Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
*******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6142/VPCP-V.I
V/v đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2007

 

Kính gửi:

- Ban Chỉ đạo 127 Trung ương;
- Các Bộ: Y tế, Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông;
- Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP).

 

Xét Báo cáo số 0960/BCĐ-TW, ngày 10 tháng  09 năm 2007 của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về tình hình dược phẩm, mỹ phẩm lưu thông trên thị trường; Báo cáo số 8491/BYT-QLD, ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Bộ Y tế về công tác phòng, chống thuốc giả; kiến nghị của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tại Báo cáo số 17/VP-HH, ngày 26 tháng 02 năm 2007; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Tình hình hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm đang diễn biến rất phức tạp, có dấu hiệu ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và đến sức khỏe của người tiêu dùng, tác động xấu đến môi trường kinh doanh. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác chống hàng giả, hàng nhái nói chung và trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm nói riêng; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường:

- Ban Chỉ đạo 127 Trung ương tập trung chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, nhất là tại các thành phố lớn và trên các tuyến biên giới, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh quy mô lớn dược phẩm, mỹ phẩm giả, nhái nhập lậu, không có nguồn gốc, kém chất lượng.

- Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chủ trì nghiên cứu xây dựng quy chế tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, điều tra phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán dược phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

- Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về quản lý giá thuốc, khắc phục tình trạng kinh doanh độc quyền trong lĩnh vực này nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh và người tiêu dùng.

2. Về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về công tác chống hàng giả, hàng nhái:

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này và Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam có trách nhiệm chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao khả năng nhận biết về hàng thật - hàng giả của người tiêu dùng; cung cấp thông tin, mẫu mã hàng hóa, tích cực hỗ trợ cho các cơ quan chức năng phát hiện, phân biệt hàng thật - hàng giả để kịp thời xử lý theo thẩm quyền.

3. Về việc đầu tư, nâng cấp hệ thống kiểm tra chất lượng phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường:

Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chủ trì cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đánh giá lại thực trạng hệ thống kiểm nghiệm chất lượng phục vụ công tác chống hàng giả, hàng nhái; trên cơ sở đó xác định nhu cầu và xây dựng phương án nâng cấp hệ thống kiểm nghiệm bảo đảm phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho công tác này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Về hoàn thiện thể chế:

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định rõ các hình thức xử phạt hành chính một cách nghiêm khắc (cả về kinh tế và rút giấy phép kinh doanh) đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu và các sản phẩm khác liên quan đến sức khỏe con người;

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

- Bộ Y tế chủ trì cùng Ban chỉ đạo 127 Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định các điều kiện cụ thể tổ chức, cá nhân được sản xuất, kinh doanh mặt hàng thuốc, mỹ phẩm (rà soát một cách chặt chẽ tổ chức, cá nhân nào không đủ điều kiện thì ngừng ngay giấy phép kinh doanh); đồng thời quy định cụ thể tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái bị tiêu hủy phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy hàng giả, hàng nhái đó.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, PTTg TT Nguyễn Sinh Hùng,
PTTg Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Tổng cục Hải quan;
- Tổng cục Cảnh sát nhân dân;
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Cục Quản lý Dược Việt Nam (Bộ Y tế);
- Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương);
- VPCP: BTCN,
các Vụ: VX, Website CP, TH;
- Lưu: VT, V.I (3), LD. 24

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 6142/VPCP-V.I về việc đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 6142/VPCP-V.I
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/10/2007
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/10/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản