung quanh hai dãy căn hộ thì chiều đánh số căn hộ trong mỗi dãy được đánh liên tục từ trái sang phải của người đứng đối diện với dãy căn hộ. Dãy căn hộ phía trước đánh số lẻ liên tục (1, 3, 5…) bắt đầu từ số 1 cho căn hộ đầu tiên. Dãy căn hộ phía sau đánh số chẵn liên tục (2, 4, 6…) bắt đầu từ số 2 cho căn hộ đầu tiên.
Trường hợp lô chung cư có nhiều cầu thang thì xác định cầu thang chính (cầu thang lớn), để áp dụng chiều đánh số căn hộ này. Trường hợp cầu các cầu thang bằng nhau thì đánh theo chiều kim đồng hồ.
+ Trường hợp căn hộ chung cư có hành lang bên thì chiều đánh số căn hộ theo chiều từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào dãy căn hộ, đánh số liên tục (1, 2, 3, 4…) bắt đầu từ căn hộ đầu tiên, phía bên trái.
+ Đối với lô chung cư có từ hai cầu thang trở lên thì đánh số cầu thang theo nguyên tắc tính từ cầu thang có lối đi chính vào lô chung cư, từ trái sang phải theo thứ tự 1, 2, 3…
e) Nguyên tắc đánh số nhà trong cư xá:
- Đối với cư xá có lối đi nội bộ: cách đánh số nhà tương tự như đánh số nhà mặt đường.
- Đối với cư xá không có lối đi nội bộ thì dùng mẫu tự La tinh (A, B, C…) để đặt tên cho các dãy nhà theo thứ tự trước sau tính từ cổng chính đi vào. Chiều đánh số nhà trong mỗi dãy được đánh liên tục từ trái sang phải theo dãy số tự nhiên (1, 2, 3…)
g) Nguyên tắc đánh số nhà trên tuyến đường chưa có nhà đầy đủ hoặc đường mới mở:
- Đối với những trục đường chưa có nhà đầy đủ (còn đất trống), Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ quy hoạch chi tiết trên toàn tuyến đường để lập quỹ số nhà dự trữ cho tuyến đường đó, trường hợp có phát sinh tăng số nhà so với quỹ dự trữ thì áp dụng nguyên tắc chèn số. Trường hợp
- Đối với những tuyến đường được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài đó không thể đặt tên đường mới thì nhà trong đoạn đường nối dài được đánh số như sau:
+ Nếu số lượng nhà trên đoạn nối dài đã có trật tự số nhà tương đối ổn định: thì số nhà trong đoạn đường nối dài được đánh liên tục như cách đánh nhà mặt đường nhưng theo chiều ngược lại và mỗi số gắn thêm chữ ND (viết tắt của chữ Nối dài).
+ Nếu số lượng nhà trên đoạn nối dài là nhà xây dựng mới chưa có số nhà hoặc có số nhà nhưng không theo một trật tự ổn định thì đánh số lại từ đầu, bắt đấu từ nhà đầu tiên của đường nối dài đến nhà cuối đường hiện hữu, áp dụng nguyên tắc và chiều đánh số nhà mặt tiền đường.
- Đối với hẻm được mở rộng thành đường có tên thì đánh lại số nhà mới theo chiều đánh số và nguyên tắc đánh số của nhà mặt tiền đường.
Các hẻm phụ của đường khác có lối ra đường mới thì hẻm phụ trở thành hẻm chính và được đánh số lại theo nguyên tắc đánh số nhà trong hẻm chính.
h) Nguyên tắc chèn số nhà và nhập số nhà.
- Nhà xây chen giữa hai nhà đã có số liên tiếp hoặc tách từ một nhà thành nhiều nhà thì dùng số nhà liền kề trước đó ghép với một mẫu tự La tinh A, B, C… để đánh số cho những căn nhà mới, trừ hai mẫu tự I, O. Nguyên tắc này áp dụng cho nhà mặt đường và nhà trong hẻm chính, hẻm phụ.
- Nhà xây dựng lại trên đất khuôn viên của nhiều nhà cũ (nhà hợp khối) đã có số nhà thì nhà mới chỉ mang số đầu và số cuối của dãy số nhà cũ, giữa hai số nhà cách nhau bởi dấu gạch ngang (-).
- Nhà nhiều tầng, nhiều hộ sử dụng (sở hữu) thì căn nhà được cấp một số nhà theo số nhà mặt tiền đường hoặc nhà trong hẻm. Mỗi căn hộ của mỗi chủ sử dụng (sở hữu) cũng được đánh số căn hộ theo nguyên tắc đánh số nhà trong lô nhà quy định tại điểm (c).
3. Lập bản đồ hiện trạng số nhà:
Phòng Quản lý đô thị (phòng Công Thương) sử dụng bản đồ địa chính chính quy, kết hợp với khảo sát hiện trạng thực tế các tuyến đường, địa bàn được chọn thí điểm để lập bản đồ hiện trạng số nhà, làm cơ sở thực hiện kế hoạch cấp số nhà gắn với việc đặt đổi tên đường.
4. Chứng nhận số nhà:
Mỗi căn nhà, căn hộ thuộc đối tượng được đánh số theo quy định tại khoản 1 của công văn này được cấp Chứng nhận số nhà (theo mẫu đính kèm).
Chứng nhận số nhà gồm 02 nội dung:
+ Phần chứng nhận số nhà của cơ quan hành chính nhà nước cho người đang sử dụng nhà.
+ Quy cách biển số nhà: gồm quy cách biển số nhà riêng lẻ và biển số căn hộ chung cư.
II. CÔNG TÁC ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG:
1. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
a) Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành “Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng”;
b) Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa – Thông tin về “hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ”;
c) Quyết định số 92/2005/QĐ-UB ngày 06/6/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành “Quy chế hoạt động của Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng thành phố Hồ Chí Minh”.
2. Nguyên tắc đặt, đổi tên đường:
a) Nguyên tắc chung:
- Chỉ sử dụng tên của những người đã mất để đặt tên đường;
- Việc đặt mới và sửa đổi tên đường phải mang tính khoa học, lịch sử, văn hóa, ổn định lâu dài, thuận lợi cho công dân.
- Tên nhân vật, sự kiện, địa danh được chọn đặt tên đường phải thực sự tiêu biểu, rõ ràng.
- Hạn chế tối đa việc xáo trộn, thay đổi tên đường, kể cả việc thay đổi tên đường đã đặt trước đây.
b) Nguyên tắc cụ thể:
- Đường phải có chiều dài tối thiểu 200m, lộ giới tối thiểu 12m trở lên. Dựa vào tầm cỡ, công lao, sự nghiệp của các danh nhân để đặt sao cho phù hợp, tương xứng với chiều dài, lộ giới và vị trí tuyến đường.
Chỉ đặt một tên đối với đường dài và thông suốt. Khi đường bị ngắt khúc bởi các giao lộ lớn hoặc vòng xoay thì đoạn kế tiếp có thể được nghiên cứu đặt tên khác.
Số thứ tự chỉ được dùng để đặt tên đường trong khu cư xá, chung cư hoặc khu nhà nhiều tầng.
- Tên các nhân vật lịch sử gắn liền với các sự kiện lịch sử hoặc địa danh diễn ra sự kiện lịch sử được nghiên cứu, ưu tiên đặt ở các đường gần nhau hoặc kế tiếp nhau theo cùng một tuyến.
Ưu tiên sử dụng tên các nhân vật, sự kiện lịch sử – văn hóa có gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Nam bộ để đặt tên đường.
c) Tên nhân vật, sự kiện, địa danh được dùng để đặt tên đường bao gồm:
- Tên các danh nhân lịch sử, văn hóa xuất sắc trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế….từ thời dụng nước đến nay (trừ những nhân vật lịch sử chưa được xác định rõ ràng hoặc đang còn tranh cãi).
- Tên các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ Cách mạng có công hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
- Tên những người có công lớn trong việc khai thôn, lập ấp được nhân dân kính trọng, tôn thờ.
- Tên các danh nhân văn hóa thế giới và những người nước ngoài có công lao và ảnh hưởng to lớn đối với Việt Nam.
- Các địa danh ghi dấu các sự kiện lịch sử trong đại của dân tộc.
- Các địa danh hành chính xưa, các địa danh cổ thuộc thành phố Hồ Chí Minh, các địa danh hành chính trong nước và nước ngoài có quan hệ tốt đẹp với thành phố Hồ Chí Minh.
- Tên các sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc (trừ những sự kiện chưa được xác định rõ ràng hoặc đang còn tranh cãi).
- Tên các ngày Quốc lễ
3. Trình tự, thủ tục đặt, đổi tên đường:
a) Ủy ban nhân dân quận, huyện:
Căn cứ các nguyên tắc đặt, đổi tên đường, Ủy ban nhân dân quận, huyện có văn bản gửi Hội đồng đặt tên đường thành phố để đề xuất việc đặt mới hoặc sửa đổi tên đường; văn bản phải nêu rõ các nội dung sau: lý do đặt mới hoặc sửa đổi tên đường, điều kiện về tuyến đường đề nghị đặt tên (chiều dài, lộ giới), tên đường đề nghị có trùng lắp không (trong cùng địa bàn quận, huyện và trên toàn địa bàn thành phố); các tư liệu về nhân vật, sự kiện, địa danh được đề nghị dùng đặt tên đường trên địa bàn.
b) Hội đồng đặt tên đường thành phố:
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đề xuất và tư liệu lịch sử đã thu thập, cơ quan thường trực Hội đồng đặt tên đường thành phố (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tham mưu, đề xuất xây dựng, bổ sung quỹ tên đường trìnhỦy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
c) Ủy ban nhân dân thành phố:
Trên cơ sở tham mưu của Hội đồng đặt tên đường thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố trình sanh sách Quỹ tên đường để xin ý kiến Hội đồng nhân dân thành phố.
Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định về đặt tên đường.
III. CHẾ ĐỘ GIAO BAN, BÁO CÁO:
1. Chế độ giao ban:
Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì giao ban với các quận, huyện vào cuối tháng 2/2009 để trao đổi tình hình thực hiện thí điểm cấp số nhà, gắn với việc đặt đổi tên đường, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Chế độ báo cáo:
Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện thí điểm công tác cấp số nhà gắn với việc đặt, đổi tên đường tại địa bàn như sau:
a) Báo cáo tiến độ: thực hiện định kỳ hàng tháng (tháng 1, 2, 3/2009).
b) Báo cáo tổng kết: thực hiện vào cuối kỳ thí điểm, tổng kết toàn bộ kết quả đã thực hiện so với kế hoạch đề ra, nhận xét và kiến nghị việc áp dụng Quy chế này trên toàn địa bàn thành phố.
Trên đây là một số hướng dẫn liên quan đến công tác cấp số nhà gắn với việc đặt đổi tên đường được thực hiện thí điểm tại các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc phát sinh, đề nghị các quận, huyện báo cáo ngay về Sở Xây dựng (phòng Cấp chủ quyền nhà đất) để kịp thời hướng dẫn hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố./.
KT.GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH | KT.GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG |
Nơi nhận: |
- 1Nghị định 91/2005/NĐ-CP về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng
- 2Quyết định 05/2006/QĐ-BXD ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 3Thông tư 36/2006/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 4Quyết định 1958/1998/QĐ-UB-QLĐT về quy chế cấp số nhà và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Công văn 5731/SXD-QLN&CS năm 2014 hướng dẫn vướng mắc liên quan công tác cấp Chứng nhận số nhà do Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 6Kế hoạch 54/KH-UBND năm 2015 thực hiện "Chiến lược và Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" tỉnh Thanh Hóa
Công văn số 632/LSXD-VHTTDL về việc hướng dẫn thực hiện thí điểm cấp số nhà gắn với việc đặt đổi tên đường do Sở Xây dựng - Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 632/LSXD-VHTTDL
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 02/02/2009
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Đỗ Phi Hùng, Vũ Kim Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/02/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra