Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
CỤC QUẢN LÝ DƯỢC VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6038/QLD-TT
V/v thông báo cảnh giác thuốc đối với thuốc giảm béo

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2002

 

Kính gửi:

- Sở Y tế các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

 

Gần đây, tại Singapore, Nhật Bản đã có một số trường hợp tử vong do dùng thuốc giảm béo của Trung quốc có chứa fenfluramine (Slim 10, Yuzhitang) và nhiều trường hợp khác phải điều trị vì tổn thương chức năng gan. Hoạt chất fenfluramine có tác dụng làm chán ăn đã bị rút khỏi thị trường tại nhiều nước trên thế giới vì tác dụng có hại cho van tim. Ở Việt Nam, năm 1997, các thuốc có chứa fenfluramine đã bị Cục Quản lý Dược Việt Nam rút số đăng ký. Hiện nay, hoạt chất này nằm trong danh mục nguyên liệu và thành phẩm thuốc phòng và chữa bệnh cho người cấm nhập khẩu. (Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2001/TT-BYT ngày 23/4/2002 của Bộ Y tế hướng dẫn việc xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người). Không chỉ có fenfluramine, ngày 27/11/2000, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã có công văn số 6153/QLD thông báo không sử dụng các thuốc chứa hoạt chất phenylypropanolamine (PPA) với mục đích làm giảm cân.

Qua kiểm tra tại một số địa phương trong nước đã phát hiện các sản phẩm có chứa fenfluramine. Thuốc không được đăng ký và không được nhập qua con đường chính thức.

Để đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc, Cục Quản lý Dược Việt Nam yêu cầu:

1. Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ thông báo cho các cơ sở kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc; các cơ sở điều trị và người sử dụng trong địa bàn mình quản lý biết thông tin này; không sử dụng fenfluramine và dexfenfluramine

2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố (đặc biệt sở y tế Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) cần phối hợp với các cơ quan hữu quan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc mua bán, quảng cáo, giới thiệu và sử dụng thuốc nói chung và các thuốc giảm cân chứa các chất trên trên địa bàn mình quản lý; phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

3. Các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị điều trị cần theo dõi, phát hiện các trường hợp sử dụng và phản ứng có hại liên quan tới hai loại thuốc trên; kịp thời báo cáo về Cục Quản lý Dược Việt Nam theo địa chỉ: 138 A Giảng Võ, Hà Nội.

 

 

CỤC QUẢN LÝ DƯỢC VIỆT NAM
CỤC TRƯỞNG
THẠC SỸ




Trần Công Kỳ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 6038/QLD-TT ngày 30/07/2002 của Bộ Y tế - Cục Quản lý Dược Việt Nam về việc thông báo cảnh giác thuốc đối với thuốc giảm béo

  • Số hiệu: 6038/QLD-TT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/07/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế, Cục Quản lý dược
  • Người ký: Trần Công Kỷ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản