Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3875 TM-PC | Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2002 |
BÁO CÁO TÓM TẮT
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 424/CP-CN ngày 21 tháng 5 năm 2001 cho phép cảng Bến Nghé thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container và giao Bộ Thương mại ban hành quy định cụ thể để quản lý loại hình dịch vụ này, ngày 1 tháng 8 năm 2001 Bộ Thương mại đã ra Quyết định số 815/2001/QĐ-BTM ban hành bản Quy định về việc thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container tại cảng Bến Nghé, thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 26 tháng 7 năm 2001 tại văn bản số 3301/VPCP-CN, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thêm cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container. Tiếp đó, Tổng cục Hải quan cũng đã có quy định về thủ tục hải quan đối với container trung chuyển tại các cảng này (Quyết định số 770/2001/QĐ-TCHQ ngày 21 tháng 8 năm 2001 ban hành quy định tạm thời về thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển được đóng trong container qua cảng Bến Nghé, cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng).
Như vậy, cho đến nay tại Việt Nam đã có 3 cảng được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container và các cơ quan có thẩm quyền, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ để điều chỉnh hoạt động này. Các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã từng bước đi vào thực tiễn và được thực tiễn chấp nhận.
Sau một năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container và căn cứ khoản 3 văn bản số 424/CP-CN nói trên của Chính phủ, ngày 31 tháng 7 năm 2002 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thương mại đã tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá việc thực hiện dịch vụ này. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an; Tổng cục Hải quan; Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Cục Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và 3 cảng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm dịch vụ này là cảng Bến Nghé, cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng.
Dưới đây, Bộ Thương mại xin báo cáo tóm tắt về việc thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container tại các cảng của Việt Nam trong một năm qua và có một số kiến nghị cụ thể như sau:
I. Vài nét về tình hình thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container tại các cảng
Căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container, có thể nói cảng Bến Nghé là một trong những cảng đi đầu trong việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian chính thức triển khai thực hiện chưa nhiều (nếu tính từ ngày Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 815/2001/QĐ-BTM ngày 1 tháng 8 năm 2001 thì đến nay mới vừa tròn một năm, nhưng nếu tính từ ngày Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 770/2001/QĐ-TCHQ ngày 21 tháng 8 năm 2001 về thủ tục hải quan thì đến nay chưa đầy một năm), do vây, việc thực hiện dịch vụ này trên thực tế tại các cảng nói chung và tại cảng Bến Nghé nói riêng còn hạn chế.
Do là loại hình dịch vụ mới được phép thực hiện thí điểm tại Việt Nam và nhiều hãng tàu nước ngoài chưa được biết đến vì vậy, mặc dù số tàu container vào cảng nhiều nhưng số lượng container được trung chuyển tại Việt Nam còn hạn chế. Cụ thể tại cảng Bến Nghé trong năm 2001 có 371 lượt tàu chuyên vào cảng với số container là 134.533 TEU (tương đương 1.345.330 tấn) trong đó số container nhập là 74.076 TEU (tương đương với 740.760 tấn) và xuất là 60.457 TEU (tương đương với 604.570 tấn) và trong 6 tháng đầu năm 2002, có 258 lượt tàu chuyên vào cảng với số lượng container là 38.237 TEU (tương đương 382.370 tấn) trong đó số container nhập là 23.959 TEU (tương đương với 239.590 tấn) và xuất là 14.278 TEU (tương đương với 142.780 tấn).
Tại cảng Hải Phòng, việc triển khai thực hiện dịch vụ này còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có thêm thời gian để tuyên truyền thu hút các hãng tàu nước ngoài.
Tại cảng Sài Gòn tuy có một số lợi thế hơn so với các cảng khác nhưng số lượng container trung chuyển tại cảng này cũng chưa nhiều. Trong 4 tháng cuối năm 2001 có 28 lượt tàu chuyên vào cảng với số lượng container trung chuyển là 1.635 TEU (tương đương 16.358 tấn) gồm cả nhập và xuất và trong 6 tháng đầu năm 2002 có 45 lượt tàu chuyên vào cảng với số lượng container trung chuyển là 1.516 TEU (tương đương 15.160 tấn) gồm cả nhập và xuất.
II. Đánh giá chung về việc thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container trong năm qua và một số ý kiến về việc quản lý loại hình dịch vụ này
Tại hội nghị, nhìn chung các ý kiến đều nhất trí đánh giá dịch vụ trung chuyển container là một trong những loại hình dịch vụ phát triển trên thế giới đặc biệt là ở các nước có đường biển thuận lợi. Ở Việt Nam, tuy còn mới mẻ và kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ này trong năm qua còn hạn chế nhưng nhìn một cách tổng thể, chúng ta vẫn có thể đánh giá rằng đây là loại hình dịch vụ phù hợp và có khả năng phát triển mạnh trong tương lai tại các cảng của Việt Nam, đáp ứng với nhu cầu của các hãng tàu biển trong nước và nước ngoài, góp phần tăng thu ngoại tệ cho Nhà nước nói chung và các cảng của Việt Nam nói riêng, góp phần tạo điều kiện cho Việt Nam chủ động hội nhập với thương mại, hàng hải khu vực và thế giới.
Có thể có cả 3 cảng Bến Nghé, Sài Gòn, Hải Phòng trong năm qua đều đã có nhiều cố gắng khắc phục mọi khó khăn, vừa tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiệm vụ vừa tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới phát sinh và kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam hiên hành và góp phần làm cho các quy định của pháp luật Việt Nam ngày càng có sự tương đồng với các quy định của pháp luật và tập quán thương mại, hàng hải quốc tế.
Xuất phát từ nhận thức dịch vụ trung chuyển là nghiệp vụ của người vận tải trong việc sắp xếp, bố trí lịch tàu, loại tàu vận chuyển sao cho có hiệu quả cao nhất, thời gian vận chuyển ngắn nhất, qua đó giảm chi phí vận chuyển, hội nghị có hai loại ý kiến về việc quản lý loại hình dịch vụ này.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần có quy chế quản lý dịch vụ này và trên cơ sở kết quả thí điểm trong năm qua, tiếp tục cho 3 cảng Bến Nghé, Sài Gòn, Hải Phòng được thực hiện trung chuyển. Đây sẽ là bước khởi đầu cho việc tạo dựng hành lang pháp lý cho các cảng trung chuyển container quốc tế sau này tại Việt Nam.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc thêm và không nhất thiết phải có quy chế quy định về dịch vụ này vì đây là nghiệp vụ của người vận tải liên quan đến bốc xếp và không nên giới hạn cho 3 cảng mà nên mở ra cho tất cả các cảng của Việt Nam thực hiện.
III. Một số kiến nghị cụ thể của Bộ Thương mại
Là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm ban hành quy định để quản lý loại hình dịch vụ trung chuyển cũng như chủ trì hội nghị sơ kết, Bộ Thương mại cho rằng:
Thứ nhất, tuy đây là loại hình dịch vụ liên quan đến nghiệp vụ của các hãng tàu nhưng có liên quan đến chính sách mặt hàng (hàng hóa nhập cảng, xuất cảng Việt Nam) nên vẫn cần có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh để vừa tạo thuận lợi cho các cảng triển khai thực hiện vừa bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với loại hình dịch vụ này.
Thứ hai, nên mở rộng diện hàng hóa được trung chuyển không chỉ cho hàng hóa đóng trong container mà còn cho cả một số hàng hóa không đóng trong container (trước mắt cho hai mặt hàng dễ quản lý là ô tô và sắt thép).
Thứ ba, sau một năm triển khai thực hiện thí điểm, thời gian và kết quả còn hạn chế nên cần được tính toán, cân nhắc kỹ việc có nên mở rộng loại hình dịch vụ này ra các cảng của Việt Nam hay trước mắt vẫn cần tiếp tục duy trì việc thực hiện thí điểm thêm một thời gian nữa (01 năm) đối với 3 cảng đã được phép thực hiện dịch vụ này và có thể xem xét bổ sung một cảng nữa là Tân Cảng Sài Gòn.
Với tinh thần đó, Bộ Thương mại xin trân trọng báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện.
(Xin gửi kèm theo dự thảo “Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quy chế về kinh doanh dịch vụ trung chuyển hàng hóa đóng trong container và một số hàng hóa không đóng trong container tại các cảng của Việt Nam” thay thế cho Quyết định số 815/2001/QĐ-BTM ngày 01 tháng 8 năm 2001 của Bộ Thương mại).
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
- 1Quyết định 815/2001/QĐ-BTM về việc thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container tại cảng Bến Nghé, thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 2Quyết định 770/2001/QĐ-TCHQ quy định tạm thời về thủ tục hải quan đối với hàng hoá trung chuyển được đóng trong container qua cảng Bến Nghé, cảng Sài Gon, cảng Hải Phòng do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Công văn 1514/GSQL-GQ3 năm 2015 vướng mắc thực hiện quá cảnh, trung chuyển container hàng pháo tại cảng do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
Công văn số 3875 TM-PC ngày 26/09/2002 của Bộ Thương mại về việc báo cáo tóm tắt về việc thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container
- Số hiệu: 3875TM-PC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 26/09/2002
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Mai Văn Dâu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra