Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3280 TM/ĐT | Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2002 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Bộ Thương mại nhận được văn bản số 136/TB-VPCP ngày 8/8/2002 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm về cơ chế chính sách quản lý sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy trong đó có nội dung sau:
- “Yêu cầu các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện khẩn trương và có hiệu quả cơ chê, chính sách quản lý sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy năm 2002 theo đúng quy định tại Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp”;
- “Đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về phương án phân bổ số lượng bộ linh kiện xe hai bánh gắn máy nhập khẩu năm 2002 nêu tại Điểm 1, công văn số 77TC/TCT ngày 1/8/2002. Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện”;
Bộ Thương mại xin có ý kiến như sau:
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp bảo đảm hoạt động kinh doanh bình thường, Bộ Thương mại đề nghị toàn bộ chỉ tiêu 1,5 triệu bộ linh kiện cần được phân bổ một lần cho các doanh nghiệp trong tháng 8/2002 để các doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh trong 4 tháng còn lại của năm 2002.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề sau:
Theo Quyết định 38/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 về việc quản lý sản xuất lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe máy thì các doanh nghiệp muốn được phân bổ chỉ tiêu phải bảo đảm các điều kiện:
- Được Bộ Công nghiệp xác nhận doanh nghiệp đủ Tiêu chuẩn sản xuất, lắp ráp xe máy;
- Được Bộ Tài chính xác nhận công suất và tỷ lệ nội địa hóa.
Đến nay đã gần hết tháng 8, nhưng Bộ Công nghiệp mới thông báo được 5 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe máy trong số 62 doanh nghiệp có cơ sở lắp ráp xe máy; Bộ Tài chính mới thông báo được mức thuế cho 21 doanh nghiệp với số lượng linh kiện tạm cấp nhập khẩu là 5.000 - 10.000 bộ cho mỗi doanh nghiệp (trong 21 doanh nghiệp này còn có 16 doanh nghiệp chưa được Bộ Công nghiệp thông báo đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe máy, mặc dù đó là điều kiện tiên quyết để được xác nhận công suất và tỷ lệ nội địa hóa).
Việc xác nhận Tiêu chuẩn sản xuất lắp ráp của Bộ Công nghiệp và xác nhận công suất, tỷ lệ nội địa hoá của Bộ Tài chính chắc chắn cần phải có thời gian nhất định mới hoàn thành được.
Mặt khác, theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005 thì từ năm 2003 các doanh nghiệp được nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không đăng ký tỷ lệ nội địa hoá. Như vậy, cơ chế cho nhập khẩu linh kiện có đăng ký tỷ lệ nội địa hoá cũng phải được thuận lợi hơn theo hướng này. Nói cách khác, nếu 1,5 triệu bộ linh kiện được Chính phủ phê duyệt cho năm 2002 không được phân bổ kịp thời trong thág 8 năm 2002 thì không những không đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp mà còn không có tác dụng tích cực trong việc quản lý nhập khẩu năm 2003 theo Quyết định số 46/2002/QĐ-TTg.
Hơn nữa, căn cứ vào thực tế đầu tư, hoạt động sản xuất lắp ráp xe máy của các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp Việt Nam muốn được cấp giấy phép đầu tư thành lập cơ sở lắp ráp thì phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với doanh nghiệp FDI) và Bộ Công nghiệp (đối với doanh nghiệp trong nước) thẩm định Luận chứng kinh tế kỹ thuật, trong đó có thẩm định công suất lắp ráp và tiến độ thực hiện nội địa hoá. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã được nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp xe máy theo công suất, tuy nhiên mức độ đầu tư, nội địa hoá của doanh nghiệp có chênh lệch lớn.
Xuất phát từ phân tích tình hình trên đây, Bộ Thương mại xin đề xuất phương án phân bổ kịp thời đảm bảo cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp như sau:
- Đối với 6 doanh nghiệp FDI: số chỉ tiêu được phân bổ là 600.000 - 650.000 bộ bằng 1/3 tổng công suất lắp ráp của các doanh nghiệp này. Bởi vậy, mỗi doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu là 1/3 công suất. Trong quá trình thực hiện, nếu thực tế sản xuất của từng doanh nghiệp có sự chênh lệch so với chỉ tiêu được phân bổ thì sẽ được điêù chỉnh cho thích hợp giữa các doanh nghiệp. Nếu khả năng sản xuất thực tế của mỗi doanh nghiệp vượt chỉ tiêu phân bổ nhưng vẫn nằm trong công suất thì sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
- Đối với 55 doanh nghiệp trong nước: Thực tế các doanh nghiệp này đã đầu tư dây chuyền sản xuất, lắp ráp ở mức độ khác nhau. điều kiện sản xuất, lắp ráp và công suất đã được Bộ Công nghiệp thẩm định trong quá trình cấp giấy phép đầu tư trong những năm trước. Nếu doanh nghiệp nào đạt được tỷ lệ nội địa hoá từ 20% trở lên theo Quyết định 38/2002/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 92, 52 thì cũng được phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.
+ Đối với 21 doanh nghiệp có đầu tư lớn, đã được Bộ Tài chính thông báo mức thuế ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá, (tuy nhiên đến nay Bộ Công nghiệp mới có xác nhận cho 5 doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn sản xuất, lắp ráp xe máy) thì có thể phân bổ cho mỗi doanh nghiệp này khoảng 30.000 bộ, tổng cộng khoảng 650.000 bộ.
+ Các doanh nghiệp còn lại, vốn đầu tư và tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn, nếu đáp ứng yêu cầu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 20% trở lên theo quy định tại Quyết định 38/2002/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 92, 52 sẽ được phân bổ khoảng 6.000 - 10.000 bộ tổng cộng là 250.000 bộ. Như vậy, là nằm trong tổng chỉ tiêu là 900.000 bộ.
Ngoài ra, Bộ Thương mại xin có ý kiến về cơ chế quản lý nhập khẩu xe máy và linh kiện xe máy năm 2003 như sau:
Theo Quyết định 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001-2005 thì từ năm 2003 việc nhập khẩu xe máy nguyên chiếc và bộ linh kiện không đăng ký tỷ lệ nội hóa sẽ được tự do. Bộ Thương mại xin đề xuất cơ chế quản lý nhập khẩu xe máy nguyên chiếc và bộ linh kiện không đăng ký tỷ lệ nội hóa như sau:
- Việc nhập khẩu được quản lý thông qua thuế nhập; không dùng biện pháp cấp phép nhập khẩu.
- Cho phép các doanh nghiệp có ngành hàng kinh doanh phù hợp được nhập khẩu xe nguyên chiếc để kinh doanh như hàng nhập khẩu thông thường;
- Chỉ cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện lắp ráp xe máy (theo Thông báo của Bộ Công nghiệp) được nhập khẩu bộ linh kiện không đăng ký tỷ lệ nội địa hóa;
Đối với việc nhập khẩu bộ linh kiện xe máy có đăng ký tỷ lệ nội địa hóa: đề nghị thực hiện theo Quyết định 38/2002/QĐ-TTg. Tuy hiên để ổn định sản xuất thì cần ổn định số lượng bộ linh kiện được phép nhập khẩu ngay từ đầu năm.
Những vấn đề liên quan về thuế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xử lý.
Trên đây là một số ý kiến của Bộ Thương mại để Văn phòng Chính phủ nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
| KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
- 1Quyết định 38/2002/QĐ-TTg về việc quản lý sản xuất lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo số 136/2002/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm về thực hiện cơ chế, chính sách quản lý sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy do Văn phòng Chính phủ ban hành
Công văn số 3280 TM/ĐT ngày 20/08/2002 của Bộ Thương mại về việc quản lý nhập khẩu linh kiện lắp ráp xe hai bánh gắn máy
- Số hiệu: 3280TM/ĐT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 20/08/2002
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Mai Văn Dâu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra