Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 2509/BYT-KCB
V/v cấp bách tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2009

HỎA TỐC

 

 

Kính gửi:

 

- Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế.
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Y tế các ngành.

 

Theo thông báo của Tổ chức y tế Thế giới dịch cúm lợn (swine influenza A (H1N1)) đã xuất hiện tại Mexico và Mỹ, tính đến ngày 27/4/2009 tại Mỹ đã phát hiện 40 trường hợp dương tính với cúm lợn A (H1N1); Tại Mexico đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp mắc bệnh, trong đó ở Thủ đô Mexico đã có hàng trăm người chết. Tổng giám đốc Tổ chức y tế Thế giới Margaret Chan nói rằng những diễn biến tại Mexico và Mỹ đã đặt cộng đồng quốc tế trước một tình trạng y tế khẩn cấp có quy mô toàn cầu. Cúm lợn là một bệnh hô hấp cấp tính ở lợn có tính lây truyền cao do một loại vi rút cúm A của lợn gây ra, con người thường nhiễm cúm lợn từ lợn bệnh, tuy nhiên ở một số trường hợp mắc bệnh không thấy có tiền sử tiếp xúc với lợn hoặc môi trường. Triệu chứng của cúm lợn thường biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, đau mình và mệt mỏi, một số người có thể bị đi ngoài phân lỏng, buồn nôn. Bệnh có thể từ mức độ nhẹ đến rất nặng, những trường hợp bị viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, hiện tại chưa có vắc xin vi rút cúm lợn A (H1N1). Theo thông tin từ Tổ chức y tế Thế giới, hiện dịch vẫn đang tiếp tục phát triển tại Mỹ, Mexico; theo nguồn tin từ Bộ Y tế các nước thì một số nước khác đã bắt đầu ghi nhận các trường hợp cúm lợn A (H1N1). Trong điều kiện giao lưu rộng rãi giữa các nước nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và lây lan là rất lớn.

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến đặc biệt phức tạp, có thể bùng phát thành đại dịch; Nhằm sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch bệnh, điều trị có hiệu quả, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn cấp triển khai thực hiện tốt một số nội dung cấp bách như sau:

1. Tăng cường cảnh giác đối với các trường hợp có triệu chứng cúm, đặc biệt chú ý đến những người mới đến từ các nước có dịch có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi, ... , phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ cúm. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ cúm phải tiến hành cách ly ngay và phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng địa phương lấy mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán vi rút theo quy định của Bộ Y tế.

2. Tổ chức triển khai và kiểm tra chặt chẽ công tác phát hiện, cấp cứu, thu dung điều trị, cách ly và chăm sóc người bệnh. Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát lây nhiễm và nghiêm túc thực hiện các quy chế chuyên môn như quy chế thường trực, cấp cứu, hội chẩn, chuyển viện, ... .

3. Rà soát cơ sở vật chất, khu vực cách ly, bảo đảm đầy đủ vật tư, hoá chất, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực bảo đảm sẵn sàng phòng chống dịch, tiếp nhận, cách ly điều trị bệnh nhân và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới .

4. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và y tế ngành:

- Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để kiện toàn và duy trì hoạt động Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, thành phố. Chú ý đến việc chỉ đạo và hỗ trợ công tác điều trị phòng chống dịch bệnh.

- Hoàn thiện kế hoạch điều trị chống dịch và có các phương án cụ thể để phân tuyến thu dung điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch bệnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chuẩn bị, tiếp nhận, cấp cứu, thu dung và điều trị cho bệnh nhân.

-Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

- Thành lập các đội thường trực cấp cứu cơ động để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu.

5. Tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

- Thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch bệnh của bệnh viện.

- Xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống dịch, có các phương án cụ thể để phục vụ bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch bệnh bùng phát.

- Chủ động và sẵn sàng về giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, …và bố trí nhân lực phù hợp để kịp thời tiếp nhận điều trị bệnh nhân, không để lây lan dịch và hỗ trợ tuyến dưới.

- Tổ chức tốt khu vực cách ly điều trị bệnh dịch, thực hiện nghiêm chỉnh các biện phápxử lý chất thải y tế và các biện pháp phòng bệnh.

6. Phối hợp với hệ thống y tế dự phòng và các cấp, các ngành có liên quan tăng cường giám sát dịch tễ, truyền thông giáo dục sức khoẻ để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp, không để bùng phát dịch.

Yêu cầu các đơn vị quyết liệt triển khai thực hiện để kịp thời đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, báo cáo tình hình bệnh nhân (nếu có) và kết quả triển khai thực hiện về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) 138A Giảng Võ- Ba Đình- Hà Nội; Điện thoại 04.62732273- 1703; Fax: 04.62732289 để xem xét giải quyết kịp thời./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2509/BYT-KCB về việc cấp bách tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 2509/BYT-KCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/04/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản