Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 2968/BNV-TCCB
V/v tiếp thu ý kiến thẩm định về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ  

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2007

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ  

Ngày 21/9/2007 Bộ Nội vụ đã có công văn số 2747/BNV-TCCB đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ thay thế Nghị định số 45/2003/NĐ-CP; Sau khi xem xét, Bộ Tư pháp đã có công văn số 4098/BTP-PLHSHC ngày 01/10/2007 trả lời về việc thẩm định. Bộ Nội vụ xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Bộ Tư pháp đã nhất trí với các nội dung cơ bản của dự thảo, cụ thể là:

- Nhất trí với quy định tại Điều 1 của dự thảo về vị trí và chức năng của Bộ Nội vụ.

- Về nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Bộ (Điều 2 của dự thảo): Bộ Tư pháp thấy rằng các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Bộ Nội vụ thể hiện trong dự thảo Nghị định cơ bản đã đáp ứng với yêu cầu đổi mới hoạt động của Bộ, yêu cầu cải cách hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là các nhiệm vụ, quyền hạn được phân định rõ ràng, không trùng dẫm, chồng chéo với nhiệm vụ của các Bộ, ngành khác; phân định rõ nhiệm vụ của Bộ với địa phương. Dự thảo Nghị định bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật.

2. Những ý kiến tiếp thu và giải trình

Tuy nhiên có một số ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sau khi nghiên cứu ý kiến thẩm định xin được tiếp thu và giải trình như sau:

a. Về kỹ thuật soạn thảo:

- Phần căn cứ: Đề nghị bỏ đoạn “Căn cứ Nghị quyết số 01/2007/QH12…”. Bộ Nội vụ xin tiếp thu để chỉnh sửa vào dự thảo Nghị định.

- Tại Điều 1: đề nghị sửa cụm từ “tổ chức hội, phi chính phủ” thành “hội, tổ chức phi chính phủ”. Bộ Nội vụ xin tiếp thu để chỉnh sửa vào dự thảo Nghị định.

- Tại Khoản 1 Điều 2: diễn đạt lại cụm từ “theo chương trình kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ” thành “theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”. Bộ Nội vụ xin tiếp thu để chỉnh sửa vào dự thảo Nghị định.

- Tại Điều 4: đề nghị thay cụm từ “thay thế các Nghị định sau” bằng cụm từ “bãi bỏ các văn bản sau”. Bộ Nội vụ xin tiếp thu để chỉnh sửa vào dự thảo Nghị định.

b. Về cơ cấu tổ chức của Bộ.

+ Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc việc thành lập Vụ Tổng hợp.

- Ý kiến của Bộ Nội vụ: Trong những năm qua, Bộ Nội vụ đã xây dựng và tham gia xây dựng nhiều văn bản pháp luật và hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết về thực hiện công tác dân chủ cơ sở tại xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ này nay đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Bộ, nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 45/2003/NĐ-CP; mặt khác với vai trò là Bộ tổng hợp, Bộ Nội vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền những kiến nghị của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan đến phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Vì vậy, cần thiết phải có tổ chức để thực hiện những nhiệm vụ này và các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao mà không giao cho các tổ chức khác trong Bộ, Vụ này không thực hiện nhiệm vụ tổng hợp như công tác tổng hợp thuộc Văn phòng Bộ. Về tên gọi, Bộ Nội vụ đã cân nhắc, nếu lấy tên gọi là Vụ Quan hệ với các đoàn thể hay Vụ Công tác dân chủ cơ sở thì cũng không nêu lên được hết nội hàm về chức năng và nhiệm vụ của tổ chức này, đây cũng là những nội dung công tác mang tính nhạy cảm, cho bên Bộ Nội vụ xin đề nghị tên gọi của Vụ này là Vụ Tổng hợp.

+ Về 3 cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển về Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ), Bộ Tư pháp có ý kiến trong trường hợp giữ nguyên tên gọi các Ban, thì đề nghị sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các Ban theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

- Ý kiến của Bộ Nội vụ: Theo Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ, thì việc chuyển các cơ quan này về Bộ Nội vụ được chuyển nguyên trạng và đảm bảo có tính chất độc lập tương đối, có vị trí tương đương Tổng cục; Bộ Nội vụ nhất trí với Bộ Tư pháp cần xem xét tổ chức bên trong của các cơ quan này để đảm bảo không chuyển một cách cơ học. Bộ Nội vụ sẽ sắp xếp lại theo hướng phân cấp rõ ràng, không có tổ chức trùng lắp về nhiệm vụ với Bộ và thể hiện được tính liên kết đối với các tổ chức khác thuộc Bộ để thực hiện việc quản lý hiệu lực, hiệu quả hơn. Tinh thần cải cách này sẽ được thể hiện trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Ban này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ sau khi Nghị định này được ban hành.

Bộ Nội vụ xin trình Thủ tướng Chính phủ về ý kiến tiếp thu và giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và xin trình Thủ tướng Chính phủ kèm theo Tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Lưu VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Trần Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2968/BNV-TCCB về việc tiếp thu ý kiến thẩm định về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 2968/BNV-TCCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/10/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Trần Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/10/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản