Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2255/TCT-CS | Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2008 |
Kính gửi: Cục Thuế TP. Hà Nội.
Trả lời công văn số 5883/CT-KTrT4 ngày 15/5/2008 của Cục Thuế TP.Hà Nội về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân mua hàng làm mất hóa đơn liên 2 đã sử dụng, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Tại khoản 2, Điều 16 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ quy định về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn quy định: “Phạt tiền 200.000 đồng đối với hành vi làm mất các liên khác và liên 2 của mỗi số hóa đơn đã sử dụng”.
Tại tiết b, điểm 1.7, mục VI, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ quy định về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn quy định: “Tổ chức, cá nhân mua hàng làm mất hóa đơn mua hàng bản gốc (liên 2) do hoàn cảnh khách quan… Khi tiếp nhận hồ sơ mất hóa đơn mua hàng, cơ quan thuế phải thực hiện thông báo số hóa đơn mua hàng không còn giá trị sử dụng và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi làm mất hóa đơn”
Trong hợp tổ chức, cá nhân mua hàng làm mất hóa đơn mua hàng bản gốc (liên 2) thì bị cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 16 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP nêu trên.
Nghị định số 89/2002/NĐ-CP và Thông tư số 120/2002/TT-BTC quy định về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ trong việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn. Việc các đơn vị mua hàng dùng hóa đơn để khấu trừ thuế, tính vào chi phí hoặc thanh toán vốn NSNN là một trong những hình thức sử dụng hóa đơn. Vì vậy, Nghị định số 89/2002/NĐ-CP vẫn có hiệu lực điều chỉnh.
2. Tại khoản 1, Điều 10 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện; đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, xây dựng, môi trường, an toàn và kiểm soát bức xạ, nhà ở, đất đai, đê điều, xuất bản, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh hoặc vi phạm hành chính là hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả thì thời hiệu là hai năm …”
Tại tiết c, khoản 2, Điều 11 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP nêu trên quy định: “Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn….
c) Phải báo cáo ngay bằng văn bản với cơ quan nơi cung cấp hoặc đăng ký sử dụng hóa đơn về việc mất hóa đơn.”
Căn cứ quy định nêu trên thì tổ chức, cá nhân làm mất hóa đơn phải báo cáo ngay bằng văn bản với cơ quan thuế để có căn cứ xử phạt vi phạm hành chính và thông báo rộng rãi tránh lợi dụng. Vì vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm mất hóa đơn là 2 năm tính từ thời điểm làm mất hóa đơn.
Trường hợp mất hóa đơn nhưng không báo cáo để xử lý ngay được xem như là cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt. Do đó, trường hợp này áp dụng thời hiệu theo khoản 3, Điều 10 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế được biết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 2Nghị định 89/2002/NĐ-CP quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn
- 3Thông tư 120/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 89/2002/NĐ-CP về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn do Bộ Tài Chính ban hành
- 4Công văn 2819/TCT-CS năm 2013 xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn do Tổng cục Thuế ban hành
- 5Công văn 4288/TCT-CS năm 2015 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm mất hóa đơn do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn số 2255/TCT-CS về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân mua hàng làm mất hóa đơn liên 2 đã sử dụng do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 2255/TCT-CS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 13/06/2008
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Phạm Duy Khương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra