Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2602 TM-PC
V/v tăng cường bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2002

 

Kính gửi:

- Sở Thương mại (Thương mại - Du lịch) các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
- Các tổng công ty 90, 91,
- Các Hiệp hội ngành hàng

 

Hiện nay, trên thị trường nước ngoài đang xảy ra hiện tượng nhiều hàng hóa của Việt Nam bị thương nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa bất hợp pháp, cản trở cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này, gây thiệt hại nhiều mặt cho Nhà nước và thương nhân Việt Nam. Nhiều thương nhân Việt Nam đã phải chịu những chi phí không nhỏ để giành lại quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình. Chính phủ, Bộ Thương mại và các Bộ,ngành hữu quan trong thòi gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ cho thương nhân để bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình tại thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng trách nhiệm chính trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại nước ngoài là thuộc về các thương nhân xuất khẩu Việt Nam. Để tiếp tục tăng cường công tác này, Bộ Thương mại yêu cầu các Sở Thương mại (Thương mại - Du lịch), các Tổng công ty, Hiệp hội ngành hàng lưu ý thực hiện một số nội dung sau:

1.- Tăng cường công tác nghiên cứu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về sở hữu công nghiệp để nâng caonhận thức chung của thương nhân về vấn đề này, cụ thể là các văn bản sau:

- Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

- Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 2 năm 2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

- Thông tư số 3055-TT/SHCN ngày 31 tháng 12 năm 1996 của Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và một số thủ tục khác trong Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ;

- Các văn bản khác có liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là đối với nhãn hiệu hàng hóa.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa theo Thỏa ước Madrid về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa quốc tế có thể giúp thương nhân bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình cùng một lúc trên tất cả các nước tham gia vào Thỏa ước này, đồng thời tiết kiệm hơn cho thương nhân về chi phí và thời gian. Do đó, Bộ Thương mại đặc biệt lưu ý các đơn vị có liên quan nghiên cứu các quy định về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa quốc tế theo Thỏa ước Madrid.

2.- Trước mắc, đề nghị các thương nhân đang kinh doanh những hàng hóa có khả năng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, có nhãn hiệu hàng hóa đã có vị trí ổn định và tiếng tăm trên thị trường trong nước cần lưu ý đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là các khu vực thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, ASEAN và Trung Quốc.

3.- Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở bất kỳ nước nào đều cần phải có một khoảng thời gian nhất định về mặt thủ tục (thông thường ít nhất là 6 tháng), do đó đề nghị các đơn vị cần lưu ý đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình sớm, thậm chí trước khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường nước ngoài đó.

4.- Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, nhất là hoạt động xuất khẩu của đơn vị nói riêng và Việt Nam nói chung, do đó Bộ Thương mại đề nghị các đơn vị cần coi trọng việc xác lập nhiệm vụ này trong kế hoạch kinh doanh dài hạn của mình.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị liên hệ với Vụ Pháp chế (Bộ Thương mại) hoặc Cục Sở hữu Công nghiệp (Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường) để giải quyết./.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2602 TM-PC ngày 08/07/2002 của Bộ Thương mại về việc tăng cường bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài

  • Số hiệu: 2602TM-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/07/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Lê Danh Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản