- 1Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT về quản lý đại lý Internet do Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Nghị định 55/2001/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet
- 3Quyết định 71/2004/QĐ-BCA(A11) về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2520/BBCVT-VT | Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2005 |
Kính gửi: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP)
Ngày 14/7/2005, Liên Bộ Bưu chính Viễn thông, Văn hóa Thông tin, Công an, Kế hoạch Đầu tư đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT về quản lý đại lý Internet (sau đây gọi là “Thông tư 02”). Trong thời gian qua, Thông tư 02 đã phát huy tác dụng tích cực đối với hoạt động truy nhập Internet tại các đại lý Internet công cộng và quản lý các đại lý Internet đó. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các quy định trong Thông tư 02, Bộ Bưu chính, Viễn thông, sau khi thống nhất với các cơ quan liên quan, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện một số nội dung của Thông tư 02 như sau:
1. Về việc xây dựng Quy chế quản lý đại lý Internet và ban hành Mẫu hợp đồng đại lý Internet quy định tại Khoản 3 và 4 Mục IV:
Doanh nghiệp phải khẩn trương xây dựng mới hoặc rà soát lại để chỉnh sửa, bổ sung Quy chế quản lý đại lý Internet và mẫu hợp đồng đại lý Internet đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau:
▪ Phù hợp với các quy định tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, Quy định về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 71/2004/QĐ-BCA ngày 29/1/2004 của Bộ Công an); Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT về quản lý đại lý Internet và các quy định có liên quan khác;
▪ Hợp đồng mẫu của mỗi doanh nghiệp được áp dụng thống nhất trong toàn quốc với tất cả các đại lý của doanh nghiệp mình. Nội dung của hợp đồng mẫu ngoài việc tuân theo các quy định chung về hợp đồng còn phải bao gồm các nội dung sau:
- Cam kết của đại lý về việc tuân thủ Quy chế quản lý đại lý Internet của doanh nghiệp;
- Cam kết của doanh nghiệp về việc trang bị, cài đặt, hướng dẫn sử dụng, xử lý sự cố và nâng cấp phần mềm quản lý đại lý đặt tại đại lý;
- Cam kết của đại lý về việc sử dụng phần mềm quản lý đại lý do doanh nghiệp trang bị và cài đặt cho đại lý;
- Quy định về trách nhiệm của mỗi bên (doanh nghiệp và đại lý) khi phần mềm quản lý đại lý có sự cố;
- Quy định về trách nhiệm và thời hạn thực hiện tập huấn giữa hai bên.
▪ Thời hạn để hoàn thành việc xây dựng Quy chế quản lý đại lý Internet và ban hành Mẫu hợp đồng đại lý Internet là ngày 15/1/2006
2. Về việc ký hợp đồng đại lý Internet quy định tại Khoản 1 Mục IV:
▪ Doanh nghiệp phải sớm rà soát lại danh sách các khách hàng trên từng địa bàn xác định những khách hàng đang kinh doanh dịch vụ Internet tại các điểm truy nhập Internet công cộng, hướng dẫn và yêu cầu những khách hàng chưa có hợp đồng đại lý phải ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp.
▪ Ký lại hợp đồng đại lý với các khách hàng đã có hợp đồng đại lý theo mẫu hợp đồng đại lý mới.
▪ Thời hạn hoàn thành việc ký và ký lại hợp đồng đại lý trên đây là trước ngày 30/3/2006.
3. Về chương trình và các trang thiết bị quản lý đại lý tập trung đặt tại doanh nghiệp và phần mềm quản lý đại lý đặt tại đại lý quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Mục IV:
▪ Mỗi doanh nghiệp phải triển khai thống nhất việc cài đặt Phần mềm quản lý đại lý đặt tại các đại lý cho tất cả các đại lý của doanh nghiệp mình.
▪ Phần mềm quản lý đại lý đặt tại đại lý phải đáp ứng được các quy định tại Điểm a, b, c Khoản 7, bao gồm:
- Quản lý, lưu trữ địa chỉ truy cập, loại hình dịch vụ và thời gian sử dụng dịch vụ của người sử dụng dịch vụ tại các đại lý ít nhất 30 ngày;
- Quản lý, lưu trữ tên và số chứng minh nhân dân, hộ chiếu đối với người nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị khác như thẻ nghiệp vụ, bằng lái xe, thẻ học sinh, thẻ sinh viên của người sử dụng dịch vụ tại các đại lý trong vòng 30 ngày.
- Ngăn chặn việc truy nhập đến các trang thông tin trên Internet bị cấm theo danh sách do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp cho doanh nghiệp và các đại lý Internet. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền bao gồm Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thông tin, sẽ quy định các trang thông tin trên Internet (trang Web) bị cấm và áp dụng thống nhất trên toàn quốc cho các doanh nghiệp và đại lý Internet. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ quy định cụ thể các trang thông tin nào phải chặn tại doanh nghiệp và những trang thông tin nào phải chặn tại các đại lý. Việc cập nhật các trang thông tin bị cấm tại các đại lý phải được thực hiện bởi các doanh nghiệp và tự động chuyển xuống cài đặt tại các đại lý.
▪ Chương trình và các trang thiết bị phầm mềm quản lý đại lý tập trung đặt tại doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Giao tiếp trực tuyến với Phần mềm quản lý đại lý đặt tại đại lý nhằm đảm bảo cập nhật liên tục, tức thì và lưu trữ trong thời hạn 30 ngày các thông tin về người sử dụng Internet quy định tại Điều a và b Khoản 7.
- Tự động cập nhật danh sách các trang thông tin bị cấm tại các đại lý theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
▪ Phần mềm quản lý đại lý tập trung đặt tại doanh nghiệp và phần mềm quản lý đại lý đặt tại đại lý của mỗi doanh nghiệp chỉ được triển khai áp dụng trong thực tế sau khi đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan thẩm định về mặt chức năng, tính khả thi và có văn bản cho phép triển khai áp dụng trong thực tế.
▪ Thời hạn hoàn thành việc xây dựng phầm mềm quản lý đại lý tập trung đặt tại doanh nghiệp và phầm mềm quản lý đại lý đặt tại đại lý của mỗi doanh nghiệp để trình lên Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định là ngày 30/4/2006. Trong vòng 2 tuần kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ tổ chức thẩm định và thông báo kết quả cho doanh nghiệp bằng văn bản.
▪ Các doanh nghiệp có trách nhiệm triển khai xong các phần mềm nói trên tại doanh nghiệp và tất cả các đại lý Internet của doanh nghiệp mình trước ngày 1/8/2006.
4. Về tập huấn cho các đại lý Internet quy định tại Khoản 8 Mục IV:
▪ Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng với các đại lý Internet, doanh nghiệp phải tổ chức tập huấn cho các đại lý về các nội dung cơ bản sau:
- Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet;
- Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT về quản lý đại lý Internet, tập trung vào các quy định về điều kiện hoạt động kinh doanh đại lý Internet (Mục II), quyền và nghĩa vụ của các đại lý trong quá trình kinh doanh đại lý (Mục III) và quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ Internet tại đại lý Internet (Mục V);
- Nội dung của Quy chế quản lý đại lý Internet;
- Các nội dung cơ bản, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của các bên, trong hợp đồng đại lý;
- Tính năng, cách sử dụng và quy trình xử lý khi có sự cố của phần mềm quản lý đại lý đặt tại các đại lý.
5. Về việc báo cáo và quy định tại Khoản 10 Mục IV:
▪ Báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông trước ngày 30/1/2006 về việc ban hành Quy chế quản lý đại lý Internet và ban hành Mẫu hợp đồng đại lý Internet.
▪ Báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông để thẩm định về phầm mềm quản lý đại lý tập trung đặt tại doanh nghiệp và phầm mềm quản lý đại lý đặt tại đại lý trước ngày 30/4/2006.
▪ Vào tuần đầu tiên của Tháng 7 và Tháng giêng hàng năm tổng hợp và gửi các báo cáo tình hình phát triển và hoạt động của các đại lý tính đến ngày 31/6 hoặc 31/12 về Bộ Bưu chính, Viễn thông (Vụ Viễn thông), Bộ Công an (Tổng cục An ninh) và Bộ Văn hóa Thông tin (Cục Báo chí) về:
- Danh sách, số lượng và tình hình phát triển các đại lý theo từng tỉnh/thành phố.
- Tiến độ và nội dung tập huấn cho các đại lý;
- Báo cáo tình hình hoạt động và tính hiệu quả của các chương trình phầm mềm quản lý đại lý tập trung đặt tại doanh nghiệp và phầm mềm quản lý đại lý đặt tại đại lý;
- Các kiến nghị và đề xuất (nếu có)
6. Quản lý các đối tượng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet tương tự như đại lý nhưng không thu cước của người sử dụng
Các quán cà phê, quán giải khát, khách sạn, nhà nghỉ, v.v… có cung cấp miễn cước dịch vụ Internet cho khách hàng của mình bằng phương thức vô tuyến hay hữu tuyến đều phải tuân thủ các quy định tại Mục III về “quyền và nghĩa vụ của đại lý Internet trong quá trình kinh doanh đại lý” của Thông tư 02. Doanh nghiệp thực hiện quản lý các đối tượng nêu trên đúng như đối với các đại lý có thu cước cho người sử dụng (ký hợp đồng, cài đặt chương trình phầm mềm quản lý đại lý, tập huấn, báo cáo). Nội dung của hợp đồng giữa doanh nghiệp với người đối tượng này phải đảm bảo tuân thủ các nội dung trong hợp đồng mẫu đối với đại lý quy định tại Mục 1 công văn này.
Trên đây là một số nội dung cụ thể hướng dẫn việc thi hành Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT về quản lý đại lý Internet, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet nghiêm chỉnh thực hiện.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT về quản lý đại lý Internet do Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Nghị định 55/2001/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet
- 3Quyết định 71/2004/QĐ-BCA(A11) về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Công văn số 2520/BBCVT-VT về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- Số hiệu: 2520/BBCVT-VT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 14/12/2005
- Nơi ban hành: Bộ Bưu chính, Viễn thông
- Người ký: Lê Thị Ngọc Mơ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/12/2005
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết