BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4859/TCHQ-PC | Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2002 |
Kính gửi: Cục Hải quan Các Tỉnh, Thành phố
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây gọi là Pháp lệnh có hiệu lực từ 1/10/2002. Để đảm bảo thực hiện đúng nội dung của Pháp lệnh trong khi chờ ban hành Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan hiện hành, Tổng cục Hải quan lưu ý Cục Hải quan các Tỉnh,thành phố một số điểm sau:
1/ Đối với các vụ việc đã lập biên bản vi phạm hành chính, phải tiến hành khẩn trương xử lý đúng thời hạn, đúng thẩm quyền quy định của pháp luật. Đối với những vụ vi phạm có tính chất đơn giản, chủ thể vi phạm và hành vi, chứng cứ rõ ràng, phải tiến hành xử lý ngay.
2/ Về việc lập biên bản vi phạm hành chính.
Cán bộ, công chức hải quan khi thi hành công vụ mà phát hiện vi phạm hành chính về hải quan phải khẩn trương báo cáo cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 34 Pháp lệnh, để tiến hành lập biên bản vi phạm (trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản được quy định tại Điều 54 Pháp lệnh).
Về hình thức, nội dung, trình tự, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh.
3/ Về thẩm quyền xử phạt.
Thẩm quyền xử phạt: Ngoài thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng hải quan. Đội trưởng đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan Tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan. Pháp lệnh đã điều chỉnh và bổ sung thêm về chức danh của những người có thẩm quyền xử phạt trong ngành Hải quan là: Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục hải quan; Độ trưởng Đội kiểm soát Chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra Chống buôn lậu; Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan. Vì vậy, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính về hải quan thì những người có thẩm quyền xử phạt nêu trên phải tiến hành các bước về lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn cũng như việc tuân thủ các quy định về thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh.
Mức phạt tiền: Theo quy định tại Điều 34 Pháp lệnh về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan thì Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục Hải quan có thẩm quyền phạt tiền tối đa đến 500.000 đồng; Chi cục trưởng Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục hải quan Tỉnh, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra Chống buôn lậu có thẩm quyền phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng; Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh có thẩm quyền phạt tièn tối đa đến 20.000.000 đồng và Cục trưởng cục Điều tra Chống buôn lậu thuộc Tổng cục có thẩm quyền phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực hải quan là 70.000.000 đồng, đối với lĩnh vực thuế là 100.000.000 đồng (trừ trường hợp các Luật thuế có quy định khác).
Về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
Theo quy định tại Điều 34 Pháp lệnh thì cơ quan Hải quan được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;
- Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.
Chi Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan có quyền náp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên.
Nếu những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nêu trên vắng mặt thì cấp phó được uỷ quyền theo vụ việc cụ thể (không được uỷ quyền thường xuyên) có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 42 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
4/ Về thời hạn ra quyết định xử phạt.
Cục Hải quan Tỉnh,thành phố thực hiện đúng quy định tại Điều 10, Điều 56 Pháp lệnh, thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tính tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì trước ngày hết thời hạn 10 ngày người có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. Quá thời hạn trên người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn có thể được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, d khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh và tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Đối với tang vật được trả lại thì phải truy thu thuế và hoàn thành nghĩa vụ tài chính khác (nếu có).
Cần hết sức lưu ý Pháp lệnh đã quy định rõ: người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để qúa thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo Điều 121 Pháp lệnh.
5/ Về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải tuân thủ các quy định từ Điều 44 đến Điều 49 Pháp lệnh. Lưu ý, chỉ có Chi cục trưởng Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục hải quan; Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền quyết định khám người; tạm giữ người; tạm giữ tang vật; phương tiện vi phạm hành chính (trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 46 Pháp lệnh); khám phương tiện vận tải, đồ vật và khám nơi cật giấu tang vật phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính.
6/ Vấn đề xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Cục Hải quan Tỉnh, thành phố thực hiện đúng quy định tại Điều 61 Pháp lệnh, không được thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc không áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện.
Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị Cục Hải quan Tỉnh, thành phố báo cáo về Tổng cục để được hướng dẫn./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |
Công văn số 4859/TCHQ-PC ngày 03/10/2002 của Tổng cục Hải quan về việc triển khai thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính
- Số hiệu: 4859/TCHQ-PC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 03/10/2002
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Nguyễn Văn Hồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/10/2002
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết