BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4527-ĐTr | Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 1996 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ Y TẾ SỐ 4527/ĐTr NGÀY 8 THÁNG 6 NĂM 1996HƯỚNG DẪN XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TRONG BỆNH VIỆN
Kính gửi:
| - Giám đốc các Sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, |
Trong vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương nâng cấp bệnh viện của Bộ Y tế, các bệnh viện đã tiến hành tu bổ buồng bệnh, cải tạo công trình vệ sinh, cống rãnh thoát nước, tạo ra được chuyển biến ban đầu về vệ sinh làm sạch và làm đẹp môi trường bệnh viện. Tuy nhiên việc thu gom và xử lý chất thải bệnh viện nói chung và xử lý chất thải rắn nói riêng đang là một vấn đề lớn gây sự chú ý của xã hội và các ban ngành hữu quan. Khuôn viên bệnh viện còn nhiều rác, ẩm ướt, cây cỏ mọc nhiều; rác thải y tế và các phố thải lây nhiễm chưa được phân loại ra khỏi rác sinh hoạt chung và chưa được thu gom, vận chuyển, xử lý thích đáng, trước khi tập trung vào bãi rác công cộng. Bên cạnh đó nước thải của nhiều bệnh viện chưa được xử lý sinh học trước khi chảy vào hệ thống nước thải công cộng.
Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân gây ra, một phần do chưa có các quy chế và hướng dẫn chi tiết về quy trình thu gom và xử lý chất thải, một phần do bệnh viện được xây cất đã lâu, hệ thống cống rãnh, bể chứa trong bệnh viện chưa được xây dựng hoặc sửa chữa theo tiêu chuẩn và một phần do chưa nhận thức đúng về lợi ích tổng thể và lâu dài, nên chưa có các biện pháp hữu hiệu để xử lý và khống chế lượng chất thải đang có xu hướng ngày càng tăng trong bệnh viện dẫn đến môi trường trong và xung quanh bệnh viện bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khoẻ của cán bộ nhân viên và sức khoẻ của nhân dân trong các cộng đồng xung quanh bệnh viện.
Hiện nay, một số bệnh viện thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Tiền Giang... đã bước đầu triển khai thực hiện xử lý chất thải bệnh viện có kết quả. Tuy nhiên, đây là một vấn đề có tính xã hội, đòi hỏi sự phối kết hợp của các cấp chính quyền địa phương và các ban ngành hữu quan. Trong khi chờ đợi Bộ nghiên cứu các giải pháp để thực hiện triệt để việc xử lý chất thải bệnh viện, trước mắt các bệnh viện cần thực hiện các biện pháp xử lý chất thải rắn theo hướng dẫn dưới đây:
1. Phân loại chất thải rắn:
1.1. Chất thải rắn thông thường (hay còn gọi là chất thải rắn sinh hoạt), bao gồm: giấy, bìa, bao hộp đóng gói, khăn giấy lau tay, đồ vãi - hoặc tã lót rách, dây truyền huyết thanh, các túi dựng dịch dẫn lưu dạ dày hoặc bàng quang, lá bánh, thức ăn bỏ đi...
1.2. Chất thải rắn y học bao gồm:
- Các ống tiêm, kim, mảnh vỡ thuỷ tinh và các dụng cụ sắc nhọn.
- Các loại mô và cơ quan người từ các phòng mổ, phòng tiểu phẫu;
- Các bệnh phẩm nuôi cấy, mô hoặc xác động vật từ các phòng xét nghiệm thải ra.
- Các chất thải nhiễm trùng từ các phòng cách ly đặc biệt và từ các khoa truyền nhiễm.
- Các băng thấm dịch hoặc máu ...
- Các thuốc loại ra do quá hạn hoặc kém phẩm chất.
2. Thu gom chất thải rắn:
2.1. Các chất thải rắn thông thường như mô tả ở (1.1), được thu gom và chứa trong túi nilon có màu xanh. Các túi nilon này được để trong thùng nhựa màu xanh có nắp đậy, đặt tại các khoa phòng, các phòng khám, hành lang và nơi tiện cho việc thu gom.
2.2. Các chất thải rắn y tế như: bông, băng thấm dịch hoặc máu; các hộp thuốc quá hạn; các mô hoặc tổ chức cơ chế; các chất thải nhiễm khuẩn từ các phòng cách ly; thuốc và hoá chất loại ra kém phẩm chất, được thu gom và chứa trong các túi nilon màu vàng. Các túi này được để trong các thùng nhựa màu vàng có nắp đậy đặt tại những nơi tiện cho việc thu gom và tránh nơi có nhiều người qua lại. Đối với các mô, tổ chức của cơ thể, các chất thải nhiễm khuẩn, phải tuân theo quy trình thu gom và xử lý nghiêm ngặt.
2.3. Các vật sắc nhọn như: bơm tiêm, kim tiêm, dao kéo... được để trong can nhựa, hoặc trong các chai có nắp đậy, can nhựa, hoặc trong các chai có nắp đậy, can hoặc chai có thành dầy và đủ cứng để không bị chọc thủng. Các can và chai đựng cần đặt ở nơi thường làm các thủ thuật để tiện việc thu gom và quản lý.
3. Vận chuyển, tập trung và xử lý chất thải:
3.1. Các chất thải rắn thông thường như đã nêu ở mục (2.1), được chuyển tới nhà hoặc hầm chứa rác của bệnh viện ít nhất một lần/ngày hoặc khi đầy. Khi vận chuyển cần buộc chặt miệng túi. Nhà hoặc hầm chứa rác phải có mái che hoặc lưới chắn côn trùng và súc vật, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường trong và xung quanh bệnh viện. Các thùng đựng rác phải được đánh cọ hàng ngày.
3.2. Các chất thải y tế rắn có nguy cơ lây nhiễm như đã ghi ở mục (2.2), cần vận chuyển 2 lần/ngày, khi vận chuyển cần buộc chặt miệng túi và phải xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Nếu xử lý bằng phương pháp đốt, các bệnh viện có thể xây lò đốt rác chung cho các bệnh viện trên cùng địa bàn, các lò đốt cần đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Nếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp, cần phải đào hố ở nơi cách xa nguồn nước, hố chôn phải đảm bảo độ sâu theo quy định. Đối với các bệnh phẩm, hoá chất thải ra từ các phòng xét nghiệm, nếu có điều kiện nên tiệt khuẩn bằng nhiệt độ hoặc hoá chất trước khi đem đi chôn hoặc đốt.
3.3. Các vật sắc nhọn như đã nêu ở mục (2.3), khi vận chuyển phải để trong các hộp cứng và đậy nắp cẩn thận. Nếu xử lý bằng phương pháp đốt, lò đốt phải đảm bảo đủ nhiệt độ để phá huỷ các vật sắc nhọn; nếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp cần phải chôn sâu để tránh các nguy cơ đào bới sau này.
Để các phương án xử lý chất thải rắn mang tính khả thi và phù hợp với từng loại bệnh viện và hoàn cảnh từng địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bệnh viện trong cùng khu vực và công ty môi trường đô thị để bàn và thống nhất phương án giải quyết.
Nhận được công văn này, các bệnh viện cần triển khai ngay kế hoạch thực hiện trong phạm vi bệnh viên của mình và báo cáo với Sở Y tế tỉnh, thành phố, để Sở Y tế làm việc với Công ty vệ sinh môi trường và các ban ngành hữu quan, cùng phối hợp giải quyết. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn hoặc đề xuất, cần báo cáo về vụ điều trị Bộ Y tế để giải quyết.
| Lê Đức Chính (Đã ký) |
Công văn hướng dẫn xử lý chất thải trong bệnh viện bệnh
- Số hiệu: 4527-ĐTr
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 08/06/1996
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Lê Đức Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/06/1996
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực