Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3498/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2005 |
Kính gửi Cục hải quan tỉnh An Giang
Tổng cục Hải quan nhận được các công văn số 382/HQAG-NV ngày 19/5/2005, số 522/HQAG-NV ngày 24/6/2005 và số 662/HQAG-NV ngày 3/8/2005 của Cục Hải quan tỉnh An Giang về việc xử lý các vướng mắc liên quan đến hàng thuỷ sản xuất khẩu buộc phải nhập khẩu trở lại, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1- Theo quy định tại Thông tư số 87/2004/TT-BTC ngày 31/8/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì: Hàng hóa xuất khẩu nhưng vì lý do nào đó buộc phải nhập khẩu trở lại Việt Nam được xét hoàn thuế xuất khẩu đã nộp và không phải nộp thuế nhập khẩu. Hồ sơ xét hoàn thuế xuất khẩu và không thu thuế nhập khẩu được quy định tại điểm 1.8 Thông tư số 87/2004/TT-BTC. Trường hợp hàng xuất khẩu bị trả lại khi chưa đến thời hạn thanh toán ghi trong hợp đồng hoặc đối tác nước ngoài không thanh toán tiền hàng thì doanh nghiệp không phải nộp chứng từ thanh toán trong bộ hồ sơ xét hoàn thuế xuất khẩu và không thu thuế nhập khẩu.
2 - Trường hợp hàng thủy sản xuất khẩu nhưng doanh nghiệp chủ động thu hồi sản phẩm sau khi có nghi ngờ nhiễm hóa chất cấm, không thể lấy xác nhận từ chối nhận hàng từ phía nước ngoài, Cục Hải quan An Giang hướng dẫn doanh nghiệp nộp “Giấy chứng nhận giám định của cơ quan quản lý chuyên ngành về thủy sản xác định sản phẩm bị nhiễm hóa chất cấm của nước nhập khẩu, buộc phải nhập khẩu trở lại” thay cho “Thông báo của khách hàng nước ngoài hoặc thỏa thuận với khách hàng nước ngoài về việc nhận lại hàng hóa, có nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại… hàng hoá trả lại “như quy định tại Thông tư 87.
3- Trường hợp hàng thủy sản bị trả về do nhiễm hóa chất cấm nhập khẩu của đối tác, đồng thời các hóa chất này cũng nằm trong danh mục hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản của Bộ Thủy sản, Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp tái nhập lô hàng để chờ tiếp tục tái xuất cho đối tác khác, cho phép doanh nghiệp làm thủ tục tạm nhập dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan (lưu kho, bãi tại cửa khẩu, gửi kho ngoại quan hoặc bảo quản tại kho của doanh nghiệp có niêm phong Hải quan) rồi tiếp tục tái xuất, nếu doanh nghiệp không xuất khẩu được vào nước này nhưng có thể xuất khẩu vào nước khác thì Cục Hải quan An Giang hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục tái xuất theo đúng quy định.
- Trường hợp doanh nghiệp tái nhập lô hàng nhưng không tái xuất nữa mà tái chế, tiêu thụ nội địa thì phải đăng ký kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm như đối với hàng nhập khẩu thông thường tại cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế. Nếu lô hàng đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm của Việt Nam thì được tiêu thụ tại Việt Nam.
- Chính sách thuế đối với các trường hợp trên, thực hiện theo quy định tại điểm 1.8, mục I phần E Thông tư số 87/2004/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan tỉnh An Giang biết và thực hiện.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Công văn số 3498/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc xử lý hàng thủy sản tái nhập
- Số hiệu: 3498/TCHQ-KTTT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 31/08/2005
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Đặng Thị Bình An
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra