Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1962 TM/XNK
V/v báo cáo tình hình chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất một số mặt hàng đã qua sử dụng và thuốc lá điếu 555

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2004

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Căn cứ Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ “quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xuất nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài” và Quyết định số 1311/1998/QĐ-BTM ngày 31 tháng 10 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Thương mại Ban hành Quy chế kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu và Quy chế kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất;

Theo đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thương mại đã cho phép một số doanh nghiệp được kinh doanh chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất một số hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu của n nhưng không bị cấm theo Luật pháp quốc tế.

Từ năm 2001 trở về trước việc kinh doanh TNTX-CK chỉ tập trung vào 2 mặt hàng thuốc lá điếu và ô tô du lịch (mới và đã qua sử dụng). Từ cuối năm 2002 đến nay Bộ Thương mại cho phép kinh doanh thí điểm thêm 1 số mặt hàng đã qua sử dụng gồm phụ tùng ô tô, hàng điện tử điện lạnh điện gia dụng, quần áo. Hiện nay hoạt động này không rầm rộ như thời kỳ trước (khi ta TNTX hàng chục vạn ô tô sang Trung Quốc mỗi năm) nhưng vẫn là một hoạt động kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu đóng góp cho ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho 2 địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh.

Năm 2003, 6 doanh nghiệp kinh doanh chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất các mặt hàng trên đạt kim ngạch khoản 163 triệu USD: trong đó 2 doanh nghiệp Hải Phòng đạt 46 triệu USD, 4 doanh nghiệp Quảng Ninh đạt 117 triệu USD. Lợi nhuận các doanh nghiệp thu được ước khoản 1,3 triệu USD (tương đương 21 tỷ VNĐ). Tổng nộp ngân sách ước khoản 11 tỷ VNĐ.

Về quản lý Bộ Thương mại đã phối hợp với các ngành Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường quản lý chặt chẽ và hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu các mặt hàng này đã đi dần vào nề nếp. Những vụ vi phạm phải xử lý hành chính giảm dần, những vụ buôn lậu gián tiếp liên quan đến việc kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu các mặt hàng chỉ xuất hiện lẻ tẻ dưới hình thức tầu thuyền Việt Nam sang Trung Quốc chở lậu về (theo áo cáo của Ban 127 TW thì năm 2003 Bộ đội biên phòng bắt được 18 tầu thuyền Việt Nam chở hàng lậu từ Trung Quốc về trong đó 1 số tầu có chở hàng điện tử, phụ tùng ô tô đã qua sử dụng và Ban 127 TW cũng chưa có cơ sở để xác định nguồn gốc số hàng đã qua sử dụng nói trên có phải là hàng hoá đã tạm nhập tái xuất qua Việt Nam hay là hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu từ các thị trường khác).

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Ninh trên vùng biển thuộc tỉnh quản lý việc buôn lậu tuy đã được hạn chế nhưng vẫn còn, hình thức buôn lậu ngày một phức tạp, địa điểm buôn lậu lại xảy ra trên tuyến đường biển xa, khó kiểm soát. Vì vậy ngày 16 tháng 2 năm 2004 UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 231/UB gửi Bộ Thương mại để nghị không cấp giấy phép chuyển khẩu một số mặt hàng đã qua sử dụng và thuốc lá điếu 555.

Sau khi nhận được đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thương mại đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu một số mặt hàng nêu trên của một số doanh nghiệp được Bộ Thương mại cấp giấy phép và làm việc với UBND thành phố Hải PHòng và UBND tỉnh Quảng Ninh vào các ngày 18 - 20/3/2004. Say đây Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ý kiến của UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh.

- Ý kiến của UBND thành phố Hải Phòng: Đây là một loại hình kinh doanh có hiệu quả và phù hợp với tập quán quốc tế; Không loại trừ khả năng có hàng tạm nhập tái xuất quay trở tại Việt Nam, nhưng đề nghị làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp được phép kinh doanh TNTX-CK các mặt hàng này và trách nhiệm của các cơ quan chống buôn lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Nếu các doanh nghiệp kinh doanh TNTX-CK các mặt hàng này trực tiếp buôn lậu hoặc thông đồng với các đối tượng buôn lậu thì cần xử lý nghiêm khác cả bằng các quy định pháp luật lẫn việc xử lý hành chính rút giấy phép của Bộ Thương mại. Còn nếu chỉ thuần tuý là việc các đối tượng, buôn lậu sang Trung Quốc mua hàng đưa lậu về nước thì phải tăng cường chống buôn lậu và xử lý nghiêm khắc theo pháp luật. Không vì có người buôn lậu vào nước ta mà dẫn đến việc cấm kinh doanh TNTX-CK là việc làm đúng pháp luật.

Vì vậy UBND thành phố Hải Phòng đề nghị Bộ Thương mại báo cáo Chính phủ cho phép mở rộng loại hình kinh doanh này; hiện nay Hải Phòng chỉ mới có 2 doanh nghiệp được điều kiện là quá ít.

- Ý kiến của UBND tỉnh Quảng Ninh: việc kinh doanh tuy có lợi, nhưng lợi bất cập hại. Việc thẩm lậu hàng cấm nhập khẩu vào trong nước gây khó khăn cho công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: Nhất là hoạt động buôn lậu lại xảy ra trên tuyến đường biển xa các lực lượng của ta chưa có đủ phương tiện để kiểm soát. Vì vậy UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị tạm ngừng thực hiện dịch vụ chuyển khẩu một số mặt hàng đã qua sử dụng như: ti vi, đầu câm, đầu CD-VCD-DVD, radio casset, quần áo các loại, phụ tùng ô tô và thuốc lá điếu 555.

Căn cứ ý kiến của UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh Bộ Thương mại có ý kiến như sau:

1. Việc kinh doanh tạm nhập tái xuất - chuyển khẩu kể cả đối với các mặt hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam nhưng không bị cấm theo Luật pháp quốc tế nếu được Bộ Thương mại cho phép là một hình thức kinh doanh thương mại theo luật quốc tế và phù hợp với định hướng phát triển xuất khẩu cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường thương mại dịch vụ của nước ta. Đây là loại hình kinh doanh cần được khuyến khích theo tinh thần luật doanh nghiệp.

2. Các mặt hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam cũng là những mặt hàng nhậy cảm, rất dễ bị lợi dụng để buôn lậu vào nước ta. Vì vậy việc cho phép kinh doanh tạm nhập tái xuất - chuyển khẩu các mặt hàng này phải đi kèm với các biện pháp tăng cường kiểm soát chống buôn lậu; đặc biệt là ở vùng biển Quảng Ninh, nơi đang được hưởng các ưu đãi thủ tục thông thoáng theo Quy chế Khu kinh tế cửa khẩu ban hành kèm theo Quyết định 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Xét những khó khăn, bất cập trong việc kiểm soát tình hình buôn lậu trên vùng biển Quảng Ninh, Bộ Thương mại cho rừng cần có thời gian củng cố lực lượng chống buôn lậu (cả về người và phương tiện) nhằm đảm bảo đủ sức đảm đương nhiệm vụ phức tạp. Vì vậy sau khi thống nhất với UBND tỉnh Quảng Ninh và theo thẩm quyền của mình Bộ Thương mại đã có công văn số 1802/TM-XNK ngày 13 tháng 4 năm 2004 gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hải Phòng thông báo tạm ngừng việc cấp giấy phép tạm nhập tái xuất - chuyển khẩu các mặt hàng đã qua sử dụng là ti vi, đầu câm, đầu CD-VCD-DVD, radio casset, quận áo các loại, phụ tùng ô tô và thuốc lá điếu 555 qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Bộ Thương mại xin kính gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Mai Văn Dâu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 1962 TM/XNK ngày 19/04/2004 của Bộ Thương mại về việc báo cáo tình hình chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất một số mặt hàng đã qua sử dụng và thuốc lá điếu 555

  • Số hiệu: 1962TM/XNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/04/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Mai Văn Dâu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản