Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3471 TCT/NV6
V/v: nộp thuế của hộ kinh doanh vừa và nhỏ

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2002

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hành Tiết kiệm, tạo Điều kiện thuận lợi và nâng cao trách nhiệm của cá nhân (hộ) kinh doanh nộp thuế, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 95/2002/QĐ/BTC ngày 15/8/2002 về việc thực hiện thông báo nộp thuế một lần theo mức ổn định trong một thời gian đối với cá nhân (hộ) kinh doanh vừa và nhỏ.

Để thực hiện Quyết định này được thống nhất và có hiệu quả, căn cứ Điều 2 của Quyết định, Tổng cục Thuế hướng dẫn thêm một số Điểm về quản lý thu nộp thuế đối với cá nhân (hộ) kinh doanh vừa và nhỏ, được cơ quan thuế khoán ổn định mức thuế trong một thời gian như sau:

1/ Đối tượng thực hiện thông báo nộp thuế một lần:

Cá nhân (hộ) kinh doanh vừa và nhỏ chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn được cơ quan thuế phân loại dựa vào diện khoán và ổn định mức thuế trong một thời gian nhất định thì thực hiện thông báo số thuế phải nộp một lần cho cả kỳ ổn định thuế.

2/ Thu nộp thuế:

- Căn cứ số thuế phải nộp ghi trên thông báo, đội thuế phường, xã hoặc uỷ nhiệm thu có trách nhiệm đôn đốc cá nhân (hộ) kinh doanh nộp thuế hàng tháng đúng thời hạn, đúng số tiền thuế và đúng địa Điểm quy định ghi trên thông báo thuế.

- Trường hợp cá nhân (hộ) kinh doanh sau khi nhận thông báo nộp thuế cho cả kỳ ổn định thuế, nếu tự nguyện nộp trước tiền thuế nhiều tháng hoặc nộp một lần toàn bộ số thuế theo thông báo thì cơ quan trực tiếp thu như Kho bạc (nếu trực tiếp nộp thuế qua Kho bạc), hoặc cán bộ thuế (trường hợp cán bộ thuế thu trực tiếp) phải làm thủ tục thu đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước, giảm thời gian đi lại của hộ, cá nhân kinh doanh.

- Để phục vụ cho việc theo dõi thu nộp, chấm bộ thuế, theo dõi nợ đọng thuế khi cá nhân (hộ) kinh doanh nộp tiền thuế thì trên chứng từ nộp thuế (giấy nộp tiền hoặc biên lai thu) phải thể hiện rõ số thuế đã nộp tháng nào; nếu nộp cho nhiều tháng hoặc cho cả kỳ ổn định thì ghi rõ nộp thuế từ tháng nào đến tháng nào.

- Trường hợp cá nhân (hộ) kinh doanh thực hiện nộp thuế từng tháng thì phải nộp lần lượt đúng theo thứ tự các tháng ghi trong thông báo, khi nộp thuế từng tháng đã có xác nhận của kho bạc trên thông báo thuế, cá nhân (hộ) kinh doanh giữ lại thông báo để thực hiện nộp thuế cho các tháng tiếp theo.

- Trường hợp chậm nộp tiền thuế thì phải phạt nộp chậm theo quy định của luật thuế; số thuế chậm nộp của tháng nào thì xử phạt riêng của tháng đó.

- Cá nhân (hộ) kinh doanh có vi phạm khác thì xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

3/ Theo dõi thu nộp:

Để việc theo dõi số thu, số nộp và nợ đọng thuế đối với cá nhân (hộ) kinh doanh thu khoán ổn định được chặt chẽ, Chi cục thuế thực hiện:

- Lập bộ, duyệt bộ riêng cho các cá nhân (hộ) kinh doanh nộp thuế khoán, ổn định trong thời gian 3 tháng, 6 tháng hoặc cả năm.

- Chấm bộ, theo dõi nợ đọng từng tháng.

Cá nhân (hộ) kinh doanh nộp thuế tháng nào phải chấm bộ đã nộp ngay của tháng đó, đối với hộ, cá nhân kinh doanh sau khi nhận thông báo thuế nếu tự nguyện nộp một số tháng hoặc nộp ngay số thuế của cả kỳ ổn định, thì chấm bộ đúng với số tháng đã nộp thuế ghi trên chứng từ nộp thuế.

4/ Điều chỉnh số thuế:

- Trong thời gian ổn định thuế, cơ quan thuế đã phát hành thông báo thuế, nếu cá nhân (hộ) kinh doanh có thay đổi ngành nghề, mặt hàng, quy mô kinh doanh, làm thay đổi doanh thu, mức thuế đã thông báo thì cơ quan thuế căn cứ biên bản Điều tra để Điều chỉnh lại số doanh thu trên sổ bộ thuế và phát hành thông báo mới thay thông báo cũ. Mức thuế ổn định mới cho cá nhân (hộ) kinh doanh phải nộp cho các tháng còn lại của kỳ ổn định tính từ tháng có Điều chỉnh doanh thu.

- Trường hợp cá nhân (hộ) kinh doanh đã ứng nộp trước tiền thuế, nhưng sau đó được miễn, giảm thuế do tạm nghỉ kinh doanh hoặc bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thì số thuế được miễn giảm được chuyển sang trừ vào tháng bắt đầu của kỳ ổn định sau. Nếu hộ kinh doanh xin nghỉ hẳn thì được hoàn lại số thuế đã nộp kể từ khi thực nghỉ kinh doanh.

Việc ra Quyết định và lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế nộp thừa (đối với cá nhân, hộ nghỉ hẳn kinh doanh) do Chi cục thuế trực tiếp quản lý thực hiện theo quy định của Điểm 1, 2 Mục II Thông tư số 68/2001/TT-BTC ngày 24/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoàn trả các Khoản thu đã nộp ngân sách Nhà nước.

- Trong thời gian ổn định thuế, cá nhân (hộ) kinh doanh thực hiện chế độ kế toán, được cơ quan thuế chấp nhận chuyển hình thức nộp thuế theo kê khai thì sẽ phát hành thông báo thuế mới thay thế thông báo đã phát hành. Nếu hộ kinh doanh đã nộp trước tiền thuế theo mức khoán thì từ tháng được nộp theo kê khai, trên thông báo thuế mới vẫn thông báo số thuế phát sinh của cả tháng, nhưng số thuế đã tạm nộp được trừ ngay trên thông báo, hộ kinh doanh chỉ phải nộp số thuế chênh lệch còn lại.

- Khi có thay đổi kinh doanh hoặc nghỉ kinh doanh, cá nhân (hộ) kinh doanh phải có đơn nêu rõ lý do, gửi cơ quan thuế đúng thời gian quy định.

5/ Phát hành thông báo nộp thuế:

Đối với cá nhân (hộ) kinh doanh vừa và nhỏ thuộc diện cơ quan thuế khoán, ổn định mức thuế trong một thời gian nhất định, thì cơ quan thuế thực hiện phát hành một thông báo chung cho cả kỳ ổn định thuế.

Thông báo nộp thuế do Tổng cục Thuế in, phát hành để cung cấp cho Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (theo mẫu thông báo kèm theo Quyết định số 95/2002/QĐ/TBC ngày 15/8/2002). Mẫu thông báo phát hành trên máy tính do phòng máy tính thiết kế và hướng dẫn địa phương thực hiện trên cơ sở các chỉ tiêu của mẫu thông báo đã quy định.

6/ Tổ chức thực hiện:

Công tác quản lý thu thuế đối với cá nhân (hộ) kinh doanh, về nguyên tắc vẫn thực hiện như Quy trình quản lý thu thuế hộ cá thể kinh doanh công thương nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 1345/TCT/QĐ/TCCB ngày 9/12/1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Riêng đối với các hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện được ổn định mức thuế trong một thời gian, việc ra thông báo thu thuế và quản lý thu nộp được thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị Cục thuế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Tổng cục Thuế để nghiên cứu giải quyết./.

 

 

KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3471 TCT/NV6 ngày 16/09/2002 của Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế về việc nộp thuế của hộ kinh doanh vừa và nhỏ

  • Số hiệu: 3471TCT/NV6
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/09/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Duy Khương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/09/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản