BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 609/LĐTBXH-QLLĐNN | Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2004 |
Kính gửi: Các doanh nghiệp đưa lao động sang Malaysia
Sau gần hai năm tổ chức đưa lao động sang làm việc tại Malaysia, các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc khai thác và thực hiện hợp đồng, tổ chức đưa được hơn 71.000 lao động sang làm việc tại Malaysia. Bên cạnh những kết quả trên, đã phát sinh một số vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến việc tiếp tục mở rộng thị trường, cụ thể như sau:
- Việc làm và thu nhập của một bộ phận lao động ta tại Malaysia không ổn định, đặc biệt là lao động ngành xây dựng (không có giờ làm thêm, thiếu việc làm, một số lao động bị nợ lương kéo dài, cá biệt có một số lao động không có việc làm, không có thu nhập, không được gian hạn hợp đồng sau một năm làm việc). Tình hình này có nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế của Malaysia, nhưng cũng xuất phát từ việc một số doanh nghiệp không tuân thủ chỉ đạo của Nhà nước về việc khảo sát kỹ nơi người lao động sẽ đến làm việc trước khi đưa người lao động đi.
- Nhiều nhóm lao động gặp khó khăn trong việc làm, thu nhập hoặc có tranh chấp với người sử dụng lao động nhưng không được các doanh nghiệp đưa đi giải quyết thoả đáng, đã đến Đại sứ quán và Ban Quản lý lao động và chuyên gia khiếu nại. Một số nhóm lao động mang theo cả hành lý, tụ tập nhiều ngày, gây cản trở nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của cơ quan đại diện và các cơ quan lân cận.
- Một số ít lao động không tuân thủ luật pháp, không tôn trọng phong tục tập quán của Malaysia, cá biệt có một số lao động quá khích, đánh nhau... gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của lao động Việt Nam và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
- Một số lao động tử vong tại Malaysia, trong đó phần lớn là đột tử. Nhiều lao động bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ khi kiểm tra để làm thủ tục gia hạn hợp đồng cho năm thứ hai.
Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp:
1. Khảo sát kỹ các Điều kiện sinh hoạt và làm việc trước khi ký kết hợp đồng theo đúng quy định tại công văn số 687/QLLĐNN - TTLĐ ngày 13/8/2002, công văn số 03/QLLĐNN-CSQLLĐ ngày 20/01/2003 của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Chỉ đưa lao động khi doanh nghiệp đã kiểm chứng được khả năng của người sử dụng lao động bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động theo thời hạn hợp đồng, đặc biệt là đối với lao động làm việc trong ngành xây dựng. Kiên quyết không tiếp tục ký kết hợp đồng với những người sử dụng lao động hoặc những công ty môi giới lao động đã để xảy ra tình trạng người lao động không đủ việc làm, thu nhập thấp. Trước mắt chủ động dừng đưa lao động sang làm việc trong các công trường xây dựng nhỏ và các công trình đang chuẩn bị hoàn thành mà người sử dụng lao động chưa ký được hợp đồng nhận công trình mới.
2. Cử đủ cán bộ có thẩm quyền và năng lực sang Malaysia để quản lý, bảo vệ quyền loại của người lao động theo đúng quy định của Nhà nước; Chỉ đạo cán bộ đại diện thường xuyên kiểm tra tình hình tại các đội lao động để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh, tuyệt đối không để vụ việc phát sinh kéo dài dẫn tới người lao động phải khiếu nại tại Đại sứ quán và Ban Quản lý lao động và chuyên gia. Các doanh nghiệp có lao động khiếu nại tại Đại sứ quán và tại các cơ quan nói trên phải giải quyết dứt Điểm trước ngày 8 tháng 3 năm 2004.
3. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để tăng cường chất lượng tuyển chọn; tổ chức đào tạo - giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi theo đúng quy định; kiên quyết xử lý đưa về nước những lao động không tuân thủ luật pháp, phong tục tập quán Malaysia, không có ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm hợp đồng.
4. Trước mắt chỉ tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho người lao động tại các bệnh viện cấp tỉnh, không khám sức khoẻ tại những cơ sở y tế không đủ Điều kiện chuyên môn. Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc này trong thời gian tới. Trong quá trình đào tạo - giáo dục định hướng phải hướng dẫn kỹ cho người lao động về cách sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ khi làm việc tại Malaysia.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp triển khai ngay và báo cáo tình hình thực hiện về Cục Quản lý lao động ngoài nước trước ngày 15 tháng 3 năm 2004. Các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc những yêu cầu trên sẽ bị xử lý theo quy định./.
| K/T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
- 1Công văn số 687/QLLĐNN-TTLĐ ngày 13/08/2002 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về công tác quản lý lao động làm việc tại Malaysia
- 2Công văn 546/QLLĐNN-TTLĐ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc đưa lao động đi làm việc tại Malaysia
- 3Công văn số 218/QLLĐNN-TTLĐ về việc Malaysia tiếp tục nhận lao động nước ngoài do Cục Quản lý lao động ngoài nước ban hành
Công văn số 609/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 02/03/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đưa lao động sang làm việc tại Malaysia
- Số hiệu: 609/LĐTBXH-QLLĐNN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 02/03/2004
- Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- Người ký: Nguyễn Lương Trào
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/03/2004
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực