Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC DU LỊCH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 170/DL

Hà Nội, ngày 29 tháng 2 năm 1988

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC DU LỊCH SỐ 170/DL NGÀY 29 THÁNG 2 NĂM 1988

Kính gửi: Các đơn vị trong toàn ngành.

Vừa qua Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 312/CT " Về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch"- hướng dẫn thi hành Điểm 4 - Nghị quyết 63/HĐBT ngày 11/4/1987 của Hội đồng Bộ trưởng.

Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tổng cục hướng dẫn thêm một số điểm dưới đây:

A- NGOẠI TỆ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA (USD)

Để thực hiện kết hối theo đúng tinh thần Nghị quyết 63/HĐBT và Quyết định 342/CT của Hội đồng Bộ trưởng khi lập bảng phân tích ngoại tệ, các đơn vị kinh doanh du lịch cần lưu ý:

1. Doanh thu ngoại tệ: Với phương thức thanh toán mới, khi cung ứng sản phẩm - dịch vụ cho khách Công ty Du lịch có thể thu được các phương tiện chi trả (séc, phiếu, tiền mặt, bằng các loại ngoại tệ như USD) FF. Mác Tây Đức... hoặc đồng A (đồng Việt Nam có gốc là ngoại tệ tư bản chủ nghĩa) theo hướng dẫn tại Công văn 228-NH-CV ngày 24/11/1987 của Ngân hàng Nhà nước và công văn 1545/DL ngày 23/12/1987 của Tổng cục Du lịch.

Đơn vị kinh doanh du lịch nộp số ngoại tệ đó vào ngân hàng và nhận được khoản tiền Việt Nam tương ứng theo tỷ giá quy định (1). Đồng thời ngân hàng hạch toán theo dõi trên tài khoản 9915 "doanh thu ngoại tệ đã kết hối cho phân tích cấp quyền sử dụng ngoại tệ".

Nếu khoản ngoại tệ đó được phân tích ngay khi nộp vào ngân hàng, thì sẽ kết hối lấy tiền Việt Nam đồng thời ngân hàng cấp quyền sử dụng ngoại tệ cho đơn vị theo tỷ lệ quy định.

Quyền sử dụng ngoại tệ của đơn vị kinh doanh du lịch được thể hiện trên tài khoản 9916.

2. Kết hối vào quỹ ngoại tệ tập trung và để lại cho đơn vị cơ sở: ở đây có 3 trường hợp.

a) Kim ngạch thu được qua nguồn vốn vay trung và dài hạn của Ngân hàng trong nước hoặc hợp tác và vay của nước ngoài thì miễn kết hối cho đến khi trả xong các khoản nợ đó.

b) Đối với các khoản doanh thu và các dịch vụ du lịch như ăn, uống, buồng, vận tải mà các chi phí gốc bằng đồng Việt Nam thì kết hối 20% doanh thu ngoại tệ. Số còn lại cho đơn vị cơ sở.

c) Đối với các khoản doanh thu trong đó có một phần vốn bằng ngoại tệ (vay mua hàng hoá - vật tư, trang thiết bị... thu hộ) và chi phí khác bằng ngoại tệ thì:

- Loại trừ 100% vốn và chi phí đó ra khỏi doanh thu ngoại tệ và đưa vào tài khoản 9916 để có nguồn trả vốn, phí nêu trên.

- Sau khi đã loại trừ xong mới kết hối 20%, vào quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước. Phần còn lại (80%) đưa vào tài khoản 9946 của đơn vị kinh doanh du lịch.

3. Sử dụng ngoại tệ:

- Ngoại tệ tự có để lại tài khoản 9946 của đơn vị kinh doanh du lịch được sử dụng vào các mục đích dưới đây:

- Điều tiết một tỷ lệ để thành lập quỹ ngoại tệ tập trung của ngành cho đoàn ra, đóng niên liễm hàng năm cho " tổ chức du lịch thế giới - OMT của Liên hiệp quốc", kinh phí cơ quan đại diện, tuyên truyền quảng cáo đối ngoại... Căn cứ vào đặc điểm tình hình của từng đơn vị và nhu cầu phát triển trong từng thời kỳ. Tổng cục tạm thời quy định mức điều tiết trong năm 1988 là 2% thực thu ngoại tệ của đơn vị.

- Số còn lại: Đơn vị chủ động sử dụng để tái sản xuất mở rộng và kinh doanh du lịch.

B.- NGOẠI TỆ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (RCN);

1. Kết hối: Toàn bộ ngoại tệ xã hội chủ nghĩa (RCN) thu được của khách du lịch ký kết, khách xã hội chủ nghĩa khác, và chuyên gia dầu khí sẽ kết hối vào quĩ ngoại tệ tập trung của Nhà nước đưa vào tài khoản 9946 theo tỷ giá quy định (2).

2. Sử dụng: Căn cứ vào kết quả kinh doanh thu RCN, Uỷ ban khoa học nhà nước sẽ giải quyết cho ngành Du lịch những yêu cầu chi, nói trong điểm 2b - về quyền sử dụng ngoại tệ đối với ngoại tệ xã hội chủ nghĩa - Quyết định 342/CT ngày 9 tháng 12 năm 1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

C - LỢI NHUẬN.

Theo quy định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, từ nay đến năm 1990, lợi nhuận được sử dụng ưu tiên vào mục đích phát triển cơ sở vật chất và kinh doanh du lịch theo tỷ lệ 10% - quĩ tập trung của ngành; 10% - nộp ngân sách địa phương; 80% - để lại cho cơ sở.

Qua tham khảo ý kiến của các đơn vị cơ sở, Tổng cục hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như sau:

a) Điều tiết để lập các quỹ tập trung của ngành 10% (đối với một số trường hợp đặc biệt, Tổng cục sẽ có quy định riêng).

b) Đóng góp vào ngân sách địa phương 10% (đối với Công ty du lịch trực thuộc Uỷ ban nhân dân thì trong trường hợp đặc biệt Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có thể quy định riêng).

c) Để lại cho đơn vị cơ sở: Số lợi nhuận còn lại sau khi đã làm nghĩa vụ ở điểm a, điểm b.

Số lợi nhuận để lại đó được phân bổ cho các quỹ của đơn vị theo sự nhất trí giữa đại hội công nhân viên chức và giám đốc, trong đó, đối với các công ty du lịch, phần dành cho quỹ phát triển sản xuất không ít hơn 80%, đối với một số các đơn vị khác. (Việt Nam- tourism, TTQC...) sẽ có quy định riêng.

Trong khi chưa tổ chức đại hội công nhân viên chức thì giám đốc căn cứ vào nguyên tắc trên, tạm thời quy định việc phân phối vào các quỹ của xí nghiệp.

Việc trích lợi nhuận được tiến hành như sau:

- Tuỳ theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh, hàng quý được tạm trích 70% theo kế hoạch để lập các quĩ.

- Khi quyết toán năm và xét duyệt hoàn thành kế hoạch năm sẽ xác định lợi nhuận thực tế đạt được để đơn vị trích tiếp phần còn lại.

- Các quy định phạt trừ sẽ nghiên cứu và hướng dẫn tiếp.

- Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc các đơn vị cần phản ánh kịp thời về Tổng cục để nghiên cứu, giải quyết.

 

Trần Quốc Hương

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn hướng dẫn thêm về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch

  • Số hiệu: 170/DL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/02/1988
  • Nơi ban hành: Tổng cục Du lịch
  • Người ký: Trần Quốc Hương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/02/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản