Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1939/BTP-BTTP
V/v một số nội dung liên quan đến công chứng

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2009

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong thời gian qua, Luật công chứng (có hiệu lực từ ngày 01/7/2007) đã được các địa phương tích cực triển khai thực hiện và đã dần đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp nhận được ý kiến của một số địa phương phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật công chứng. Để thống nhất một số nội dung liên quan đến công chứng trong quá trình triển khai thực hiện Luật công chứng và giúp Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng theo tinh thần Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Về cách hiểu cụm từ "công chứng nhà nước" trong Luật đất đai 2003

Thời gian qua, một số địa phương phản ánh về Bộ Tư pháp : do có cụm từ "công chứng nhà nước" trong Luật đất đai 2003 (từ Điều 126 đến Điều 131) quy định về việc hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của "công chứng nhà nước" hoặc lựa chọn "công chứng nhà nước", vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Luật công chứng, một số cá nhân, tổ chức cho rằng: chỉ có Phòng công chứng mới có thẩm quyền chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, còn Văn phòng công chứng không có thẩm quyền này, do đó một số cơ quan, tổ chức đã không công nhận hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của Văn phòng công chứng chứng nhận.Về vấn đề này, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

 Bộ luật Dân sự năm 1995 và Luật đất đai 2003 có một số điều liên quan đến công chứng có cụm từ "công chứng nhà nước". Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2005, Luật công chứng 2006 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác đều thống nhất chỉ sử dụng cụm từ "công chứng" khi quy định về các nội dung liên quan đến công chứng.

Khoản 3 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định: " trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau".

Luật công chứng 2006 tại Điều 23 quy định hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Tại các Điều 2, Điều 6, Điều 22 v.v... quy định về: thẩm quyền chứng nhận hợp đồng, giao dịch; giá trị pháp lý của văn bản công chứng; trách nhiệm của công chứng viên v.v...của Phòng công chứng và Văn phòng công chứng là giống nhau. Phòng công chứng và Văn phòng công chứng chỉ là hình thức tổ chức hành nghề công chứng.

Căn cứ các quy định nêu trên, thì Phòng công chứng và Văn phòng công chứng đều có thẩm quyền chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất theo quy định. Các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất do công chứng viên của Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nhận đều có giá trị pháp lý như nhau theo quy định của Luật công chứng.

2. Về việc từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng

Thực hiện điểm 8 Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa chuyển giao, thì Sở Tư pháp cần tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc ban hành Quyết định chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo đúng tinh thần điểm 8 Thông tư 03/2008/TT-BTP để tăng cường đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để xem xét giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW để thực hiện;
- Vụ HCTP (để thực hiện);
- Lưu: VT; Vụ BTTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Chính

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 1939/BTP-BTTP về việc một số nội dung liên quan đến công chứng do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 1939/BTP-BTTP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/06/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Đức Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản