Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4199 BNN/VP | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2002 |
BÁO CÁO CÔNG TÁC THÁNG 10 VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THÁNG 11 NĂM 2002
I- THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 10:
1.
1.1- Thu hoạch lúa hè thu:
Đến 15/10/2002 cả nước thu hoạch được 2,159 triệu ha, đạt 94,98% kế hoạch, bằng 102,21% cùng kỳ năm 2001; trong đó miền Bắc 155.870 ha, đạt 100,00% kế hoạch, bằng 101,41% cùng kỳ năm 2001; miền Nam 2,003 triệu ha, đạt 94,61% kế hoạch, bằng 102,27% cùng kỳ năm 2001.
Gieo cấy lúa mùa:
Đến 15/10/2002 cả nước gieo cấy được 1,977 triệu ha, bằng 96,15% cùng kỳ năm 2001. Trong đó miền Bắc gieo cấy 1,251 triệu ha bằng 98,43% cùng kỳ năm 2001, miền Nam 726.290 ha, bằng 92,45% cùng kỳ năm 2001.
Thu hoạch lúa mùa ở miền Bắc:
Đến 15/10/2002 miền Bắc đã thu hoạch được 702.670 ha đạt 56,18% kế hoạch, bằng 119,82% cùng kỳ năm 2001.
Gieo trồng cây vụ đông:
Đến 15/10/2002 cả nước gieo trồng được 302.150 ha, bằng 101,02% cùng kỳ năm 2001, trong đó Ngô: 129.410 ha, bằng 109,28% cùng kỳ năm 2001; Khoai lang: 73.900 ha, bằng 89,37% cùng kỳ năm 2001; khoai tây: 5.700 ha, bằng 122,32% cùng kỳ năm 2001; đậu tương: 23.960 ha, bằng 95,96% cùng kỳ năm 2001; rau đậu các loại: 64.480 ha, bằng 108,66% cùng kỳ năm 2001.
Các tỉnh phía Nam đang thu hoạch nhanh lúa hè thu muộn và gieo cấy lúa mùa, tranh thủ nước lũ rút đến đâu, làm vệ sinh đồng ruộng tới đó, triển khai gieo cấy vụ lúa đông xuân 2002 - 2003, một số địa phương đã gieo cấy lúa đông xuân như: Đồng Tháp 250 ha, Kiên Giang 27.756 ha, Cần Thơ 3.536 ha, Trà Vinh 1.140 ha.
1.2 - Công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật:
Trong toàn quốc Không có dịch bệnh lớn xảy ra hại lúa và hoa màu Tuy nhiên đáng lưu ý ở các tỉnh phía Bắc sâu non lứa 5 gây bông bạc nặng cục bộ trên các trà lúa trỗ muộn ( trên những diện tích không phun kịp thời ), làm 27.770 ha bị nhiễm bệnh, trong đó 1.930 ha bị nhiễm nặng.
Các loại sâu bệnh khác như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, sâu cắn ré, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lép đen hạt, bệnh bạc lá .... vẫn gây hại nhẹ cục bộ rải rác ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL. Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các Trung tâm bảo vệ thực vật vùng, các Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nên đã hạn chế được thiệt hại do sâu bệnh gây ra Đồng thời chỉ đạo phòng trừ bọ dừa cánh cứng hại dừa ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ.
Giúp các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Thái Bình huấn luyện đào tạo được 450 nông dân trở thành giảng viên IPM, 22 tỉnh mở 1.089 lớp huấn luyện cho 36.670 nông dân về IPM trên lúa, rau đạt kết quả tốt.
Phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện thí nghiệm sản xuất rau an toàn.
1.3 - Chăn nuôi:
Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh ở các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tiêu thụ thịt lợn thuận lợi ở thị trường trong nước. Chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh trong cả nước, lai tạo bò sữa triển khai tốt ở Vĩnh Phúc, Hà Tây, Nghệ An, Bình Định và TP Hồ Chí Minh. Ước tổng đàn bò sữa đạt 49.500 con, sản lượng sữa tươi của cả nước đạt 260 tấn/ngày
Thú y:
Dịch bệnh vẫn xảy ra rải rác ở một số địa phương như Cần Thơ, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Đồng Tháp, Kon Tum, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Sơn La, Vĩnh Long, do một số địa phương trong một thời gian dài không xảy ra dịch bệnh, nên phát sinh tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch của các ngành chức năng và người chăn nuôi.
Cục Thú y đã chỉ đạo các Chi cục thú y các Tỉnh kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, không để lây lan ra diện rộng.
Để tránh dịch bệnh lan rộng sau lũ lụt ở các tỉnh ĐBSCL, Bộ đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 8,7 tỷ đồng thuốc thú y cho các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An và Kiên Giang; trình Chính phủ xuất quĩ dự trữ Quốc gia 2,882 tỷ đồng hỗ trợ cho Hà Tĩnh và Nghệ An phòng chống dịch gia súc, gia cầm sau lũ lụt và đã được Chính phủ chấp thuận.
Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trong toàn quốc; xây dựng kế hoạch thú y chủ đạo về khống chế dịch bệnh động vật.
2 - Công tác quản lý tu bổ đê điều và PCLB:
Công tác phòng chống lụt bão:
Các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa khô, mực nước các sông đang xuống và ở mức thấp; các tỉnh miền Trung và Nam Bộ đang có lũ, đặc biệt trên các sông ở Thừa Thiên Huế do có mưa to đến rất to đã xuất hiện một đợt lũ cao, trên báo dộng III ( ngày 15/10 ), nhưng đến nay nước lũ trên các sông đã và đang xuống dưới mức báo động III và tiếp tục xuống. Lũ ở các tỉnh Nam Bộ đã làm 144 người chết ( trong đó có 129 trẻ em ); 285.716 hộ bị ngập, tổng kinh phí thiệt hai tính đến 18/10/2002 ước 359,587 tỷ đồng.
Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/10/2002 đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo PCLBTW Lê Huy Ngọ làm trưởng đoàn cùng đại diện các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Lao động và thương binh xã hội, Văn phòng Chính phủ đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống lũ và khắc phục hậu quả lũ lụt ở các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Xuân Thảo kiêm Uỷ viên Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn cùng đại diện các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Tài Chính, Lao động và thương binh xã hội đi kiểm tra tình hình thực tế, làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bàn biện pháp khắc phục hậu quả do lũ gây ra.
Các tỉnh đã tổ chức cứu vớt được 184 người, cứu trợ 24.252 hộ, tổ chức di dời 6.581 hộ, tổ chức 1.001 điểm giữ trẻ tập trung với tổng số trẻ được nuôi giữ là 23.128 cháu, số tiền cứu trợ là 3.812 triệu đồng.
Công tác quản lý và tu bổ đê điều:
Đến nay các tỉnh, thành phố có đê cơ bản đã hoàn thành khối lượng đắp đê, làm kè, cống theo kế hoạch giao.
Đôn đốc các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định đẩy nhanh tiến độ thi công đắp đê, làm kè, tu sửa cống và tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng trong công tác tu bổ đê điều năm 2002, các tỉnh đang khẩn trương thi công các hạng mục do Trung ương hỗ trợ và phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ.
Duyệt dự án đầu tư tu bổ đê điều năm 2003 cho các địa phương: Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương để triển khai thi công trong mùa khô 2002.
Hướng dẫn các địa phương trồng và cơ chế quản lý, bảo vệ tre chắn sóng, cỏ vetiver.
3 - Quản lý nước phục vụ sản xuất và dân sinh:
Lũ ở ĐBSCL đã gây ngập lụt trong nội đồng rất cao và duy trì trong nhiều ngày, đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa hè thu Để giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra cho sản xuất. Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thoát lũ ra biển tây, tu sửa, nâng cấp các hệ thống công trình thuỷ lợi, làm mới và tu sửa hệ thống bờ bao chống lũ.
Chỉ đạo các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ rà soát kế hoạch tưới, khả năng nguồn điện, tích trữ nước trong các hồ chứa, đặc biệt đối với những hồ chứa lớn như Hoà Bình để chuẩn bị tốt nguồn nước phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2002 - 2003.
Kiểm tra đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nâng cấp các hệ thống công trình để kịp đưa vào phục vụ chống lũ chính vụ nhất là đối với các tỉnh miền Trung trở vào.
4 - Trồng và bảo vệ rừng:
Tháng 10 trồng được 20.000 ha rừng tập trung, nâng mức 10 tháng lên 194.500 ha, bằng 98,67% cùng kỳ năm 2001; chăm sóc rừng trồng: 30.000 ha, nâng mức 10 tháng lên 311.000 ha, bằng 100,32% cùng kỳ năm 2001; trồng cây phân tán: 6,6 triệu cây, nâng mức 10 tháng lên 222,600 triệu cây, bằng 99,38% cùng kỳ năm 2001; khoanh nuôi tái sinh và trồng dặm: 25.000 ha, nâng mức 10 tháng lên 522.000 ha, bằng 109,09% cùng kỳ năm 2001.
Đến 21/10/2002 toàn quốc xảy ra 3.780 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó phá rừng trái phép 170 vụ, giảm 51%; cháy rừng 6 vụ, giảm 85%, diện tích cháy 8 ha, giảm 91%; săn bắt trái phép động vật rừng 17 vụ, giảm 45% so với tháng trước, lực lượng kiểm lâm đã xử lý 3.054 vụ, thu nộp ngân sách 5,420 tỷ đồng.
5 - Xuất nhập khẩu:
Xuất khẩu:
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 toàn ngành Nông nghiệp và PTNT đạt 218,840 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng lên 2,300 tỷ USD, bằng 106,11% cùng kỳ năm 2001, trong đó hàng nông sản đạt 193,802 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 1,959 tỷ triệu USD, bằng 106,05% cùng kỳ năm 2001; hàng lâm sản đạt 25,037 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 341,381 triệu USD, bằng 106,49% cùng kỳ năm 2001.
Các đơn vị thuộc Bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 102,544 triệu USD, nâng mức xuất khẩu 10 tháng lên 803,766 triệu USD, bằng 120,16% cùng kỳ năm 2001. Có 6/16 đơn vị thuộc Bộ thực hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm 2001: Vinatea ( 120,99% ); Vinafood ( 138,21% );Tổng công ty Cao su Việt Nam ( 164,97% ); Công ty Ong ( 248,12% ); Tổng công ty cơ điện nông nghiệp và PTNT ( 502,48% ); Vinasuga ( 129,94% ).
Nhập khẩu:
Tổng kim ngạch nhập khẩu các đơn vị thuộc Bộ tháng 10 đạt 33,142 triệu USD, nâng mức nhập khẩu 10 tháng lên 299,233 triệu USD, bằng 99,20% cùng kỳ năm 2001.
6 - Công nghiệp chế biến đạt giá trị tổng sản lượng tháng 10 đạt 100,74% so với cùng kỳ năm 2001.
Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tháng 10 đạt 420.155 triệu đồng, bằng 100,74% cùng kỳ năm 2001, nâng giá trị tổng sản lượng 10 tháng lên 5.316 tỷ đồng, bằng 112,39% cùng kỳ năm 2001. Trong đó công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm tháng 10 đạt 193.454 triệu đồng, bằng 96,18% cùng kỳ năm 2001, nâng mức 10 tháng lên 1.997 tỷ đồng, bằng 118,71% cùng kỳ năm 2001; công nghiệp chế biến lương thực tháng 10 đạt 79.922 triệu đồng, bằng 123,95% cùng kỳ năm 2001, nâng mức 10 tháng lên 739.236 triệu đồng, bằng 120,15% cùng kỳ năm 2001; công nghiệp chế biến đường tháng 10 đạt 102.795 triệu đồng, bằng 96,19% cùng kỳ năm 2001, nâng mức 10 tháng lên 2.070 tỷ đồng, bằng 106,55% cùng kỳ năm 2001; công nghiệp thuốc thú y tháng 10 đạt 3.684 triệu đồng, bằng 105,77% cùng kỳ năm 2001, nâng mức 10 tháng lên 34.743 triệu đồng, bằng 124,84% cùng kỳ năm 2001; công nghiệp cơ khí tháng 10 đạt 39.000 triệu đồng, bằng 96,30% cùng kỳ năm 2001, nâng mức 10 tháng lên 461.500 triệu đồng, bằng 102,02% cùng kỳ năm 2001.
7 - Xây dựng cơ bản:
Giá trị khối lượng XDCB thực hiện trong tháng 10 ước đạt 203 tỷ đồng, nâng mức thực hiện trong 10 tháng lên 2.176 tỷ đồng đạt 94,60% kế hoạch, trong đó thuỷ lợi đạt 1.270 tỷ đồng, đạt 113,09% kế hoạch; nông nghiệp 190 tỷ đồng đạt 72,74% kế hoạch; cơ sở hạ tầng nông thôn 300 tỷ đồng đạt 85,71%; lâm nghiệp 260 tỷ đồng đạt 71,86% kế hoạch; các ngành khác đạt 120 tỷ đồng đạt 77,52% kế hoạch.
Phối hợp vói các đơn vị chức năng xây dựng phương án bổ sung vốn tạm ứng năm 2003, tập trung các dự án hoàn thành, trọng điểm chặn dòng vượt lũ, cấp bách, giống, chế biến rau quả. Tập trung cho các vùng Tây Nguyên, ĐBSCL và khắc phục hậu quả lũ lụt các tỉnh Bắc Trung Bộ.
8 - Công tác định canh định cư và vùng kinh tế mới:
Hoàn chỉnh các Đề án trình Chính phủ: sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm ở các xã thuộc chương trình 135; bố trí dân cư ở những nơi cần thiết ( các xã thuộc chương trình 135 ); ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung.
Chuẩn bị và hướng dẫn các địa phương sơ kết thực hiện Chỉ thị 660/TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tình trạng dân di cư tự do.
Triển khai Đề án tiếp tục định canh định cư, giải quyết đất đai phục vụ định canh định cư cho đồng bào Mông ở các vùng trọng điểm gắn với phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tổ chức tập huấn về xoá bỏ cây thuốc phiện cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh trọng điểm có trồng cây thuốc phiện; tập huấn công tác khuyến nông khuyến lâm hướng dẫn người nghèo cách làm ăn.
II - THỰC HIỆN CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC:
1 - Xây dựng văn bản qui phạm pháp luật và chính sách về quản lý ngành:
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Quyết định 179 của Chính phủ về quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia trồng, bảo vệ rừng; Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Quyết định số 178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyền lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê và khoán rừng, đất lâm nghiệp; Thông tư hướng dẫn hỗ trợ di dân kinh tế mới; Quyết định về trình tự XDCB lâm sinh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách di dân; Nghị định thay thế Nghị định 77/CP và Nghị định 17/2002/ND-CP sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 2/7/2002; Nghị định về phòng cháy chữa cháy rừng thay thế Nghị định 22/CP ban hành quy định về PCCCR; Nghị định quản lý động vật hoang dã.
Tiếp tục xây dựng 2 Pháp lệnh giống cây trồng, giống vật nuôi.
Hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về chính sách đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm Quốc gia; Nghị định thay thế Nghị định 73/CP và 15/CP của Chính phủ; Thông tư hướng dẫn một số tiêu chí làng nghề và làng nghề truyền thống.
Tiếp tục hoàn thiện Thông tư liên tịch Bộ NN&PTNT - Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân nhân tối cao hướng dẫn việc xử lý các hành vi phạm tội các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; Thông tư liên tịch Bộ NN&PTNT - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng quy định trách nhiệm và nội dung phối hợp cụ thể thực hiện quản lý rừng, bảo vệ rừng; Thông tư hướng dẫn Quyết định 08/CP của Chính phủ vè việc ban hành qui chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng tự nhiên; Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 11/2002/CP về quản lý các hoạt dộng xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh động vật, thực vật hoang dã.
2 - Kế hoạch và qui hoạch:
Tiếp tục hoàn thiện xây dựng kế hoạch 2003 của Ngành và chuẩn bị hội nghị triển khai thực hiện.
Xây dựng và hoàn thiện các Đề án:
- Trợ giúp HTX về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại;
- Xây dựng chiến lược phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực hiện kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp thời kỳ 2001 - 2010;
- Công nghiệp hoá hiện đại hoá ngành muối; phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển các ngành nghề công nghiệp ở địa bàn nông thôn;
- Triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp ở nông thôn góp phần CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn;
- Trợ giúp HTX về chế biến nông lâm sản và phát triển nông nghiệp nông thôn.
Chỉ đạo các địa phương xây dựng các vùng nguyên liệu mía, dứa, cà chua phục vụ chế biến.
Hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 187/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh.
Chuẩn bị kế hoạch sản xuất vụ đông 2002 ở các tỉnh phía Bắc và vụ Đông xuân 2002 - 2003. Tiếp tục thực hiện chủ trương hợp đồng bao tiêu sản phẩm vụ lúa hè thu ở các tỉnh miền Nam.
Chỉ đạo triển khai Đề án phát triển rau quả đến năm 2010; kế hoạch sản xuất chè đến 2010 và Đề án khu công nghiệp nông thôn.
Quyết toán các chương trình, dự án ODA , công trình, hạng mục công trình hoàn thành của các công trình xây dựng cơ bản nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi. Tính đến tháng 10/2002 đã thẩm định và quyết toán được 21 dự án nông nghiệp, 24 dự án thuỷ lợi Xử lý công nợ, tồn tại tài chính các doanh nghiệp thuộc Bộ.
3 - Công tác hợp tác quốc tế:
Chuẩn bị dự án giảm nhẹ thiên tai WB4 kêu gọi hỗ trợ của UNDP; dự án thuỷ lợi số 4 vay vốn Ngân hàng thế giới ( WB4 ); các dự án vay vốn ADB và WB của Chương trình đối tác 5 triệu ha rừng. Tiếp tục chuẩn bị dự án Ngành thuỷ lợi miền Trung để sớm được phê duyệt.
Làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp Hàn Quốc ký Hiệp định song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp; với Trưởng đại diện Văn phòng kinh tế văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Đài Loan.
Thúc đẩy các hoạt động của chương trình phát triển Ngành nghề Nông nghiệp ( ASDP ); thực hiện Hiệp định 3 bên Việt Nam,FAO với Lào và Công Gô.
Đánh giá hợp tác 3 bên Việt Nam - FAO Senegal, trao đổi khả năng tiếp tục hợp tác giữa các bên.
Phối hợp với Văn phòng FAO Hà Nội tổ chức ngày lương thực thế giới Hoàn thành tài liệu về đàm phán WTO tại phiên 6 ( liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp ).
Triển khai thực hiện dự án "STAR" hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ về thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực Thú y, Bảo vệ thực vật, giống cây trồng.
Chuẩn bị hội nghị Việt nam - Châu phi; hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN;chương trình làm việc song phương với các Bộ trưởng Lào, Căm Pu Chia, Hàn Quốc và Thái Lan; Ký kết Hiệp định bảo vệ thực vật, Thú y và kiểm dịch thực vật với Chi Lê; Nghị định thư về hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT Ăng Gô La.
Làm thủ tục cho 33 đoàn vào với 168 lượt người, 23 đoàn ra với 34 lượt người
4 - Công tác tổ chức cán bộ:
Quyết định thành lập 12 Công ty lương thực, Ban chỉ đạo giảm nhẹ thiên tai; giải thể Ban chuẩn bị sản xuất công trình Nghi Quang; Bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Viện cây lương thực - thực phẩm; tổ chức bộ máy trường công nhân kỹ thuật lâm nghiệp 4; giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo giảm nhẹ thiên tai, Ban quản lý Trung ương Dự án thuỷ lợi. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý hồ sơ cán bộ ở cơ sở.
Triển khai thực hiện Nghị định 41/CP của Chính phủ về làm thủ tục đề nghị giải quyết chính sách cho lao động dôi dư của các doanh nghiệp cổ phần hoá.
Làm thủ tục bổ nhiệm 5 cán bộ ( 1 Hiệu trưởng, 3 Phó hiệu trưởng, 1 Uỷ viên Hội đồng quản trị ); điều động 19 cán bộ; thông báo nghỉ hưu 26 cán bộ đến tuổi nghỉ chế độ; tiếp nhận và bố trí 37 học sinh ra trường; 3 cán bộ đi học cao học; kỷ luật khiển trách 5 cán bộ; thôi giữ chức UVHĐQT: 1 cán bộ; 127 đoàn với 327 lượt người đi học tập và công tác nước ngoàị
Quyết định 3 Giám đốc dự án; 1 điều phối viên; bổ sung 1 uỷ viên Hội đồng kỷ luật; 1 trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng rừng phòng hộ.
5- Công tác khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm:
Tổ chức Hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu các kết quả nghiên cứu về đất, phân bón đưa ra phục vụ sản xuất. Nghiệm thu giai đoạn 1 Dự án Giống; 5 tiêu chuẩn về lâm sinh.
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KHCN năm 2002 và xây dựng kế hoạch năm 2003.
Hoàn chỉnh qui chế quản lý Chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ.
Hoàn chỉnh đề cương nghiên cứu " Chiến lược quốc gia sau thu hoạch " trong dự án ĐANIA; xây dựng đề cương hợp tác với Trung Quốc theo Nghị định thư khoá 5.
Tổ chức hội nghị phổ biến tiêu chuẩn về môi trường; hội nghị chất lượng, lập dự án và thiết kế công trình thuỷ lợị
6 - Công tác thanh tra:
Triển khai thực hiện xử lý sau thanh tra tại Tổng công ty Mía đường II; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Dự án di chuyển nhà máy đường Linh Cảm - Trà Vinh; ra quyết định xử lý sau thanh tra trường công nhân cơ giới 2; Công ty cổ phần XNK rau quả Sài Gòn; Viện Thổ nhưỡng nông hoá.
Chỉ đạo đoàn thanh tra tại Công ty Cao su Phú Riềng, Ban quản lý dự án 414 thực hiện đúng tiến độ quy định. Triển khai đoàn thanh tra tại Trường cao đẳng nông lâm; Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng TW và Phân viện KSTK trực thuộc Viện nghiên cứu khoa học thuỷ lợi Nam Bộ .
Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho trên 200 cán bộ ở các đơn vị thuộc Bộ.
Trong tháng 10 đã tổ chức 03 lần tiếp dân với 03 lượt người, thuộc các địa phương phản ánh biểu hiện tiêu cực của lãnh đạo địa phương.
Tiếp nhận và xử lý 57 đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, trong đó 26 đơn thư trùng nội dung, 31 đơn phải xử lý, chuyển đơn vị cấp II giải quyết 16 đơn, chuyển địa phương và các đơn vị khác giải quyết 15 đơn, không có đơn nào thuộc thẩm quyền Bộ phải giải quyết.
phần thứ hai:
CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 11- 2002
Ngoài những công việc thường xuyên, Bộ cần tập trung chỉ đạo những công tác trọng tâm sau đây:
1 - Chỉ đạo thu hoạch lúa mùa muộn và sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, rau vụ đông, trọng tâm là cây cà chua nguyên liệu cho nhà máy cà chua cô đặc Hải Phòng; sản xuất vụ đông xuân 2002 - 2003.
Tiếp tục chỉ đạo các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu mía, dứa, bông và các cây công nghiệp ngắn ngày khác, trong tâm là mía nguyên liệu cho niên vụ 2002 - 2003, nguyên liệu dứa cayen.
2 - Tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt và khắc phục hậu quả ở các tỉnh miền Trung và ĐBSCL; giúp các tỉnh khẩn trương khôi phục sản xuất kịp thời vụ.
3 - Chỉ đạo phân bổ vốn XDCB bổ sung năm 2002 và vốn tạm ứng năm 2003 triển khai thi công các công trình.
4 - Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thi công công trình XDCB, nhất là đối với các công trình trọng điểm, cấp bách, các công trình sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập từ miền Trung trở vào hoàn thành đúng tiến độ, và chất lượng công trình, đảm bảo cho công trình chống lũ chính vụ an toàn.
5 - Hoàn thiện chương trình phát triển kinh tế HTX trong nông nghiệp, nông thôn 2002 - 2005; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX nông nghiệp 2003 - 2005 và dự thảo Thông tư của Bộ hướng dẫn qui chế hoạt dộng của tổ hợp tác trong nông nghiệp.
6 - Chỉ đạo các đơn vị hoàn chỉnh các Dự án, Đề án, văn bản qui phạm pháp luật đã đăng ký trình Chính phủ trong tháng 11/2002.
7 - Tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2002 thực hiện trồng mới 5 triệu ha rừng và các dự án trồng rừng 3 tỉnh miền Trung, dự án JIFPRO kết thúc năm 2002.
8 - Tiếp tục chỉ đạo mô hình xây dựng nông thôn mới 14 xã điểm.
9 - Tổ chức các hội nghị:
- Sơ kết chuyển đổi cơ cấu sản xuất hai năm 2001 - 2002 các tỉnh ĐBSCL;
- Triển khai kế hoạch năm 2003
- Hội nghị doanh nghiệp
- Tổng kết công tác Phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2001 - 2002
- An toàn thực phẩm
- Sơ kết việc xây dựng mô hình nông thôn cấp xã tại 2 miền Nam - Bắc.
| KT.BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |
Công văn số 4199 BNN/VP ngày 24/10/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo công tác tháng 10 và nhiệm vụ công tác/11/2002
- Số hiệu: 4199BNN/VP
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 24/10/2002
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm
- Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra