Hệ thống pháp luật

TỔ CÔNG TÁC CHUYÊN TRÁCH
CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 166/CCTTHC
V/v hướng dẫn thực hiện Kế hoạch truyền thông

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2009

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các cơ quan: Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

 

Kế hoạch truyền thông đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 (Đề án 30) được phê duyệt tại Quyết định số 632/QĐ-VPCP ngày 29/5/2009 với mục tiêu cùng “chung tay cải cách thủ tục hành chính” nhằm tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận và thúc đẩy tinh thần quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện Đề án. Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tập trung tổ chức triển khai các hoạt động sau:

1. Về hoạt động tuyên truyền

a) Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của đề án 30

- Nêu bật sự chung tay, hợp sức trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án 30 tại các bộ, ngành, địa phương để cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và kiều bào ta ở nước ngoài hiểu rõ hơn về mục tiêu, ý nghĩa của Đề án 30 khi Đề án được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.

- Nhấn mạnh sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với những cam kết về việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần phòng chống tham nhũng và lãng phí, thực hành tiết kiệm thông qua việc đơn giản hóa và minh bạch hóa và loại bớt các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội về Đề án 30, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong xã hội, thúc đẩy quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương cùng nhau khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Đề án 30. Chú trọng phát hiện, giới thiệu rộng rãi về kinh nghiệm tốt, cách làm hay, những điển hình tiên tiến, đồng thời phê phán những biểu hiện trì trệ trong việc thực hiện Đề án 30.

b) Tuyên truyền về cách thức triển khai đề án 30

Cách làm mới của đề án 30 là triển khai tổng thể, đồng bộ từ trung ương đến địa phương qua ba giai đoạn: thống kê, rà soát và thực thi các kiến nghị thông qua các biểu mẫu thống kê và rà soát thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin và huy động sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình thực hiện đề án.

88 Tổ công tác hoạt động chuyên trách đã được thành lập ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện đề án trong phạm vi toàn quốc, hoạt động chuyên trách và đặt dưới dự chỉ đạo điều hành trực tiếp của người đứng đầu các cơ quan hành chính.

Việc thực hiện đề án này đòi hỏi quyết tâm chính trị của người đứng đầu các cơ quan hành chính từ trung ương tới địa phương, sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; cũng như việc gắn kết chặt chẽ giữa kết quả thực hiện đề án 30 với công tác thi đua khen thưởng, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ.

c) Tuyên truyền về lợi ích, kết quả của đề án 30.

Kết quả, lợi ích khi thực hiện đề án 30 tại các bộ, ngành, địa phương cần được truyền tải rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm củng cố niềm tin cho những người còn hoài nghi về quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính để họ tham gia tích cực hơn nữa. Cụ thể là:

- Bảo đảm công khai minh bạch thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thủ tục và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước và của người thực thi công vụ.

- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, giảm chi phí cho xã hội.

- Trực tiếp giải quyết những vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính theo hướng có hệ thống và triệt để.

- Nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính trong phục vụ nhân dân.

2. Về thời gian, cách thức thực hiện

Kế hoạch truyền thông sẽ được triển khai từ nay đến khi kết thúc đề án 30. Với phương châm đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận, Tổ công tác các bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương tiến hành các hoạt động sau:

- Thống nhất sử dụng khẩu hiệu truyền thông của đề án 30 là “Chung tay cải cách thủ tục hành chính”, biểu trưng của đề án 30 và các ứng dụng truyền thông (như pa-nô, áp phích, băng-rôn có biểu trưng và khẩu hiệu tuyên truyền về đề án 30) trong các hoạt động truyền thông về đề án 30 và ở những nơi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Các ứng dụng này sẽ được đăng tải với thông tin và kích thước cụ thể để cùng sử dụng thống nhất trong cả nước trên trang thông tin điện tử của Tổ công tác chuyên trách: www.thutuchanhchinh.vn, mục hỗ trợ triển khai.

- Đặt biểu trưng đề án 30 trên trang chủ của bộ, ngành, địa phương theo banner ngang hoặc dọc để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

- Tổ chức tuyên truyền trong nội bộ cơ quan, các đơn vị, đơn vị sự nghiệp bằng văn bản hướng dẫn hoặc thông qua tập huấn để mỗi cán bộ, công chức đều hiểu được tầm quan trọng của đề án qua đó góp sức vào quá trình triển khai các giai đoạn của đề án. Đề xuất đưa nội dung cải cách thủ tục hành chính vào các buổi giao ban ở các đơn vị.

- Phối hợp với các khối đoàn thể (Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh …) tổ chức tuyên truyền về đề án 30 qua các sự kiện như công bố bộ thủ tục hành chính chung cấp bộ, cấp tỉnh (tháng 8/2009), lễ ra mắt cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại trang điện tử www.thutuchanhchinh.vn (tháng 9/2009), hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyên đề và tọa đàm. Kết hợp tổ chức vinh danh các đơn vị, cá nhân điển hình về cải cách thủ tục hành chính.

- Tổ chức lễ công bố bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của bộ, ngành; bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành; bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp huyện, cấp xã trang trọng, thiết thực có sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương để đưa tin. Tại buổi lễ công bố này, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc các cơ quan: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quán triệt việc thực hiện giai đoạn rà soát thủ tục hành chính của đề án 30 tại bộ, ngành, địa phương mình.

- Đẩy mạnh trao đổi thông tin về tình hình thực hiện và kết quả triển khai đề án 30 giữa Tổ công tác các bộ, ngành, địa phương với Tổ công tác trung ương cũng như với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà tài trợ nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm của toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của đề án 30; Tùy theo điều kiện cụ thể của mình, bộ, ngành, địa phương xây dựng các ấn phẩm truyền thông, sân khấu hóa các hoạt động truyền thông về đề án 30 và các chủ trương, chính sách của bộ, ngành, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính.

- Xây dựng báo cáo và đánh giá với các chỉ số định lượng và định tính rõ ràng về sự phù hợp, kịp thời, hiệu quả, các tác động về chính trị, kinh tế, xã hội của đề án 30.

- Các cơ quan thông tấn báo chí bộ, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ được giao tiến hành xây dựng chuyên trang, chuyên mục về mục tiêu, ý nghĩa, kết quả thực hiện đề án 30 tại bộ, ngành, địa phương và tổ chức tuyên truyền ra công chúng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các hình thức thể hiện bao gồm phóng sự, phỏng vấn, câu chuyện điển hình, đặc biệt chú trọng các hình thức đối thoại trực tiếp của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp với doanh nghiệp và khán thính giả; tăng thời lượng phát sóng trên các kênh phát thanh, truyền hình và qua trang tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.

3. Kinh phí thực hiện

Truyền thông là một trong các nội dung hoạt động quan trọng của đề án 30. Căn cứ vào các hoạt động truyền thông cụ thể, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán kinh phí truyền thông đề án 30 từ kinh phí thường xuyên của bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Thông tư số 129/2009/TT-BTC ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính.

4. Tổ chức thực hiện

- Tổ công tác thực hiện đề án 30 các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào Kế hoạch truyền thông (phê duyệt tại Quyết định số 632/QĐ-VPCP ngày 29/5/2009) và hướng dẫn tại văn bản này xây dựng và trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng giám đốc các cơ quan Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phê duyệt Kế hoạch truyền thông đề án 30 tại bộ, ngành, địa phương mình; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt. Trong kế hoạch này giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thông tấn báo chí của bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền về tình hình, kết quả triển khai thực hiện đề án 30.

- Tổ công tác thực hiện đề án 30 các bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ là đầu mối cung cấp thông tin, tài liệu hỗ trợ truyền thông cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành; các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố; các cơ quan thông tấn báo chí của Bộ, địa phương. Kịp thời báo cáo Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng giám đốc các cơ quan về tình hình thực hiện kế hoạch truyền thông của các đơn vị để có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn khi cần thiết; hàng tháng đưa kết quả triển khai Kế hoạch truyền thông vào báo cáo định kỳ kết quả thực hiện đề án 30 tại bộ, ngành, địa phương theo mẫu báo cáo ban hành kèm theo Công văn số 05/CCTTHC ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

- Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính phối hợp với Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng triển khai Kế hoạch truyền thông, quảng bá các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính và tăng cường mức độ tham gia của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình thực hiện Đề án 30.

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TTg, các PTTgCP (để báo cáo);
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT;
- TCTCT: các Tổ phó và thành viên, thành viên Tổ thư ký HĐ tư vấn;
- Lưu: VT, CCTTHC (5).

TỔ TRƯỞNG
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VPCP




Nguyễn Xuân Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 166/CCTTHC về việc hướng dẫn thực hiện Kế hoạch truyền thông do Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 166/CCTTHC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/07/2009
  • Nơi ban hành: Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản