ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 357/UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 02 năm 1979 |
Kính gửi: | - Ủy ban nhân dân các quận, huyện |
Công tác cải tạo những hộ tư sản kinh doanh thương nghiệp của thành phố đã căn bản hoàn thành. Hiện nay các quận, huyện đang tiếp tục xử lý những hộ sót, giải quyết những đơn khiếu nại về cải tạo, đồng thời chuẩn bị tiến hành cải tạo tiếp một số ngành nghề chưa cải tạo. Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thêm việc vận dụng một số chánh sách cải tạo để xử lý hộ sót và các đơn khiếu nại.
Cần nhắc lại chủ trương cải tạo tư sản thương nghiệp, và những người chuyển kinh doanh thương nghiệp là nhằm xóa bỏ bóc lột của giai cấp tư sản, xoá bỏ cả cơ chế kinh doanh thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, thay thế bằng cơ chế thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện, Nhà nước đình chỉ việc kinh doanh của những nhà tư sản thương nghiệp cùng những người chuyên buôn bán (riêng tiểu thương trong đợt 23/3 giới hạn trong một số mặt hàng theo quy định), quản lý số hàng hoá và phương tiện kinh doanh của họ (trưng mua hoặc mua), chuyển số người này sang sản xuất… Chủ trương trên được thể hiện bằng nhiều chánh sách cụ thể đối với từng thành phần cụ thể và những chánh sách này được vận dụng quán triệt trong suốt quá trình cải tạo vừa qua, cũng như cho đến nay khi xử lý cá hộ sót, các đơn khiếu nại. Trong thực hiện cụ thể, cần nắm vững các chủ trương chánh sách của trung ương, Thành ủy, Ủy ban chỉ đạo và hướng dẫn. Dưới đây, xin nhắc lại một số chánh sách đã quy định và áp dụng với một số trường hợp cụ thể đang còn vướng mắc trong xử lý cũng như trong biện pháp thực hiện.
1. Về phân loại các hộ kinh doanh thương nghiệp:
Trong văn bản của Ban chỉ đạo thành phố (số 61/CV-BCĐ ngày 8-7-1978) đã nhắc lại tiêu chuẩn Trung ương đã quy định một hộ tư sản thương nghiệp phải có những điều kiện: về vốn chung (cả vốn cố định và vốn lưu động) là 30.000 đồng Ngân hàng trong đó vốn lưu động là từ 15.000 đồng trở lên (bao gồm hàng hoá tính giá theo quyết định số 212/CP ngày 30-10-1976 của Hội đồng Chính phủ, tiền mặt, tiền gởi ngân hàng, vàng và đá quý có thể huy động thành vốn kinh doanh); có số lãi ròng hàng năm từ 15.000 đồng trở lên; có thời gian kinh doanh liên tục từ 1972 đến 1975; có thể có thuê mướn nhân công (đây là tiêu chuẩn để xét thêm khi xét các tiêu chuẩn khác); ngoài ra còn xét về mức sinh hoạt, về nhà đất… một hộ kinh doanh thương nghiệp hội tụ đủ các tiêu chuẩn trên thì xác định là tư sản thương nghiệp (trong đợt 23/3 quy ước gọi là loại 1). Nếu riêng phần kinh doanh thương nghiệp không hội đủ theo quy định nhưng lại còn có kinh doanh các ngành nghề khác (như vận tải, cho thuê nhà, sản xuất tiểu công nghiệp) cộng lại trên mức ấy thì kết luận là tư sản, còn đối sách cụ thể phải xét mà áp dụng cho thật minh bạch rõ ràng.
Những hộ kinh doanh thương nghiệp không đủ các tiêu chuẩn trên nhưng có số vốn lưu động từ 5.000 đồng trở lên (đến dưới 15.000 đồng) gồm hàng hoá được trị giá theo quyết định số 212-CP, cộng với tiền mặt, tiền gởi Ngân hàng, vàng và đá quý có thể huy động thành vốn kinh doanh, thì được xác định là trung thương (còn lại là loại 2). Những người kinh doanh thương nghiệp ở dưới mức vốn trên là tiểu thương (loại 4).
Từ những tiêu chuẩn trên, rõ ràng có sự phân biệt giữa tư sản thương nghiệp (loại 1) và trung thương (loại 2). Trong chánh sách cải tạo cũng có sự phân biệt đối xử giữa tư sản thương nghiệp và trung thương, do đó nhất thiết không được coi trung thương là tư sản thương nghiệp (gọi là trung thương, không gọi là tư sản thương nghiệp loại 2).
2. Vận dụng một số chánh sách cụ thể:
a) Đối với tư sản thương nghiệp (loại 1), Nhà nước đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh thương nghiệp, trưng mua số hàng hoá tồn kho và phương tiện kinh doanh của họ, buộc họ phải chuyển sang và chuyển đi sản xuất (chủ yếu là ngoài thành phố), đồng thời Nhà nước thanh lý nhà cửa của họ ở thành phố (bao gồm cả những tư liệu sinh hoạt ngoài mức mà họ không được đem theo)… Những người được xem xét cho chuyển sang sản xuất ở tại thành phố là: tư sản thương nghiệp nhưng đã chuyển sang sản xuất công nghiệp hoặc làm một nghề khác không phải là kinh doanh thương nghiệp; những người được xác nhận là có công với cách mạng, con em tư sản thương nghiệp là nhân viên khoa học kỹ thuật, công nhân viên Nhà nước hoặc xí nghiệp sản xuất quốc doanh, ..; những người già cả, bệnh tật sống nhờ vào con…; Ủy ban nhân dân quận huyện xét giải quyết từng trường hợp cụ thể, sau khi đã có ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố.
Đối với những người là tư sản thương nghiệp được xét áp dụng chánh sách cho ở lại thành phố, Nhà nước cũng trưng mua hàng hoá tồn kho và các phương tiện kinh doanh (nếu còn). Riêng về nhà cửa, nói chung, họ được ở lại ngôi nhà cũ. Trường hợp căn nhà là nhà cửa cho thuê hoặc nhà này bố trí làm cửa hàng hoặc cơ sở sản xuất thật thuận lợi thì có thể thu xếp cho họ một chỗ ở khác hợp lý hơn. Cần xét chiếu cố đúng mức đối với những người có công với cách mạng, những người làm khoa học kỹ thuật … Ủy ban nhân dân quận, huyện phải chỉ đạo chặt chẽ việc xử lý nhà cửa của những hộ tư sản thương nghiệp nói chung nhất là với số tư sản thương nghiệp thuộc diện được ở lại thành phố; việc điều chỉnh nhà cửa của những người này phải xem xét thật chu đáo mọi mặt, nếu có mắc mứu tạm để họ ở nguyên ngôi nhà cũ, sau khi tiến hành cải tạo nhà đất sẽ kết hợp xem xét, xử lý.
Với những người được huyển đi sản xuất ngoài thành phố nhưng con cái thuộc diện được ở lại thành phố (sinh viên, cán bộ, công nhân viên chức,..) cần thu xếp cho những người này chỗ ở hợp lý tại căn nhà cũ của họ hoặc một nhà khác, không được buộc họ ra đi khi chưa có chỗ ở mới cũng như phó mặc cho nhà trường hoặc cơ quan chủ quản giải quyết.
b) Đối với những hộ là trung thương (loại 2), Nhà nước cũng đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh thương nghiệp, trưng mua hàng hoá tồn kho và mọi phương tiện kinh doanh, họ cũng được chuyển đi sản xuất ngoài thành phố. Nhà cửa và tư liệu sinh hoạt ngoài định mức mà họ không được giữ lại để sử dụng, Nhà nước cũng thanh lý nhưng với giá có chiếu cố hơn giá mà Nhà nước thanh toán cho những hộ là tư sản thương nghiệp.
Những trung thương (loại 2) thuộc diện được ở lại thành phố, về nguyên tắc được ở lại căn nhà cũ; nếu thật cần thiết mới điều chỉnh chỗ ở và trong trường hợp này khi thu xếp họ đến chỗ ở mới cũng xét chiếu cố hơn so với những hộ là tư sản thương nghiệp.
c) Đối với những hộ là tiểu thương (loại 4), kinh doanh ba ngành hàng thuộc Nhà nước thống nhất quản lý (điện máy, vải sợi, vật tư phụ tùng máy móc) cũng bị đình chỉ kinh doanh. Nhà nước mua lại hàng hoá tồn kho của họ với giá chiếu cố (như giá thu mua của thương nghiệp quốc doanh). Nhà nước thu xếp giúp đỡ họ chuyển sang sản xuất (tổ chức cho họ học nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển qua sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến lương thực thực phẩm, cho hồi hương lập nghiệp hoặc tuyển dụng có chọn lọc một số vào bộ máy của thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã hoặc làm đại lý bán hàng cho thương nghiệp quốc doanh (ăn hoa hồng) v.v… Nói một cách khác, khi Nhà nước đình chỉ việc buôn bán của những người này thì đồng thời tạo ngay mọi điều kiện cho họ có công ăn việc làm theo những hướng nêu trên. Trường hợp họ tự nguyện chuyển đi sản xuất khỏi thành phố thì Nhà nước giúp đỡ, tạo mọi thuận lợi; nhà cửa và tư liệu sinh hoạt của họ do họ tự lo liệu giải quyết.
d) Trong thời gian cải tạo vừa qua thành phố cũng đã giải toả các điểm buôn bán lòng lề đường, chợ trời, tổ chức kiểm tra hành chánh một số hộ nghi vấn nhận hàng hoá của tư sản tẩu tán (hoặc lén lút đầu cơ tích trữ, buôn gian, bán lận…).
Khi xử lý những trường hợp nằm trong các trường hợp nêu trên cần kết hợp nơi họ cư ngụ để cùng xem xét: nếu là người chuyên sống nghề buôn bán thì thuộc loại nào xử lý theo loại đó (loại 1, loại 2, loại 4). Nếu là bọn chuyên áp phe, móc ngoặc thì tịch thu hàng hoá và cưỡng bức đi lao động…Với những hộ trong kiểm tra hành chánh phát hiện có những hàng tẩu tán của tư sản thì tuỳ tội nặng nhẹ mà xử lý theo luật pháp quy định… Với những hộ không thuộc các diện trên (gom lầm, kiểm tra hành chánh lầm…) mà chưa giải tỏa thì phải xem xét giải toả ngay và họ được hưởng mọi quyền lợi, và có mọi nghĩa vụ như trước (như những công dân khác).
3. Đến nay tình hình có những xáo động trong số hộ đã đựơc cải tạo trong đợt 1: một số thuộc diện đựơc đi sản xuất khỏi thành phố trốn trở về, một số có quyết định phải đi thì chây ì, một số hộ bỏ trốn đi luôn…Khi xem xét giải quyết những tình hình trên, trong mọi trường hợp đều pải căn cứ các chủ trương, chánh sách cùng các quy định cụ thể đã ban hành như nhắc lại ở trên. Dưới đây, xin hường dẫn thêm một số việc cụ thể:
a) Đối với những người đã xác định đúng là tư sản thương nghiệp, đúng là trung thương: việc đưa những người này đi sản xuất ngoài thnàh phố là hoàn toàn hợp lý, chủ trương ấy được tiếp tục thi hành. Hộ trốn trở về hoặc chây ì không chịu chấp hành việc đi sản xuất thì nay họ vẫn phải chấp hành quyết định cũ là chuyển đi sản xuất. Chánh quyền, đoàn thể địa phương có nhiệm vụ giáo dục, thuyết phục và tổ chức giúp đỡ cho họ chuyển đi sản xuất. Nếu đã trốn về hoặc chây ì ở lại mà lại tiếp tục đầu cơ tích trữ buôn gian bán lậu thì tuỳ theo tội nặng nhẹ mà xét xử.
Một số hộ trốn về thành phố hoặc chây ì ở lại mà đến nay thực tế đã thu xếp sinh sống bằng một nghề sản xuất chánh đáng (thủ công, chăn nuôi, chế biến trong các hợp tác xã, các tổ hợp tác…) thì Ủy ban nhân dân quận huyện xét từng trường hợp cụ thể, báo cáo lên Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Trong trường hợp tái xét, được chấp thuận cho ở lại thành phố, Nhà nước không hoàn lại nhà cửa hoặc tư liệu sinh hoạt đã trưng mua.
b) Đối với những hộ sót (tư sản, trung thương) nay mới cải tạo về nguyên tắc vẫn phải chuyển đi sản xuất. Việc giải quyết cụ thể đều phải theo như những chủ trương chánh sách đã ban hành. Nếu đến nay thực sự họ đã sanh sống bằng một nghề khác chánh đáng (như làm tiểu, thủ công nghiệp, chế biến sửa chữa…) thì một mặt công bố rõ thành phần gốc của họ (là tư sản thương nghiệp, là trung thương) để họ dứt khoát không quay về nghề cũ và cho họ được ở lại thành phố. Nhà nước cũng trưng mua hàng hoá tồn kho và các phương tiện kinh doanh nếu có. Nhà cửa mà họ đang ở, nói chung để nguyên cho họ sử dụng. Trường hợp quá rộng hoặc thật cần thiết cho nhu cầu công cộng thì mới điều chỉnh, đã điều chỉnh thì phải áp dụng đúng chánh sách của Đảng và Nhà nước, việc điều chỉnh này phải do quận, huyện đề nghị thành phố xem xét.
c) Với những hộ trong cải tạo do xác định không đúng thành phần từ đó việc xử lý hàng hoá, tài sản, nhà cửa… không phù hợp các chánh sách cải tạo cho từng loại thì nay cương quyết sửa lại cho đúng.
- Nếu họ là trung thương mà trứơc đây quy là tư sản thương nghiệp (loại 1) hoặc gọi là tư sản thương nghiệp loại 2 và đối xử như với tư sản (loại 1) thì nay xác định lại đúng thành phần: trung thương và thanh toán cho họ tiền tư liệu sinh hoạt cùng tiền nhà theo giá quy định đối với trung thương.
- Nếu họ là tiểu thương (loại 4) hoặc làm nghề tiểu, thủ công nghiệp, sửa chữa… trước đây quy lầm là tư sản thương nghiệp (loại 1) là trung thương (loại 2), thì nay sửa lại cho đúng thành phần, thanh toán cho họ tiền hàng hoá, tiền tư liệu sinh hoạt và kể cả tiền nhà theo đúng giá quy định.
Nếu họ đã chuyển đi sản xuất ngoài thành phố hoặc hồi hương thì có quyết định bằng văn bản ghi rõ lại thành phần, báo cho họ và địa phương nơi họ ở và không cho phép trở về thành phố. Về đồ nghề của những người tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa trước đây đã trưng mua nay cố gắng hoàn trả (nếu họ yêu cầu), trường hợp không hoàn trả được thì thanh toán bằng tiền cho đúng chánh sách và giới thiệu cho họ được mua tại các cửa hàng của Nhà nước để tiếp tục hành nghề.
Nếu họ còn ở lại thành phố thỉ cũng nói rõ lại thành phần, thanh toán hàng hoá theo đúng giá mua lại (không trả lại hàng hoá). Những hàng hoá vốn là tư liệu sinh hoạt của gia đình (không phải để buôn bán) nếu còn hiện vật thì phải trả lại, nếu không còn hiện vật thì trả lại bằng tiền. Nếu họ còn ở nhà cũ thì để nguyên; nếu chưa có nhà ở thì cố gắng trả lại nhà cũ, không trả được thì thu xếp một chỗ ở tương đương; nếu đã có chỗ ở mới, không cần đến nhà cũ thì thanh toán tiền nhà theo đúng chánh sách quy định với tiểu thương.
Nếu đã đi sản xuất ngoài thành phố mà trốn về thì vận động, thuyết phục và tổ chức cho họ đi trở lại. Quyết định cho một hộ trong các trường hợp nêu trên được ở lại thành phố phải do Ủy ban quận, huyện xem xét thật chu đáo về mọi mặt; và đã ở lại thành phố là phải chuyển sang sản xuất, không được tiếp tục buôn bán.
d) Đối với những hộ bỏ trốn đi nước ngoài thì xử lý như những chủ trương chánh sách đã ban hành: Nhà nước quản lý toàn bộ tài sản của họ. Nếu trong gia đình có người ở lại (là cha, mẹ, vợ con ruột thịt và có tên trong danh sách hộ khẩu) thì sau khi kiểm kê tài sản, nhà cửa… và trong khi chờ đợi văn bản xử lý chính thức có thể giao cho những người này tạm bảo quản nhà cửa và tư liệu sinh hoạt. Tài sản quý và vật tư, hàng hoá phải kiểm kê rõ ràng và giao ngay cho những cơ quan chức năng tạm thời quản lý trong khi chờ quyết định xử lý của Ủy ban nhân dân thành phố. Nếu là một cơ sở đang sản xuất thì Ủy ban nhân dân quận, huyện có kế hoạch giao ngay cho phòng công nghiệp hoặc Liên hiệp xã tổ chức quản lý, tiếp tục sản xuất… và bàn bạc với các ngành chức năng tiến hành xử lý… Nhất thiết không được làm gì ảnh hưởng đến sản xuất, đến đời sống nhân dân.
4. Một số vấn đề về tổ chức thực hiện:
Hiện nay ở mỗi quận, huyện còn đọng một số hộ sót chưa xử lý và một số hộ còn sót chưa xử lý và một số đơn khiếu nại về cải tạo chưa được cứu xét. Các quận, huyện cần dành thời gian và tập trung một số cán bộ phấn đấu giải quyết xong những tồn đọng này, trước khi bước vào thời kỳ tiến hành Đại hội Đảng ở cấp phường, xã và quận, huyện vừa ổn định tình hình phường, lại tạo thêm thuận lợi cho Đại hội Đảng bộ. Để làm tốt và nhanh, gọn nên:
a) Triệu tập số cán bộ phường, xã và quận huyện được phân công xử lý hộ sót và đơn khiếu nại (cấp ủy viên, các đồng chí phụ trách công tác cải tạo, thanh tra, kiểm sát, thuế,…) làm thông suốt một số chánh sách cụ thể về cải tạo và những điểm hướng dẫn giải thích nêu trong công văn này. Trong cấp ủy, phân công một đồng chí Thường vụ (và là Thường trực Ủy ban nhân dân) chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện:
- Việc chuẩn bị mọi tài liệu để xét duyệt và xử lý các hộ sót do Ban cải tạo phụ trách (có kết hợp với phường, xã và các ban, ngành liên quan).
- Việc chuẩn bị mọi tài liệu để cứu xét các đơn khiếu nại về cải tạo do Ban Thanh tra phụ trách (có kết hợp với Ban cải tạo và một số ban, ngành liên quan). Ở một số quận đến nay số lượng đơn khiếu nại còn nhiều thì nên duy trì Ban xét xử đơn khiếu nại mà trước đây đã được tổ chức để tiếp tục cứu xét đơn cho nhanh.
Đối với những hộ mà hồ sơ tài liệu rõ ràng, việc vận dung chánh sách cải tạo không có gì phức tạp, đồng chí Thường vụ được phân công có thể xét duyệt quyết định trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Thường vụ, chỉ xin ý kiến của tập thể Thường vụ đối với những trường hợp có khó khăn trong xác định thành phần cụng như trong vận dụng chánh sách cải tạo cụ thể.
b) Mọi trường hợp khi đã có kết luận chánh thức về việc xử lý thì các Ban được phân công phải làm tờ trình về Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định xử lý. Trong quyết định này cần ghi rõ từng nội dung xử lý về thành phần, về tài sản … nêu rõ cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết ? giải quyết như thế nào ? … Trước khi quyết định được ban hành, nên triệu tập các cơ quan liên quan họp và bàn bạc giải quyết mắc mứu để một khi ra quyết định, mọi việc xử lý được thông suốt và chấp hành tốt.
Trên đây Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thêm một số việc vận dụng các chánh sách cải tạo cụ thể đối với các hộ kinh doanh thương nghiệp. Đề nghị các quận, huyện và các ban, ngành trong thực hiện còn gặp khó khăn mắc mứu, phản ảnh về Ủy ban (Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố) để kịp thời giải quyết, hướng dẫn.
Công văn này được phổ biến trong nội bộ, không công bố lung tung ra ngoài và áp dụng từng trường hợp một khi có khiếu nại của đương sự. Những việc đã giải quyết xong trước đây, nếu không có khiếu nại không nên đưa ra xét hàng loạt sẽ gây nhiều phức tạp kẻ xấu dễ lợi dụng.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Công văn số 357/UB về việc hướng dẫn hoàn thành cải tạo các hộ tư sản thương nghiệp còn sót và giải quyết tốt các đơn khiếu nại do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 357/UB
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 27/02/1979
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Văn Đại
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/02/1979
- Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực