Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3291/TCT-PCCS
V/v: xác định nhầm lẫn về thuế.  

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2005 

 

Kính gửi:

Tòa Hành chính – Tòa án Nhân dân tối cao
Đ/c: 262 - Phố Đội Cấn, thành phố Hà Nội

Trả lời công văn số 212/CV-HC ngày 17/8/2005 của Tòa Hành chính – Tòa án Nhân dân tối cao hỏi về việc xác định hành vi nhầm lẫn về thuế; Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Tại Khoản 4, Điều 24 Luật thuế GTGT năm 1997 quy định về trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế trong việc giải quyết khiếu nại về thuế: “Nếu phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu tiền thuế, tiền phạt… trong thời hạn 5 năm trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện…”.

- Tại Khoản 4, Điều 29 Luật thuế TNDN năm 1997 quy định: “Nếu phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu tiền thuế, tiền phạt… trong thời hạn 5 năm trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện…”.

Căn cứ các quy định trên và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về thuế, quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế để xác định các trường hợp nhầm lẫn về thuế và thu đủ số thuế phải nộp như sau:

- Đối với đối tượng nộp thuế: Xác định căn cứ tính thuế không đúng quy định của pháp luật về thuế, tính toán sai dẫn đến kê khai, xác định nghĩa vụ thuế không đúng gây thiệt hại cho bản thân hoặc cho Nhà nước nhưng chưa đủ căn cứ để xác định là hành vi trốn thuế.

Riêng hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp ấn định, nếu trong kỳ ấn định thuế có thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh, doanh số nhưng không khai báo với cơ quan thuế theo đúng quy định để xác định lại số thuế phải nộp, khi cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì truy thu đủ số thuế thực tế phát sinh trong thời hạn 5 năm tính từ thời điểm thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh, doanh số kinh doanh đến ngày phát hiện. Trường hợp này hộ kinh doanh không bị xác định là trốn thuế nên không bị xử phạt trốn thuế.

Ví dụ: Trong hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, hạch toán đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên sổ kế toán, đã lập quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, do xác định nhầm doanh thu tính thuế, chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nên kết quả tính ra số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp bị sai, nhưng sau đó doanh nghiệp phát hiện và tự giác kê khai, xác định lại số thuế phải nộp thêm hoặc điều chỉnh giảm số phải nộp đúng thực tế thì hành vi trên được xác định là nhầm lẫn về thuế.

- Đối với cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền tham gia giám sát chấp hành pháp luật về thuế: Việc xác định không đúng các căn cứ tính thuế dẫn đến kết luận không đúng nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế; sau đó mới phát hiện là có sai sót, nhầm lẫn thì xác định lại nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ban hành quyết định không đúng về nghĩa vụ thuế đến ngày phát hiện sai sót, nhầm lẫn.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về thuế, cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát pháp luật về thuế phát hiện việc xác định nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế không đúng gây thiệt hại cho đối tượng nộp thuế hoặc thiệt hại cho Nhà nước nhưng chưa đủ căn cứ xác định là hành vi trốn thuế thì có quyền ra quyết định điều chỉnh hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định, điều chỉnh lại nghĩa vụ thuế theo đúng quy định.

Tổng cục Thuế thông báo để Quý Tòa được biết./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, PCCS (3).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG



 
Phạm Duy Khương



 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3291/TCT-PCCS của Tổng cục Thuế về việc xác định hành vi nhầm lẫn về thuế

  • Số hiệu: 3291/TCT-PCCS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/09/2005
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Duy Khương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/09/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản