Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3796/TCHQ-ĐTCBL
V/v chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác thực thi bảo vệ quyền SHTT

Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 2008

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Nhằm mục đích triển khai công tác thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này của Ngành, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và công văn chỉ đạo triển khai công tác thực thi tới các đơn vị. Việc triển khai thực hiện các văn bản trên đã được các đơn vị thực hiện và đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên qua báo cáo của Đoàn công tác khảo sát công tác thực thi của Tổng cục Hải quan theo công văn số 2106/TCHQ-ĐT ngày 08/5/2008 và qua theo dõi việc báo cáo của các đơn vị, Lãnh đạo tổng cục đánh giá hoạt động thực thi bảo vệ quyền SHTT của các đơn vị trong thời gian qua chưa thật sự chủ động và tích cực; nhận thức của Lãnh đạo và cán bộ về vai trò của công tác thực thi còn hạn chế; việc khai thác thông tin chưa được thực hiện có phương pháp và đầy đủ; thiếu sự kiểm tra, giám sát của Lãnh đạo các cấp.

Để tăng cường chất lượng công tác thực thi trong toàn Ngành, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt và thực hiện một số công việc như sau:

I. VỀ MẶT NHẬN THỨC:

Lãnh đạo các đơn vị phải coi công tác thực thi bảo vệ quyền SHTT, chống hàng giả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan trong hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết của thành viên WTO. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong các biện pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, kiềm chế lạm phát. Điểm 2, công văn số 3146/VPCP-VI ngày 08/06/2007 Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nêu rõ “Trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cơ chế, chính sách của chúng ta sẽ có nhiều thay đổi để đáp ứng với nền kinh tế hội nhập, việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong xuất nhập khẩu, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, nhiều hình thức kinh doanh dịch vụ mới, sử dụng công nghệ cao xuất hiện nên việc bảo hộ sở hữu trí tuệ là việc làm cấp thiết và là yêu cầu không thể thiếu khi hội nhập”.

II. VỀ CÔNG TÁC KHAI THÁC, THU THẬP THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC THỰC THI BẢO VỆ QUYỀN SHTT:

Trên cơ sở nhóm hàng, dịch vụ yêu cầu bảo hộ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký do Cục Sở hữu trí tuệ cấp; nội dung yêu cầu bảo hộ ghi trong Đơn yêu cầu và các tài liệu đi kèm, các đơn vị có trách nhiệm triển khai việc thu thập, sàng lọc thông tin về mặt hàng XK, NK có yêu cầu giám sát theo mã HS/ theo danh sách các nhà nhập khẩu chính thức trên các chương trình đa chức năng của ngành Hải quan. Trường hợp phát hiện những loại hàng hóa tương tự hàng hóa có yêu cầu giám sát được làm thủ tục Hải quan tại đơn vị mình thì triển khai thu thập, phân tích thông tin có liên quan, tập trung vào việc khai báo của người khai hải quan về nhãn hiệu, tên hàng, xuất xứ, giá cả, quy cách đóng gói.

Ví dụ: Đối với sản phẩm linh kiện điện thoại di động mang nhãn hiệu NOKIA, trên cơ sở danh sách những công ty được phép nhập khẩu chính thức theo thông báo của người nộp đơn, cán bộ Hải quan tra cứu việc nhập khẩu linh kiện điện thoại theo mã HS trên các chương trình đa chức năng, nếu phát hiện tại đơn vị mình có Công ty khác cũng đang nhập khẩu linh kiện điện thoại di động mang nhãn hiệu NOKIA hoặc việc khai báo của chủ hàng không rõ ràng (chỉ khai pin điện thoại mà không khai báo rõ ràng về nhãn hiệu, công dụng, tính chất) thì có quyền nghi ngờ, yêu cầu làm rõ hơn việc khai báo của chủ hàng, nếu đủ cơ sở thì trình Lãnh đạo đề xuất tạm dừng làm thủ tục hải quan và thông báo cho người nộp đơn biết để thực hiện việc nộp Đơn tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định.

Trong quá trình khai thác, thu thập thông tin nếu có nghi ngờ về hàng hóa, kể cả hàng hóa không nằm trong danh sách yêu cầu bảo hộ, cán bộ thu thập thông tin tại Cục và Chi cục có trách nhiệm báo cáo với Lãnh đạo trực tiếp, khai thác thêm thông tin về nhãn hiệu hàng hóa trên website (www.noip.gov.vn/thư viện điện tử; www.wipo.int/Resources/Search IP Databases) hoặc trao đổi với bộ phận chuyên trách về SHTT tại Cục Điều tra chống buôn lậu (SĐT: 04.8720295) để được hỗ trợ, cung cấp thông tin có liên quan đến hàng hóa, người đại diện của hàng hóa.

Đối với các đơn yêu cầu giám sát nhưng phạm vi giám sát không thuộc địa bàn của mình, các đơn vị cũng cần chủ động khai thác thông tin có liên quan và trao đổi kịp thời với Cục Điều tra chống buôn lậu để có biện pháp xử lý thích hợp.

III. MỘT SỐ CÔNG TÁC TRIỂN KHAI KHÁC:

Tại cục:

1. Tiến hành thống kê các Đơn yêu cầu giám sát do Tổng cục Hải quan chuyển xuống, đối chiếu với danh sách các Đơn yêu cầu (gửi kèm công văn này) để có bổ sung kịp thời các Đơn còn thiếu; tổ chức lưu giữ các Đơn yêu cầu giám sát theo hệ thống và lưu riêng để phục vụ kịp thời cho yêu cầu công tác.

2. Rà soát thống kê lại toàn bộ các Đơn yêu cầu, các Đơn đề nghị phát hiện về hàng giả do các doanh nghiệp nộp cho Cục trong thời gian từ năm 2005 đến nay (tập hợp và gửi bản sao về Cục Điều tra chống buôn lậu), đối với các Đơn yêu cầu nào quá hạn thì có văn bản trao đổi lại với người nộp đơn đề nghị tiếp tục gia hạn và nộp Đơn theo hướng dẫn mới của Tổng cục Hải quan.

3. Việc bàn giao nhiệm vụ cho Phòng TMXL&TTXLTTNVHQ theo Quyết định số 515/QĐ-TCHQ phải thực hiện nghiêm túc, lập thành văn bản, nội dung bàn giao phải đầy đủ, rõ ràng, thành hệ thống các văn bản, tài liệu và các công việc đang thực hiện.

4. Phân quyền cho cán bộ làm đầu mối công tác thực thi bảo vệ quyền SHTT tại Phòng TMXL&TTXLTTNVHQ được sử dụng đầy đủ các chức năng trên hệ thống GTT 22, SLXNK …

5. Tại các Cục đã có mạng net.office yêu cầu lập một thư mục riêng để lưu giữ toàn bộ các văn bản có liên quan đến lĩnh vực SHTT, bố trí cụ thể cán bộ chịu trách nhiệm cập nhật các văn bản thông báo giám sát lên mạng.

6. Thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn quy định việc báo cáo về tình hình thực thi tại đơn vị theo công văn số 1343/TCHQ-ĐTCBL ngày 26/03/2008 của Tổng cục Hải quan.

7. Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Hồ Chí Minh. Yêu cầu các đơn vị tập hợp và cung cấp về Cục Điều tra chống buôn lậu số điện thoại (di động/cố định) của Lãnh đạo Chi cục, Lãnh đạo Đội Kiểm soát phụ trách về công tác thực thi quyền SHTT, chống hàng giả để trao đổi, cung cấp trực tiếp và kịp thời với bộ phận chuyên trách về SHTT tại Tổng cục Hải quan các thông tin có liên quan đến hoạt động thực thi bảo vệ quyền SHTT.

Tại Chi cục:

1. Giao cho bộ phận tiếp nhận tờ khai triển khai công tác khai thác dữ liệu thông tin về nhãn hiệu hàng hóa có yêu cầu bảo hộ, xây dựng và báo cáo với Lãnh đạo Chi cục mặt hàng trọng điểm có nghi vấn về xâm phạm quyền SHTT XK, NK tại đơn vị. Chủ động ghi nhận và báo cáo với Lãnh đạo Chi cục những nhãn hiệu hàng hóa có nghi ngờ là hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.

2. Lãnh đạo Chi cục chỉ đạo Đội Nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với Tổ Kiểm soát tại đơn vị trong việc cung cấp, trao đổi thông tin có liên quan đến hàng hóa có yêu cầu bảo hộ quyền SHTT trong quá trình làm thủ tục hải quan, giám sát, kiểm soát hàng hóa XK, NK.

Trên cơ sở hướng dẫn tại công văn này và công văn số 1343/TCHQ-ĐTCBL ngày 26/03/2008 của Tổng cục Hải quan, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quán triệt tới các bộ phận trực thuộc phối kết hợp thực hiện nghiêm túc, thống nhất và kịp thời. Trong quá trình thực hiện, đề nghị các đơn vị báo cáo kịp thời Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) những khó khăn, vướng mắc cũng như yêu cầu hỗ trợ của đơn vị trong việc thực hiện triển khai công tác này.

Đề nghị báo cáo kết quả việc thực hiện các nội dung tại công văn này về Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) trước ngày 01/09/2008.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Tổng cục trưởng (để báo cáo)
- Cục ĐTCBL; (để thực hiện)
- Cục KTSTQ, Vụ GSQL; (để thực hiện)
- Lưu: VT, ĐTCBL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 


DANH SÁCH

DOANH NGHIỆP NỘP ĐƠN BẢO HỘ DÀI HẠN TẠI TỔNG CỤC HẢI QUAN

STT

Chủ sở hữu quyền

Địa chỉ

Tổ chức đại diện SHCN

Địa chỉ

Nhãn hiệu

Thời gian bắt đầu

Phạm vi bảo hộ

1.

Công ty TNHH Tiến Lộc

237 Nguyễn Trãi, Q1. TP Hồ Chí Minh

 

 

Xe gắn máy nhãn hiệu SAPPHIRE

17/03/2007 CV 194/TCHQ-ĐTCBL (P4)

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

2.

Công ty TNHH Cơ Điện Lạnh và thương mại Hòa Bình

42 Võ Văn Tần, Q.3, TP Hồ Chí Minh

 

 

Bình nước ALASKA

10/5/2007 CV 222/TCHQ-ĐTCBL

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

3.

Công ty Pfizer Product Inc.,

Mỹ

Văn phòng luật sư Phạm và liên danh

Số 8 Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Thuốc NORVAC; PFIZER; PFIZER và hình; VIAGRA

27/7/2007 CV 384/TCHQ-ĐTCBL

Cục Hải quan: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang

4.

Công ty Pfizer Irelan Phatmaceuticals

Cộng hòa Ailen

Văn phòng luật sư Phạm và liên danh

Số 8 Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Thuốc LIPITOR

27/7/2007 CV 384/TCHQ-ĐTCBL

Cục Hải quan: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang

5.

Công ty NIKE

Mỹ

Nike., Inc

TP Hồ Chí Minh

Nhãn hiệu NIKE (các sản phẩm quần áo, giầy dép)

12/9/2007 CV 471/TCHQ-ĐTCBL(P4)

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

6.

Công ty NOKIA

Phần Lan

Công ty TNHH Võ Trần

TP Hồ Chí Minh

Điện thoại di động và phụ kiện

23/11/2007 CV 643/TCHQ-ĐTCBL(P4)

Cục Hải quan: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Tây Ninh, Long An, Quảng Trị, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Lạng Sơn.

7.

ABBOTT GmbH & Co.KG

Germany

VP Đoàn Hồng Sơn

Hà Nội

Thuốc giảm béo nhãn hiệu REDUCTIL

8/11/2007 CV 608/TCHQ-ĐTCBL(P4)

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

8.

Công ty GUCCI S.P.A

Italy

VP Phạm & Liên danh

Hà Nội

Nhãn hiệu GUCCI (quần, áo…)

26/11/2007 CV 649/TCHQ-ĐTCBL(P4)

Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai

9.

ELI LILLY AND COMPANY

Mỹ

Công ty SHTT Tầm nhìn mới

Hà Nội

Sản phẩm thuốc mang nhãn hiệu LILLY

28/01/2008 CV 053/ĐTCBL-P4

Cục Hải quan: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng

10.

LILLY ICOS LLC

 Mỹ

Công ty SHTT Tầm nhìn mới

Hà Nội

Sản phẩm thuốc mang nhãn hiệu CIALIS

28/01/2008 CV 055/ĐTCBL-P4

Cục Hải quan: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng

11.

F. Hoffmann – La Roche AG

Thụy sỹ

Công ty SHTT vàng

Hà Nội

Nhãn hiệu Roche và hình lục giác

21/02/2008 CV 089/ĐTCBL-P4

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

12.

BEIERSDORF

Đức

VP Đoàn Hồng Sơn

Hà Nội

Sản phẩm mang nhãn hiệu NIVEA

21/02/2008 CV 088/ĐTCBL-P4

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

13.

ABBOTT Laboratories

Mỹ

VP Đoàn Hồng Sơn

Hà Nội

Sản phẩm mang nhãn hiệu ENSURE

24/04/2008 CV 233/ĐTCBL-P4

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

14.

Công ty TNHH Long Huei

KCN Sóng Thần, Bình Dương

 

 

Sản phẩm mũ bảo hiểm nhãn hiệu ANDES

30/06/2008 CV 425/ĐTCBL-P4

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

15.

DIAGEO NORTH AMERICA

Mỹ

VP Đoàn Hồng Sơn

Hà Nội

Sản phẩm rượu nhãn hiệu SMIRNOFF

30/06/2008 CV 424/ĐTCBL-P4

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3796/TCHQ-ĐTCBL về việc chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3796/TCHQ-ĐTCBL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/08/2008
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/08/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản