Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2443/TM-CATBD
V/v báo cáo tình hình hợp tác thương mại Việt Nam - Mianma

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2004

 

Kính gửi: Bộ Ngoại giao

Phúc công văn số 1520-CV/NG-CA2 ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Ngoại giao về việc chuẩn bị đón Thủ tướng Mianma sang thăm Việt Nam, Bộ Thương mại gửi quý Bộ báo cáo về tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mianma và đề xuất một số đề xuất nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

I. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ ĐẶC ĐIỂM THỊ TRƯỜNG MIANMA NĂM 2003 VÀ ĐẦU NĂM 2004.

- Năm 2003, Mỹ và phương tây tiếp tục gia hạn trừng phạt kinh tế, ngoại giao Mianma thêm 1 năm. Các tài khoản bằng đồng đô la Mỹ của Mianma tiếp tục bị đóng băng và tình hình tài chính bị thâm hụt nặng nề, khả năng thanh toán quốc tế rất hạn chế. Mianma có chỉ thị nội bộ cho các ngân hàng không sử dụng USD trong thanh toán quốc tế mà thay vào đó là đồng Yên Nhật, Dollar Singapore hoặc EURO.

- Để tiếp tục củng cố và giữ vững vị thế của chính quyền quân sự đã có một số động thái tích cực mới  như cải tổ nội các, bổ xung và thay thế gần 30% lực lượng nhân sự thuộc các vị trí trọng yếu; Đưa ra lộ trình 7 điểm về dân chủ hoá đất nước (nhưng không ấn định thời gian hoàn thành của từng giai đoạn và cũng không ấn định thời hạn hoàn thành toàn bộ lộ trình dân chủ hoá).

- Giảm thiểu kiểm soát và đánh thuế hàng xuất nhập khẩu biên mậu với các nước có chung đường biên giới là Trung Quốc, ấn Độ, Thái Lan, Lào và Băngladesh nhằm khắc phục phần nào những khó khăn do tình hình cấm vận kinh tế. Mianma chủ trương tạo mọi điều kiện thông thương buôn bán trao đổi thông qua đường biên giới với các nước láng giềng đồng thời vẫn theo đuổi chính sách độc lập, tự chủ cho nên vẫn cảnh giác với Trung Quốc, Thái Lan và hai nước có chung biên giới và có tiềm lực kinh tế có thể gây ảnh hưởng lớn, do vậy Mianma muốn tăng thêm nguồn hàng cung cấp từ ấn Độ và Việt Nam.

- Về kinh tế các doanh nghiệp tư nhân được phép xuất nhập khẩu các hàng hoá không thuộc danh mục nhà nước quản lý như: Gỗ teck tròn, ngọc, đá quý, xăng dầu, máy móc thiết bị lớn, phương tiện giao thông, thiết bị bưu chính viễn thông, các hàng phục vụ an ninh quốc phòng. Nhà nước duy trì cơ chế rất chặt chẽ trong cấp giấy phép kinh doanh và cấp giấy phép XNK chuyến, giấy phép XNK chuyên ngành.

- Để có thể nhập khẩu được thì doanh nghiệp Mianma phải xin được giấy phép nhập khẩu của Chính phủ. Muốn xin được giấy phép nhập thì doanh nghiệp Mianma phải là đơn vị có số dư tài khoản ngoại tệ và chỉ được nhập tối đa 80% của số dư ngoại tệ đó. Ngoài ra, nhà nước còn quy định một danh mục mặt hàng xa xỉ và cấm nhập khẩu và danh mục mặt hàng do Hội đồng Thương mại Nhà nước cấp phép nhập khẩu.

- Cấm các ngân hàng tư nhân kinh doanh ngoại tệ và tất cả các ngân hàng (kể cả công và tư) không được phép cấp tín dụng nhập khẩu dưới bất kỳ hình thức nào.

- Là thị trường chủ yếu tự cung tự cấp, xuất nguyên liệu (gỗ, ngọc, tôm cá, rau quả...) nhập hàng thiết yếu tiêu dùng và hàng công nghiệp (hầu hết hiện nay là nhập qua con đường biên mậu). Nhà nước vẫn bao cấp một số mặt hàng chính và thực hiện qua chế độ tem, phiếu. Hàng tháng vẫn bán cung cấp định lượng bằng tem, phiếu cho công chức và nhân dân: Xăng dầu, gạo, dầu ăn, đường...

II. TÌNH HÌNH HỢP TÁC THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM VÀ MIANMA

- Năm 2003, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Mianma đã đạt 30,8 triệu USD tăng 2,7 lần so với cả năm 2002, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mianma đạt gần 13 triệu USD tăng 186%, nhập khẩu đạt 18 triệu tăng gần 300% so với năm 2002.

- 3 tháng đầu năm 2004, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,36 triệu USD, tăng 230% so cùng kỳ năm 2003, trong đó Việt Nam xuất khẩu 3,12 triệu USD, tăng % 160%, nhập khẩu 4,24 triệu USD, tăng 360% so cùng kỳ năm 2003.

- Số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mianma trong các năm qua cho ta thấy rõ những cố gắng của các doanh nghiệp, Chính phủ và Bộ Thương mại hai nước đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại của Mianma đang gặp rất nhiều khó khăn - kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Mianma vẫn tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp Việt Nam rất năng động và đã tìm được hướng đi vào thị trường này. Một số mặt hàng như “Mỹ phẩm Sài Gòn”, bóng đèn Điện Quang và thuốc tân dược, phân bón, sản phẩm nhựa, máy nông nghiệp, thực phẩm chế biến... dẫn dần thâm nhập tốt thị trường, ngày càng tạo dựng uy tín, chất lượng, giá cả phù hợp với thị trường Mianma.

- Trong năm qua, hai bên thường xuyên có những cuộc gặp gỡ trao đổi cấp cao nhằm tháo gỡ những khó khăn và bàn biện pháp thúc đẩy hợp tác, ví dụ như cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Bộ Thương mại hồi đầu năm 2003 tại Hà Nội, phiên họp kỳ 1 và kỳ  2 Uỷ ban hỗn hợp thương mại giữa hai nước luân phiên vào tháng 10 năm 2002 và tháng 12 năm 2003 tại Hà Nội và Yangon.

- Năm 2002 và 2003, Bộ Thương mại đã tổ chức thành công triển lãm hàng Việt Nam tại Yangoon (lần thứ nhất và thứ hai) và đưa triển lãm là một trong những chương trình trọng điểm quốc gia. Thông qua triển lãm này, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã trở nên quen thuộc và tạo được uy tín đối với người tiêu dùng Mianma, các doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập được quan hệ đại lý phân phối, nhập khẩu hàng tuy số lượng chưa lớn như: Phần NPK, sắt thép, vải, máy móc thiết bị, tân dược, nguyên phụ liệu, dệt may... Chương trình này tiếp tục được thực hiện trong năm 2004 và những năm tiếp theo.

- Năm 2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại hai nước đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lên còn số 50 triệu USD (2003 hai nước đã phấn đấu vượt chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu 30 triệu do Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thống tướng Than Shwe đã đề ra cho đến năm 2005). Tiếp tục tăng cường hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa cho những mặt hàng đã có kim ngạch phát triển mạnh trong thời gian qua. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khác cố gắng tìm phương thức thanh toán phù hợp với quan hệ thương mại giữa hai nước trong hoàn cảnh hiện tại để tăng kim ngạch XNK giữa hai nước cũng như đưa dự án làm đường nối hai quốc gia trở thành hiện thực.

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỚI MIANMA NHẰM TĂNG KIM NGẠCH THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG.

1. Kiến nghị phía Mianma tạo điều kiện thuận lợi trong cấp giấy phép nhập khẩu hàng từ Việt Nam (kể cả qua nước thứ ba), ví dụ 1 lô hàng nhập khẩu không phải xin nhiều giấy phép mà chỉ cần 1 giấy phép, cấp đủ giá trị, số lượng (hiện nay phổ biến là chỉ cấp cho 1 nửa hoặc 1/3 giá trị đơn hàng nhập khẩu); xét duyệt giấy phép nhanh (do quy định mới về xét duyệt giấy phép thời gian được duyệt có thể bị kéo dài 3 tháng);

2. Tăng hạn ngạch nhập hàng từ Việt Nam

3. Đề nghị phía Mianma tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ của Mianma. (Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu gỗ từ Mianma, tuy nhiên hiện nay cũng gặp một số khó khăn)

4. Đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thiết lập quan hệ đại lý, lập văn phòng đại diện nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước thanh toán tiền hàng. (Hiện nay các ngân hàng thương mại Việt Nam mới có quan hệ đại lý với 2 ngân hàng nội địa của Mianma, chủ yếu là phục vụ quan hệ thanh toán của một số doanh nghiệp hai nước, chưa có quan hệ tín dụng. Do chịu ảnh hưởng của sắc lệnh ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Tổng thống Mỹ về phong toả tài sản của Chính phủ Mianma và cấm một số giao dịch, các giao dịch thanh toán với doanh nghiệp Mianma chủ yếu thông qua ngân hàng nước thứ ba, nhưng số lượng rất ít; chưa có ngân hàng thương mại nào của Mianma đặt văn phòng đại diện hay mở chi nhánh tại Việt Nam).

5. Ta hoan nghênh Mianma vừa qua đã tạo thuận lợi cho các công ty dược Việt Nam đăng ký lưu hành thuốc và đề nghị Bạn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất và lưu hành thuốc tân dược trên thị trường Mianma.

6. Đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ hoạt động trao đổi thông tin trong khuôn khổ Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại, ví dụ như thông báo cho nhau những thay đổi về chính sách thương mại và những luật lệ liên quan đến thương mại nhằm phổ biến tới các doanh nghiệp qua đó tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường làm ăn với nhau.

7. Hai bên tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp xúc với nhau. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường cung cấp tin về nhu cầu nhập khẩu của nhau cho các doanh nghiệp và hỗ trợ giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp hai nước. Đề nghị phía Mianma tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mianma tham dự hội chợ, triển lãm tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm và quảng bá sản phẩm tại Mianma.

8. Đề nghị hai bên chọn đầu mối có năng lực tài chính mạnh để nhập khẩu hàng công nghiệp Việt Nam, ta lấy lại bằng hàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước vừa thúc đẩy xuất khẩu của ta vừa tránh được những rủi ro trong khâu thanh toán do chính sách cấm vận của Mỹ và Phương Tây đối với Mianma. Triển khai thí điểm trao đổi thương mại (Account Trade) đã được hai bên đề cập đến trong kỳ họp lần thứ hai Uỷ ban hỗn hợp Thương mại giữa hai nước.

9. Đề nghị phía Mianma tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mianma. Phía Việt Nam sẽ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tăng tường đầu tư vào Mianma, ví dụ như trong lĩnh vực dược phẩm, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm và thuỷ Hải sản...

10. Nếu phía Mianma nhắc lại đề xuất của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mianma tại phiên họp lần thứ hai Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam - Mianma thiết lập tuyến đường bộ nối Mianma với Việt Nam (tại cửa khẩu Tây Trang) thông qua Lào, ta nêu ý kiến như sau: “Phía Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Mianma (Bộ trưởng Thương mại Mianma). Việc này cần được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của phía Lào. Việt Nam (Bộ GTVT) đã trao đổi với phía Lào (Bộ GT Công chính) và sau khi nhận được ý kiến chính thức của phía Lào, Việt Nam sẽ trao đổi cụ thể với Mianma”.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Trần Đức Minh