Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0760/TM-XNK | Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề chất lượng hàng nông, thủy sản xuất khẩu (ghi tại công văn số 975/B11 (B32) của Tổng cục V-Bộ Công an ngày 19/4/2002), Bộ Thương mại đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành hữu quan và một số doanh nghiệp vào ngày 3/5/2002 để nắm thêm tình hình và bàn biện pháp giải quyết. Tham gia cuộc họp có đại diện của các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Thuỷ sản, các Tổng Công ty Rau quả, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Hiệp hội Chè Việt Nam.
Dưới đây là các nội dung chính của cuộc họp:
1. Tình hình chất lượng hàng nông, thuỷ sản của ta hiện nay:
- Tính đến ngày 5/4/2002 đã có 70 lô hàng thuỷ sản của ta bị EU và Thụy Sỹ cảnh báo có dư lượng kháng sinh và nhiễm vi sinh vật. Tại Pháp một số lô hàng thực phẩm của ta (như nấm) cũng bị phát hiện nhiễm khuẩn. Nhiều mẫu chè gửi sang EU kiểm nghiệm bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu nên khách hàng từ chối ký hợp đồng. Trong nước, hiện tượng ngộ độc rau quả xảy ra ngày càng nhiều.
- Vấn đề dư lượng kháng sinh, hóa chất và nhiễm khuẩn đã tác động xấu tới xuất khẩu các mặt hàng nông thuỷ sản của Việt Nam, đặc biệt là vào thị trường EU. Gần đây Uỷ ban Châu Âu đã chính thức thông báo: nếu Việt Nam còn có hàng chứa chất kháng sinh cấm trong thời gian ngắn sắp tới thì EU sẽ áp dụng biện pháp như đã áp dụng đối với Trung Quốc (ngừng cho phép nhập hàng vào EU). Nếu ta không giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt và triệt để thì hậu quả sẽ rấn lớn. Hàng Việt Nam sẽ bị mất uy tín đối với nhiều thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Thiệt hại về mặt vật chất cũng không nhỏ (chỉ riêng 70 lô hàng thuỷ sản của ta bị EU trả về hoặc tiêu huỷ tại chỗ cũng đã gây tổn thất khoảng 15 triệu USD). Nếu thuỷ sản bị cấm xuất khẩu vào EU thì tổn thất dây chuyền sẽ rấn lớn, khó có thể dự báo được. Mỹ sẽ thay thiết bị kiểm tra chloramphenicol có thể phát hiện 0,01 phần tỷ thay cho loại máy hiện nay chỉ phát hiện 5 phần tỷ.
2. Nguyên nhân:
Sau khi xem xét, Hội nghị nhận thấy một số nguyên nhân chính như sau:
- Sản xuất nông nghiệp ở nước ta là sản xuất nhỏ, phân tán, nông dân có phần chạy theo lợi nhuận trước mắt nên ý thức và kiến thức sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, phân bón còn yếu. Nhiều nơi sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật khá bừa bãi, bất chấp hậu quả.
- Luật doanh nghiệp của ta hiện nay là rất thông thoáng. Tất cả các doanh nghiệp đều được sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nên đã dẫn đến việc nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu chạy theo lợi nhuận trước mắt, không quan tâm đúng mức tới vấn đề xử lý và uy tín làm ăn lâu dài (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, không đủ thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa chất lượng cao, làm ăn theo kiểu “phi vụ”). Ý thức của bộ phận doanh nghiệp này đã tác động ngược trở lại nông dân làm cho ý thức của nông dân đã kém lại càng kém hơn.
- Sự phối hợp giữa các ngành trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được tốt. Có thể từng ngành thì làm tốt, nhưng phối hợp chung thì chưa được. Ví dụ, một số loại kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản nhưng lại được dùng trong y tế và thú y. Hiện nay việc kiểm tra chất lượng bắt buộc đối với hàng nông, thuỷ sản và thực phẩm xuất khẩu còn đang tranh cãi, chưa ngã ngũ.
- Cho tới nay ta chưa kiểm soát, ngăn chặn được việc thẩm lậu thuốc trừ sâu, hóa chất, kháng sinh với giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam.
3. Các công việc đã tiến hành:
- Từ khi Uỷ ban Châu Âu ra quyết định yêu cầu các nước thành viên kiểm tra dư lượng chất kháng sinh (đặc biệt là chloramphenicol) đối với 100% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Thuỷ sản đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách để ngăn chặn việc sử dụng các chất kháng sinh bị EU cấm.
- Ngày 25/2/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 07/2002/CT-TTg về việc tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật. Sau khi có Chỉ thị này, Bộ Thuỷ sản đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, xử lý việc sử dụng kháng sinh, hóa chất bị cấm, tổ chức nhiều lớp cho các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm tra ở địa phương và đầu tư nâng cấp thiết bị phân tích nguy cơ ch NAFIQACEN.
- Ngày 2/4/2002, Bộ Thuỷ sản đã có công văn số 792/TS/KHCN báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 07/2002/CT-TTg nói trên của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ vì sao các lô hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu vào EU tiếp tục bị phát hiện nhiễm kháng sinh và có kiến nghị một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ (xin đính kèm).
- Ngày 19/4/2002, tại công văn số 220/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT chuẩn bị để làm việc với CH Pháp về một số vấn đề có liên quan đến chất lượng hàng nông, thuỷ sản của ta.
- Ngày 24/4/2002, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 29/2002/QĐ-BNN cấm một số hóa chất, kháng sinh trong nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y, trong đó có chloramphenicol, Furazolidon và một số dẫn xuất thuộc nhóm Nitrofuran.
- Bộ Thuỷ sản đang phối hợp với các cơ quan chức năng của EU để từng bước giải quyết vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm xuất khẩu của ta. Các biện pháp đang làm là: đề nghị mua các loại kháng sinh thay thế cho những loại cấm sử dụng từ các công ty dược do chính các cơ quan thẩm quyền về chất lượng của EU giới thiệu; hợp tác với EU trong việc nâng cấp các phòng kiểm nghiệm và nâng cao năng lực cho chuyên viên ta; phát triển nhãn hiệu “sạch”; hợp tác với FDA (Hoa Kỳ) để thực hiện “Kế hoạch hợp tác theo chương trình nghiên cứu thực hành nuôi thuỷ sản tốt-GAP”...
Nhìn chung các biện pháp của Bộ Thuỷ sản là rất tích cực. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã phối hợp nhưng còn chậm, chủ yếu là do quyền lợi xuất khẩu chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tình hình đã đến mức báo động. Nếu các Bộ Thuỷ sản, Nông nghiệp và Y tế không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
4. Kiến nghị:
Các biện pháp ta đã thực hiện ở trên là hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mang tính quyết định đối với xuất khẩu nông, thuỷ sản và thực phẩm của Việt Nam nên cần giải quyết một cách triệt để hơn và cương quyết hơn. Hội nghị kiến nghị:
a. Tăng cường kiểm tra từ gốc:
· Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại) phối hợp với Tổng cục Hải quan tiến hành quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, ngăn chặn có hiệu quả việc thẩm lậu vào nước ta từ Trung Quốc các loại kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, nếu cần thì áp dụng các biện pháp tình thế: đưa các mặt hàng này vào diện kinh doanh có điều kiện hoặc chỉ giao cho một số doanh nghiệp tin cậy nhập còn nói chung cấm kinh doanh.
· Nghiêm cấm sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất trong danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Thuỷ sản trong tất cả các khâu từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông cho đến bảo quản, vận chuyển sản phẩm.
( Để bảo đảm hiệu quả kinh doanh và uy tín của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm cần tự kiểm tra nguyên liệu đầu vào bằng máy phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh, đồng thời thông báo cho bên cung cấp nguyên liệu về hậu quả của việc sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất bị cấm.
· Nhà nước, mà chủ yếu là UBND các tỉnh, cần đầu tư nhiều hơn cho công tác khuyến nông, khuyến ngư để hình thành mạng lưới đồng bộ từ tỉnh cho đến huyện, xã, bảo đảm hướng dẫn nông dân chăn nuôi, trồng trọt đúng quy định, không sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất bị cấm.
· Các nhà máy sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản phải đáp ứng tiêu chuẩn về công nghệ chế biến. Nếu cần, có thể xem xét lại các quy định của Luật Doanh nghiệp để đưa những mặt hàng này vào diện kinh doanh có điều kiện.
Để thực hiện tốt các giải pháp trên, cần quy định trách nhiệm cụ thẻ cho các ngành và các địa phương. UBND các tỉnh cần tham gia sâu hơn vào quá trình kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập “Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm” để phối hợp tốt hơn công việc của các Bộ, ngành.
b. Tăng cường kiểm tra chất lượng hàng thực phẩm xuất khẩu:
· Nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng: Cần đầu tư ngay trang thiết bị hiện đại cho các phòng kiểm tra chất lượng hàng nông thuỷ sản xuất khẩu. Nếu cầu, có thể xem xét mời nước ngoài vào kinh doanh dịch vụ kiểm tra, thí dụ như chính thức mời SGS vào Việt Nam.
· Trước mắt, 100% các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu vào EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải qua kiểm tra chất lượng Nhà nước trước khi xuất khẩu. Khi đã có đủ trang thiết bị kiểm tra, sẽ áp dụng tiếp cho chè và rau quả, nấm, mật ong xuất khẩu. Những doanh nghiệp tái phạm cho tạm ngừng xuất khẩu.
· Để làm việc này, cần chấn chỉnh ngay hệ thống kiểm tra chất lượng còn rất yếu và rất phân tán.
c. Hỗ trợ của Nhà nước:
· Đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản mua ngay thiết bị phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh, hóa chất trong nguyên liệu đầu vào. Nhà nước hỗ trợ kinh phí để nhập khẩu thiết bị kiểm tra và xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại tương đương với tiêu chuẩn của EU để bảo đảm việc kiểm tra chất lượng có hiệu quả. Về vấn đề này tuy đã có đề án nhưng còn đang bàn ở Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ai làm?
· Việc tăng cường phổ biến thông tin tới bà con nông, ngư dân, các hộ buôn bán, các nhà cung ứng nguyên liệu là rất quan trọng. Cần đẩy mạnh việc phổ biến thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chính quyền địa phương phải phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến ngư tổ chức các cuộc tuyên truyền cho bà con, phát các tờ rơi hướng dẫn việc thực hành sản xuất đúng quy trình, không sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất bị cấm.
· Các hình thức xử phạt: Đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thuỷ sản, Bộ Thương mại rà soát điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để làm căn cứ kiểm tra, xử lý vi phạm. Cần có các quy định thật cụ thể về chế tài.
· Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cần yêu cầu các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thận trọng về tình hình sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh và hóa chất nông nghiệp ở Việt Nam. Tuyên truyền để hướng dẫn bà con thì nên nhưng không nên đưa những tin bất lợi cho xuất khẩu của ta.
Trên đây là các nhận định và kiến nghị của Hội nghị bàn biện pháp giải quyết vấn đề chất lượng nông, thuỷ sản xuất khẩu. Xin báo cáo Thủ tướng xem xét và sớm cho ý kiến chỉ đạo.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
- 1Quyết định 29/2002/QĐ-BNN về việc cấm một số hoá chất, kháng sinh trong nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Chỉ thị 07/2002/CT-TTg về tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 29/2002/QĐ-BNN về việc cấm một số hoá chất, kháng sinh trong nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Chỉ thị 07/2002/CT-TTg về tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Công văn số 0760/TM-XNK ngày 13/05/2002 của Bộ Thương mại về chất lượng hàng nông thuỷ sản xuất khẩu
- Số hiệu: 0760/TM-XNK
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 13/05/2002
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Vũ Khoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra