Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4439/TCT-PCCS
V/v: các khoản chi phí hợp lý

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2005 



Kính gửi :

 

Công ty TNHH Hà Phương
(22 Trần Hưng Đạo, P. Lộc Thọ, Tp. Nha Trang, Khánh Hòa)

Trả lời công văn số 59/VP-Cty ngày 9/8/2005 của Công ty TNHH Hà Phương (gửi qua Tạp chí thuế Nhà nước) hỏi về các khoản chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1) Tại Điểm 1a Điều 4 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ ban hành theo QĐ số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính có hướng dẫn: “Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ) là giá mua thực tế phải trả cộng các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải trả chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay đầu tư cho TSCĐ; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ…”.

Theo hướng dẫn nêu trên thì Công ty có mua xe ô tô chở khách bằng nguồn vốn đi vay của cá nhân và ngân hàng thì số tiền lãi vay phải trả phát sinh hàng tháng được tính vào nguyên giá TSCĐ để trích khấu hao theo quy định.

2) Về việc khấu trừ thuế GTGT và trích khấu hao TSCĐ trên đất thuê: Tổng cục thuế đã có công văn số 3238/TCT-PCCS ngày 19/9/2005 (photo kèm theo).

3) Tại Điểm 3.2 Mục III Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN có quy định: Các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế: “Chi phí tiền ăn giữa ca do giám đốc hoặc chủ cơ sở kinh doanh quyết định phù hợp với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhưng phải đảm bảo mức chi hàng tháng cho mỗi người lao động không vượt quá mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước”.

Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, công ty có chi khoản tiền ăn giữa ca thì khoản chi này phải phù hợp với hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ được tính vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế. Hiện nay tiền lương cơ bản của Nhà nước quy định tăng lên 350.000 đồng/tháng thì khoản tiền ăn giữa ca sẽ được tăng lên theo mức lương cơ bản, nghĩa là không được vượt quá 350.000 đồng/tháng.

4) Tại Điểm 3.1.b Mục III Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC có hướng dẫn: “Đối với cơ sở kinh doanh khác: Chi phí tiền lương phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Hàng năm, cơ sở kinh doanh phải đăng ký với cơ quan thuế về tổng quỹ lương phải trả trong năm, căn cứ vào phương pháp xây dựng tổng quỹ lương cùng với việc nộp tờ khai thuế TNDN (mẫu số 02A/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này).

Trường hợp Công ty chỉ có hai thành viên trong Hội đồng quản trị, mà cả hai người đều trực tiếp tham gia điều hành sản xuất kinh doanh, một người là giám đốc, một người là phó giám đốc nếu làm đầy đủ các thủ tục đăng ký theo hướng dẫn nêu trên, có bảng chấm công lao động hàng tháng, có ký nhận tiền trên bảng thanh toán tiền lương hàng tháng thì khoản chi phí chi trả tiền lương sẽ được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty biết và thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Tạp chí thuế Nhà nước
- Cục thuế tỉnh Khánh Hòa
- Lưu VT, PCCS(2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4439/TCT-PCCS của Tổng cục Thuế về việc các khoản chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

  • Số hiệu: 4439/TCT-PCCS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/12/2005
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Duy Khương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản