Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 2452/UBND-NC
Về tăng cường kiểm tra, thanh tra phòng, chống cháy nổ trong năm 2007

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 5 năm 2007

 

Kính gửi:

- Lãnh đạo các Sở - ngành thành phố;
- Lãnh đạo các Tổng Công ty, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện;
- Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố.

 

Năm 2007, theo dự báo chung của các ngành chức năng, lượng mưa sẽ ít và hạn hán sẽ xảy ra nhiều nơi, nguy cơ cháy nổ cũng diễn ra phức tạp trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Để chủ động phòng ngừa các nguy cơ trên, từ cuối năm 2006 đến tháng 3 năm 2007, Uỷ ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố tại Chỉ thị số 41/2006/CT-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2006 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Luật phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Công văn số 22/UBND-NC ngày 04 tháng 01 năm 2007 về tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy mùa khô năm 2006 - 2007 và Công văn số 845/UBND-NC ngày 08 tháng 02 năm 2007 về tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007. Tuy nhiên, sau Tết, tình hình cháy nổ đã hết sức phức tạp; trong 15 ngày đầu tháng 3 năm 2007 đã xảy ra 47 vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản nhân dân; những vụ điển hình như: Vào lúc 19g28’ ngày 03 tháng 3 năm 2007 cháy tại Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất Vĩnh Bình (quận 7), thiệt hại 100% nhà xưởng; lúc 00g25’ ngày 11 tháng 3 năm 2007 cháy nhà trọ số 66/6 đường Linh Trung, khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức gây chết 01 người; lúc 3g28’ ngày 12 tháng 3 năm 2007 cháy nổ nhà kho chứa 600 bình khí đốt hóa lỏng (gas) tại số 1A đường Nguyễn Oanh, phường 6, quận Gò Vấp thiệt hại 100% nhà kho; lúc 23g22’ ngày 11 tháng 3 năm 2007 cháy nổ tại quán ăn Duyên Hải, số 473-475 đường An Dương Vương, phường 13, quận 5 làm 09 người bị thương (bỏng)...

Để công tác phòng ngừa cháy nổ đạt hiệu quả trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu:

1. Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố tập trung tổ chức nhanh đợt thanh tra, kiểm tra về thi hành pháp luật phòng cháy chữa cháy đối với các sở - ngành, quận - huyện thuộc địa bàn trọng tâm, trọng điểm; việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố và hiệu quả thực hiện các văn bản này tại cơ sở; có mời đại diện sở - ngành chức năng liên quan tham gia đoàn thanh tra, phóng viên báo - đài theo dõi, đưa tin sát đúng và kịp thời kết quả công tác thanh tra để tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong xã hội. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp công tác phát hiện nhiều vụ vi phạm để xử lý nghiêm minh, phối hợp Công an thành phố truy cứu trách nhiệm hình sự một số vụ cháy nổ điển hình, nhằm tăng cường và hỗ trợ công tác tuyên truyền giáo dục công dân tuân thủ pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

2. Tăng cường biện pháp phòng cháy chữa cháy đối với khu vực dân cư:

1.1- Những điểm dân cư có nguy cơ cháy cao, Uỷ ban nhân dân phường - xã thị trấn có kế hoạch vận động và hỗ trợ chủ sở hữu tìm mọi biện pháp chỉnh trang bằng việc tôn hóa, ngói hóa, tường gạch hóa để tăng khả năng chịu lửa, tránh cháy lan ra diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng. Đối với những con hẻm, lối đi công cộng còn có các vật cản như: chậu cây kiểng, xe thô sơ, nơi buôn bán hoặc các vật dụng khác lấn chiếm... Uỷ ban nhân dân phường - xã chỉ đạo giải tỏa trắng, sau đó giao trách nhiệm cho Cảnh sát khu vực giám sát không để người dân lấn chiếm lại. Các vi phạm phải được xử lý kịp thời và triệt để.

2.2- Đối với những cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy cao và gây ô nhiễm môi trường thuộc diện phải di dời, đang còn xen kẽ trong khu vực dân cư, Uỷ ban nhân dân quận - huyện, phường - xã kiên quyết yêu cầu khẩn trương di dời ra khỏi khu vực dân cư, để ngăn ngừa tình trạng cháy cơ sở sản xuất lây lan sang khu dân cư như vụ cháy Công ty TNHH Vĩnh Bình, phường Tân Hưng, quận 7.

2.3- Thường xuyên chỉ đạo thực hiện Luật phòng cháy và chữa cháy, tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu phải quan tâm tổ chức phòng cháy chữa cháy trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình tại các cơ sở, khu dân cư; tăng cường thực tập bổ sung phương án chữa cháy tối ưu nhất, tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và trang bị phương tiện đáp ứng yêu cầu dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu, hạn chế số vụ và thiệt hại khi có cháy nổ xảy ra. Lưu ý và kiên quyết ngăn chặn tình trạng đốt rác, đốt cỏ khô gây cháy, cháy lan cháy lớn; đồng thời tổ chức quản lý tốt các nguồn nhiệt có thể phát sinh cháy, nhất là nguồn điện sinh hoạt: đun nấu, thờ cúng, ủi quần áo; nguồn lửa từ bếp gas...

2.4- Vận động nhiều nguồn kinh phí, ưu tiên trang bị cho mỗi phường - xã trọng điểm có từ 01 chiếc xe chữa cháy trở lên, loại nhỏ, cơ động, có thể hoạt động nhanh trên địa hình chật hẹp. Mỗi khu phố phải thành lập Đội dân phòng từ 12 đến 15 người trở lên hoạt động bán chuyên trách.

2.5- Các quận - huyện, sở - ngành, Ban quản lý các chợ - trung tâm thương mại - siêu thị, chung cư... cần xem xét việc thành lập Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và do người đứng đầu cơ quan, đơn vị làm trưởng ban; ở quận - huyện nên có công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, quân đội, các ngành chức năng tham gia, Phó trưởng Ban chỉ đạo trực là Giám đốc Trung tâm Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận - huyện. Ban chỉ đạo phải có chương trình, kế hoạch và kiểm điểm công tác hàng tháng, để chủ động quản lý chặt địa bàn, thực hiện phòng chống cháy nổ hiệu quả tại cơ sở. Đối với quận - huyện có rừng phải tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng song song với phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, vẫn chú ý vận dụng tốt phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ.

2.6- Đối với mỗi hộ gia đình cần động viên, khuyến khích chủ hộ, chủ nhà tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay và được cảnh sát khu vục hướng dẫn sử dụng thành thạo; thay thế ngay đường dây tải điện bị bong tróc, các dụng cụ điện, thiết bị tiêu thụ điện trong nhà không đảm bảo an toàn nhằm phòng ngừa không để xảy ra chạm chập điện gây cháy, nổ.

2.7- Uỷ ban nhân dân và công an phường - xã:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra các đại lý xăng - dầu, đại lý gas, các cơ sở sử dụng nhiều bình gas như nhà hàng, quán ăn; nhà ăn tập thể của cơ quan, trường học, doanh nghiệp, bệnh viện... nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi sang chiết nạp gas trái phép dưới mọi hình thức (thường là sạc gas từ bình lớn sang bình nhỏ). Đồng thời công bố đường dây (điện thoại) nóng và phát động nhân dân phát hiện, tố giác những cá nhân, tổ chức vi phạm để cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

- Quản lý những điểm tập kết thu mua phế liệu, tuyên truyền giáo dục, kiểm tra hướng dẫn an toàn phòng cháy chữa cháy, phát hiện những trái nổ - vật liệu nổ... được người dân thu mua, vận chuyển, buôn bán trái phép để xử lý theo đúng quy định.

- Kiên quyết giải tỏa trắng các chợ tự phát trong khu dân cư, không để tái lập gây cản trở xe chữa cháy lưu thông, hoạt động chữa cháy - cứu nạn khi có cháy nổ xảy ra.

3. Thủ trưởng các ngành chức năng quản lý và kinh doanh hệ thống truyền tải điện, hệ thống thông tin hữu tuyến, cáp truyền hình, cáp internet... phải tổng kiểm tra, lập danh sách cụ thể ghi rõ mạng nào, tại đâu phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nâng cao độ tĩnh không hơn 4,5 mét để chỉ đạo thực hiện khẩn trương, tạo thuận lợi cho xe chữa cháy đi qua khi cần thiết.

4. Công ty Điện lực thành phố sớm hoàn thiện Cẩm nang an toàn sử dụng điện sau đồng hồ và in - ấn, phát hành đến từng tổ dân phố, các cơ sở sử dụng điện và từng hộ gia đình để khách hàng thực hiện; đồng thời tổ chức kiểm tra các trạm biến áp, dây dẫn, cáp dẫn trên đường, khắc phục sự cố, tránh chạm chập điện gây ra cháy nổ; nhanh chóng cúp điện khu vực có sự cố cháy nổ, tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy thi hành nhiệm vụ hiệu quả, an toàn.

5. Sở Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố bố trí cụ thể chương trình, nội dung, hình thức, thời lượng phát sóng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật phòng cháy chữa cháy; kết hợp biểu dương những điển hình tiên tiến, gương mẫu và phê phán những cá nhân, tổ chức chưa làm tốt về công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng thành phố tăng cường chỉ đạo các chủ rừng tổ chức tốt công tác phòng cháy chữa cháy tại chỗ, đặt biển cảnh báo nguy hiểm cháy, tạo ranh ngăn lửa, thu dọn lá khô... nhằm chống cháy lan trên diện rộng. Đồng thời chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra an toàn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về phòng chống cháy rừng.

7. Sở Thương mại thành phố, Uỷ ban nhân dân quận - huyện chỉ đạo các chợ - Trung tâm thương mại - siêu thị thường xuyên kiểm tra, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, đảm bảo khoảng cách an toàn và lối thoát nạn cần thiết để sơ tán hàng hóa, di tản khách hàng; đặc biệt quan tâm đến an toàn hệ thống điện chung và trong các quầy - sạp kinh doanh, yêu cầu khắc phục,  sửa chữa ngay hệ thống điện chưa đảm bảo an toàn.

8. Sở Xây dựng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy các chung cư, nhà cao tầng và yêu cầu các cá nhân, tổ chức quản lý có biện pháp khắc phục những thiếu sót, tăng cường các biện pháp phòng ngừa để củng cố an toàn phòng cháy chữa cháy ở những nơi này.

9. Tổng Công ty Cấp nước Sài gòn phối hợp Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tiến hành bàn giao các trụ nước chữa cháy vừa lắp đặt xong để đưa vào quản lý sử dụng; thông báo cho Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy lịch cúp nước khu vực và đảm bảo tăng áp lực nước đường ống cấp nước chữa cháy khi có yêu cầu Có kế hoạch cụ thể để lắp đặt hoàn chỉnh 800 trụ nước chữa cháy trong năm 2007, chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân quận - huyện xác định vị trí xây dựng bến, bãi lấy nước chữa cháy trên các tuyến đường ven kênh, rạch.

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy kiểm tra, quản lý các doanh nghiệp sau khi cấp phép kinh doanh - đầu tư, nếu phát hiện vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy phải xử lý kịp thời, trường hợp nghiêm trọng phải xử lý nặng, kể  cả việc rút giấy phép hoạt động.

11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường quản lý các loại bình chịu áp lực theo quy định, qua đó kiểm tra phát hiện việc sử dụng các loại bình chịu áp lực đã quá hạn sử dụng, nhất là bình chứa khí đốt hóa lỏng sử dụng cho bếp gas tại các nhà hàng, khách sạn... Nghiên cứu đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không cho nhập các loại bình chứa gas nhỏ bằng sắt (sử dụng một lần).

12. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố chủ động phối hợp Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tổ chức kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm pháp luật phòng cháy chữa cháy, quan tâm xây dựng và sử dụng tốt lực lượng chữa cháy tại chỗ, tăng cường khả năng bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại cơ sở, kho tàng, liên tục 24/24 giờ trong ngày, cả ngày làm việc và ngày nghỉ.

Giao Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các sở - ngành, Uỷ ban nhân dân các quận huyện; cơ quan, đơn vị, cơ sở và báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân thành phố./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2452/UBND-NC về tăng cường kiểm tra, thanh tra phòng, chống cháy nổ trong năm 2007 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2452/UBND-NC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/05/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản